Hàn Quốc:

Người già neo đơn lo chết không người chôn

Thứ Hai, 29/02/2016, 21:00
Chi phí tang lễ tại Hàn Quốc quá đắt đỏ, mỗi đám tang sẽ tốn khoảng 5 triệu Won (tương đương 97 triệu Việt Nam đồng) nên phần lớn thi thể người già neo đơn đều không có ai tới nhận.


Do nguồn lực và nhân sự hạn chế, mỗi đám tang do Quỹ từ thiện Good Sharing tổ chức chỉ kéo dài một buổi thay vì 3 ngày như tang lễ truyền thống của Hàn Quốc. Thực tế, hiện nay, rất nhiều người già neo đơn tại Hàn Quốc sống trong lo lắng về cái chết không người chôn cất, an táng. KBS ngày 17-2 cho hay.

"Tôi đã định hiến xác cho trường đại học, nếu làm vậy, lúc chết sẽ có ai đó đến đem tôi đi" - ông Ham Hak Joon sống cô đơn trong một căn phòng tồi tàn trên đỉnh đồi chia sẻ. Hằng ngày, ông ngắm nhìn thành phố và nhớ về những quãng đời đã qua của mình. Cô đơn ở tuổi 86, đã mất liên lạc với vợ con từ lâu.

Và câu hỏi lớn nhất của ông lúc này là cuộc đời sẽ kết thúc ra sao và ai sẽ tổ chức tang lễ cho mình. Trong buổi phỏng vấn với tạp chí Time, ông Ham nói rằng, đã 15 năm nay, ông không gặp và nói chuyện với các con, người bạn duy nhất của ông bây giờ cũng đã già và sống trong nghèo khổ. Nhưng kế hoạch của ông đã thay đổi sau khi ông biết đến Quỹ từ thiện Good Sharing, được thành lập 5 năm trước, khi mà thông tin về những thi thể người già vô thừa nhận ngày càng tăng tại Hàn Quốc.

Ông Ham sống cô đơn suốt 15 năm trong căn phòng tối tăm và không có cửa sổ.

Giám đốc Quỹ Good Sharing, ông Park Jin Ok cho biết: "Tại Hàn Quốc, tang lễ và nơi an nghỉ là một phần rất quan trọng của cuộc đời mỗi người, rất nhiều người già cô đơn lo lắng về điều đó vì họ không có ai bên cạnh, nhưng bây giờ họ đã có chúng tôi".

Trong những năm trước, số thi thể vô thừa nhận tại Hàn Quốc rất cao, mỗi năm có 700 người chết trong cô độc mà không có ai, đưa họ về nơi an nghỉ cuối cùng. Ngày trẻ, ông Ham là tài xế xe bus, đến khi ông vay mượn để thành lập công ty vận tải riêng thì cuộc khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra, ông phá sản và bị vợ bỏ, sau khi ly hôn năm 1998, ông không gặp và liên lạc với vợ con cho đến bây giờ.

Nguồn thu nhập duy nhất hiện giờ của ông Ham là 100 USD (hơn 2 triệu Việt Nam đồng) tiền trợ cấp của chính phủ mỗi tháng, với các bệnh về xương, ông không thể đi nhặt rác kiếm sống như trước được nữa.

Chính phủ cũng không thể trợ cấp cao hơn vì ông vẫn có 2 người con, theo luật Hàn Quốc, con cái có nghĩa vụ phải nuôi dưỡng bố mẹ già, nhưng theo báo cáo năm 2015 cho thấy, chỉ có 30% số người già được con cái nuôi dưỡng và chu cấp.

Mỗi khi nhận được thông tin người già neo đơn qua đời, Quỹ Good Sharing sẽ chờ khoảng một tháng sau đó mới hỏa táng và tổ chức đám tang, trong quãng thời gian đó, họ sẽ đăng thông tin lên báo với hy vọng, thân nhân người đã khuất sẽ đến để đưa thi thể về nhà.

Cầm trên tay di ảnh của chính mình, ông Ham chia sẻ: "Giờ thì tôi có thể yên tâm rằng mình không chết trong cô độc nữa, những ngày còn lại của đời tôi sẽ dễ chịu hơn rất nhiều". Thực tế, hiện nay có nhiều người già ở các thành phố lớn của Hàn Quốc rơi vào cảnh bi đát, họ bị bỏ rơi, không nơi nương tựa, không ít cụ bà không có nguồn thu nhập, bị con cái lừa lọc phải đi bán dâm ở tuổi U70, U80.

Viện Nghiên cứu phúc lợi và Xã hội Hàn Quốc cho biết, tỷ lệ gia đình một người nằm trong diện nghèo khó là 47,5% trong năm 2015, tăng 1,5% so với năm 2014. Điều này đồng nghĩa với việc gần một nửa số gia đình một người sống trong cảnh khó khăn.

Hộ gia đình một thành viên cho thấy, xu hướng gia tăng ở mọi lứa tuổi, nhưng độ tuổi trên 60 là cao nhất với 34%. Tới năm 2035, dự kiến trên một nửa số gia đình một thành viên là người trên 60 tuổi. Sự thay đổi về cấu trúc dân số do tỷ lệ sinh thấp và xã hội già hóa đang khiến cho số lượng hộ người già neo đơn ngày càng nhiều lên.

Vấn đề đặt ra là, sự gia tăng của hộ gia đình một người là người cao tuổi và hầu như không có thu nhập cũng không chi tiêu gì, có thể sẽ biến thành một cái "bẫy khủng hoảng" của nền kinh tế Hàn Quốc xét về dài hạn. Các chuyên gia cho rằng, mặc dù Chính phủ đang mở rộng hỗ trợ các hộ gia đình một người như về nhà ở và phúc lợi, nhưng điều này vẫn chưa đủ so với xu hướng tăng mạnh của hình thái hộ gia đình này.

Trường Vân (tổng hợp)
.
.
.