Gờ-ráp đứng ngáp

Thứ Ba, 10/04/2018, 17:17
Thằng em giải thích: “Bố em là nhà đầu tư bất động sản, xưa cắm căn hộ vay tiền cho em đi du học. Nhưng em đang học nửa chừng thì xảy ra vụ cháy, ngân hàng xiết nợ, bố kêu em về chạy Gờ-ráp đỡ bố”.


Tôi và Hoàng chơi thân từ nhỏ. Chúng tôi học cùng mẫu giáo, rồi cấp hai, cấp 3.

Lên đại học tôi với nó mới tạm “chia tay”, vì nó thi vào Sư phạm, còn tôi thi Ngoại ngữ.

Hoàng là đứa siêng năng, học giỏi. Hồi học cấp 3 nó được rất nhiều bạn gái để ý vì vừa học giỏi, lại vừa đẹp trai, dẻo miệng. Tôi thì ngược lại chẳng có  ai để ý bởi học không giỏi, lại khù khờ khù khào.

Nghe đâu lên đại học Hoàng học cũng rất giỏi, lúc nào cũng nhất khối, được tuyển thẳng không phải thi chuyển giai đoạn, ra trường với bằng tốt nghiệp màu đỏ.

Nó học Sư phạm tôi nghĩ là đúng ngành đúng nghề, tương lai sẽ có thêm một người thầy giỏi để góp phần vào công cuộc trồng người, đào tạo nhân tài cho đất nước.

Ảnh minh họa.

Còn tôi, học đại học cũng trầy trật, phải “ra trường” trễ mất mấy năm. Thế nhưng, sau khi tốt nghiệp tôi vô cùng ngạc nhiên vì biết Hoàng không về đi dạy, mà vào thành phố chạy Gờ-ráp.

Hỏi ra mới biết, sau khi học xong Đại học Sư phạm, Hoàng có cầm tấm bằng loại giỏi về quê xin việc, nhưng nghe đâu lượng giáo viên đã đủ.

Gia đình Hoàng thương con, đã đủ đường lo liệu để kiếm một chân công chức. Nhưng cuối cùng mọi việc thất bại, tiền cũng không được trả lại.

Khi đó, ứng dụng chạy xe ôm Gờ-ráp vừa ra, Hoàng nhanh nhạy sắm một chiếc xe máy để vào thành phố chạy, với hy vọng sẽ nhanh kiếm đủ tiền trả nợ ngân hàng, lấy lại sổ đỏ cho ông bà già.

Hoàng chí thú làm ăn, chạy Gờ-ráp tết cũng không về quê, nó nói chạy ngày tết giá cao hơn.

Bẵng đi mấy năm không gặp, hôm nay đi qua ngã tư đường ở một khu công nghiệp, tôi chợt thấy ai như thằng Hoàng bạn mình. Nó mang đồng phục Gờ-ráp, da đen cháy sém chứ không còn trắng trẻo đẹp trai như ngày nào.

Tôi nhanh chóng chạy lại, kêu to: “Ê Hoàng! Lâu quá không gặp!”.

Nó cũng nhanh chóng nhận ra tôi, ánh mắt sáng lên mừng rỡ: “Ủa, mày đi đâu đây?!”.

“Tao đang định lên khu chung cư mới ở gần đây để xem căn hộ, tính mua một căn”, tôi đáp.

“Trời, mày giờ giàu vậy hả. Kiếm được tiền mua chung cư luôn!”, Hoàng có vẻ ngạc nhiên.

“Ồ không”, tôi đáp. “Chẳng qua vừa rồi có vụ cháy chung cư ghê quá nên giá chung cư rớt, tao tranh thủ đi mua.

“À, thì ra là vậy, hèn gì nghề Gờ-ráp của tao giờ ế quá trời”, Hoàng thở dài.

Tôi ngạc nhiên: “Chuyện chung cư và chuyện mày chạy Gờ-ráp thì có liên quan gì?”.

Hoàng bắt đầu giải thích. Nó cho biết khoảng 1 tháng nay tự dưng người chạy Gờ-ráp tăng lên gấp bội. Ngày xưa mình nó bao nguyên chục ngã tư, còn bây giờ ngã tư nào cũng có 2-3 anh Gờ-ráp.

Nó nói nó đã tìm hiểu, hầu hết những tay chạy Gờ-ráp mới đều xuất thân là những nhân viên kinh doanh bất động sản. Có điều, nó vẫn không hiểu vì sao nhân viên bất  động sản lại bỏ ra chạy Gờ-ráp nhiều thế. Giờ nhờ tin tức của tôi nó mới thông suốt.

Tôi và Hoàng đang nói chuyện thì một cậu Gờ-ráp bên cạnh chen vô: “Không chỉ có nhân viên bất động sản đâu anh. Em là du học sinh mà cũng phải về chạy Gờ-ráp nè”.

Khỏi phải nói, tôi và Hoàng nghe xong trợn tròn mắt.

Thấy vậy, thằng em giải thích: “Bố em là nhà đầu tư bất động sản, xưa cắm căn hộ vay tiền cho em đi du học. Nhưng em đang học nửa chừng thì xảy ra vụ cháy, ngân hàng xiết nợ, bố kêu em về chạy Gờ-ráp đỡ bố”.

“Nhưng em thấy giờ chạy Gờ-ráp chỉ đứng ngáp”, thằng em kết luận.

Út Ngông
.
.
.