Hành trình 25 năm tìm cha của thầy hiệu trưởng

Thứ Ba, 03/01/2017, 13:16
Vì chiến tranh, anh Lâm Vinh Hạnh (xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) sinh ra mà không biết mặt bố. Những lá thư viết vội từ chiến trường của bố cũng chỉ kéo dài 2 năm rồi không một tin tức.


Nghĩ rằng chồng mình đã mất, mẹ anh quyết định ở vậy nuôi con như đã hứa. Dù đã khôn lớn, học hành đàng hoàng nhưng chưa khi nào anh Hạnh nguôi ngoai ý định tìm cho kỳ được gốc gác của mình.

Hành trình 25 năm gian nan, trèo đèo lội suối, manh mối chỉ là bức ảnh mờ úa từ chiến tranh. Thế rồi ông trời đã không phụ lòng người, anh tìm được cội nguồn của mình trong niềm hạnh phúc vỡ òa mà bao nhiêu năm anh và mẹ mỏi mòn chờ đợi.

Chịu tiếng oan vì lời hứa với chồng

Trong một lần công tác, chúng tôi vô tình nghe được câu chuyện cảm động về hành trình của người con 25 năm đi tìm cha, đi tìm gốc tích của mình. Sau quá nhiều gian nan, quá nhiều mồ hôi, nước mắt và cả máu, anh đã tìm thấy gia đình mình trong niềm sung sướng vỡ òa.

Từ khi sinh ra anh chỉ biết mặt cha mình qua tấm ảnh vàng ố mà mẹ mình còn lưu lại từ thời chiến tranh. Những ký ức về cha chỉ là qua lời kể của mẹ. Anh Hạnh hiện là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Típ 2, xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.

Anh Hạnh kể lại quãng thời gian dài đằng đẵng đi tìm cha.

Năm 1971, người lính Lâm Vinh Mạnh (SN 1938) được đơn vị cử về Viện 4 tại xã Cát Văn để học nâng cao về y học. Người lính trẻ, đa tài ấy đã đem lòng yêu thương người con gái thôn quê là bà Nguyễn Thị Phúc (sinh năm 1941). Đôi trai tài gái sắc ấy chẳng mấy chốc xây dựng một tình yêu đẹp, họ sớm về sống chung một nhà.

Hạnh phúc chưa được bao lâu, ông Mạnh đột ngột nhận lệnh tăng cường vào chiến trường miền Nam. Tình yêu với người vợ trẻ đang nồng nàn chẳng dễ gì dứt áo ra đi, thế nhưng tiếng gọi của non sông khiến ông không thể làm khác được. Cái ngày ông bước chân ra đi, vợ ông cũng vừa mang thai được 2 tháng.

Bà Phúc ngậm ngùi nhớ lại: "Ngày ông ấy đi, tôi mới mang thai thằng Hạnh được 2 tháng. Năm đó tôi sinh con, mọi liên lạc với nhau cũng chỉ qua những lá thư từ chiến trường. Sau 2 năm thư từ qua lại, đến năm 1974 tôi có nhận liền 2 lá thư của ông ấy với nội dung: qua bến xe Đô Lương đón anh".

Bà Phúc vui mừng đến trào cả nước mắt, vội vã ra bến xe chờ chồng. Bà chờ từ sáng sớm cho đến đêm muộn cũng chẳng thấy ông đâu. Hôm sau và nhiều ngày khác bà cũng lại ra bến xe chờ ông. Đến lúc này thì bà nghĩ, có lẽ trên đường trở về tìm gặp vợ con, ông đã hy sinh. Những lá thư ông Mạnh gửi cho bà được bà nâng niu như báu vật.

Bà Phúc đưa cho chúng tôi xem lá thư của ông: "Chỉ có những lá thư này là thứ để tôi nhớ về ông. Có một lá thư ông ấy dặn tôi: Chiến tranh kết thúc anh sẽ về với mẹ con em, nếu anh hy sinh thì em đừng đi bước nữa mà ở vậy nuôi con khôn lớn".

Giữ lời hứa với chồng, bà Phúc một mình vò võ nuôi con khôn lớn, hy vọng con trưởng thành để an ủi người chồng đã hy sinh. Vốn là người có nhan sắc, nhiều chàng trai trong làng ngỏ ý muốn đến với bà.

Nhưng vì lời hứa, vì con mình mà bà đều khước từ. Khi ấy, khắp trong thôn ngoài xã ai cũng phục bà Phúc, không chỉ ở vậy nuôi con mà anh Hạnh lại là người đỗ đạt, giỏi giang. Anh Hạnh tốt nghiệp trường sư phạm và trở về quê làm thầy giáo.

Khi đã khôn lớn, trưởng thành, nỗi trăn trở lớn nhất trong anh là làm sao tìm lại được gốc tích, quê hương bản quán của mình. Anh tâm sự: "Từ ngày sinh ra, tôi chỉ được mẹ nói là bố đã hy sinh ở chiến trường nên không biết quê quán của bố ở đâu. Nếu đúng là bố đã hy sinh thì tôi cũng muốn tìm lại phần mộ. Đó là niềm day dứt đeo đẳng tôi suốt mấy chục năm".

Khi công việc đã ổn định, anh quyết định lên đường tìm lại gốc gác cho chính mình. Hành trình ấy chỉ có 1 bức ảnh cũ kỹ của bố, hơn 20 lá thư bố gửi cho mẹ ngày ở chiến trường. Anh bắt đầu tìm đến những cựu chiến binh cùng trang lứa với bố mình để dò hỏi thông tin. Anh gặp hàng trăm người, đi khắp nơi mà vẫn rơi vào vô vọng.

