Hà Nội xưa và nay - Xe buýt ngày ấy và bây giờ

Thứ Tư, 26/08/2015, 17:00

Lần đầu tiên đi xe buýt nếu tôi nhớ không nhầm là vào những năm nửa cuối của thập niên 70 của thế kỉ XX đâu như quãng 77, 78 thì phải. Đến nay, mỗi bận về làng Chèm, quê tôi giờ thuộc quận Bắc Từ Liêm tôi vẫn ưa đi xe buýt. Vậy là gần 40 năm tôi đã gửi thân mình nơi phương tiện công cộng này của thành phố quê hương và nhận ra nhiều điều đáng nói.

Hồi đầu tôi đi xe buýt là thời gian tuy làng tôi cách Bờ Hồ trung tâm Hà Nội 12 cây số, và cách Yên phụ chừng hơn 6 cây mà sao thấy nó vời vợi. Muốn ra thành phố ăn kem, uống xi rô là phải đạp xe đạp mướt mải dưới cái gió đông hun hút từ bãi giữa sông Cái thổi vào, hay dưới cái nắng hè rừng rực oi bức. 

Hà Nội xưa và nay - Xe buýt ngày ấy và bây giờ -0

Bến tàu điện và xe buýt ở Bờ Hồ

Khi có chiếc xe buýt đầu tiên lên đậu ở bến cuối là chỗ Trạm trung Thủy Nông Thụy Phương, mà dân làng tôi gọi là Cầu Sông nơi nối sông Hồng và Nhuệ Giang, dân làng tôi gọi nôm là sông Đào, người Chèm tôi mừng lắm. Những năm có chiếc xe buýt đến làng Chèm tôi là thời ông Thứ trưởng đi xe Mốt cô vich trắng, ông Bộ trưởng đi xe Von ga đen đều là xe công nhà nước cấp. Thực phẩm thì phu nhân của hai loại cán bộ cấp cao này vào mua tại các cửa hàng cung cấp ở Nhà Thờ, Đặng Dung và nhất là Tôn Đản… 

Từ Yên Phụ hắt lên phía làng tôi là con đường bé tẹo chạy ngoằn ngoèo qua rẻo hàng cây cơm nguội, mặt đê đầy bò thả rông đang gặm cỏ. Tiếp liền là đê Nghi Tàm. Ngồi trên xe buýt vào mùa nước còn thấy nước sông Cái đỏ rực mấp mé bờ đê, trùm lên cả ngọn cây chuối đang độ nở hoa. Mặt đường thì cấp phối, sỏi đá răm lổn nhổn, mỗi khi xe ôtô đi qua thì cuộn lên những làn bụi ngút ngát như khói đốt rơm. Những chiếc xe buýt hồi đó đa phần được đóng từ Nhà máy Xe ca Ba Đình, địa điểm ở xế chợ Ngọc Hà. 

Cũng có cái hay là tuy là một doanh nghiệp đóng xe nhưng cơ sở này lại có đội bóng đá khá hay. Tuy chỉ được xếp là đội B nhưng đá ngang ngửa với tứ hùng bóng đá Hà Nội hồi đó là CAHN, Tổng cục Đường sắt, Tổng cục Bưu Điện và Thể Công. Thủ môn đội xe ca một thời tồn tại đến giờ là một HLV mát tay, nhất là khi ông đảm nhận vai trò này ở đội tuyển bóng đá nữ. 

Trở lại với xe Ba Đình làm xe buýt độ ấy. Máy móc, động cơ thì nhập ở nước ngoài, đâu như toàn của phe XHCN như Giải phóng, Mô Nô… Thùng xe, bệ xe đóng lấy, sơn thì rặt màu lá sim, lá chuối úa. Không hiểu có phải vì xe buýt chạy đa phần ở đường xấu hay là do chất lượng đóng xe độ ấy mà quả tình hồi đó tôi chưa bao giờ đi hay nhìn thấy một chiếc xe buýt nào chạy tuyến Chèm - Hàng Vôi lại có vẻ mới. 

