Hàn Quốc:

Chiến dịch chống quay lén phụ nữ trong nhà vệ sinh

Thứ Tư, 14/11/2018, 12:42
Ở Hàn Quốc, camera giấu kín quay lén trong nhà vệ sinh và phòng tắm công cộng đang trở thành vấn nạn. Dữ liệu của cảnh sát cho thấy số vụ quay trộm này tăng mạnh, từ 1.353 vụ năm 2011 lên 6.470 vụ trong năm 2017.


Mùa đông năm ngoái, khi Chung Soo-young nhìn thấy một người đàn ông lao ra khỏi nhà vệ sinh của phụ nữ tại một quán cà phê ở trung tâm thủ đô Seoul, điều đầu tiên cô làm là kiểm tra để tìm kiếm một chiếc máy quay giấu kín. Giống như nhiều phụ nữ Hàn Quốc khác, Chung Soo-young (26 tuổi) không ngừng lo lắng rằng cô có thể bị quay lén trong những khoảnh khắc riêng tư nhất. 

Ở Hàn Quốc, camera giấu kín quay lén trong nhà vệ sinh và phòng tắm công cộng đang trở thành vấn nạn. Dữ liệu của cảnh sát cho thấy số vụ quay trộm này tăng mạnh, từ 1.353 vụ năm 2011 lên 6.470 vụ trong năm 2017. Nỗi sợ hãi về việc bị quay trộm đã khiến nhiều phụ nữ Hàn Quốc nhồi nhét các mẩu giấy vệ sinh nhỏ hoặc dán băng dính vào những lỗ mà họ tìm thấy trong phòng tắm hoặc nhà vệ sinh công cộng. 

Còn Chung Soo-young, 6 tháng sau sự cố nói trên, cô quyết định hành động và lên ý tưởng đặt "bộ dụng cụ khẩn cấp" cho riêng mình để ngăn chặn máy quay giấu kín. Nhận thấy hiệu quả của "bộ dụng cụ khẩn cấp", cô bắt đầu rao bán và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Chỉ trong một tuần, hơn 600 người đã mua bộ dụng cụ có giá 12 USD (tương đương 14.000 won) này. 

Chung Soo-young cho biết: "Bộ dụng cụ khẩn cấp bao gồm một ống keo silicone để lấp đầy lỗ, một chiếc băng để phá vỡ ống kính máy quay nhỏ và dán, vá các lỗ. Chưa hết, Chung Soo-young còn bắt đầu xây dựng một kho lưu trữ các video và hình ảnh được ghi lại bất hợp pháp mà cô tìm thấy trên các trang mạng xã hội để chứng minh mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Cảnh giác đến thế nhưng tháng 9 vừa qua, trong một cuộc tìm kiếm, cô vẫn tình cờ bắt gặp một đoạn video về chính mình từ tháng 12 năm ngoái...

Hồi đầu tháng 8, hơn 70.000 phụ nữ Hàn Quốc đã tập trung ở thủ đô Seoul với những tấm biển "Cuộc sống của tôi không phải là khiêu dâm cho kẻ khác".

Hãng NPR cho hay, sau khi quay lén, các đoạn video nhanh chóng được chia sẻ trên mạng xã hội. Với những từ khóa tìm kiếm phù hợp bằng tiếng Hàn, không khó để tìm hình ảnh và video về phụ nữ trong phòng tắm và phòng thay đồ trên nền tảng chia sẻ tệp ở mạng xã hội như Tumblr và Twitter. 

Hình thu nhỏ của các video như vậy, được gắn thẻ với tuổi được ước tính của những phụ nữ bị quay lén và được đăng kèm với ID người gửi. Bất kỳ ai cũng có thể liên hệ với người bán - phần lớn là người đã bố trí các camera thu nhỏ để quay lén rồi nhận hàng theo chủ đề và số tiền phát ra. 

GS Lee Sue-jung, một nhà tâm lý học hình sự tại Đại học Kyonggi nói: "Loại văn hóa tình dục méo mó này đang trở thành vấn nạn. Đó là một phiên bản công nghệ của bạo lực nam, cụ thể là bạo lực tình dục bằng kỹ thuật số".

"Bộ dụng cụ khẩn cấp" của Chung Soo-young để bảo vệ mình trước nguy cơ bị quay lén.
Lo ngại trước hình thức lạm dụng tình dục mới này, hồi đầu tháng 8, hơn 70.000 phụ nữ Hàn Quốc đã tập trung ở thủ đô Seoul với những tấm biển "Cuộc sống của tôi không phải là khiêu dâm cho kẻ khác" để lên án mức độ phổ biến của loại tội phạm này. 

Chính phủ Hàn Quốc đã phản ứng ngay lập tức bằng cách yêu cầu kiểm tra thường xuyên tại các phòng tắm, nhà vệ sinh công cộng, thiết lập hệ thống hỗ trợ cho các nạn nhân và cam kết xử lý nhanh và nghiêm các trường hợp vi phạm. 

Theo tờ Korea Herald, với thiết bị dò kim loại cầm tay, thành viên của đội xử lý nạn quay lén như Park Kwang-mi có thể tìm kiếm những chiếc camera cực nhỏ được giấu kín trong bàn ngồi bồn cầu, thanh giữ cuộn giấy vệ sinh, tay nắm cửa và thậm chí bộ phận lưới thông gió trên trần phòng. 

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của Hàn Quốc còn phối hợp với Park Soo-yeon - người sáng lập nhóm Digital Sex Crime Out (tội phạm kỹ thuật số) để tiến hành các chiến dịch vận động triệt phá những trang web lưu trữ và chia sẻ video được quay lén, được gọi với cái tên Soranet. 

Luật pháp Hàn Quốc quy định hình phạt lên tới 5 năm tù giam và bồi thường 8.900 USD (tương đương 10 triệu won) đối với những ai phát tán hình ảnh cơ thể của người khác hoặc có hành động gây ra bất kỳ kích thích tình dục hoặc hành động xấu hổ nào khác. 

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Luật sư phụ nữ Hàn Quốc, năm 2017, chỉ có 31,5% những người bị buộc tội quay lén bị truy tố trước tòa. Con số này cao hơn rất nhiều so với con số 8,7% năm 2012. 

Chi Anh (Theo NPR)
.
.
.