Hà Nội “tuyên chiến" với nói bậy

Thứ Bảy, 27/06/2015, 10:00
Trước thực trạng nói tục, phát ngôn vô văn hóa ngày càng tràn lan trong giới trẻ, kể cả giới trí thức; lãnh đạo thành phố Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các quận, huyện và một số Sở, ngành "tuyên chiến" với nạn nói tục trong nhà trường và ngoài xã hội.

Nói tục, chửi bậy, phát ngôn vô văn hóa là ứng xử của những người có khiếm khuyết trong giáo dục của gia đình, của nhà trường, là hành vi thiếu văn minh cần phải được lên án, loại trừ. Nhưng tuyên chiến bằng cách nào? Nói tục chửi bậy là thói quen, hẳn nhiên rồi. Nhưng thói quen đó trong mỗi người được hình thành từ đâu, và trong môi trường như thế nào để nó được nuôi sống, được phát triển đến mức trở thành một nguy cơ mà xã hội, các nhà quản lý buộc phải "tuyên chiến".

 Nên nhớ rằng, ngôn ngữ là câu chuyện của văn hóa. Để thay đổi một cung cách ứng xử, một thói quen ngôn ngữ, không hề dễ như người ta trị một cái mụn trên mặt. Đợi cái mụn chín rồi nặn cái nhân nó ra là xong. Hay cái ung nhọt to quá thì đi bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ nó đi là xong. Buông bỏ một thói quen xấu trong ngôn ngữ, trong tư duy là một câu chuyện dài, một cuộc chiến lâu dài, mà một khi đã "tuyên chiến" thì phải có nhiều biện pháp mới thắng lợi. Và ở đây, biện pháp xử phạt hành chính thực ra chỉ là biện pháp cuối cùng, sau rất nhiều những biện pháp khác.

Có hai địa chỉ để bắt đầu "cuộc chiến" chống nói bậy, đó là gia đình và nhà trường. Mọi cá nhân từ lúc chào đời đều phải được giáo dục trong hai môi trường này. Sự vô nhiễm cần phải được bắt đầu chính từ nơi đây. Và vaccin để chống lại căn bệnh nói tục có yếu tố lây lan cũng phải được bắt đầu từ những địa chỉ này. Không thể khác.

Thử hình dung, một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình có bố mẹ là những người lịch lãm, biết giữ gìn lời ăn tiếng nói, không dùng ngôn ngữ phàm tục, thô bạo để ứng xử với người lớn tuổi trong nhà như ông bà cha mẹ, không nặng lời xúc phạm nhau bằng ngôn từ bậy bạ, thì chắc chắn đứa trẻ đó sẽ không có cơ hội nói tục, không có khái niệm về nói tục trong suốt những năm tháng đầu đời. 

Chỉ tiếc là trong xã hội ta hiện nay, nhiều gia đình không buôn không bán, trí thức hẳn hoi, nhưng những người làm cha làm mẹ lại không thực sự là tấm gương cho con cái nữa. Họ ra ngoài cuộc sống, va đập với môi trường, chân trong chân ngoài làm ăn, tiếp xúc với đủ mọi hạng người, và chỉ có mục tiêu kiếm tiền, làm giàu vật chất thúc giục, nên họ dễ dàng bỏ quên những thuần phong mỹ tục.

Tư duy thực dụng lên ngôi, gia đình cũng mất dần trật tự vốn có của nó. Ai kiếm nhiều tiền là kẻ mạnh. Trẻ con trong nhà chứng kiến chuyện bố mẹ chúng ăn nói thiếu lễ phép với ông bà là chuyện thường. Rồi bố mẹ chúng, những lúc cơm không lành canh không ngọt, cũng bê nguyên xi ngôn ngữ đường sá, chợ búa vào mà hành xử với nhau. Rồi chuyện vứt rác sang nhà hàng xóm, xích mích  chuyện bé bằng cái móng tay với nhà hàng xóm cũng sẵn sàng dùng những lời lẽ độc địa thóa mạ nhau, đấy là chưa kể có những người sẵn sàng đối xử với nhau bằng bạo lực... Cho nên, nếu cái địa chỉ thứ nhất là gia đình, mà các bậc phụ huynh không ý thức rõ việc này, không kiên quyết "tuyên chiến" với nói bậy, thì con em họ sẽ không có một môi trường đủ tốt để phát triển ngôn ngữ.

Trẻ con là hình ảnh phản chiếu của người lớn. Văn hóa gia đình thế nào thì sẽ tạo ra những đứa trẻ thế ấy. Và khi cái nôi ban đầu đã nhiễm độc, ngôn ngữ ấu thơ của đứa trẻ đã vướng mùi tục bậy, e rằng sẽ thật khó uốn nắn về sau.

Địa chỉ thứ 2 là nhà trường. Nhà trường là nơi con người hình thành nhân cách, bồi dưỡng tri thức để làm người, làm nghề. Trong xã hội hôm nay, khi nền kinh tế thị trường với những quy luật nghiệt ngã của nó, mặt tốt và mặt xấu của nó đã tràn đến tận cổng mỗi ngôi trường, tác động không nhỏ vào tâm lý và cả ứng xử của những người làm thầy, thì việc giữ gìn môi trường dạy và học cho thanh cao, văn minh, nhã nhặn là không phải chuyện dễ dàng.

Cho nên, thầy ra thầy trò ra trò và giáo dục tuân thủ nguyên tắc học thật dạy thật, nói không với bệnh thành tích, nói không với tiêu cực... sẽ đưa môi trường giáo dục về với đúng nghĩa ban đầu của nó. Ở đó, những nguyên tắc cơ bản sẽ được thầy trò tuân theo triệt để. Thầy ứng xử mẫu mực, trò cũng sẽ vì thế mà mẫu mực theo.

 Còn nhớ, trong bức thư gửi các học trò nhân dịp năm học mới, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh đã kêu gọi học sinh: "Hãy trung thực, đừng dối trá. Hãy vị tha đừng vị kỷ. Hãy hòa đồng đừng đố kị. Hãy cao thượng đừng thấp hèn. Hãy độc lập suy nghĩ đừng a dua bầy đàn. Hãy nói lời thanh cao đừng buông câu tục tĩu...". Như vậy, nếu trong những năm tháng ngồi ghế nhà trường, mỗi con người được rèn giũa theo những quy chuẩn về văn hóa ứng xử, thì nhà trường sẽ cung cấp cho xã hội tương lai những con người có đủ hiểu biết, tri thức, họ sẽ không phổ cập vào xã hội nạn nói bậy tràn lan như chúng ta đang chứng kiến.

Người ta thường đổ lỗi cho xã hội, nhưng xã hội là gì? Gia đình là tế bào của xã hội. Nhà trường là nơi sản xuất ra những "kiểu mẫu văn hóa", "kiểu mẫu người" để cung cấp cho xã hội. Hãy bắt đầu từ hai địa chỉ này. Khi môi trường gia đình và nhà trường đủ thanh cao để mỗi cá nhân như bông hoa chỉ nói lời thanh khiết, thì nạn nói tục sẽ dần được đẩy lùi. Đó là cái gốc mà cuộc chiến chống nói bậy ở Thủ đô nhất định phải hướng tới. Chứ nếu gặp người nói bậy nơi công cộng, ta phạt hành chính họ, thì cũng chỉ là xử lý phần ngọn, hiệu quả sẽ chẳng đáng là bao.

Ts. Nguyễn Mai Phương
.
.
.