Lúc nào tôi cũng thấy nó cũ kĩ, nhom nhem, xộc xệch và lành phành. Đó là chưa kể đôi ba chiếc thì thành xe bung một vài ốc vít nên khi xồng xộc lướt trên con đường mấp mô, những tấm tôn ốp thành hình xe lật phật kêu lên những tiếng xành xạch, cộng với tiếng đập của những đôi quang gánh, thúng mủng của mấy bà đi chợ xỏ tòng teng sau xe, trên nóc xe nghe vui ra phết. Chả thế mà xe buýt độ ấy thường được dân hay đi xe gọi là “chuồng gà bay”. 

Hồi đó cánh báo chí thì được Công ty Xe khách Thống Nhất tặng cho những tấm vé biếu, hết năm lại xuống công ty đổi lấy vé mới. Dạng hành khách là công nhân viên chức thì mua vé tháng. Loại khách này phần nhiều từ ngoại thành vào nên người nào người nấy xách tòng teng cặp lồng đựng suất cơm trưa. 

Dạo đó đời sống tầng lớp nào cũng khó khăn, kỉ luật xe buýt lại không nghiêm, hay nói đúng hơn là chưa chặt nên anh em tài xế rất thích chở những bà đi chợ, mà có vẻ ngán mấy anh vé tháng, thế cho nên cánh xe buýt hồi đó hay bị dân chỉ mặt đặt tên là chỉ “đón quang gánh mà tránh cặp lồng”. Dân vé tháng bực lắm, nên thư từ phản ánh nhan nhản gửi về đài báo, công ty. Thế là những cuộc họp báo do Công ty Xe khách Thống Nhất liên tục nhóm họp để giải thích cắt nghĩa tình trạng dân kêu. 

Tôi nhớ, Giám đốc công ty hồi đó là ông Ngô Quốc Minh, anh em tài, lơ và cả cánh báo chí gọi đùa là Ngô quốc trưởng. Phó là ông Bảo, người cao quá khổ so với người xứ ta nên gọi là Bảo cao. Có lần sau cuộc họp báo, một đội xe mời đám nhà báo ăn thịt chó. 

Vì cuộc họp kết thúc sớm, anh em kéo đến nhà đội trưởng Tạ Xưa - bố đẻ Tạ Đăng, tiền vệ lừng danh của đội bóng đá Tổng cục Bưu điện hồi đó. Thấy thịt chó chưa chín, ông Bảo cao sáng kiến giết thời gian bằng cách đưa đoàn nhà báo lên xe chạy kiểm tra tuyến Hà Nội - Phùng. Không hiểu sao chuyến kiểm tra đột xuất ấy, đoàn nhà báo chả phát hiện ra một hiện tượng nào có dấu hiệu xe buýt “đón quang gánh, tránh cặp lồng”… 

Vợ chồng tôi thì ở ngoài thành phố, nên cứ lăm lăm ngày cuối tuần là bố con tôi lại tranh thủ về thăm ông bà ở làng. Lễ mễ hết dắt lại bế con ra được đến bến gốc tuyến Hàng Vôi - Chèm. Thêm một giờ hơn giờ ngót nữa mới thấy xe đến. Lưng cõng con, tay xách túi chen chúc giữa những tấm lưng mặn chát mồ hôi lên được xe. Những hàng ghế chật ních. Loay hoay mãi tôi cũng tìm được chỗ đặt chân. Rồi cứ thế cõng con đứng chồn chân suốt cả chặng đường 12 cây số. 

Tôi cũng như hầu hết khách trên xe đều cố nghển cổ, dướn lên để hớp chút không khí khoáng đãng hiếm hoi bên ngoài lọt vào. Có lần có một anh bộ đội về phép thương cảnh cõng con lếch mếch của tôi, định nhường ghế nhưng xe đông qúa, anh bộ đội tốt bụng cũng không thể đứng lên cho bố con tôi ngồi xuống. Mùi mồ hôi, mùi hơi mồm, mùi hôi nách, cộng với mùi bụi đường, mùi khói ôtô khét lẹt tạo thành thứ mùi khó tả... Vậy mà chốc chốc lại có tiếng kêu “Ái, ái! Giẫm chết chân tôi rồi”. “Ơ cái nhà anh này, làm gì thế hả?”. ”Thì đông quá, người ta xô đẩy chẳng may chứ quý báu lắm mà người ta động với chạm”… Nếu hồi đó tôi đã vào độ tuổi như hôm nay chắc tôi không dám đi xe buýt để về quê nữa…

