Không có gì mà ầm ĩ cả

Hãy cho sự tử tế chút đất sống

Thứ Tư, 13/07/2016, 10:45
Sau vụ chặn xe cứu thương tại Bệnh viên Nhi Trung ương, Giám đốc bênh viện đã xin lỗi. Nhưng lời xin lỗi ấy chưa đủ. Những bảo vệ tham gia việc đó bị sa thải cũng chưa đủ. Điều quan trọng là làm thế nào đánh thức được sự tử tế của mỗi người. 

Nhà văn nổi tiếng Nodar Dumbadze từng viết: "Con người ta cần ốm nặng ít nhất một lần trong đời. Như vậy sẽ có dịp phân tích và đánh giá lại toàn bộ quãng đường đã qua". Như vậy, việc đến với bệnh viện là một cơ hội không thể bỏ qua. Nhưng nếu ở Việt Nam thì Nodar Dumbadze chả chắc đã cơ hội để đánh giá quãng đường đã qua mà đã ngỏm củ tỏi trước khi được khám xét. Vì sao? Vì ai cũng phải vượt qua những cái cổng. Tất cả các công sở đều phải có cổng to đùng ngã ngửa. Cổng không chẳng phải để qua mà là để "đóng băng" nội bất xuất, ngoại bất nhập. 

Cổng bệnh viện không nằm ngoài quy luật này. Vừa rồi bảo vệ viện nhi lộ tẩy chuyện gây sự phiền hà, dùng lời chợ búa để ứng xử với người chở bệnh nhân, đem dây cáp ra xích xe cấp cứu khiến lòng người nổi giận. Bệnh nhi sắp trút hơi thở cuối cùng cũng không tha. Ông viện trưởng phải đứng ra xin lỗi.

Việc vỡ lở mới thấy tinh thần bắt chẹt nhiều biến tướng lan tỏa khắp vùng miền. Trước đây, ta đã sống chung với lũ, quen với những “quán cơm tù” trên xa lộ. Khách bắt buộc phải trả tiền cho cái quán ăn "bẫy người".

Bây giờ lại có dạng “tù bệnh viện”. Vào cổng bệnh viện như đi vào miệng bẫy. Bảo vệ biến thành bảo kê chung quy cũng bởi chữ tiền. Câu chuyện này không chỉ ở riêng một bệnh viện mà ở khá nhiều bệnh viện khác. Các tài xế cứu thương đều biết luật. Đồng nghiệp của họ đôi khi bị bảo vệ ứng xử bằng quyền cước.

Làm tài xế đi cứu người mà đôi khi bị đánh mặt mũi tím bầm như gấu trúc. Tài xế taxi nhiều khi phải vào vai người nhà bệnh nhân mới được đón ra. Tất nhiên vẫn phải dúi trăm ngàn cho yên tâm. Có trường hợp xe thoát đã khá xa vẫn bị bảo vệ đuổi theo cho nếm mùi cơ bắp nhiệt tình và kỹ lưỡng. Tài xế nhiều khi từ chối đưa đón ở một số bệnh viện. Trong tay họ có danh sách bệnh viện cần tránh để khỏi gặp bảo kê. Đỡ ăn đòn lôi thôi.

Minh họa: Lê Tâm.

Loanh quanh vẫn lại việc cấp phép hay không cấp phép. Vậy đưa người cấp cứu không phải việc toàn dân sao? Cứu mạng như cứu hỏa. Sao còn so kè giấy tờ lôi thôi? Xin thưa rằng bệnh nhân là đồng loại chứ không phải nguồn thức ăn. Thân thể người không phải xương hổ, sừng tê giác.

Tạm rời bệnh viện, tôi muốn nói tới bảo vệ gặp nụ cười trong giao tiếp và khi họ giúp đỡ tôi. Ra khỏi căn hộ của mình, dường như toàn bộ không gian xung quanh, vườn tược, đường phố đều là của mình. Bởi người bảo vệ đã thực sự bảo vệ họ.

Năm 2010, tôi có theo nhà đài quay mấy thước phim ca ngợi Thủ đô ở tầm cao 1000 năm tuổi. Nhóm quay phim đã chọn khu Mỹ Đình, dừng ở bất cứ đâu có hình ảnh công trình đẹp là ghi hình. Việc này hoàn toàn bình thường nhưng đã bị bảo vệ khu đô thị đuổi như đuổi tà. Hết hỏi thẻ tác nghiệp lại đến giấy giới thiệu. Mọi bảo vệ đều có tư thế vung vẩy dùi cui vào mặt khách. Các khu chung cư sang trọng đã trở thành nhà tù như vậy đấy. Thật thương thay cho chủ nhân những căn chung cư, ngôi biệt thự hay là một loại nhà tù ấy.

Trở lại vụ "Bẫy xe" cứu thương. Giám đốc bênh viện đã xin lỗi. Nhưng lời xin lỗi ấy chưa đủ. Những bảo vệ tham gia việc đó bị sa thải cũng chưa đủ. Điều quan trọng là làm thế nào đánh thức được sự tử tế của mỗi người. Một lời xin lỗi đâu có thể biến các nhóm bảo vệ của không ít đơn vị đang bị tha hóa có thể tỉnh ngộ? Ngài Giám đốc bệnh viện xin lỗi chưa đủ. Ngài không thể với tới những nhóm bảo kê tương tự bởi họ quá đông và nguy hiểm. Ở đâu cũng thế. Riêng gì Y tế.

Trước khi có những biện pháp hành chính được thực thi thì mỗi chúng ta hãy dành cho sự tử tế có đất sống. 

Còn bạn, nhìn những cảnh trên, bạn ngủ có ngon giấc không?

Lê Tâm
.
.
.