Họa sĩ Lê Duy Ứng miền ánh sáng của yêu thương

Thứ Ba, 11/09/2012, 16:00
Gần bốn mươi năm họ lặng lẽ đi bên nhau, làm chỗ dựa cho nhau đi qua những tháng ngày giông gió. Họa sĩ Lê Duy Ứng nói rằng, vợ ông chính là ánh sáng của cuộc đời ông. Người con gái đẹp đất Hà thành ấy đã yêu là đi đến tận cùng của tình yêu. Thế nên khi ông bị thương và mù hai mắt bà đã nói với ông rằng: "Nếu chúng ta không lấy nhau, sau này anh sẽ lấy được vợ và em cũng lấy được chồng. Nhưng người vợ anh cưới anh không biết mặt. Nếu em là vợ anh, con anh sinh ra giống em anh sẽ tưởng tượng ra gương mặt con"…  

Tình yêu định mệnh và sự sống lại kỳ diệu của người họa sĩ đã chạm vào cái chết

Trong suốt cuộc trò chuyện, hình ảnh người vợ hiền (bà Trần Thị Lê) luôn được Đại tá - họa sĩ Lê Duy Ứng nhắc tới với những lời lẽ yêu thương và trân trọng. Ông bảo ông không biết cuộc đời mình sẽ ra sao nếu không có người con gái ấy - người đã đánh đổi cả tuổi thanh xuân để bù đắp cho ông những mất mát, thiệt thòi mà chiến tranh đã gây ra.

Định mệnh đã cho Lê Duy Ứng được gặp người phụ nữ của đời ông. Và cho đến bây giờ khi tuổi đã gần bảy mươi ông vẫn thầm cảm ơn số phận đã đem bà đến cho ông, song hành cùng ông trên mỗi nẻo đường đời. Cuộc gặp gỡ tình cờ tại trạm T72 ở Đông Hà khi mà ông chụp ảnh, vẽ ký họa đoàn quân chiến thắng trở về.

Bà là một trong số những tình nguyện đóng tại trạm T72 - người con gái dáng vẻ thanh tao, nước da trắng hồng với khuôn mặt rất đẹp đã lọt vào tầm ngắm của chàng bộ đội lãng tử. Thế nên ngày hôm ấy, Lê Duy Ứng đã không bỏ lỡ cơ hội tiếp cận "người đẹp" bằng cách vẽ một bức chân dung ký họa. Không ngờ sau khi nhận được bức ký họa của Lê Duy Ứng trong lòng người thiếu nữ đã rất đỗi cảm tình và mến phục, xen lẫn chút tình ý bâng khuâng.

Những ngày tháng ở chiến trường, tình cảm giữa đôi trai tài gái sắc cứ ngày một sâu nặng thêm lên. Sau này khi bà trở về Hà Nội không còn cơ hội gần nhau ông bà lại dùng những cánh thư để kéo gần nỗi nhớ về nhau. Hai người hứa hẹn khi hòa bình lập lại sẽ tìm đến nhau để nên vợ nên chồng.

Bức ký họa chân dung Bác Hồ tặng Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình.

Sau lời hẹn đó, Lê Duy Ứng vào chiến trường, chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Năm 1975, ông theo đơn vị hành quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Nhưng tại cửa ngõ Sài Gòn, cách trung tâm thành phố 30km, ông đã bị trúng đạn. Lúc đó, khắp đầu ông máu chảy thành dòng, hai mắt lòi hẳn ra ngoài. Nghĩ mình bị thương nặng, không thể qua khỏi, ông đã dùng máu vẽ bức tranh Bác Hồ.

Ông bảo, với thế hệ ông, Bác là nguồn sáng, là niềm tin, là lý tưởng. Chỉ trong vài phút xuất thần ông đã vẽ xong bức tranh đó. Dưới bức tranh ấy, ông ghi dòng chữ: "Ánh sáng, niềm tin! Con nguyện dâng người tuổi thanh xuân". Bức tranh này hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Sau khi vẽ bức chân dung Bác Hồ bằng máu, nghĩ rằng ông không thể qua khỏi, đồng đội đã chuẩn bị việc chôn cất ông. Nhưng chính lúc ở giữa ranh giới của sự sống và cái chết, ông đã tỉnh lại một cách thần kỳ, khiến tất cả những người xung quanh đều bất ngờ. Bom đạn đã không thể cướp đi được mạng sống của ông. Nhưng đã vĩnh viễn lấy đi của ông đôi mắt. Ông bị mù vào ngày 28/4/1975 - chỉ 48 giờ đồng hồ trước khi miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Cầu hôn ngược trong xót xa

