Hoa hậu khuyết tật và giấc mơ về "ngôi nhà mùi oải hương"

Thứ Tư, 17/08/2016, 12:17
"Tôi biết mặt trăng tròn thì luôn được đánh giá đẹp hơn, nhưng tôi cũng tin vầng trăng khuyết vẫn có thể chiếu sáng cả một bầu trời…". Và câu chuyện về cô gái giàu nghị lực Thanh Hoa- hoa hậu vầng trăng khuyết 2016 đã không chỉ chiếu sáng một bầu trời. Thứ ánh sáng dịu dàng và tin yêu đó, đang lan tỏa từng ngày, trong cộng đồng những người khuyết tật.

Tự quyết định cuộc đời mình

Thanh Hoa sinh ra ở miền quê Thanh Chương, Nghệ An nắng gió. Cơn sốt bại liệt từ 2 tuổi đã lấy đi của Hoa đôi chân. Nhưng trong những tháng ngày cùng cực, nghèo khó ấy, cô bé Thanh Hoa vẫn chưa bao giờ nguôi tắt niềm hy vọng. Hằng ngày, bố vẫn cõng Hoa đến trường. Ngày đó, những người khuyết tật luôn phải đối diện với những định kiến khắt khe, sự thương cảm của xã hội. 

Hoa đã viết những dòng xúc động về ký ức tuổi thơ của mình: "Nhà có bốn chị em nhưng con lại là gánh nặng lớn nhất của bố mẹ vì đôi chân tật nguyền - di chứng của cơn sốt viêm não Nhật Bản khi con mới lên 2. 

Nhà mình lúc ấy thuộc vào dạng nghèo nhất làng. Mẹ phải oằn lưng gánh thúng lúa, mớ khoai ra chợ bán kiếm từng đồng lẻ lo bữa ăn cho gia đình. Bố thì ai cần việc gì là nhận làm lấy: phụ hồ, sửa xe đạp, sửa điện, bán nước chè... 

Cả bố và mẹ làm quần quật, vất vả suốt ngày đêm nhưng gia đình mình vẫn không thể khấm khá lên được, bởi tất cả những gì nhà mình có và vay mượn được đều phải dồn lại để đưa con ra Hà Nội điều trị. 

Giờ nghĩ lại con vẫn không thể tưởng tượng nổi khi đó bố mẹ đã làm cách nào để xoay xở được khoản tiền "to bằng trời" đưa con đi chữa bệnh ngoài Thủ đô đến bảy lần như thế!".

Thanh Hoa đời thường.

Bố mẹ đã giúp Hoa vượt qua những tháng ngày chông chênh ấy. Con đường đến trường của Hoa hằn vết chân và lưng còng của bố. "Mùa mưa bố phải cõng con trên lưng, ghì chặt bàn chân, bước chậm trên con đường trơn mỡ. Đôi lúc nhìn lưng bố còng xuống, lòng con quặn thắt vì cõng con mà bố mới thế! Vậy mà lúc đó con có để ý đâu bởi con đang cười toe toét tự hào với những bạn khác đi trên đường"... 

Và Hoa, đã lần mò trên chính đôi nạng của mình để tập đi, để vượt qua cảm giác mình là người khuyết tật. Sau hơn bốn tháng miệt mài, Hoa đã quyết tâm bỏ cây nạng gỗ, tự đi trên chính đôi chân bé nhỏ của mình, dù là những bước đi khó nhọc. 

Và trong những ngày khốn khó, tưởng như tuyệt vọng ấy, Thanh Hoa vẫn luôn ý thức một điều rằng, em phải học, khi có kiến thức mọi người không coi thường mình. 

Có lần mẹ ngỏ ý kiếm cho Hoa một cửa hàng tạp hóa, ngồi buôn bán ở nhà. Nhưng trong Hoa luôn có khát vọng, phải học, phải làm được điều gì đó để thoát ra khỏi sự bó hẹp, định kiến của lũy tre làng. 

