Hình ảnh thi sĩ Tản Đà trong ký ức hậu duệ

Thứ Tư, 24/09/2014, 11:00

Phàm đã là người yêu văn chương thì ai cũng biết đến Tản Đà. Thế nhưng, không nhiều người biết, “truyền nhân” của ông “vua xê dịch” này lại đang sống ở thành phố ngã ba sông Việt Trì. Nguyễn Khắc Xương được biết đến với tư cách một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, một nhà Tản Đà học và cũng là người con trai cả của thi sĩ Tản Đà.

Qua Nguyễn Khắc Xương, nhiều tư liệu sống về gia thế, cuộc đời, sự nghiệp của Tản Đà thêm rõ ràng hơn. Mối quan hệ giữa thơ và đời được chính con trai ông lý giải. Mỗi cái mốc, mỗi bước ngoặt đều rõ lý do. Nhiều bài thơ liên quan đến các mối tình của ông kèm theo bút tích là những tư liệu quý không ai bổ sung được ngoài con trai tiếp bước ông.

Nguyễn Khắc Xương vừa là người con trai trưởng của thi sĩ vừa là người con duy nhất theo con đường văn nghiệp. Được sự kì vọng lớn của người cha, nhà “Tản Đà học” luôn sống và nghiên cứu để rạng danh cha, để xứng đáng là “truyền nhân”, tiếp bước nhà thơ “gánh” văn chương đem bán chợ đời. Không chỉ với tư cách một nhà văn hóa nghiên cứu về nhà thơ lớn của dân tộc mà còn với tư cách người con tìm lại hình bóng cha trong kí ức đã khơi gợi trong trí nhớ của người con 93 tuổi nhiều cảm xúc.

1: Chuyện đời thi sĩ núi Tản sông Đà

Với nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương, ký ức về người cha thi sĩ vẫn nguyên vẹn trong ông, không hề phai nhạt theo thời gian. Ông nói rằng, tuổi thơ của ông gắn bó với cuộc sống lưu lạc khắp nơi của Tản Đà. Tản Đà đi đâu đều cho hai mẹ con ông đi theo đó nên mọi bước đường giang hồ, mọi bước đường long đong lận đận của Tản Đà, ông đều là nhân chứng rõ nhất.

Trong cuộc sống gia đình, ông Xương chia sẻ Tản Đà là một người mang nặng tư tưởng phong kiến, kĩ tính trong cách ăn uống đến tiếp khách, sinh hoạt. Ông còn nhớ có một lần nhà văn Nguyễn Công Hoan mời Tản Đà sang nhà dùng cơm, bữa trưa đầy mâm thịt chó nhưng nhà thơ chỉ chống đũa, uống rượu chay, không động miếng thịt nào, Nguyễn Công Hoan gạn hỏi, thi sĩ thở dài: “Thịt chó không có rau húng thì ăn uống còn ý nghĩa gì nữa”. Nhà thơ không suồng sã trong sinh hoạt thường ngày, với ông đó cũng một cách thưởng thức nghệ thuật. Ông bạn tâm giao Lương Ngọc Tùng, một người rất hâm mộ Tản Đà và rất hào phóng, thấy Tản Đà nghèo, nhã ý mời ông đem gia quyến về ở với mình cốt để khỏi lo phần sinh kế, đem hết tâm sức phụng sự cho nghệ thuật. Ông này là một doanh nghiệp lớn. Dinh cơ nhà ông xây kiểu tối tân, sân sướng lát toàn gạch. Một hôm, ông ta đi đâu về, ngạc nhiên hết sức khi thấy thi sĩ Tản Đà xoay trần cầm cuốc phá một khoảng sân gạch, ông hỏi, thi sĩ gắt: “Sân sướng gì lại lát gạch kín mít chẳng chừa một khoảng đất nào để cấy ít cây húng láng phòng khi cần đến chứ? Ăn uống thiếu rau cỏ, nhiều khi rất bực, chén rượu nào cũng cứ nhạt phèo”. Nhà thơ có lối sống “sang” và “phá cách” ngay trong cuộc sống đời thường.

