Hát cùng suối PLah

Thứ Tư, 07/01/2015, 20:00
Con suối Dà PLah chảy quanh chân núi Lang Biang và là nguồn nước sinh hoạt của dân tộc thiểu số người Lạch ở xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Đất-Gió-Nước của cao nguyên đất đỏ đã tạo dựng hình ảnh sống động, độc đáo của một bộ tộc chuyên phi ngựa và ca hát trên thảo nguyên bao la. Và, đó cũng là một nét văn hóa người Lạch, những thổ dân đầu tiên của Đà Lạt mơ mộng, quanh năm bốn mùa sương bay.

Lang thang chợ xã Lát

Chợ của người Lạch ở đây họp gần nhà thờ nên dường như các cô gái, chàng trai đi chơi chợ, hay vào ngày lễ đều tiện mọi bề. Khi đến Đà Lạt tôi may mắn gặp nữ sĩ Minh Hạnh, hội viên Hội VHNT Lâm Đồng; chị là tác giả tập thơ trữ tình với nhan đề “Bão hôn”, nghe chừng đậm chất cuồng nhiệt Tây Nguyên. Nữ sĩ đưa tôi xuống thung lũng, nơi tràn ngập lời ca tiếng hát của âm nhạc KHo. Khi đi vào chợ xã Lát, nhà thơ Minh Hạnh kể cho tôi nghe các cô gái người Lạch cũng thời trang lắm. Họ mua sắm khăn áo đủ mầu sắc. Nhưng mỗi khi đi nhà thờ, ai nấy đều có một chiếc khăn choàng lên vai và có người còn quấn trên đầu. Những chiếc khăn choàng với đủ kiểu dáng đã làm nên hình ảnh duyên dáng của các thiếu nữ người Lạch mỗi khi ra ngoài đường. 

Quả đúng như vậy, tôi luôn ngỡ ngàng vì những chiếc khăn choàng thấp thoáng bay qua trước mặt. Một đôi mắt to đen bất ngờ ngước nhìn tôi. Đôi mắt cao nguyên đây ư. Một gương mặt trái xoan trong veo nước da của dòng suối Dà PLah. Trước mắt tôi những quầy hàng tràn ngập hàng dệt thổ cẩm muôn màu. Dọc trên đường làng, thỉnh thoảng tôi lại gặp một cô gái dệt vải, cùng những nụ cười tươi xinh. Tôi cứ tự vấp chân mình mỗi khi bất chợt gặp nụ cười ấy. Nữ sĩ Minh Hạnh luôn mỉm cười và hiểu cho rằng, tôi đã bị lạc vào một thế giới vẫn còn  những nét hoang dã bởi dòng suối bên Lang Biang, một trong mấy ngọn núi cao nhất trên miền đất đỏ Lâm Viên.

Nhưng thật bất ngờ, cả chợ bỗng ồn ào hẳn. Nghe như có tiếng tù và vọng lên âm u cùng tiếng chiêng âm vang. Tôi cùng nữ sĩ Minh Hạnh hút theo dòng người đi ra con đường cuối chợ. Trước mặt tôi là những chàng kỵ mã người Lạch của mấy làng thuộc xã Lát chuẩn bị bước vào cuộc đua ngựa trên cao nguyên. Thì ra hôm nay, đúng vào một ngày chủ nhật, trò chơi dũng mãnh của các chàng trai người Lạch thường diễn ra, hoặc có thể vào dịp hội lễ nào đó. Nếu không, cuộc tỉ thí cũng được coi như luyện tập thường kỳ, để chuẩn bị một cuộc thi chính thức hằng năm. Nữ sĩ Minh Hạnh kể, với người Lạch đua ngựa là cuộc chơi đầy hứng khởi, đúng với tính cách hoang dã của mình. Họ không bao giờ ăn thịt ngựa. Chăn nuôi ngựa là một công việc thân thiện như chăm sóc người thân thiết trong gia đình.

