Hành trình chống lại “cái chết danh dự ” của thiếu nữ Pakistan

Thứ Hai, 21/05/2012, 16:52
Kainat Soomro - thiếu nữ người  Pakistan có khuôn mặt buồn, cặp mắt sâu với vẻ đẹp Nam Á thuần túy và bí ẩn đã đang trải qua những tháng ngày khó khăn nhất trong cuộc đời. Cô bé đã bị hãm hiếp và theo như “luật” thì cô bé sẽ phải chết một cách danh dự vì chưa kết hôn mà đã mất đi sự trinh trắng. Không biết cái ngày định mệnh đó là ngày đau đớn nhất hay nỗi sợ hãi và đau khổ nhất là khi cô không những đặt mình mà còn đặt cả gia đình mình vào nguy hiểm khi cố gắng đứng lên đòi lại công lý?

Cuộc chiến đi tìm công lý chống lại hủ tục

Mắt nhìn đăm chiêu xuống sàn nhà, cô bé kể lại: “Hôm đó, khi đang trên đường đi bộ từ trường về nhà, cháu tạt qua một cửa hàng để mua đồ chơi cho cháu gái mình. Khi cháu đang mải mê tìm xem có món đồ nào ưng ý không thì bị một gã dùng khăn tay bịt chặt lấy mũi. Cháu bất tỉnh ngay sau đó và đã bị bắt cóc. Rồi 4 kẻ thuộc cùng một băng đảng đã cưỡng hiếp cháu”. Kainat cho hay, sau 3 ngày, cuối cùng cô cũng đã thoát khỏi vòng vây của bọn chúng.

Người cha ngồi cạnh nhẹ nhàng vuốt tóc an ủi con trong suốt quá trình Kainat thuật lại sự việc với các nhà chức trách địa phương. Ông nói, bản thân từng nhiều lần cố gắng làm mọi việc có thể để những kẻ bị cáo buộc đã hiếp Kainat bị tống giam, tuy nhiên, cảnh sát ở đây dường như không đứng về phía cha con ông. Theo gia đình Kainat, các trưởng lão bộ tộc ở nơi cô sinh sống đã tuyên bố, người phụ nữ này mất trinh tiết khi chưa kết hôn.

Sau khi kể lại việc từng bị bắt cóc và hiếp dâm tập thể, Kainat Soomro đã phải đối mặt ngay với mối đe dọa mới đó là “cái chết danh dự” theo truyền thống ở đây, như kết cục bi thảm của bất kỳ cô gái nào lỡ mất trinh tiết trước khi làm đám cưới.

Tại Pakistan, những cặp đôi có mối quan hệ bất hợp pháp hoặc những cô gái không còn sự trong trắng trước khi kết hôn đều có nguy cơ phải trả giá cho điều đó bằng chính mạng sống của mình. Abdul Hai – một nhân viên kì cựu thuộc Ủy ban Nhân quyền Pakistan cho biết: “Đó là vấn đề thuộc về danh dự mà các vị lãnh đạo ở đây gọi là jirga và họ tuyên bố rằng, những phụ nữ hoặc những cặp đôi như vậy phải bị xử tử. Các hành động bạo lực như thế thường được gọi là những cái chết danh dự”.

Báo cáo mới đây nhất của Ủy ban Nhân quyền Pakistan đã chỉ rõ, trong năm 2009, khoảng 46% các trường hợp phụ nữ tử vong đều là do họ phải chọn lấy “cái chết danh dự”; trong khi báo chí nước này đưa tin có khoảng 647 phụ nữ đã chọn cho mình một “cái chết danh dự”. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng số phụ nữ bị ép “chết danh dự” ở Pakistan trên thực tế còn cao hơn nhiều do gia đình của những nạn nhân còn lại thường báo với cảnh sát rằng họ tự tử. Tuy nhiên, gia đình Kainat Soomro đã phá lệ!

Các phóng viên của tờ The Atlantic lần đầu tiên gặp Kainat Soomro khi cô bé có mặt ở văn phòng của Ủy ban Nhân quyền Pakistan. Ấn tượng đầu tiên của họ về cô bé là chiếc khăn nhiều màu đậm chất dân tộc trên đầu. Cha của Kainat ngồi cạnh con trong suốt quá trình cô thuật lại vụ việc.

