Hàng trăm hộ dân sống cảnh "ba không": Bài toán chưa lời giải

Thứ Năm, 21/07/2016, 07:53
Không điện, không nước, cũng không có hộ khẩu, tạm trú hơn chục năm nay, hàng trăm hộ dân tại con ngõ 186 Nguyễn Văn Trỗi (phường Trần Quang Khải, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) phải sống trong cảnh cơ cực, không người quản lý. Tuy nhiên dù muốn giải quyết nhưng đây vẫn là "bài toán không lời giải" đối với chính quyền địa phương.


Dân nghèo bị "bỏ bom"

Khoảng 10 năm nay, gần 100 hộ dân sống tại ngõ 186 đường Nguyễn Văn Trỗi, phường Trần Quang Khải phải sống cảnh 3 không: không điện, không nước, không người quản lý. Chúng tôi có mặt tại phường Trần Quang Khải để tìm hiểu thực hư câu chuyện kỳ lạ này.

Theo các hộ dân tại đây phản ánh, hơn chục năm nay họ chuyển đến ở nhưng chính quyền không hề đoái hoài đến đời sống, coi họ như những người vô gia cư. Không hộ khẩu, không giấy tạm trú đồng nghĩa với việc không có bất cứ thứ gì. Nhu cầu về điện, nước đều không được thỏa mãn, người dân phải tự túc đi mua nhờ với giá rất cao. Đặc biệt con cái đến tuổi đi học, đi làm, chính quyền không xác nhận.

Nhìn vào con ngõ này ít ai biết ở đây người dân không có điện, nước và cũng chẳng ai quản lý.

Qua tìm hiểu, những người đến định cư tại khu vực này đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Có người là công nhân, người thì làm thuê, bán hàng rong, cả những cán bộ công nhân về hưu. Do điều kiện khó khăn các hộ dân thấy khu đất này rẻ nên đã đến mua, dù biết đất này không có sổ đỏ. Hiện tượng "nhảy dù" này diễn ra nhiều năm nay, không hề có sự giám sát của chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Văn Tâm (74 tuổi, cán bộ về hưu) chia sẻ: "Trước đây nhà tôi ở nơi khác, vì chỗ đó quá chật chội, thấy ở đây người ta bán rẻ nên cũng cố mua". Chúng tôi hỏi ông Thắng có tìm hiểu kỹ trước khi quyết định mua hay không thì ông cho biết: "Lúc đó người ta dỗ ngon dỗ ngọt, nói là đằng nào chính quyền chả cấp sổ đỏ. Cứ yên tâm mà ở. Việc mua bán chỉ có giấy viết tay giữa hai bên chứ không có sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Ở đây ai cũng vậy, chỉ biết là họ bán rẻ nên vào mua thôi, chúng tôi toàn dân nghèo cũng muốn có một nơi để chui ra chui vào".

Do không có sổ đỏ, không được cấp giấy tạm trú, nên hơn chục năm nay các hộ dân ở đây phải sống trong tình trạng không điện, không nước, cũng không có người quản lý.

Để khắc phục tình trạng không điện, nước nhiều hộ dân cắn răng mua lại của những hộ khác với giá cắt cổ. Giá điện phải trả hàng tháng lên tới 4 nghìn đồng/Kwh, nước 13 nghìn đồng/m3. Bà Trần Thị Tuyết buồn bã: "Chúng tôi ở đây không ai dám dùng tủ lạnh, điều hòa cả. Mùa hè nóng nực kinh khủng cũng chỉ dám dùng quạt, cần thiết thì mới bật điện sáng lên thôi. Ở đây toàn hộ nghèo, như tôi là công nhân về hưu, riêng tiền điện nước cũng ngốn nửa tháng lương rồi. Dù gì thì gì chúng tôi sống ở đây đã hơn chục năm, chính quyền địa phương cũng nên giải quyết nhu cầu tối thiểu chứ".

Theo phản ánh của những hộ dân, việc đi học của con em họ cũng gặp không ít khó khăn. Do không có hộ khẩu, tạm trú nên việc xin giấy tờ để đi học là không thể. Rất nhiều hộ dân đã có ý kiến với chính quyền địa phương nhưng đều không được đồng ý.

Hơn chục năm nay, ông Tâm phải đi mua điện, nước của người khác với giá cao.

Đại diện của phường Trần Quang Khải trả lời rằng chưa có chủ trương và phường không dám quyết vì như thế là trái quy định của pháp luật. Ông Tâm nói: "Mỗi lần đi xin giấy tờ chúng tôi phải tìm cách quay lại phường cũ, địa chỉ cũ để xin dấu xác nhận. Tôi thì còn gần, nhiều gia đình rất xa, thậm chí ở tận những huyện khác. Khó khăn vất vả lắm".

Gia đình ông Hoàng Công Xá cũng được liệt vào dạng khó khăn trong khu. Ông cùng con cháu chuyển lên sống tại ngõ 186 từ năm 2000, đã hơn 10 năm trôi qua, tất cả giấy tờ của ông và con cháu đều phải trở về phường cũ, nơi đăng ký hộ khẩu trước để xin xác nhận giấy tờ, hoặc tìm cách nhập khẩu cho con cái vào những gia đình người quen để các cháu có thể đi học. "Chúng tôi lên phường xin giấy cấp tạm trú nhiều lần nhưng không được chính quyền cho phép, tôi càm thấy mình đang sống vô gia cư, không người quản lý vậy" - Ông Xá buồn bã kể.