Đặc sắc ở đây là các chàng kỵ mã thường đua ngựa không có yên và chẳng có bàn đạp. Những kỵ sĩ đầu trần và chân đất đua ngựa là trò chơi duy nhất, chỉ có ở người Lạch, xã Lát. Họ nắm bờm ngựa và kẹp đùi vào mình ngựa để phi trên thảo nguyên. Tôi đếm đúng 20 chàng trai chuẩn bị vào cuộc đua. Một hiệu lệnh vang lên. Những vó ngựa tung bay như làn gió ào ào lướt qua trước mắt tôi. Bụi đỏ đất bazan tạo nên một quầng sậm màu cuộn lên cao. Bóng các kỵ sĩ mất hút trên đồng cỏ xanh mướt. Tôi cùng mọi người mải miết đi theo dấu chân ngựa. Bởi ở phía trước là thảo nguyên bao la, những chú ngựa phi nước đại và hí vang rừng núi cao nguyên.

Những ca sĩ đồng cỏ

Nếu nói người Lạch ở xã Lát gắn liền với nghề dệt thổ cẩm, trò đua ngựa không yên và nghệ thuật nấu rượu nếp lá rừng, thì không thể không kể đến âm nhạc. Hiện toàn xã có tới hơn chục đội văn nghệ, ca múa và cồng chiêng, nghĩa là có tới hàng trăm người tham gia biểu diễn mỗi khi có du khách về đây. Theo già làng Krajan Plin cho biết, từ ngày các tuor du lịch có gắn với các đêm lửa trại và nhảy múa ở các làng ở xã Lát, thì gần như ai cũng say mê tham gia văn nghệ.

Nữ sĩ Minh Hạnh còn kể, già làng Plin là một nghệ sĩ chính hiệu của đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng trở về buôn hoạt động âm nhạc. Ông còn là một nhạc sĩ người Lạch đầu tiên viết bài về quê hương mình. Cách đây hơn mười hai năm, một nghệ sĩ của đội văn nghệ của ông là Bonneur Trinh đi thi Tiếng hát Truyền hình TP Hồ Chí Minh và đã đoạt giải nhất chính bằng bài hát của già làng rất trẻ tuổi này. Sau đó chỉ một năm, các đội văn nghệ của già làng Plin, đều cử người dự thi “Sao Mai điểm hẹn”. Họ đã vượt qua 6.000 ca sĩ dự thi và được vào vòng chung kết năm 2003. Ấy là chưa kể, có thời ca sĩ Krajan Sik, người Lạch ở xã Lát đã từng giành HCV trong cuộc thi dân ca toàn quốc năm 2005. Không ít ca sĩ của người Lạch đã làm nên tên tuổi trong các liên hoan văn nghệ hay các cuộc thi hát trong hơn mười năm qua.

Người ta gọi xã Lát là “Làng ca sĩ” cũng không sai. Thậm chí già làng Krajan Plin còn nói, hát như ca sĩ Bonneur Trinh, thì ở người Lạch không thiếu. Điều đó muốn nhấn mạnh về sự đông đảo những giọng hát hay ở xã Lát. Ông có công đào tạo các ca sĩ người Lạch có trình độ biểu diễn phục vụ du khách không kém các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Từ những thời kỳ đầu, vào thời kỳ còn khó khăn, già làng Plin đã phải từng bán đi đàn trâu của mình để mua nhạc cụ, kèn, trống. Sau đó ban nhạc đầu tiên ông thành lập có tên “Những người bạn Lang Biang” vào năm 1995. Già làng Plin không những là nghệ sĩ biểu diễn và sáng tác mà còn là một người có công nghiên cứu và biên soạn cuốn “Luật tục KHo người Lạch”. Ông tâm sự mình mới hoàn thành cuốn sách viết về âm nhạc của người KHo. Noi gương già làng Plin, các buôn làng đều thành lập đội văn nghệ, gắn với du lịch quanh chân núi Lang Biang để phục vụ theo yêu cầu du khách thập phương dừng chân nơi đây.