Tôi hỏi Hoa, vì sao, em có được ý chí đó. Hoa kể, câu chuyện về một người anh họ, bị chất độc màu da cam, người đã có ảnh hưởng lớn đến những quyết định quan trọng của Hoa. Không phải bằng lời nói, khuyên nhủ mà bằng chính cách anh đã sống trong đời. Anh mất rất sớm, mới chỉ 18 tuổi, dù bị chất độc da cam, không đến trường, nhưng người anh vẫn tự học, đọc sách và hiểu biết. Tri thức và hiểu biết khiến mọi người kính trọng anh. 

"Lúc mẹ nói rằng cho tôi đi học nghề đan lát và mở quán tạp hóa bán hàng, tôi đã nghĩ rằng, tôi chứ không phải ai khác phải tự quyết định cuộc đời mình, không thể ngồi bó gối, cam phận. Sau một năm nghỉ học, tôi vẫn quyết định đến trường".

Để in vào đời những dấu vân tay

Và không chỉ đến trường, Thanh Hoa còn làm nên những điều kỳ diệu. Say mê viết từ nhỏ, năm lớp 7, Hoa đã đoạt giải nhì cuộc thi "Nét bút tri ân" của Bộ Giáo dục - Đào tạo và VTV6 tổ chức. Niềm đam mê viết đang mang đến cho cô gái bé nhỏ này những niềm vui, tình bạn và sự sẻ chia. 

Theo năm tháng, những trang viết của Hoa cũng đầy thêm. Cô rời quê hương Thanh Chương nắng gió vào học Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Hoa là thành viên tích cực của CLB Báo chí sinh viên, vừa tham gia câu lạc bộ cho người khuyết tật. Thương mẹ, thương bố, Hoa tự trang trải cuộc sống cho mình. Những hoạt động xã hội đã cuốn Hoa theo, càng ngày, cô càng quan tâm đến cộng đồng người khuyết tật nhiều hơn, đặc biệt là vấn đề hướng nghiệp.  

Hoa xót xa: "Nên xóa bớt rào cản cho những người khuyết tật, có những người đến tận 18 tuổi mà không bước chân ra ngoài đường, không có chứng minh nhân dân, những người xung quanh không biết đến sự tồn tại của họ. Như vậy thì không khác gì giết chết cuộc đời của họ. Cần xoá bỏ rào cản về môi trường, tập huấn cho họ những kỹ năng mềm, đào tạo cho họ những nghề phù hợp. Nếu người khuyết tật được tạo điều kiện họ sẽ làm việc tốt những công việc chuyên sâu hơn. Không nên cổ súy quá để người khuyết tật vào công việc lao động giản đơn như hiện tại".

Tôi gặp Hoa trong ngôi nhà nhỏ trên phố Hàng Đào, trong những chuyến ra Hà Nội vì công việc của Hoa. Ngôi nhà Hoa ở của một người mà em gọi bằng mẹ. Bà nhận Hoa làm con chỉ vì quá yêu mến và cảm phục tinh thần sống của cô gái bé nhỏ này. 

Hoa rất dễ xúc động, khi kể lại những câu chuyện buồn, Hoa len lén lau nước mắt. Hoa nói, em đã cất giấu nổi buồn vào một góc trong cuộc đời mình. Bởi phía trước còn quá nhiều dự định, nhiều hoài bão. Đôi khi, em không cho phép mình gục ngã. 

Tôi hiểu, đằng sau vẻ yếu đuối đó là một tâm hồn đầy nghị lực và niềm tin yêu cuộc đời này. Tôi nhìn thấy nụ cười lên rạng rỡ trên gương mặt cô gái ấy, như những phiền muộn của cuộc đời chưa từng ghé qua.

Thanh Hoa đăng quang Hoa hậu Vầng trăng khuyết 2015.

