Hành trình các tấm hình minh họa

Thứ Tư, 09/01/2013, 17:10

Đối với riêng tôi, Sài Gòn là một đô thị rất đáng sống. Đáng sống không phải vì trong lòng thành phố có quá nhiều điều thú vị - thứ mà những nơi khác không có. Thứ hấp lực Sài Gòn toả ra, là chúng ta có thể tỏa đi được rất nhiều vùng phụ cận một cách nhanh chóng vào ngày cuối tuần. Dù lưu trú qua đêm hay trở về trong ngày đều có thể lựa chọn cho mình một địa điểm vui chơi, giải trí sốc vác lại tinh thần sau một tuần làm việc rệu rã.

Một số nơi mà nhiều người thường hay chọn là chạy xe xuống Vũng Tàu tắm biển, ăn hải sản. Chạy lên Bình Dương với những khu công viên giải trí quy mô tầm cỡ, chạy lên Biên Hòa ngồi trong các khu cà phê nước mát mẻ thư thái. Những địa điểm đó tôi cũng đôi ba lần tới và sẽ còn đến tiếp. Nhưng lần này tôi quyết định đi xa hơn một chút, đến một địa danh lạ hơn một chút là chạy xe một mạch từ ngã tư mang tên nó nhưng lại nằm ở Sài Gòn: Bình Phước để bắt đầu hành trình đi đường của mình.

Cũng giống như mọi chuyến đi khác, Bình Phước mang cho tôi một cảm giác tò mò thích thú. Vang lên trong đầu khá nhiều hình ảnh và ý tưởng mới lạ từ những thông tin đã tìm hiểu ở nhà. So sánh chúng trên suốt cả quãng đường đi. Từ Sài Gòn lên Bình Phước sẽ mất một quãng đường khá dài chạy qua địa phận Bình Dương với nhiều khu công nghiệp mọc san sát hai bên đường cộng thêm với khu dân cư buôn bán tấp nập dường khiến tôi cảm thấy vẫn giữa Sài Gòn và đi hết Sài Gòn là đến ngay được Bình Phước. Đi mãi rồi cũng hết. Cuối cùng cung đường của địa phận Bình Phước đã lộ ra trước mặt.

Ấn tượng đầu tiên về đường ở đây là rộng thênh thang và ngút dài tầm mắt. Đường rộng và thưa đến nỗi nhiều đoạn chỉ có duy nhất một mình mình đi mà không thấy sự xuất hiện của bất cứ loại phương tiện nào khác. Đang đi giữa đường đông đúc chật chội tự dưng bước vào một con đường vắng đôi lúc cũng có cảm giác rờn rợn sống lưng dù trời nắng vàng rất đẹp.

Thêm một nét khác của cung đường ở Bình Phước là chúng thẳng đều tăm tắp không có nhiều đoạn cua, gấp khúc nên đầu cứ nhìn thẳng đường, nhìn ngắm ra hai bên xung quanh thoải mái mà không sợ vật cản che khuất. Hai bên đường lên Bình Phước có sự khác biệt khá lớn về cảnh trí: có đoạn thì chỉ có đường nhựa là trung tâm, hai bên là bãi đất trống và trảng cỏ xanh kéo dài vào tận phía xa. Có đoạn thì rừng cao su lại bám ra  tận sát mặt đường tạo ra các nút thắt của con đường lúc hoang vu bí ẩn, lúc xanh mát như con đường dẫn vào khu rừng nguyên sinh nào đó.

Khoảng thời gian đi trên đường thường chiếm khá nhiều thời gian trong cả chuyến đi nên tìm kiếm được một con đường thoáng rộng, không có bất kì mối hiểm họa rình rập, làm lòng mình phơi phới theo cái nắng của mùa khô Nam Bộ và gió mát từ những dãy núi phía xa thì mọi buồn phiền chắc chắn sẽ bị đẩy xa khỏi đầu lúc nào chẳng hay. Đi mỏi khủy chân, chùng lưng thì táp xe vào cánh rừng cao su xanh mát cũng sẽ là một lựa chọn không tồi.