Không chỉ ấn tượng về cách sống, lối sinh hoạt, những đêm say sưa sáng tác văn chương của người cha “bầu rượu túi thơ” cũng không phai mờ trong kí ức người con trai trưởng. Đắm mình những tác phẩm tuyệt tác của nhà thơ, nhưng hẳn khó ai biết được, để sinh ra những đứa con tinh thần ấy, nhà thơ đã trằn trọc và khó khăn ra sao. Ban ngày thả hồn vào thơ, ban đêm một tay rượu, một tay đặt lên trán, khi nằm võng lâng lâng trầm tư suy nghĩ khi nhấc bước đi đi lại lại đưa mắt nhìn xa xăm thâu đêm để phóng bút. Thấy vậy, Người bạn thân nhất của Tản Đà – nho sĩ Thùy Thiên Ngô Bằng Dực phải thốt lên rằng: “Tản Đà sáng tác vất vả quá”. Có lẽ chính sự trăn trở thời đại, băn khoăn thế sự khiến nhà thơ vất vả đến như vậy.

2: Mối tình thời trai trẻ của thi nhân

Cuộc đời tài hoa và đào hoa của thi sĩ Tản Đà còn chưa được tư liệu, sách vở phản ánh hết. Lần thăm nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương, người con trai trưởng của Tản Đà cung cấp thêm nhiều tư liệu liên quan đến cuộc đời thi sĩ, chủ yếu là những mối tình thời trai trẻ của thi nhân. Ông Xương chia sẻ: “Bố tôi tài hoa và... đào hoa”. Thi trượt trường Nam trở về, ông mang theo mối tình cô gái thành Nam, thiết tha và hồn nhiên trong sáng quá chừng.

Ông Xương cho tôi xem những trang nhật ký viết tay của Tản Đà viết cách nay hơn 100 năm kể về những mối tình tuổi trẻ. Tập nhật ký viết bằng bút mực, tả về những mối tình thơ dại của chàng học trò Nguyễn Khắc Hiếu với những tiểu thư gặp ở nơi trọ học và ứng thí hồi ở Nam Định. Con người đa tình đa cảm ấy đã cùng lúc phải lòng hai thiếu nữ . "Cô M. Dáp mới 13 tuổi nhưng đã rất si tình, trưa và tối thường đến. Người con ông chủ nhân mới 14 tuổi cũng nhan sắc mà ăn nói hơi có vẻ đanh. Còn người con gái nhớn đầy đặn mà trắng, tính nết trung hậu, ăn mặc thời theo lối quê. Trong một giấc mộng ấy liền - đứt mê man, ly hợp không thường..."- cụ Tản Đà ngày đó thổ lộ tình yêu trên giấy như vậy. Cuốn nhật ký tình yêu của người thi sĩ trẻ đã đưa ta về một trời mộng xưa, khi tình yêu trai gái còn chưa nhuốm màu hiện đại. Đoạn tả cảnh chiều cuối năm chàng được nàng hái lá thơm về đun nước cho tắm. Tắm xong hai người ra vườn hái hoa và thả hồn mơ mộng giữa khung cảnh lãng mạn thanh bình: "Khách địa tha hương, giai nhân tài tử, đầu xanh mây biếc, người trắng hoa hồng. Trời Nam ai vẽ bức Thiên Thai mà mỗi bên bớt đi một...". Câu chuyện gợi nhớ Lưu Nguyễn xưa vào chốn Thiên Thai lấy hai tiên nữ, nhưng bây giờ chàng thư sinh Khắc Hiếu chỉ còn một cô Ất bên mình.