Sau khi bị thương nặng và hỏng hẳn đôi mắt, Lê Duy Ứng được đưa ra Viện 108 điều trị. "Đó là những ngày tháng đau đớn nhất trong cuộc đời tôi. Tuổi đời còn quá trẻ mà lại mất đi thứ quý giá đó là đôi mắt. Tôi hầu như không còn đủ dũng khí để tin rằng mình còn có thể sống ý nghĩa. Người yêu thì ở rất gần đó nhưng tôi cũng không dám liên lạc vì sợ người ta phải đau khổ thất vọng vì mình. Cô ấy còn quá trẻ lại đẹp nữa, tôi không thể vì một lời hẹn ước mà cản trở hạnh phúc của cô ấy. Thà nhận về mình thiệt thòi còn hơn để người con gái mình yêu thương phải khổ. Tôi nghĩ nếu không liên lạc cùng với thời gian cô ấy sẽ quên tôi".

Trước thái độ bi quan đến cực điểm của Lê Duy Ứng, một người đồng chí đã bí mật tìm đến nhà của người yêu họa sĩ để báo cho cô ấy biết về tình trạng của ông. Khỏi phải nói khi nghe tin đó, người con gái Hà Nội vốn mong manh như sương như khói đã đau khổ đến thế nào. Dù vậy, khi vào thăm ông, bà vẫn rướn mình để kiềm nén những xót xa trong lòng. Bà không muốn ông thấy bà suy sụp. Bà muốn mình phải thật cứng cỏi để làm chỗ dựa cho ông.

Hoạ sĩ Lê Duy Ứng vẽ chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Suốt những tháng ngày ông nằm điều trị trong bệnh viện bà luôn túc trực bên ông, nâng niu ông từng miếng ăn giấc ngủ. Bà muốn khi bà yêu ông thì tất cả những thành viên trong gia đình bà cũng yêu ông. Thế nên bà tìm cách tiếp cận tình cảm đó bằng cách dẫn bố mẹ anh chị em đến bệnh viện thăm ông. Khi bà quyết định sẽ đi tới tận cùng với ông, nhiều người họ hàng và bạn bè đã cực lực phản đối. Ai cũng thương bà một thiếu nữ đẹp, dịu dàng lại "đâm đầu" vào một chốn mà biết chắc sẽ có quá nhiều thiệt thòi, vất vả đợi chờ ở phía trước.

Chỉ có bố mẹ của bà là không phản đối gì, bởi hơn ai hết họ hiểu tính cách và tình cảm của con gái mình. Người làm cho bà cảm động nhất lại chính là người cha vỗn dĩ cương nghị. Trước quyết định của con gái, ông bảo: "Bố mừng vì con đã sống có trước có sau. Con đã không bỏ rơi người cùng thề non hẹn biển với mình khi người ta gặp hoạn nạn. Bố chúc phúc cho hai con".

Biết ông mặc cảm nên dù rất yêu bà ông cũng không bao giờ chủ động nói lời cầu hôn với bà. Thế nên bà đã gạt bỏ sĩ diện để tỏ tình trước ông: "Anh đừng từ chối em. Xin anh hãy để em chia sẻ cùng anh những mất mát này. Nếu chúng ta không lấy nhau sau này anh sẽ lấy được vợ em sẽ lấy chồng. Nhưng người anh lấy anh không biết mặt. Còn nếu anh lấy em, con sinh ra giống em anh sẽ tưởng tượng được mặt con". Nghe câu nói đó ông đã muốn vỡ òa vì sung sướng và hạnh phúc

Gió mưa gửi lại

Cưới nhau xong vì chưa có nhà riêng nên ông bà phải ở nhờ nhà vợ ở khu tập thể Trương Định rộng chưa đầy 20m2. Vì không thể nhìn thấy nên ông hầu như không thể tự mình làm được việc gì, ngay cả việc vệ sinh cá nhân. Hồi đó chưa có nhà vệ sinh khép kín như bây giờ, cả khu tập thể chỉ có duy nhất một nhà vệ sinh và nó cách xa đến hàng trăm mét.