Rừng cao su ở Bình Phước rất nhiều, gần như đi đến đâu cũng thấy rừng cao su hiện hữu. Những rặng cao su đang ở tuổi cho nhựa thẳng tắp, thành hàng thành lối rất rộng rãi nên tự bản thân nét giản dị của nó cũng đã đủ tạo ra vẻ đẹp cho bất cứ ai lần đầu được nhìn thấy cánh rừng cao su. Từ thích dần dần chuyển hóa sang yêu, xao xuyến mỗi khi đọc được ở đâu đó cao su đến mùa rụng lá. Mùa này cao su gần bước vào mùa rụng lá nên lượng người đi khai thác mủ cao su nghỉ chân không nhiều. Thi thoảng chỉ thấy nhang nhác bóng ai ở phía xa xa.

Vào tầm thời gian này thì phần nhiều là những người đi tranh thủ mót cao su và hái củi. Đúng như dự đoán, chỉ một lúc sau tôi cũng đã có cơ hội được thấy mấy cậu bé cầm khều dài, móc cành khô trên cây đem bó lại thành đụm củi to buộc trên chiếc xe đạp cà tàng rồi lại mất hút giữa rừng cao su. Nhìn rừng cao su xanh mát, chỉ ước ao có một căn nhà gỗ làm bằng thân cao su đã qua tuổi thu hoạch nhưng chưa bao giờ tôi thấy một khu dân cư nào định cư trong cánh rừng cao su cả nên đoán chắc phải có lí do nào đó khiến rừng cao su chỉ mãi thuộc về mình. Nghỉ chân ở rừng cao su đã hết mỏi, nhặt được vài xác lá cao su đã bay hết phần diệp lục, còn lại lớp trắng phớ màng mỏng, tôi lại tiếp tục hành trình.

Đất đai ở Bình Phước mang đặc trưng khá rõ của vùng miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Một bên là những mảng đất xám phù sa màu mỡ rất thích hợp cho cây cao su, điều, hồ tiêu phát triển. Một bên lại là mảng đất bazan đỏ chính hiệu là nguồn màu mỡ cho cả những mùa cà phê trĩu đỏ. Nhưng ngoài những giống cây công nghiệp quen thuộc thì Bình Phước còn có những vựa trái cây không thua kém gì miền Tây thì không phải ai cũng biết. Bên rìa của những cánh rừng cao su, nơi tập trung các xóm làng dân cư rất dễ gặp màu sắc tươi ngon của những cây trái đang mùa quả chín.

Ở Bình Phước có gần như là đầy đủ các loại quả xứ nhiệt đới như chôm chôm giống Thái, măng cụt, bơ, sầu riêng,… mà hương vị không hề sai khác một chút nào với những vựa cây trái có tiếng khác. Ban đầu đứng ở trên đường cái nhìn xuống những khu vườn đang ra trái, tôi chỉ có ý định lưu giữ lại những bức ảnh nhưng thấy những chiếc xe chở đầy chôm chôm đang cố lấy đà lên con đường đất tôi hiểu rằng mình có thể xuống tận vườn để thưởng thức trái cây không thể tươi hơn được.

Sau một hồi lòng vòng, cuối cùng tôi cũng được lạc vào một khu vườn chôm chôm nhãn, măng cụt và có cả sầu riêng ở phía dưới con đường. Đa phần những người chủ vườn ở khu này là người gốc Bắc vào đây xây dựng kinh tế mới nên đều có quan hệ họ hàng không ít thì nhiều với nhau nên hàng rào phân định vườn thường chỉ là mấy rặng râm bụt quanh năm nở hoa chứ không tường rào kiên cố như những vựa trái mà tôi đã từng đến. Tận hưởng những vị ngọt của cây trái, nhìn những chiếc xe chở trái cây đang đi xuống hướng Bình Dương - Sài Gòn, mua cho mình được vài quả sầu riêng vị đắng về làm quà, giờ đây trong từ điển của mình tôi sẽ nhớ địa danh Hớn Quảng như một vựa trái cây trên đường đi du ngoạn.

Rời vựa trái cây đi được một quãng ngắn, tôi lại phải quyết tâm dừng lại một lần nữa khi thấy tấm bảng quen thuộc đã từng thấy dọc con đường từ Lạng Sơn về Hà Nội dịp đầu năm: “Gà đồi chạy bộ”. Những chiếc lồng gà lớn được đặt ngay ngắn ở bên đường dễ dàng thu hút bất cứ chiếc xe máy, hay ôtô nào lướt đi qua. Nhất là những công dân thành thị chưa một lần biết đến hình thức kinh doanh này, muốn mua về làm quà cho mọi người ở thành phố cái gì cũng muốn “hàng xách tay” ở dưới quê lên thì thật đáng dừng.

