Gừng cay là gừng già

Thứ Năm, 11/06/2015, 08:00
Vừa rồi, nghe tin ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An treo ấn từ quan trước thời hạn hưu 2 năm, nhiều người ngẩn ngơ tiếc nuối. Nói ra thì thừa mà không nói ra thì thiếu.
Không phải tự nhiên mà năm 2001, ông Nguyễn Sự được UNESCO trao giải thưởng kiệt xuất về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa khu phố cổ Hội An; năm 2005 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động; năm 2012, được trao giải thưởng "Văn hóa Phan Chu Trinh".

Những dự án như đêm phố cổ, treo đèn lồng trên phố, phố không động cơ xe máy, cấm ôtô, Cù Lao Chàm không túi nilon… Tất cả những điều đó tạo cho du khách luôn muốn quay trở lại với thành phố thanh lịch, quyến rũ như cổ tích. Ông là tác giả của nhiều lệnh cấm. Từ cấm phong bì, massage, nữ cắt tóc nam... Nói cấm thì dễ, cấm được không dễ.

Về việc… từ quan, ông Sự nói rằng: "Mình tiếp tục ngồi lại sẽ cản đường anh em, khiến họ không có cơ hội thử sức, sáng tạo, cống hiến và phát triển". Ngạc nhiên chưa? Tại sao một tài năng tồn tại lại là vật cản của tài năng khác? Rõ ràng đây là vấn đề vô lý cần giải quyết. Câu chuyện của chúng ta không phải bàn cụ thể về ông Nguyễn Sự mà bàn về một môi trường làm việc kỳ quặc của chúng ta hiện nay.

Hãy xem mỗi chúng ta có thể cống hiến được gì? Thơ ấu đi học. Trưởng thành thì cố gắng tốt nghiệp một trường đào tạo nào đó rồi xin việc làm. Thời kỳ này vào cơ quan thì "xăng xái" đổ bã chè phục vụ và học hỏi các "ma cũ". Thường xuyên bị gọi xách mé là ê nhóc. Nhóc thì cống hiến được gì chứ.

Minh họa của Lê Tiến Vượng.

Muốn cải thiện chuyện chiếu trên, chiếu dưới thì xin đi học cao học rồi làm cái bằng tiến sĩ. Lúc ấy thì thoát nhóc. Thoát được nhóc thì đã "băm mấy nhát" rồi. Lúc này thì năng lực may ra được cọ xát đôi chút, nhưng mọi ý kiến vẫn chẳng ai đếm xỉa do kinh nghiệm chưa nhiều. Khi ấy mới biết té ra sự cọ xát không phải là xung đột ý tưởng mà là thiếu kinh nghiệm ứng xử.

Thành ra hay bị chú Ba, anh Bảy, dì Sáu trách. Khi ấy là thời kỳ sứt đầu mẻ trán. Muốn cống hiến thì phải tồn tại đã. Thế là phải biết kỹ năng lùi một tiến hai, ba. Nếu có gì thất thố thì được gọi là lỗi "thiếu quan sát". Khi kỹ năng vững thì đã ngũ tuần rồi. Thời kỳ này đủ điều kiện quyền lực để thực hiện hoài bão. Các ý tưởng hay nhất được hiện thực dăm ba phần thì đã lục tuần chuẩn bị cầm sổ hưu.

Độ tuổi "sói già" chín nhất, kinh nghiệm đầy mình, khỏe mạnh dẻo dai mà về hưu vừa lãng phí chất xám vừa làm cho quỹ bảo hiểm xã hội trở nên khó khăn trước tình trạng dân số già. Lao động ngừng thì bệnh tật đến. Khá nhiều nước biết tận dụng bàn tay và khối óc con người khi đã ngoài 60. Trung Quốc đang xem xét chế độ nghỉ trên 60.

Châu Âu có xu hướng tăng tuổi hưu từ 65 tới 68 tuổi. Tuổi hưu ở Nhật Bản, Mỹ là 65. Ở những đất nước này, người già phục vụ việc công cộng khắp nơi. Tiếp viên trên hàng không nội địa Mỹ thường là U60 và U70. Các nước này biết rõ gừng càng già càng cay. Với những người làm sáng tạo, khoa học thì lại càng cần tận dụng triệt để.

Người ta sẵn sàng chấp nhận người đủ năng lực mà không câu nệ chuyện tuổi tác. Thí dụ ông Ronald Reagan đã 70 tuổi vẫn được bầu làm Tổng thống Mỹ liền 2 khóa. Vấn đề là trong khu rừng, các bông hoa nên xếp hàng nở, héo lần lượt hay tất cả cùng khoe hương sắc dưới mặt trời. Người già không có nghĩa là ngoài cuộc.

Còn bạn, bạn có muốn là người ngoài cuộc không?

Lê Tâm
.
.
.