Học bao nhiêu kỹ năng cho đủ?

Thứ Sáu, 11/09/2015, 13:00
Cách đây không lâu, dư luận "ném đá tơi bời" vụ rèn kỹ năng đi chân trần trên thủy tinh để tăng "lòng dũng cảm" cho học sinh lớp 1, được in trong một cuốn sách do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành. Tất nhiên, cuốn sách này đã có quyết định thu hồi vì lòng dũng cảm không thấy đâu mà chỉ thấy sự mất an toàn cho trẻ em. Trên thực tế, để có lòng dũng cảm hay những đức tính khác, người ta có thể dạy trẻ tiếp cận với nhiều kiến thức khác nhau, nhiều câu chuyện khác nhau dễ hiểu hơn, an toàn hơn và nhân văn hơn.

Còn hôm nay, cư dân mạng lại ồn ào khi "nhặt sạn" từ một cuốn sách "Bài tập thực hành kỹ năng sống 4" do Nhà xuất bản Sư phạm phát hành. Tình huống được đưa ra là một người hàng xóm rủ một cậu bé sang nhà chơi trò chơi "sờ vào vùng kín của nhau" và nói đây là bí mật giữa hai người. Dù chưa biết câu trả lời phù hợp cho tình huống trên là gì nhưng rõ ràng sau khi vấn đề này tung lên mạng, có nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra.

Không ít người cho rằng, đó là tình huống nhạy cảm, rất có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý trẻ. Mặt khác, nhiều người lại bình luận, đó là những tình huống cần thiết, nên có sự hướng dẫn cho trẻ để trẻ biết cách tránh người xấu, cụ thể là một số người có ý định lạm dụng tình dục trẻ em.

Một chuyên gia tâm lý có nhiều năm giảng dạy khẳng định, giáo dục giới tính là một lĩnh vực nhạy cảm đặc biệt. Sự hiểu biết của trẻ nhỏ rất hạn chế, trước một vấn đề, một tình huống chúng không thể có nhận thức đầy đủ và tổng quát như người lớn. Nếu chúng vô tình đọc được tình huống này thì rất có thể sẽ tò mò và muốn làm thử. Vì thế, tình huống nêu trên khác nào "vẽ đường cho hươu chạy" và thật sự nguy hiểm cho trẻ. Chúng ta nên giáo dục giới tính cho trẻ nhỏ bằng cách đưa ra những nguyên tắc, chứ không cần đề cập đến những tình huống quá cụ thể và chi tiết, vì trẻ con có thể tò mò, muốn bắt chước hoặc chấp nhận một cách vô thức.

Minh họa: Tả Từ.

Hơn chục năm trở lại đây, người ta nói rất nhiều về kỹ năng sống. Vào nhà sách, chúng ta sẽ thấy loại sách này tràn ngập trên kệ. Kỹ năng sống, đơn giản đó là cách xử sự của một người, trong một hoàn cảnh cụ thể để thích nghi và đạt được mục đích mình mong muốn. Có kỹ năng cứng thì cũng có kỹ năng mềm và một cá nhân thành đạt, tự tin thì chắc chắn phải có nhiều kỹ năng cứng và mềm cùng vô vàn những kinh nghiệm họ đã tích lũy từ đời sống.

Tất nhiên, học không bao giờ thừa bởi mỗi trang sách luôn mở ra cho người đọc những chân trời mới, khát vọng lớn lao và cả sự dấn thân trên hành trình kiếm tìm hạnh phúc. Trên hành trình đó, cùng với những thành công, sự may mắn, người ta phải chấp nhận cả những thất bại, rủi ro hay một tai nạn nào đó. Những điều này sách vở không dạy mà chỉ trong hoàn cảnh cụ thể, người ta sẽ tự tìm ra cách hành xử tốt nhất để thích nghi và không bị gục ngã.

Cuộc sống vốn ngày càng phức tạp. Con người cũng bị cuốn vào những vòng xoáy khốc liệt hơn. Sự bất an có thể xảy ra với mọi người, mọi lứa tuổi, mọi hoàn cảnh, mọi tình huống. Song, có một kỹ năng đầu tiên và trên hết mà chúng ta phải tuân theo, đó là sự bình tĩnh. Khi đã có đủ sự bình tĩnh cần thiết, chúng ta mới hiểu rõ hơn tình huống đã, đang hoặc sẽ xảy ra để rồi từ đó đưa ra cách xử lý phù hợp và hiệu quả nhất.

Vâng, để thích nghi với mọi hoàn cảnh, người ta phải học cả đời. Học từ sách vở đến trường đời, ở đó có cả nụ cười và nước mắt của sự vấp ngã và cho dù thất bại thì nó vẫn mang lại cho chúng ta những giá trị nhất định. Với tôi, con cái muốn học gì cũng được, nếu chúng cảm thấy cần thiết, song điều tôi mong muốn nhất ở các con chính là lòng nhân ái và sự tự tin. Đó là kỹ năng cơ bản mà chúng cần phải có từ khi chập chững những bước đi đầu tiên cho đến khi trưởng thành, tự chịu trách nhiệm về những việc làm của mình.

Tuấn Nguyễn
.
.
.