Hẻm xuyệt

Chủ Nhật, 17/08/2014, 13:00

Lần đầu tiên đến thành phố này tôi đã bị ấn tượng bởi những con hẻm khi đi tìm nhà để thuê. Thú thực lúc ấy trong đầu tôi đã nảy ra vô số ý tưởng để viết về sự thú vị này. Nhưng rồi bao nhiêu điều mới mẻ khác tại nơi đây đã khiến tôi quên khuấy đi mất, để cho con hẻm đơn thuần trở thành nơi đi về mỗi ngày mà thôi. Trong lúc lục lại album ảnh để tìm ra bức ảnh đẹp đem in làm thiệp gửi bạn ở phương xa, tôi mới chợt nhận thấy hẻm xuất hiện trong các bức hình hơi dày đặc và mỗi một con hẻm lại mang trong mình những kí ức khác nhau.

Ở thành phố này không đâu là không có hẻm. Dù đó là các con đường lớn ở trung tâm hay ở ngoại ô thì hẻm cũng xuất hiện. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ nói lên được sự đông đúc đến như thế nào của lớp người quần cư nơi đây. Có thể lúc đầu nó là đường rộng rãi nhưng với sự gia tăng dân số, chuyển dịch cơ cấu dân cư từ các vùng địa lý đã tạo sự xéo ngang, xẻ dọc các con đường mà hình thành nên hẻm. Chẳng lạ lẫm gì khi đi trên các con đường lớn, bỗng chốc chừng độ vài chục mét là thấy một cái biển nho nhỏ ghi “hẻm” và đi sâu vào trong hẻm sẽ xuất hiện thêm một thuật ngữ “xuyệt”. Cái “xuyệt” gần giống như “ngách” vẫn thấy ở các con ngõ của Hà Nội nhưng về độ sâu và ngoằn nghèo của nó thì các con ngách có thể nói là sẵn sàng chịu thua. Chỉ vì cái xuyệt ấy mà biết bao nhiêu người mới vào nghề đi thu tiền điện, nước, truyền hình cáp phải méo mặt, tìm mãi chẳng ra. Tuy nhiên, khi đã quen rồi thì chỉ có bộ phận người này là nắm được quy luật của hẻm, của xuyệt để đi mà thôi, chứ dân trong hẻm cũng chẳng quan tâm đến những những cái xuyệt khác làm gì cho mỏi mệt. Cứ biết có đường để đi, có đường tắt nhanh nhất để đến được đích là theo lối mòn ấy suốt năm, suốt tháng mà đi thôi. Thời gian hăm hở đi khám phá các con hẻm thật phí thời gian. Của vàng ngọc ấy để dành cho việc cà phê, nhậu nhẹt với bạn bè còn thú vị hơn. Chỉ có khách du lịch, người nhập cư mới vào thành phố này yêu tìm hiểu văn hóa là còn hăm hở đi đến những con hẻm để tìm ra những điều mà trước đây mình chưa hề được biết, lạ lẫm trong văn hóa, tín ngưỡng của mình. Quả thực, đời sống ở những con hẻm rất khác biệt với những gì mà tôi biết. Đầu tiên phải nói đến khía cạnh dân cư – người tạo nên đời sống cho hẻm.

Ở trong hẻm không khó để có thể bắt gặp sự pha trộn của lớp dân cư đến từ khắp ba miền Bắc – Trung – Nam và một số lượng lớn người Hoa, người Khơ Me cùng nhau sinh sống. Đến ở một nơi mới, họ vẫn mang theo trong mình lối sống bản địa lâu dài được truyền từ đời này sang đời khác biểu hiện trực tiếp trong lối kiến trúc xây dựng nhà cửa, đền đài, buôn bán và cách giao thiệp với mọi người xung quanh. Không khó để có thể nhận ra được các căn nhà của người Bắc khi chuộng xây nhà theo lối nhà ống để có thể tận dụng được đất, dễ chia nhiều phòng theo tầng, còn người Nam thì các căn nhà có xu hướng thấp hơn, thích để các khoảng trống trước nhà để trồng cây, lấy gió và ánh sáng mặt trời. Còn nhà của người Hoa thì chắc chắn là dù làm kiểu gì cũng cốt để buôn bán sao cho thuận tiện nhất. Kể cũng lạ, cứ tưởng là làm ăn buôn bán thì nhất thiết phải ra các con phố trung tâm, đường cái rộng rãi tìm thuê địa điểm thì mới được nhiều người biết đến nhưng xem ra với các con hẻm thì điều này chưa thực sự chính xác.