Còn đến thời nay. Sắp đến tuổi thất thập, mỗi lần về Chèm, tôi lại lững thững ra trạm xe buýt để đón xe. Có lẽ hôm nào lâu nhất cũng chỉ khoảng 10 phút, là chiếc xe buýt tuyệt đẹp, bóng bảy với màu sắc và hình dáng hiện đại không kém gì những chiếc xe buýt tôi đã từng đi ở Matxcơva (Nga), ở Sê un (Hàn Quốc), hay Man mo (Thụy Điển). Đó là những chiếc xe được đóng trong nước nhưng liên danh và sử dụng công nghệ của các hãng nổi tiếng nước ngoài như Hun Đai, Đai U, Sác co, Trường Hải… 

Tôi có thể lên xe số 4, hay xe số 36 đến trạm xe ở phố Hàng Tre chuyển sang xe 31 để về Chèm. Lên xe, tôi chưa kịp tìm được chỗ ngồi thì đã có một cháu lễ phép đứng lên nhường ghế. Tôi ngồi xuống yên vị rồi giở báo ra đọc. Tiếng nhạc, hay tiếng chương trình ATGT của Đài TNVN hay tiếng quảng cáo về văn minh và nội quy xe buýt êm êm cất lên. Ngoài trời nóng bức là vậy, nhưng trong xe là không khí mát rượi bởi nhiệt độ của điều hòa không khí. Đang chăm chú vào bài báo, bỗng tôi nghe thấy tiếng nói lễ phép của anh phụ xe “con xin phép bác đi vé tháng hay vé ngày ạ”…

Cứ như theo tôi một hành khách đi xe buýt thâm niên thì xe buýt Hà Nội đã có từ chòm chèm 40 năm về trước. Nhưng giờ cái địa điểm nổi tiếng của Công ty Xe buýt Thống Nhất thủa ông Ngô Quốc Minh làm Giám đốc ở 32 Nguyễn Công Trứ đã là trụ sở của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội với cái tên giao dịch Transerco nghe vang lên như độ lướt êm ả của xe buýt hiện  nay. 

Công ty xe buýt Thống Nhất đã có độ tuổi 40 boặc 45 gì đấy nhưng Transerco kể cả theo quyết định của UBND TP Hà Nội kí vào năm 2001, hay TCT do Chính phủ ra quyết định cho ra đời thì chỉ mới chỉ từ 11 đến 14 tuổi. Nhưng so với hơn 40 năm của xe khách Thống nhất với Transerco thì sự phát triển quả là kì về cả về khối lượng lẫn chất lượng.  

Không kể từ hồi xe buýt Hà Nội trong cái vỏ chật hẹp, lành phành chạy túc tắc chuyến được, chuyến không bên cạnh tàu điện leng keng mà chỉ tính từ năm 2001 được UB NDTP Hà Nội, rồi Chính phủ cho nâng cấp lên thành tổng công ty cũng đã thấy một trời một vực.

Năm 2001, Transerco mới có 30 tuyến xe, với 262 xe cùng lượt vận tải hành khách mới dừng ở con số khiêm tốn là 15,3 triệu lượt hành khách, thì đến năm 2014, số tuyến đã lên đến con số 53, với tổng số xe là 985 và số lượt hành khách vận chuyển đạt tới 401 triệu hành khách. Nếu nhìn vào sơ đồ các tuyến xe buýt chạy trong địa phận nội đô đã thấy như một mạng lưới dầy đặc bao phủ toàn bộ những địa điểm chính của Thủ đô Hà Nội. 16 tuyến hướng tâm, 13 tuyến xuyên tâm, 20 tuyến tiếp tuyến, và 4 tuyến đường vòng.