Trong vai của một người muốn mua gà tôi cũng táp vào bên lề hỏi giá cả, nguồn gốc. Chắc đã quá quen với việc khách hàng tra tận gốc, hỏi tận ngọn nên tôi vừa mới mở miệng hỏi giá, chị chủ quán đã nhanh nhảu tuôn ra một tràng đầy đủ giá cả, nguồn gốc, dịch vụ nhặt lông, làm sạch lòng mề, tay thì vẫn bắt gà đưa cho vị khách khác xem. Vì mới đang trên chặng đi chưa phải chặng về nên khi hỏi được ý tưởng kinh doanh này có từ đâu, tôi đành cáo hẹn với chị chủ quán rất biết chiều lòng khách sẽ trở lại khi trên đường quay xuôi. Dúi vào tay tôi cái danh thiếp địa chỉ có số điện thoại chị chủ không quên dặn: “Ở đây tụi chị chuyển gà xuống tận Sài Gòn nếu từ sáu con trở lên, chú về dưới đó giới thiệu giúp”.

Trong suốt chặng trên con đường đi của mình. Đến mỗi địa điểm tôi thường hay chú ý đến tấm bảng chỉ ranh giới cột mốc. Ở đâu thì cũng có địa danh, cũng có cột mốc “+km” nhưng chưa ở nơi nào tôi lại chú ý và biết nhiều các địa điểm như ở Bình Phước dù chưa một lần đặt chân đến. Bởi những địa danh ở Bình Phước xuất hiện thường xuyên trong những trận đánh lừng lẫy năm xưa trong trang sách phổ thông đến giờ tôi vẫn còn nằm lòng.

Điều đó cũng đồng nghĩa để có những con đường thẳng rộng, cánh rừng cao su xanh bạt ngàn, thì đã có biết bao xương máu của cha ông đã đổ xuống để giữ tấc đất một, làm nên chiến thắng phá vỡ cục diện chiến tranh từ thế kỉ trước, mang lại độc lập thống nhất hai miền Bắc – Nam. Đi trên con đường mà lòng tràn ngập niềm tự hào, hứng khởi khi gặp lại những mảnh đất quen thuộc nhưng lần đầu chạm mặt là một cảm giác rất khỏ tả bằng lời. Nó gần như thuộc về ý niệm nghi thức cá nhân.

Đã gần bốn mươi năm chiến tranh đã lùi xa, con người và cảnh trí nơi đây đang dần được đổi khác. Các thị trấn mọc bên đường dù chưa thực sự nhộn nhịp bằng hàng loạt tòa cao ốc văn phòng, nhưng mọi thứ cứ yên bình như vậy lại dễ chịu, không bị đè nặng áp lực như cuộc sống đô thị. Điều kiện tự nhiên có sự chuyển giao từ đồng bằng bằng phẳng lên có hơi hướng cao nguyên đã tạo ra cho nơi đây khá nhiều các suối, hồ nước ngọt có thể phát triển được du lịch sinh thái dã ngoại kết hợp  tìm hiểu đời sống tập quán lao động của các đồng bào dân tộc ở đây.

Tuy nhiên vào ngày nghỉ cuối tuần như thế này mà tôi vẫn có cảm giác thư thái tại một khu du lịch sinh thái được đầu tư khá bề thế tại huyện Bình Long thì có thể thấy vẻ đẹp của Bình Phước chưa thực sự đến được với nhiều người. Nhất là những người trẻ thành thị sau một tuần làm việc luôn phân vân chọn địa điểm giải trí nào ngoài những chỗ đi năm lần, bảy lượt trong năm.

Đem được món quà từ mảnh đất khác, chụp những bức ảnh đẹp từ mảnh đất lạ, có những câu chuyện thu nhận được trên suốt chặng đường là niềm hạnh phúc nhất với những người đi đường. Tôi cũng vậy, sau mỗi chuyến đi dù là mảnh đất nào, có tiếng hay không nổi tiếng cũng đều cho tôi một bài học rất đáng quý. Chỉ cần tôi muốn đi và dám đi thì ở đó chắc chắn sẽ nhận được nhiều thứ hơn mong đợi. Sau chuyến đi Bình Phước ít nhất tôi đã có cho mình năm bức ảnh chụp tên các thị xã, huyện lị để minh họa cho những kiến thức lịch sử tôi từng ham mê trước đây

Trọng Huy
.
.
.