Hạnh phúc khó hay dễ?

Thứ Ba, 05/05/2015, 14:00
Nhân đọc kết quả của Mạng lưới các giải pháp phát triển bền vững SDSN thuộc Liên hiệp quốc năm 2015, cho biết Thụy Sĩ là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới; chỉ số Hạnh phúc HPI của Việt Nam đứng thứ 75 trên toàn thế giới, tôi có một vài suy ngẫm thế này. Dĩ nhiên là để có được hạnh phúc không dễ. 

Những người xung quanh ta thường than thở họ không cảm thấy hạnh phúc, họ bất hạnh, họ không hài lòng chút nào về cuộc sống của mình. Câu hỏi làm thế nào để hạnh phúc mãi mãi là câu hỏi mở, và câu chuyện tìm kiếm hạnh phúc cũng sẽ luôn làm chồn chân mỏi gối con người.

Xét cho cùng, hạnh phúc là cảm giác hài lòng thôi. Bạn hài lòng, nghĩa là bạn đang hạnh phúc. Một cuộc sống hôn nhân hài lòng, bạn hạnh phúc. Một công việc hài lòng, bạn hạnh phúc. Những mối quan hệ đem đến sự hài lòng- bạn hạnh phúc. Tất cả chỉ phụ thuộc vào cảm giác đó, cảm giác thấy hài lòng. Nhưng để có cảm giác đó sao mà khó vậy.

Nụ cười trẻ thơ.

Người ta làm mọi việc dời non lấp bể, kiếm tìm danh vọng, sở hữu tài sản vật chất, chỉ để thấy mình hài lòng, thỏa mãn, tức là thấy mình hạnh phúc. Nhưng nhìn vào chỉ số HPI của tổ chức SDSN mà xem, những nước giàu có nhất lại không phải là những nước mà người dân hạnh phúc nhất.

Con người càng lệ thuộc vào tài nguyên, khai thác triệt để tài nguyên thiên nhiên, lệ thuộc vào công nghệ và thói quen sở hữu vật chất thật nhiều sẽ càng nhanh chóng trở thành nô lệ của chính mình, và không có được cảm giác hài lòng. Trong đời sống xã hội một số nước được cho là giàu có nhất thế giới, con người biến thành cỗ máy. Mọi thứ được lập trình và người ta phải thích ứng làm sao cho vừa vặn với tất cả những lập trình ấy.

Con người được dạy phải kiểm soát tốt chính mình, không được sống theo cảm xúc bản năng, vì như thế sẽ làm lộn xộn nhiều quy trình mà xã hội đã nghĩ ra, đã lập sẵn cho họ. Con người giàu có, văn minh mà không hạnh phúc là vậy.

Các nước khu vực Bắc Âu như Thụy Sĩ, Thụy Điển, Ice Land, Đan Mạch thường lọt vào top đầu các nước có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới, mặc dù đó không phải là những cường quốc về kinh tế. Các nhà xã hội học nhận định rằng, sở dĩ đa phần người dân sống ở các nước đó cảm thấy hạnh phúc là bởi họ sống thân thiện với môi trường, không xâm phạm tài nguyên thiên nhiên nhiều, không có thói quen sở hữu vật chất hay làm giàu như người dân ở một số nước phát triển khác.

Tôi có một vài người bạn ở các nước Thụy Điển, Na uy. Sau khi tốt nghiệp trung học, họ tham gia vào các tổ chức phi chính phủ và đi đến mọi nơi trên thế giới để giúp đỡ những người khó khăn hơn mình. Họ được dạy rằng, sống vừa đủ với nhu cầu của mình, và phải biết cho đi mới là hạnh phúc.

Nhiều người cho rằng trải nghiệm khi trẻ mới là quan trọng. Họ đi để mở rộng kiến thức và bồi đắp lòng trắc ẩn, rồi sau đó quay về học đại học và chọn một công việc để làm. Ở nước họ, không có khái niệm dân giàu thì nước mạnh. Họ bảo, dân không cần giàu, miễn là sống hài hòa với thiên nhiên, có đủ các nhu cầu cơ bản và biết yêu thương sẻ chia giúp đỡ người xung quanh mình. Chính phủ không khuyến khích giới trẻ làm giàu tiền của, chỉ khuyến khích giới trẻ trải nghiệm lòng thương yêu. Những người bạn đó, tôi thấy họ lúc nào cũng hạnh phúc. Họ không mấy khi đặt mình vào cảm giác so sánh hay áp lực phải đạt được điều này điều kia bằng mọi giá. Họ đặc biệt sống gần gũi thiên nhiêu và yêu loài vật. Tất cả những điều đó họ học được từ cha mẹ, ông bà mình.

Nhìn từ câu chuyện của những người bạn Bắc Âu, tôi nhận ra rằng, nước Mỹ chỉ xếp thứ 150 trên thế giới về chỉ số hạnh phúc là không sai. Nước Mỹ nhiều tham vọng và họ phải lệ thuộc vào ý nghĩ luôn là bá chủ mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, nên mỗi người dân Mỹ cũng sẽ lệ thuộc theo một cách nào đó vào tư duy ấy.

Giáo sư, nhà triết học Osho nói: Hạnh phúc đến từ bên trong. Nghĩa là hạnh phúc hoàn toàn phụ thuộc vào việc con người cảm thấy, con người hài lòng. Sai lầm lớn nhất là con người đi tìm kiếm hạnh phúc từ những thứ ở bên ngoài, phụ thuộc hoàn toàn vào những thứ bên ngoài để cảm thấy hạnh phúc hay không. Rất nhiều người đăm chiêu cả đời để ngồi vào vị trí nọ vị trí kia, đặt mục tiêu phải kiếm được ngần này tiền thì mới thấy hạnh phúc. Và khi không đạt được họ đau khổ rồi thúc ép con cháu mình phải đạt được những mục tiêu đó. Đấy không phải là con đường để nhìn ra hạnh phúc.

Người nghèo có thể cảm thấy hạnh phúc hơn người giàu, người vô gia cư chưa chắc đã kém hạnh phúc hơn người có một ngôi nhà to để ở nhưng lúc nào cũng than vãn về bất hạnh. Vấn đề là từng người cảm nhận ra sao về mỗi khoảnh khắc sống. Một quốc gia cũng vậy, vun đắp một nền giáo dục tốt, hướng các công dân của mình sống hài hòa với thiên nhiên, chú trọng cảm xúc cá nhân hơn là biến con người thành cỗ máy, cổ xúy việc tôn sùng giá trị vật chất, thì chỉ số hài lòng của người dân sẽ tốt hơn.

Tôi thường cảnh giác với chính mình về lòng tham. Vì dường như mọi cảm giác không hài lòng, không hạnh phúc thường từ lòng tham, ý muốn sở hữu mà sinh ra. Một cuộc sống vui vẻ là cuộc sống mà ta biết thế nào là đủ và luôn biết cho đi để nhận được tình cảm từ những người xung quanh.

TS. Nguyễn Mai Phương
.
.
.