Hải quân Mỹ dùng hàu chống bão

Thứ Hai, 15/01/2018, 11:20
Lãnh đạo Trạm Vũ khí Hải quân Earle đã đồng ý để một nhóm chuyên gia nuôi hàu trên gần 1,6 km ở địa điểm cách đường bờ biển 400 m. Đây được coi là “tấm đệm” tự nhiên để che chắn cho Trạm vũ khí trước những con sóng mạnh xuất hiện trong bão.


Sau siêu bão Sandy năm 2012, Trạm Vũ khí Hải quân Earle, bang New Jerseym, Mỹ - nơi chứa nhiều thiết bị quân sự quan trọng của Hải quân Mỹ - đã thiệt hại lên tới 50 triệu USD.

Sau sự kiện đó, Hải quân Mỹ đã nghiên cứu những phương cách để có thể bảo vệ bến tàu quan trọng này trước những cơn bão dữ trong tương lai. Cuối cùng, họ đã chọn một cách ít ai ngờ tới: nuôi hàu.

Lãnh đạo Trạm Vũ khí Hải quân Earle đã đồng ý để một nhóm chuyên gia nuôi hàu trên gần 1,6 km ở địa điểm cách đường bờ biển 400 m. Đây được coi là “tấm đệm” tự nhiên để che chắn cho Trạm vũ khí trước những con sóng mạnh xuất hiện trong bão.

Người đại diện của Trạm Vũ khí Hải quân Earle, ông Bill Addison, cho biết tổ hợp hàu nuôi tập trung sẽ tạo thành cấu trúc hấp thụ lực tác động của sóng biển. "Cấu trúc cứng của vỏ hàu sẽ hấp thụ một phần năng lượng sóng. Tất cả các đường ống và cáp nằm trên bến tàu trước đây đều bị cuốn trôi và phải được xây dựng lại. Và căn cứ đã bị ngập lụt bởi sóng tràn vào. Việc nuôi trồng hàu không thể bảo vệ chúng ta chống lại tất cả những điều đó, nhưng nó sẽ làm giảm đáng kể tác hại”, ông Addison nói.

Theo Bryan DeAngelis, điều phối viên chương trình của The Nature Conservancy ở Rhode Island, hè năm 2016, nhóm này đã nuôi trồng rặng hào ở phía trước đảo như một biện pháp bảo vệ trước bão. Đây cũng là một giải pháp được ưa chuộng trên khắp thế giới trong thập kỷ qua. Hiện các bang ven biển ở Mỹ đang sử dụng các rạn san hô hàu như một sự kết hợp bảo vệ bão hoặc một dự án cải thiện nước, hoặc cả hai.

Ngoài việc làm sạch nước, các rặng hàu giúp giảm thiểu sức tấn công của những con sóng dữ. Meredith Comi, một quan chức của Tập đoàn Baykeeper, nói: "Chúng là những thiết bị chịu va đập tốc độ cao rất tốt”.

Các nhà môi trường học nói rằng "các đường bờ biển sống" bao gồm cả các rặng hàu thích hợp hơn và rẻ hơn so với việc bảo vệ bờ biển bằng các bức tường bằng thép hoặc các vách ngăn bằng gỗ, vốn luôn đẩy nhanh sự ăn mòn của cát trước các cấu trúc nhân tạo đó.

Theo ông Boze Hancock, một nhà khoa học phục hồi biển với The Nature Conservancy, đã nghiên cứu và tham gia các dự án nuôi hàu khắp thế giới: "Sóng bị ảnh hưởng bởi sự gồ ghề của đáy. Cứ so sánh hình ảnh một làn sóng cố gắng lăn trên một bề mặt gồ ghề nhấp nhô, so với một con sóng lăn trên bãi đỗ xe nhựa đường. Hàu sẽ tạo ra bề mặt không đồng đều, hút năng lượng ra khỏi sóng khi nó cuộn về phía bờ".

Ông Frank Pallone Jr., nghị sĩ đảng Dân chủ bang New Jersey, gần đây đã giới thiệu Đạo luật Đường bờ biển Sống (TLSA) và đề xuất khoản kinh phí 100 triệu USD trong 5 năm tới dành cho các cộng đồng sống ven biển để tạo “bờ biển sống” trong đó bao gồm “tấm đệm” bằng hàu.

Ở hầu hết các điểm, những con hàu được thiết kế không được thu hoạch và ăn. Nhưng ở những nơi khác, kể cả ở New Jersey, những con hàu đã được nuôi trồng trong những con đường bị ô nhiễm, nơi mà việc thu hoạch sò ốc bị cấm, dẫn đến lo ngại về những kẻ săn trộm ăn cắp chúng và bán cho khách hàng.

Lo ngại đó buộc lực lượng bảo vệ bờ biển đã phá dỡ một rặng hàu được nuôi trồng từ bến tàu Hải quân và di chuyển chúng đến vùng biển gần bến tàu được tuần tra bằng thuyền có trang bị vũ khí.

Các căn cứ quân sự khác cũng đang có sự trợ giúp của hàu. Vào tháng 6-2017, các nhóm môi trường và phi công đã thiết lập một rặng hàu trong vùng biển thuộc Cơ quan Bảo vệ Không quân Elgin ở Florida. Nhiều kế hoạch nuôi trồng gần đó cũng đã được vạch ra. Hàu cũng giúp bảo vệ Trạm Hải quân Norfolk ở Virginia.

Ba rặng hàu bảo vệ Bảo tàng USS Laffey ở Nam Carolina và các cơ sở quân sự ở Alabama, North Carolina đã cử nhân viên tham gia hỗ trợ xây dựng nhiều rặng hàu ở các bãi biển ngoài khơi. Chúng nằm trong số hàng trăm địa điểm trên khắp Mỹ và thế giới nơi các rặng hàu được nuôi trồng chủ yếu như một biện pháp phòng chống bão.

Dự luật TLSA dự kiến sẽ được trình lên Quốc hội vào năm nay, nếu được thông qua, các cộng đồng ven biển sẽ nhận được 100 triệu đô la trong 5 năm tới để tạo ra "những bờ biển sống" bao gồm các rặng hàu.

Đông Văn
.
.
.