Khắp làng, ai cũng biết chuyện Kainat Soomro đã tham gia vào cuộc đấu tranh đòi công lý tại khắp các tòa án ở Pakistan – một hành động được xem là quá bạo gan đối với phụ nữ ở mọi lứa tuổi tại đất nước này, chứ chưa nói gì tới cô bé đang ở lứa tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Cô gái liên tục nhấn mạnh việc đấu tranh đòi công lý sau vụ hãm hiếp mà cô khẳng định đã xảy ra cách đây 4 năm ở Mehar – một thị trấn nhỏ thuộc Pakistan.

Kainat cho hay, mặc dù chịu nhiều áp lực, nhưng gia đình cô đã từ chối “cái chết danh dự”. Cô gái mới 17 tuổi này chia sẻ: “Đó là truyền thống rồi. Nhưng nếu gia đình người phụ nữ đó không chấp nhận điều này thì “cái chết danh dự” sẽ không xảy đến đối với thành viên trong gia đình họ. Bố tôi, anh tôi và mẹ tôi đã không chấp nhận điều đó”.

May mắn không phải nhận “cái chết danh dự” vì mất đi sự trong trắng trước khi kết hôn, nhưng Kainat (17 tuổi) lại đang khiến cả gia đình lâm nguy dọc hành trình đi tìm công lý của mình. Và chính sự liều lĩnh đi ngược lại với phong tục truyền thống này đã đẩy cả gia đình vào nỗi lo sợ phải đánh đổi bằng chính mạng sống của cả nhà.

Ngôi nhà mới của họ ở Karachi từng bị tấn công nhiều lần. Tại Karachi, Kainat và gia đình cô đang phải ở chung trong một căn phòng tạm bợ và sống dựa vào thực phẩm cứu trợ của các tổ chức từ thiện. Chị gái của Kainat cho hay: “Nhiều đêm chúng tôi đói meo”. Tuy nhiên, hẳn họ sẽ không vì thế mà chịu từ bỏ hành trình đi tìm công lý.

Thế nhưng, theo ông Abdul Hai, Kainat là người may mắn:“Thường thì người phụ nữ hoặc cô gái đó sẽ bị giết chết. Hơn 70% các nạn nhân bị sát hại là phụ nữ trong khi chỉ 30% nam giới phải chấp nhận “cái chết danh dự” kể trên”.

Không chịu từ bỏ dù khó khăn đến đâu

Một thẩm phán địa phương cho hay, nếu chỉ dựa trên lời khai thì chưa đủ các bằng chứng xác thực chứng tỏ Kainat bị hãm hiếp. Thêm vào đó, một trở ngại khác đối với Kainat là do cảnh sát hiếm khi tin vào chuyện một cô gái bị hãm hiếp nên các tang vật thường không được lưu lại sau các vụ cưỡng dâm ở Pakistan, và đến lúc cần tới chúng thì nạn nhân chẳng còn gì cả.

Nếu không có các xét nghiệm y tế để chứng thực lời khai thì sẽ chẳng ai tin vào chuyện Kainat bị cưỡng hiếp. Mặc dù vậy, cô gái mạnh mẽ này vẫn cứng cỏi tuyên bố: "Nếu tòa án địa phương không tin tôi, tôi cũng sẽ không từ bỏ. Tôi sẽ đưa vụ này lên Tòa án Tối cao ở Pakistan bằng mọi cách”.

Mọi việc không chỉ đơn giản như vậy, gia đình nạn nhân quyết không để mất cô con gái bởi một điều hết sức cay đắng đó là vào ngày 28/3/2010, tai họa lại một lần nữa giáng xuống gia đình bé nhỏ này. Người anh trai 24 tuổi Sabir Soomro đã bị giết hại, thi thể được tìm thấy trong một ngôi làng xa xôi của Naal gần Khuzdar trong Balochistan. Cảnh sát cho rằng người đàn ông này đã tham gia vào một vụ cướp, chính vì vậy không tỏ thái độ rõ rệt trước cái chết của Sabir và thậm chí không cho gia đình mang xác đi.