Nhớ về quê hương, ca sĩ Bonneur Trinh tràn ngập ký ức, kể đã đến 12 năm qua. Sau này lập nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, ca sĩ Bonner Trinh đã tốt nghiệp đại học khoa Báo chí, nhưng không ngày nào là không nhớ về quê hương và hát những ca khúc  mang âm hưởng dân ca KHo của nhạc sĩ Krajan Plin. Nói về tình yêu ca hát của hàng ngàn người dân xã Lát, chị tâm sự, người Lạch ai cũng biết hát và biểu diễn. Đó là bản năng thiên phú, trời đất của núi rừng ban cho. Tự hào về dân tộc mình, nhạc sĩ Krajan Sick còn nói, nếu so sánh số ca sĩ trên tổng số dân (xã Lát), chắc chắn đứng hàng thứ nhất trong cả nước; với con số 300 nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp, trên tỉ lệ so với hơn 5.000 người dân toàn xã. Có lẽ đúng vậy, ông nhấn mạnh người Lạch quê ông sinh ra để hát và phi ngựa mà thôi.

Chuyện về con Cù Lần

Ở xã Lát, ngoài những địa chỉ du lịch sinh thái như Suối Vàng, Suối Bạc, đỉnh núi Lang Biang khá quen thuộc, du khách còn bất ngờ với một địa chỉ mới, đó là làng Cù Lần. Cái tên nghe rất ngộ, nữ sĩ Minh Hạnh kể rằng, đây là một địa danh du lịch mới được khai thác làm du lịch. Nơi đây là một thung lũng giữa những rừng cây bạt ngàn bao quanh, có con suối chảy qua, cùng với rặng cây Cù Lần mọc rậm rịt. Nhưng có lẽ nơi đây được gọi tên làng, theo những con Cù Lần có cặp mắt hiền dịu và trong veo. Nhiều người còn lấy lông Cù Lần làm thuốc cầm máu nên thường còn gọi là con Cu Li. Nghe thì đã lâu, nhưng lần đầu tiên tôi mới biết hình dáng con Cù Lần ra sao.

 Thoạt nhìn nó tựa con gấu Trúc nhỏ, với đôi mắt long lanh và luôn luôn ngơ ngác nhìn mọi người đi qua. Đôi khi tôi lại hình dung mặt nó giống mặt khỉ, với một mầu lông vàng xậm, giống như mầu lá cây Cù Lần. Kể thực lạ bởi các chú Cù Lần nhát và hay e thẹn. Nếu thấy ai nhìn trừng trừng, hay có động tác dứ dọa là nó lấy hai chân trước che đôi mắt đẹp của mình. Rồi co rúm thân hình như hành động tự vệ bản năng và nằm im thin thít. Thật hết sức dại dột, bởi khi ấy, ai cũng có thể bế nó lên và thậm chí bỏ vào túi xách mang về.

Nhưng có lẽ vào làng Cù Lần thích thú nhất là bằng những chuyến xe Jeep lội suối. Con đường gập ghềnh trắc trở vài ba cây số, lổn nhổn với đá và sỏi. Kèm theo là con nước luôn xối ào, bắn tung tóe. Một sự mạo hiểm đến độ nếu không khéo có thể bị lật nghiêng xe. Người sẽ lăn xuống dòng suối. Nghe phía sau tôi, rầm rầm những tiếng còi xe báo hiệu tránh đường trên dòng suối. Nhưng rồi cũng chẳng ai vượt lên trước được. Chỉ có tiếng cười và tiếng kêu la ầm ỹ. Và tôi cũng hét lên như một đứa trẻ, nếu không cái cảm giác bị lật xe sẽ bắt mất hồn vía của mình. Lúc ấy các chú Cù Lần lại thẹn thùng bịt mắt không dám nhìn mọi người. Nghĩ thế tôi chợt bật cười.

Thật khó có cảm giác nào bay bổng như lúc này. Nhìn đoàn xe chồm lên tôi ngỡ mình như những chàng trai người Lạch của xã Lát đang phi ngựa trên thảo nguyên. Họ đang bay lên đỉnh núi. Tôi cũng thấy thế. Như đang bay. Bên cạnh tôi nữ sĩ Minh Hạnh lấy hai tay che mắt lại như một chú Cù Lần vậy. Nhưng nàng đâu có sợ, mà đang mơ tới một cơn “Bão hôn” của những chàng trai, đang ào ạt trao cho những cô gái người Lạch có đôi môi hồng, đẹp như những đóa hoa, ngào ngạt hương thơm. Những làn nước bắn tung lên cao làm đàn chim cứ ríu ran hót và vỗ cánh bay rào rào làm lay động cả núi rừng bao la, xanh ngây ngất tới cổng trời…

Chung Tử
.
.
.