Trong con hẻm bé xíu thôi mà thực ra có tất cả mọi thứ, từ quần áo, giày dép cho đến các khu chợ tấp nập đầy đủ rau cỏ, thịt cá, hoa trái miệt vườn. Những người dân sống trong hẻm, tận dụng mặt bằng sẵn có của nhà, giở ra vài món ăn tủ của quê hương là đã có thể tạo cho mình một cơ ngơi buôn bán sầm uất không kém gì các cửa hàng lớn ngoài phố. Thế nên có một cách mà nhiều người vẫn hay truyền tai nhau khi đến với nơi này là cứ đường to mà đi kiểu gì cũng tìm thấy các chuỗi thương hiệu đồ ăn nổi tiếng thế giới, còn tìm về các món ăn đặc sản dân dã khắp các vùng miền thì cứ mạnh dạn đi thẳng vào các con hẻm mà tìm, chắc chắn sẽ ăn được những món ăn ngon lành với giá rẻ hơn rất nhiều so với những cửa hàng trưng điện sáng loáng, bàn ghế sạch sẽ, thơm tho. Đi bộ chừng qua hai con hẻm thông nhau thôi là đã đủ no kềnh bụng không thể nào nạp thêm được bất cứ thứ gì ngon ngọt trên đời nữa rồi. Có lẽ vì ở hẻm cái gì cũng có, tiện lợi, giá rẻ nên cứ đến dịp Tết xong, mùa tựu trường là y như rằng con hẻm lại oằn mình đón thêm một lực lượng lớn lớp cư dân mới tìm đến thành phố này không hề thở than.  Mà cũng đúng, thở than sao được khi hẻm và người phải cộng sinh lẫn nhau để cùng tồn tại và phát triển nơi thành phố nhộn nhịp này.

Tuy nhiên đó là hẻm khi mới thấy sẽ mang một đặc điểm: lối đi nhỏ và dài.  Nhưng khi đã sống một cuộc đời của hẻm xuyệt thì sẽ dần dần phát hiện ra chúng không hề giống nhau và phân chia nhau ở từng cấp độ. Ở các con hẻm phố trung tâm hẻm hiện lên gần giống các con ngõ của Hà Nội, tức là độ lớn sêm sêm nhau và thường hình thành giữa các tòa nhà công vụ. Các hẻm ở đây được dụng công chủ yếu làm nơi để trông giữ xe máy cho các khu dân cư cận kề, làm chỗ bán cơm cho nhân viên công sở. Nhưng thích nhất ở các con hẻm này thì phải nhắc tới các quán cà phê. Các quán cà phê ở hẻm phải nói rằng là một sự sáng tạo của phố thị mang lại. Chính cái nhỏ bé, bất tiện của hẻm đã làm con người ta phải căng mình lên để suy nghĩ và sáng tạo. Khi con người mà muốn sáng tạo thì không gì là không thể. Chính vì thế khi bước vào các quán cà phê hẻm, những bức tường dọc hai bên đường đi rất dễ dàng trở thành các bức tranh tường đầy tính nghệ thuật và màu sắc. Các góc không gian sẽ được triệt để tận dụng để không có bất kì một không gian chết. Chỗ nào cũng có đời sống riêng của nó, khi thì là chỗ để giầy dép, chỗ để cắm ô trang trí,… Nói đi vào cà phê hẻm là đi tham quan các sản phẩm kiến trúc ứng dụng hiện đại cũng không ngoa. Nhưng thích nhất vẫn là ngồi trong các quán cà phê hẻm là để nhìn sự vận động của thành phố.