Theo kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, người đàn ông này đã bị chết bởi nhiều phát đạn và theo như nhiều phương tiện thông tin đại chúng phỏng đoán và đưa tin, thì cái chết này có thể gây ra bởi những kẻ đã từng hãm hiếp cô em gái Kainat Soomro. Cô em gái đã hết sức đau đớn và hoảng hốt khi bị bắt cóc, lúc thoát ra được đã nói chuyện với anh trai của mình và không hiểu sự việc tiếp theo như thế nào, mà giờ đây anh trai cô đã chết một cách thảm thương.

“Cái chết danh dự” ở đây phần lớn đều bị dồn đến đường cùng bởi những vị chức sắc trong làng. Những cô gái phải chết đều còn rất trẻ nhưng phần lớn họ đều không có lối thoát. Kainat Soomro đã nói với báo chí rằng, cô sẽ không bao giờ từ bỏ. “Anh trai tôi đã rất kiên cường trong việc bảo vệ tôi và tôi không cho phép mình thất bại, nếu không cái chết của anh tôi sẽ trở thành vô nghĩa, anh tôi đã chết vì tôi”.

Trong một phiên tòa ở thành phố Karrachi đã tuyên bố trắng án cho bốn người đàn ông bị cáo buộc liên quan đến vụ bắt cóc và hãm hiếp là Ahsan Thebo, Shaaban Sheikh, Roshan Thebo và Kaleemullah Thebo. “Chúng tôi rất sợ hãi khi gia đình tôi liên tục bị đe dọa và thậm chí có người đã phải bỏ mạng”.

Gia đình Kainat Soomro đã tổ chức một cuộc biểu tình và nhận được sự ủng hộ của không ít người, phần lớn đều là những người có tư tưởng tiến bộ, nhưng trên thực tế có rất nhiều người vẫn tỏ ra e dè và sợ sệt, bởi không chỉ họ sợ vì những hủ tục mà còn sợ tính mạng họ cũng bị đe dọa vì đã gián tiếp chống lại một thế lực khác, đó là thế lực “xã hội đen”.

Gia đình của những phụ nữ phạm tội chết thường đứng trước hai lựa chọn: buộc con tự tử hoặc chỉ định một cậu con trai làm đao phủ và cậu này phải ngồi tù suốt đời. Để tránh cùng lúc phải mất hai người con, đa số gia đình chọn cách thứ nhất, tức ép con gái tự sát". Trong trường hợp không thể buộc "kẻ mang tội chết" tự tìm đến cái chết, họ sẽ cử sát thủ là một cậu bé vị thành niên để sau đó được hưởng những tình tiết giảm nhẹ.

Thường thì hình thức xử tử là do các thành viên nam trong dòng tộc quyết định thông qua một buổi họp hội đồng. Sau khi nhận thấy người phụ nữ đã có hành động bôi tro trát trấu lên danh dự dòng tộc, họ sẽ thông qua án tử hình vì theo họ đó là cách duy nhất để phục hồi danh dự.

Tập tục man rợ này khá phổ biến tại Trung Đông, Nam Á và cũng được các cộng đồng Hồi giáo bảo thủ ở nhiều nước phương Tây ủng hộ. Theo LHQ, mỗi năm có ít nhất 5.000 phụ nữ trên khắp thế giới chết bởi bàn tay của người thân liên quan đến cái gọi là "hành quyết để bảo vệ danh dự".

Kainat Soomro và gia đình vẫn tiếp tục công cuộc đấu tranh đòi lại công lý, chống lại cái chết mang tên “danh dự”, cuộc chiến vẫn chưa đến hồi kết, nhưng đây chính là phát súng đầu tiên để cho những cô gái khác lâm vào tình cảnh như Kainat Soomro vẫn còn con đường sống và để cho những kẻ ác phải bị trả giá đúng như lý lẽ sống của cuộc đời

Minh Anh – Thanh Hà
.
.
.