Với sự phát triển của mình, Transerco chiếm tỷ lệ 82,1% phương tiện buýt của toàn thành phố, về lý thuyết làm giảm 122.500 xe máy… Nhưng nếu để so sánh với xe buýt cách đây hơn 40 năm thì số lượng tăng gấp bội chưa nói lên bản chất sự phát triển của phương tiện giao thông công cộng này mà phải nói đến chất lượng của phương thức phục vụ. 

Giờ đây những chiếc xe buýt lành phành, bẩn thỉu “chuồng gà bay” vĩnh viễn đã không còn trên đường phố Hà Nội. Không những thế trong gần một nghìn xe buýt đang lưu hành đã có tới hơn 40% đạt tiêu chuẩn Euro II. Còn phương thức phục vụ thì Transerco lấy “cung cấp và làm hài lòng khách” là mục tiêu hàng đầu, làm sao khách cảm nhận được tiện ích của xe buýt công cộng. 

Vì thế nên các nguyên tắc của một lộ trình xe buýt hiện đại như chạy đúng tuyến, trả khách đúng điểm. Chở đúng đối tượng, bán vé đúng giá. Xe sạch sẽ. Phục vụ an toàn, văn minh. Không chở hàng hóa, hành lý cồng kềnh. Chạy đúng giờ. Giá rẻ hấp dẫn, phù hợp với thu nhập, được nhà nước trợ giá vé… 

Và trên những chiếc xe buýt sang trọng chạy trên đường phố Hà Nội hôm nay còn sử dụng hàng loạt công nghệ hiện đại để phục vụ nhu cầu tối đa cho hành khách. Đó là công nghệ GPS, Led, camera để tích hợp hệ thống thông tin, âm thanh trên mỗi chuyến xe… 

Tôi giở cuốn sổ công tác ghi chép cách đây chòm chèm 40 năm, thấy mỗi tuần Công ty xe khách Thống Nhất có từ 2.000 - 3.000 thư hành khách gửi đến cơ quan đài, báo chủ yếu để phê phán thái độ phục vụ. Còn năm 2014 vừa qua, Transerco nhận được 66.486 thông tin, quy ra cứ 1.000 lượt xe thì có 4,6 lượt tin trong đó có tỉ lệ 99% khách hàng bày tỏ sự hài lòng khi đi xe buýt Hà Nội.

Phó Tổng giám đốc Transerco Nguyễn Việt Triều đã làm việc ở Transerco từ thời xe buýt Thống nhất, có thể xem là chứng nhân của sự phát triển ngành xe buýt Hà Nội. Năm 1995, ông Triều làm Đội trưởng Đội kinh doanh vận tải. Hồi đó Giám đốc Ngô Quốc Minh đã được phép nhập 200 xe Karosa của Tiệp để chạy buýt, nhưng so với tổng số xe hồi đó thì vẫn bị lút lít giữa đám xe “chuồng gà bay”. 

Thậm chí nhập cả xe 24 chỗ gắn  máy lạnh, cũng trở thành lãng phí giữa nền kinh tế và cả mức sống của dân Hà Nội qua vài năm đổi mới chưa gượng hẳn dậy để đón nhận, hưởng thụ phương tiện giao thông công cộng cao sang đó… Nên đành xếp những xe sang trọng đó vào diện dịch vụ. Làm nghề báo nên kẻ viết bài này cũng đã có một lần trong thời gian đó được ngồi trên xe 24 chỗ có máy lạnh để Công ty Xe khách Thống nhất đưa lên họp trên Tam Đảo mù sương…

Ngày ấy… Công ty Xe khách có một xí nghiệp, thêm một xí nghiệp dịch vụ mang tên “kinh doanh vận tải”, ngày nay Transerco có tới 10 xí nghiệp cùng chạy buýt. Thế nên dù lấy phục vụ làm đầu thì 10 xí nghiệp cũng phải cạnh tranh nhau về chất lượng phục vụ. Nếu không từ lái xe, anh phụ xe đến xí nghiệp cũng dễ bị trượt khỏi guồng quay của làng xe buýt Thủ đô Hà Nội.

Mới hay chỉ đi xe buýt ròng rã vài ba chục năm lại đây cũng thấy Hà Nội ta phát triển ra phết.

Quỳnh Mai tháng 6/2015

Nguyễn Hiếu
.
.
.