Cuốn nhật ký cũng kể lại những kỷ niệm như chơi bài đẹt mũi. Rồi rủ nhau đi xem chèo. Kể chuyện lưu luyến tiễn anh khóa trẻ lên tàu ngược Hà Nội... Những câu chuyện trong nhật ký cho biết ông là người nhiều hệ lụy với tình yêu. Đây là những trang viết đầu tiên thời Tản Đà bắt đầu học viết chữ quốc ngữ... Nét chữ thật đẹp và nắn nót nhưng còn nhiều lỗi chính tả quá. Một nhà Nho từng dự kỳ khoa bảng cuối mùa ở thành Nam giờ xoay sang Tây học và lần đầu viết chữ quốc ngữ. Do đó tập nhật ký không chỉ quý bởi tư liệu về thi nhân mà còn có giá trị lịch sử nhất định.

3: Người tiếp bước “gánh” văn chương đem bán chợ đời

Nguyễn Khắc Xương là người con trai được Tản Đà đặt nhiều kì vọng theo con đường văn nghiệp nhất, kì vọng ấy được thể hiện ngay cách đặt tên con của ông - Khắc Xương. Nhưng có một chuyện, có lẽ đến chính những nhà thơ cùng thời: Nguyễn Công Hoan, Tú Mỡ... cũng không biết điều này. Đó là chuyện đầu năm 1921, bà Nguyễn Thị Tùng sinh cho thi sĩ Tản Đà một cậu con trai và đặt tên là Nguyễn Khắc Xương. Thế nhưng cậu bé yểu mệnh ấy không có duyên với trần thế nên đã sớm chào tạm biệt cuộc sống này.

Đến cuối năm 1922, bà Nguyễn Thị Tùng lại hạ sinh được một cậu con trai. Thi sĩ Tản Đà lại đặt tên cậu bé ấy là Nguyễn Khắc Xương. Khi Tản Đà đưa ra quyết định này, mọi người trong gia đình và dòng tộc đều phản đối. Bởi theo quan niệm của người Việt Nam, không ai lấy tên của tiền bối đặt cho hậu bối, như thế là phạm húy. Mặc cho mọi người phản đối nhưng Tản Đà vẫn không đổi ý bởi ông có lý lẽ riêng của mình. Nó một mặt thể hiện cái sự “ngông” trong tính cách của Tản Đà. Ông đặt tên ấy cho người con trai cả là bắt nguồn từ nho học bởi một lẽ Tản Đà là một người vô cùng tinh thông nho giáo nên cái tên gắn với kiến thức nho học của thi sĩ. Thi sĩ đặt nhiều niềm tin và hy vọng khi đặt cho con trai cái tên ấy. Chữ Xương trong tên Nguyễn Khắc Xương không phải là xương thịt mà nó có nghĩa là “hưng thịnh”. Xương ở đây cũng là chữ Xương trong Văn Xương – tên tục của Chu Văn Vương, người đã có công khai sinh ra nhà Chu với hoài bào ngầm: Sau này con sẽ làm nên sự nghiệp với đất nước. Với niềm kiêu hãnh trưởng nam cùng kì vọng lớn của người cha để lại, Nguyễn Khắc Xương xứng đáng là “truyền nhân” của thi sĩ núi Tản sông Đà. Hai thành tựu nổi bật của ông là các công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian vùng đất Tổ và các công trình nghiên cứu về cuộc đời - sự nghiệp thơ văn Tản Đà.

Ông còn viết nhiều bài báo, tham gia nhiều hội thảo khoa học, viết một số công trình nghiên cứu về văn hóa Việt - Mường, xuất bản 8 tập sách về Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu: "Tuyển tập Tản Đà" (1989), "Chén rượu vĩnh biệt" (1989), "Ông thần ngông" (1990), "Tản Đà thơ và đời" (1995), "Tản Đà một đời văn" (1995), "Tản Đà trong lòng thời đại" (1997), "Tản Đà - về tác gia và tác phẩm" (2000), "Tản Đà toàn tập" (5 tập, 2002). Tập sách mới nhất của Nguyễn Khắc Xương: "Tản Đà trong văn học sử" gồm 2 tập, gần 800 trang.