Và bây giờ nhìn lại, Hoa nói, em chưa bao giờ ân hận vì những quyết định của mình, bởi chưa có quyết định nào sai lầm. Hoa luôn hiểu mình cần gì và kiên định đi con đường của mình. Hoa nói với tôi về những giấc mơ, những giấc mơ không viển vông, về cuộc sống, về những dự định của cô dành cho cộng đồng người khuyết tật. Hoa đã đi lên bằng đôi chân của mình, bằng niềm tin yêu cuộc đời này. Và Hoa muốn truyền được niềm tin và nặng lượng sống đó cho họ, bởi những người khuyết tật đang bị trói chặt trong sự mặc cảm, tự ti.

Những lúc một mình, Hoa lại làm thơ. Một tâm hồn thơ dịu dàng, sâu sắc. Hoa đã xuất bản một tập thơ mang tên "Nếu mệt cứ ngủ, đời sẽ ru em". Những câu thơ dù buồn, dù cô đơn, nhưng chưa bao giờ tuyệt vọng, chưa bao giờ nguội tắt niềm tin yêu cuộc đời. Và tôi, trong một buổi chiều tĩnh lặng, ngồi đọc những câu thơ của Hoa, ước mơ về ngôi nhà phủ đầy hoa oải hương. 

Tôi tự hỏi, cô bé này có lãng mạn quá không, có viển vông quá không? Nhưng đó là ước mơ mà, con người, có quyền đi đến tận cùng ước mơ của mình chứ. Ngôi nhà của chúng mình trồng oải hương được không anh/ Em muốn bước qua cánh cửa là thế giới ngoài kia bỗng dưng biến mất/ Chỉ còn những điều nhỏ nhoi rất thật/ Tỏa ra từ hương hoa, của em và anh/ Giữa khoảnh vườn màu xanh/ Nổi bật lên là thủy chung sắc tím/ Dịu dàng và ngọt lịm/Như tình yêu đôi ta/…

Tôi nhớ, trong đêm chung kết Hoa hậu Vầng trăng khuyết, Thanh Hoa đã nói về khát vọng đời thường của những cô gái khuyết tật, yêu và được yêu, được mơ về một mái ấm gia đình và những đứa trẻ. Cái khát vọng tưởng như bình thường đó lại quá khó khăn với họ. Nhiều khán giả đã rơi nước mắt khi nghe Hoa nói. 

Và tôi hiểu, trong Hoa, hay bất cứ cô gái khuyết tật nào cũng ấp ủ một giấc mơ về ngôi nhà ngập tràn hoa oải hương, một giấc mơ lãng mạn, ngọt ngào, nhưng đôi khi thật xa xôi. 

"Yêu và được yêu là nhu cầu tất yếu của bất kỳ ai trong cuộc đời này và người khuyết tật cũng vậy. Nếu tình yêu đủ lớn, tất cả mọi rào cản sẽ chỉ là những bước đệm cho hạnh phúc của bạn được vững chắc thêm mà thôi!"- Hoa nói.

Và tôi tin, một ngày không xa, cô bé Thanh Hoa xinh đẹp sẽ chạm tay tới hạnh phúc của mình. Bởi Hoa chưa bao giờ tuyệt vọng, chưa bao giờ nguội tắt niềm tin. Như những câu thơ Hoa viết: Sinh ra trên đời/ta chẳng được chọn: mẹ cha, quốc tịch, hình hài!

Chẳng một ai, muốn mình là chú chim không thể hót, hải âu không thể bay, cá voi không thể nghe sóng siêu âm dưới biển kia xanh thẳm/Nhưng nếu ta chìm đắm với sự khác biệt lớn nhỏ bên ngoài/Ta sẽ mãi mãi để tâm hồn mình ẩn nấp như màn sương mờ che phủ ảnh nắng mai/Ta là ai???/Ừ, đúng thế, không có quyền chọn lựa/Nhưng đừng để bản thân thêm chùn bước nữa/Đột Phá để được là mình, được in vào đời một dấu vân tay!!!

Việt Hà
.
.
.