Theo quan sát của phóng viên, mặc dù đây là khu đất không hợp pháp nhưng đã có rất nhiều hộ xây dựng nhà khá khang trang, có nhà xây 2 đến 3 tầng. Khi hỏi người dân thì được biết, khi xây dựng chính quyền địa phương không có ý kiến gì nên mạnh ai nấy xây.

"Đến đây ở một thời gian chúng tôi đã biết đây là khu đất không thể cấp được sổ đỏ. Nhưng lý gì thì cũng phải có tình chứ, hàng trăm hộ dân sống ở đây đều rất khó khăn, chúng tôi đều là nạn nhân. Về đây mua đất cũng phải bỏ tiền, cũng mất bao công cải tạo, như con đường trong ngõ là do tiền các hộ ở đây đóng góp mà làm. Dù không được cấp sổ đỏ, nhưng chúng tôi tha thiết các cấp chính quyền tạo điều kiện cấp cho giấy tạm trú, để con cháu được đến trường đúng tuyến. Nếu không thì cho chúng tôi được mua nước, mua điện của nhà nước", - Ông Tâm nói mà như khóc.

Bà Tuyết mong muốn chính quyền địa phương ký quyết định cấp nước và điện cho nhân dân.

Bài toán chưa có lời giải của chính quyền địa phương

Để tìm hiểu rõ ràng hơn về câu chuyện dai dẳng của người dân ngõ 186 này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chính quyền địa phương. Theo lãnh đạo của UBND phường Trần Quang Khải thì "bài toán ngõ 186" rất khó và chưa có lời giải. Qua tìm hiểu ngõ 186 (trước là ngõ 129) Nguyễn Văn Trỗi nằm trong quy hoạch trường tiểu học của phường.

Từ năm 1993 đến nay khu đất này tồn tại hai chủ: Công ty TNHH Đông A và Tổ hợp thương binh Huy Hoàng. Trong một thời gian dài đã xảy ra hiện tượng bán đất của các chủ thể này với đối tượng bên ngoài. Chính vì thế khu vực này nhiều năm trở thành điểm nóng, xảy ra tranh chấp, đánh nhau của nhiều thành phần xã hội. Chính quyền địa phương đã có nhiều lần đề nghị với tỉnh, thành phố chỉ đạo giải quyết để đảm bảo tình hình an ninh trật tự. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể giải quyết triệt để.

Ông Nguyễn Xuân Đoàn, Phó chủ tịch UBND cho biết: "Trường hợp các hộ sống tại ngõ 186 Nguyễn Văn Trỗi chưa được đăng ký thường trú, tạm vắng là vì chưa có đầy đủ các loại giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp của mình. Trước đây con ngõ đó có nhiều dân "xã hội", an ninh rất phức tạp nhưng hiện nay họ đã bán lại hết đất cho người dân nên tình hình an ninh cũng tạm ổn. Vẫn biết đa số người dân ở đó đều là dân nghèo, làm ăn lương thiện, chúng tôi cũng muốn cấp điện nước cho họ nhưng theo luật chúng tôi không thể làm được. Chúng tôi đã có kiến nghị lên cấp trên nhưng vẫn chưa được chỉ đạo nên không dám quyết".

Trong văn bản gửi Thường trực Thành ủy Nam Định, UBKT Thành Ủy Nam Định số 5 - CV/ĐU ngày 7-4-2016, Đảng ủy phường Trần Quang Khải trả lời: Tất cả các cháu đến tuổi tiêm chủng đưới 2 tuổi đều được tiêm tại trạm y tế phường Trần Quang Khải. Còn các cháu trong độ tuổi đến trường do chưa được đăng ký thường trú, tạm trú nên không đi học tại các trường trên địa bàn phường. Tuy nhiên UBND phường luôn quan tâm, trú trọng đến công tác phổ cập giáo dục, hàng năm, các hộ gia đình có nhu cầu đăng ký phổ cập giáo dục cho con em mình vẫn được tổ dân phố đưa vào danh sách để đảm bảo cho các cháu được theo học các trường đúng tuyến trên địa bàn phường.

Ông Trần Anh Đức, Chủ tịch UBND phường Trần Quang Khải, TP Nam Định cho biết: "Với tư cách là người chăm lo cho quyền lợi của dân, lãnh đạo phường cũng rất muốn vận dụng để dân có điện, nước... vì đó là sinh hoạt tối thiểu. Còn việc không đủ điều kiện để cấp sổ đỏ, không đủ điều kiện để nhập hộ khẩu thì tính sau.

Thực tế, những người đã phải vào khu đó để mua đất, dựng nhà chủ yếu là những hộ nghèo. Vì họ mua được giá rẻ của những người nhảy dù trước đó. Tuy nhiên, cũng có cái khó là đất đấy vẫn đang thuộc diện đất tranh chấp. Khi kết quả chưa ngã ngũ thì lãnh đạo cấp trên không đồng ý cho phường được cấp điện, nước cho những hộ này.

Riêng chuyện học hành của con em những hộ này lãnh đạo phường cũng rất cố gắng tạo điều kiện để cho các cháu được đến trường. Nhưng vì không thuộc hộ khẩu của phường nên bắt buộc phải đăng ký học trái tuyến. Bản thân lãnh đạo phường cũng nhiều lần kiến nghị lên các cấp cao hơn để giải quyết những khó khăn trước mắt cho bà con nhưng vẫn chưa có kết quả".

Phong Anh
.
.
.