Viết, nghiên cứu về Tản Đà, thế mạnh của Nguyễn Khắc Xương là tư liệu, đó là những tư liệu không ai có thể có được về cuộc sống đời thường, về phong cách sống và đặc biệt là những bản thảo viết tay của Tản Đà chưa in trên sách báo, giúp ông có thể viết về cha mình một cách toàn diện và chuyên sâu, giúp bạn đọc và các nhà nghiên cứu thấy được một Tản Đà đích thực, mối quan hệ giữa tác phẩm và cuộc đời tác giả. Nhờ những tư liệu chính xác, Nguyễn Khắc Xương đã đính chính những nhầm lẫn, sai sót của các tác giả khác đăng trên sách báo: Nguyễn Khắc Hiếu sinh ngày 25-5-1889 (không phải như một số tư liệu chép là sinh năm 1888).

Suốt cả một thời kỳ dài, từ cuối những năm 50 đến những năm 70 (thế kỷ trước), trên sách báo, Tản Đà được tập trung chú ý và tranh luận ở các mặt: giai cấp, thái độ chính trị, tư sản hay phong kiến, yêu nước hay không? Thái độ đối với thực dân Pháp như thế nào? Và cuối cùng tiêu điểm tranh luận dồn về bài thơ "Thề non nước" biểu hiện lòng yêu nước hay tình yêu lứa đôi?

Vấn đề giai cấp của Tản Đà đã được tranh luận sôi nổi trong những năm 60. Cuộc truy tìm thành phần giai cấp, ý thức hệ không chỉ nhằm xác nhận tư tưởng của đối tượng nghiên cứu, mà còn nhằm lý giải nơi bắt nguồn và góp phần định giá giá trị các bộ phận văn thơ Tản Đà. Với những lý lẽ và dẫn chứng thuyết phục, Nguyễn Khắc Xương đã xếp Tản Đà vào tầng lớp nho sĩ. Trên Tạp chí Văn học số 6-1975, Nguyễn Khắc Xương đã chứng minh một chủ nghĩa yêu nước của Tản Đà và xếp Tản Đà vào bộ phận của văn học yêu nước cùng với Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Nguyễn Thông, Nguyễn Thiện Kế. Nguyễn Khắc Xương cũng đã chứng minh chủ đề yêu nước được thể hiện qua bài thơ "Thề non nước" của Tản Đà.

Với một tinh thần khoa học và thái độ khách quan, trung thực, Nguyễn Khắc Xương không né tránh những nhược điểm, hạn chế trong thơ Tản Đà. Nguyễn Khắc Xương viết: "Mặc dù đã cống hiến tất cả cuộc đời hoạt động kiên trì, tích cực của mình cho một sự nghiệp nhất định, có một mục tiêu nhất định, thơ ca Tản Đà về căn bản vẫn mang tính chất bi quan tiêu cực. Chính nội dung này đã tạo nên phong cách riêng của thơ Tản Đà: Réo rắt lâm ly, thấm đượm một nỗi u uất".

Thừa hưởng gen “ngông”, phá cách từ người cha, Nguyễn Khắc Xương được bạn bè trong giới văn nghệ danh là “Vua tự do”. Đây được xem là một hình thức tái bản xuất sắc của ông “vua xê dịch”. Cả hai người đều ra sức đuổi theo “hình bóng của chính mình”. Dù đã ở tuổi cửu tuần, nhưng kỉ niệm thời thơ ấu về người cha vẫn dội về nhiều đợt sống cảm xúc và con mắt của nhà “Tản Đà học” giúp phần nào cảm nhận được “chất ngông” mãnh liệt và giàu cá tính của đời - thơ Tản Đà.

(Nhà Nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương đã đặt một chân vào giai thoại của cha mình)

Đỗ Yến
.
.
.