Thành phố bước vào mùa mưa, cơn mưa có thể kéo đến bất cứ lúc nào dù trước đó ít phút trời vẫn còn đang nắng chói chang. Giấu mình sau lớp của kính của quán cà phê, nhìn ra con hẻm mà chẳng thấy lúc nào con người vơi vãn. Họ vẫn cứ làm các công việc của mình như chẳng hề có điều gì biến đổi. Người ra người vào như nêm. Tôi còn nhớ trong một tác phẩm của mình, nhà văn Sơn Nam đã từng miêu tả độ chật hẹp của các con hẻm nhỏ ở khu Cầu Bông đến độ nhắm mắt xuôi tay không có nổi một chiếc áo quan bởi hẻm nhỏ quá, không mang ra được. Có lẽ ở thời điểm bây giờ những khó khăn trong các con hẻm kiểu như vậy đã không còn khó giải quyết nữa nhưng đường đi lối lại thì vẫn còn đó nên ở một góc nào đấy nó vẫn tràn ngập sự khó khăn và đòi hỏi mỗi người đã xác định đi vào cuộc sống hẻm phải biết thích nghi và đôi khi cả sự nhún nhường.

Ngồi ở trong quán cà phê hẻm, con hẻm bé tí xíu thôi nên chốc chốc nhìn ra lại thấy cảnh một người đang đi vào đến đúng giữa con hẻm lại phải lật đật dừng máy, chống chân giữa lên áp sát vào tường đề chiếc xe đi từ chiều kia lách qua. Bởi nếu cả hai đều không dừng lại và làm động tác ấy thì sẽ không ai đi qua nổi trong cái thời buổi ai cũng sắm sửa xe ga với cái cốp thật to thật rộng để cất đồ an toàn. Chắc những người dân sống ở hẻm đã quá quen với việc này rồi nên tuyệt nhiên khi thấy xe ở phía ngược chiều chạy đến chở hàng hóa cồng kềnh, phụ nữ có con nhỏ là đồng loạt đẩy xe lùi lại nếu mới đi vào hẻm và dựng xe lên cho ngay ngắn để tiết kiệm không gian chứ không có bất cứ một tiếng còi xe hay một lời nói nào. Tất cả đều giao thiệp với nhau bằng ánh mắt và sự thỏa hiệp ngầm khi vào bất cứ một con hẻm nhỏ nào. Một thái độ ôn hòa đã giúp việc lưu thông trong con hẻm trở nên dễ dàng và nhanh chóng chứ không hề mất quá nhiều thời gian như việc cả hai chẳng ai chịu nhường nhịn ai. Ngồi riết ở quán cà phê hẻm, tôi cũng hiểu và thu nạp luôn cho mình quy ước ngầm để đi trong hẻm: nhường xe cồng kềnh và phụ nữ đang chở con nhỏ.

Nếu có ai đó nói rằng họ đã đi hết được các con hẻm ở Sài Gòn thì tôi sẽ không ngần ngại nói rằng đó chỉ là điều ba xạo. Ở đây, sống ở hẻm nào, đi ở hẻm nào thì biết hẻm đó thôi, chứ không thể nào mà lân la được hết chúng được. Ngoài sự tiện ích mà hẻm mang lại thì vào mùa mưa với những chỗ nào hệ thống thoát nước không tốt thì thật là ác mộng. Mặc dù sống trên con hẻm mỗi ngày, trở về nhà khi các con hẻm đèn vàng vắng vẻ và chẳng có bất kì điều phiền toái nào nhưng chẳng hiểu sao dù có đi đâu thì tôi vẫn nhớ những con ngõ của Hà Nội. Không gì tuyệt hơn mỗi buổi sáng mùa đông thức dậy lười biếng nằm rốn lại một chút để hưởng hơi ấm phả lại từ chăn bông, nghĩ xem hôm nay mình có tự tin trốn học, trốn làm ở nhà ngủ tiếp không. Đôi khi không ngủ mà cuộn tròn trong chăn đọc sách. Lắng nghe những bước chân của người đi qua ngõ lộp cộp đế giày, bốt chứ không quèn quẹt đủ mọi âm thanh chẳng xác định. Họ đi qua, trò chuyện đôi điều thời giá, xóm giềng. Và tuyệt nhất là vang lên những bài hát hành khúc hừng hực khí thế nhưng cũng mềm mại phát ra từ chiếc loa phường ngõ nào cũng có. Chị bán hoa dong xe vào tận cửa mời gọi, đem sắc thắm vào căn nhà nhỏ bên ngỏ... Chắc đây là tâm lý dù đi đâu, làm gì, là ai thì hành trình cuối cùng vẫn là về nhà, về ngõ

Bích Hạnh
.
.
.