Thế nên mỗi lần như vậy bà vẫn thường dắt ông đi. Khỏi phải nói khu tập thể nơi ông bà sống những ngày đầu chứng kiến cảnh ấy nhiều người đã không khỏi ngạc nhiên, thậm chí dè bỉu bà. Bà mặc kệ những thị phi của thiên hạ để được ở cạnh ông. Và trong sâu thẳm bà vẫn luôn tự hào về người đàn ông mà mình đã chọn làm chồng.

Hơn một năm sau ngày ông bà đến với nhau, một bé trai kháu khỉnh đã ra đời. Hạnh phúc song hành cùng những khó khăn. Mọi việc trong gia đình từ nhỏ đến lớn đều do một tay bà quán xuyến, một vai bà gánh vác.

Dù nhận được tình yêu thương vô bờ bến từ người vợ hiền nhưng tự thân Lê Duy Ứng vẫn không thoát được cái cảm giác là người ăn bám, vô dụng. Nhưng cũng thật may mắn, trong lúc tự ti nhất Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến thăm ông. Đại tướng có động viên ông rằng, Betthoven dù điếc nhưng vẫn là nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới. Ông ấy cảm nhận âm thanh cuộc sống bằng chính trái tim mình. Tôi mong anh dù mất đi đôi mắt cũng đừng nên từ bỏ ước mơ làm họa sĩ. Hãy cảm nhận màu sắc bằng trái tim mình.

Lời động viên rất kịp thời của Đại tướng như một liều thần dược đến với cuộc đời ông. Ông tự tin hơn vào chính mình và ông bắt đầu học tạc tượng. "Người mẫu" đầu tiên để ông thực hành tạc tượng chính là con trai ông. Không thể nhìn thấy mặt con nên ông phải hình dung gương mặt ấy bằng chính đôi tay của mình. Chiều, khi bà về nhà nhìn khuôn mặt con lấm lem đất sét lòng đầy xót xa.

Không chỉ có tạc tượng mà ông còn muốn mình tiếp tục công việc của một người họa sĩ. Cái cách mà ông vẽ cũng không giống với bất cứ người họa sĩ nào. Vì không nhìn được nên muốn vẽ ai ông đều phải sờ vào khuôn mặt của người ta. Nhưng thật lạ, những bức ký họa chân dung được vẽ từ bàn tay và được cảm nhận từ trái tim của người họa sĩ mù đều rất giống với người được vẽ. Chính điều đó đã khiến ông trở nên nổi tiếng.

Năm 1982, họa sĩ Lê Duy Ứng được phẫu thuật mắt. Ca phẫu thuật thành công ngoài sự mong đợi khiến ông có thể tìm lại được ánh sáng. Khỏi phải nói cái cảm giác lần đầu tiên được nhìn thấy hai đứa con của mình bằng xương bằng thịt ông đã xúc động đến thế nào. Hạnh phúc như muốn vỡ òa. Tiếc rằng sau vài năm mắt sáng, đôi mắt ông lại mờ dần mờ dần và đến giờ thì mờ mịt hẳn. Dẫu vậy họa sĩ Lê Duy Ứng vẫn thấy mình hạnh phúc. Số phận lấy đi của ông đôi mắt nhưng lại đền cho ông một người vợ hết mực dịu hiền, chung thủy; những đứa con ngoan ngoãn hiếu thảo; một mái ấm gia đình hạnh phúc. Ông bảo: "Thế là quá đủ cho một kiếp người"…

Họa sĩ Lê Duy Ứng sinh năm 1947 tại thôn Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ông là Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Đề tài Bác Hồ và chiến tranh cách mạng luôn là nguồn cảm hứng vô tận trong sáng tác của ông. Đến nay, ông đã có hơn 3.000 bức tranh ký họa chân dung Bác Hồ, gần 200 tác phẩm điêu khắc, hơn 2.000 ký họa về chiến trường, trong đó có 500 bức ký họa về chiến trường Quảng Trị; gần 50 cuộc triển lãm cá nhân và nhiều giải thưởng Mỹ thuật trong nước và quốc tế.

Ngọc Anh
.
.
.