Tấm hình cũ kỹ là manh mối duy nhất để anh Hạnh tìm lại cha mình.

Đi đến đâu người ta đều nói không biết khiến anh không khỏi buồn chán, thế nhưng chưa khi nào anh mất đi niềm tin mãnh liệt là mình sẽ tìm lại được cha. Anh đã từng 8 năm liền làm hồ sơ lên chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly của đài truyền hình VTV. Tuy vậy, những thông tin anh gửi đến chỉ là những ẩn số đầy mơ hồ và vô cùng khó lý giải.

Thế rồi, trời cũng không phụ công anh, anh bắt đầu lần dò được manh mối trong một lần tình cờ quen vị cán bộ chính sách của tỉnh Thanh Hóa. Nghe qua câu chuyện của anh Hạnh, đọc những lá thư, cách xưng hô của người viết, vị cán bộ này phán đoán, có thể cha anh là người vùng ven biển của Thanh Hóa.

Kết quả sau 25 năm tìm cha

Chỉ từ 1 manh mối: có thể bố mình ở vùng ven biển Thanh Hóa, anh Hạnh cất công đi tìm khắp các huyện ven biển ở Thanh Hóa. Thậm chí, anh còn nhờ bạn bè, người thân có dịp đến đó là hỏi dò.

Nói đến đây, bà Phúc nghẹn ngào: "Chiến tranh mà, chúng tôi đến với nhau vì tình yêu, chẳng hỏi han gì nhau nhiều, cũng chẳng quan trọng điều gì cả. Biết con mình muốn đi tìm cha tôi cũng không cản, đó là việc nên làm mà".

Bà Phúc không trách gì người chồng của mình, bởi chiến tranh quá khốc liệt.

Đến cuối tháng 10/2016, anh Hạnh như vỡ òa vì sung sướng khi nhận được cú điện thoại từ một vị cán bộ Tỉnh đội tỉnh Thanh Hóa. Bên đầu dây cho hay đã tìm được bố của anh ở huyện Quảng Xương, Thanh Hóa.

Gác tất cả mọi chuyện, ngay lập tức anh lên đường về quê tìm cha. Đến nơi thì anh mới hay, bố mình không hy sinh ở chiến trường như hai mẹ con anh nghĩ suốt mấy chục năm.

Sau khi kết thúc chiến tranh, ông Mạnh trở về quê với gia đình ở Thanh Hóa mà không đi tìm người vợ của mình ở Nghệ An. Bởi ông nghĩ, từng đó năm bà Phúc đã có mái ấm cho riêng mình mà không nghĩ rằng bà vẫn giữ lời hứa ở vậy chờ ông.

Ông Mạnh qua đời cách đây 6 năm, con cái ông kể lại rằng, chưa ngày nào ông hết được nỗi canh cánh có một người con ở Nghệ An. Dù thương ông nhưng người thân chẳng biết làm cách nào tìm con cho ông.

Trước khi anh Hạnh đến gặp cũng đã đánh tiếng để mọi người chuẩn bị. Thế nhưng, phía người nhà ông Mạnh ngỏ ý muốn xét nghiệm ADN để xác minh huyết thống tránh việc nhận nhầm. Vừa đặt chân vào nhà, tất cả đều ngỡ ngàng vì anh Hạnh quá giống bố, từ khuôn mặt đến dáng đi.

Lúc đó chẳng còn ai có ý niệm muốn được xét nghiệm ADN, xác minh huyết thống. Ngày gặp nhau ngậm ngùi, xúc động mà chẳng ai nói với ai được câu gì. Bởi họ chẳng biết sẽ phải nói gì, sẽ phải bắt đầu câu chuyện từ đâu. Dù biết chuyện bố không hi sinh nhưng cũng không đi tìm hai mẹ con, anh Hạnh cũng chẳng một lời oán trách.

Bởi anh hiểu rằng, chiến tranh loạn lạc, sự sống và cái chết hay bất cứ chuyện gì đều có thể xảy ra. Tìm được cha, tìm được gốc tích của mình là hạnh phúc lớn nhất cuộc đời anh. Anh kể: "Ngay hôm đó tôi có xin gia đình được nhận họ hàng, rước chân hương của bố tôi về quê thờ cúng".

Biết mẹ con bà Phúc mấy chục năm qua chịu nhiều thiệt thòi, đại gia đình ở Thanh Hóa đã về Nghệ An xin làm lễ tạ lỗi. Đồng thời làm lễ nhận dâu, xin cháu và xin được đi lại với nhau.

Ngày đoàn tụ của anh Hạnh.

Quãng thời gian 25 năm dài đằng đẵng đi tìm cha, người đàn ông ấy đã thỏa được ý nguyện của mình. Trong thâm tâm anh chẳng trách gì người cha mình, chỉ thương mẹ vì giữ lời hứa mà chịu bao khổ đau. Bà không những vò võ nuôi con một mình, mà luôn bị người đời đeo cho tiếng ác "không chồng mà chửa".

Bước sang tuổi 78, bà Phúc vẫn vẹn một mối tình với chồng. Bà cười hiền hậu nói với chúng tôi, bà chẳng trách gì ông, tất cả là do chiến tranh. Con trai tìm được cội nguồn, bà giải được tai tiếng hơn 40 năm qua cũng là điều mãn nguyện.

Song Anh
.
.
.