Không có gì mà ầm ĩ cả

Học gì bổ nấy

Thứ Năm, 08/09/2016, 09:00
Tiếng trống chào đón năm học mới đã vang lên. Bên cạnh tiếng trống thì những tiếng chuông cũng gióng lên. Tiếng chuông đó là quy định cấm dạy thêm ở TP HCM. Loại bỏ việc dạy thêm có phải là một cuộc cải cách giáo dục không?

Tại sao bác  sĩ có thể tự do mở phòng mạch tư và có thể khám bệnh ngoài giờ thì sao giáo viên không được mở lớp dạy thêm ngoài giờ? Quy luật cung cầu lành mạnh có bị phá vỡ không? Thầy giỏi trò đông, thầy xoàng thì trò vắng. Không đủ tài sư phạm thì muốn cũng chẳng có học sinh. Sao phải lo cấm?

Đã đến lúc cần coi giáo dục, đào tào cũng mang tính sản phẩm và được giản dị giao dịch giữa người bán và khách hàng. Sản phẩm bán chạy thì hiệu quả ích lợi không thể thấp.

Câu chuyện khác không kém phần khiêu khích đám đông do một tiến sĩ đưa ra là đưa chữ Hán vào giảng dạy trong nhà trường. Điều này khiến giới tự coi mình là tinh hoa bất bình. Nhiều "tinh hoa viên" bức xúc than vãn ngót một thế kỷ thoát chữ Hán, nay lại phải "nhai" lại.

"Tinh hoa viên" cho rằng chỉ nên học tiếng Anh. Thứ tiếng nào cho nhiều cơ hội mưu sinh thì thứ đó tốt. Họ cho rằng học chữ Hán nghĩa là lệ thuộc nước ngoài. Các nước Âu Mỹ, việc học thêm một thứ tiếng là chuyện phổ thông. Người ta học nhiều thứ tiếng và đặc biệt là tiếng phương Đông, bởi đó là ngôn ngữ của những nền văn hóa lớn.

Minh họa: Lê Tâm.

Ở ta thì chữ Hán không đơn giản là một cách biểu đạt, mà còn mang ý nghĩa lịch sử. Còn gì quan trọng hơn lịch sử? Trước khi có chữ Quốc ngữ thì chữ Hán hàng ngàn năm là phương tiện chuyên chở lịch sử, văn hóa, tư tưởng người Việt. Loại chữ tượng hình này lưu giữ và truyền bá tất cả tinh thần cốt lõi của dân tộc ta. Những văn bản quan trọng nhất, kể cả bài thơ được coi là tuyên ngôn độc lập do Lý Thường Kiệt viết cũng được diễn đạt bằng Hán tự. Chẳng lẽ nghe chữ "Nam quốc sơn hà", ta không thấy tinh thần Việt trong đó.

Trong lịch sử giao thoa thì việc vay mượn ký tự là bình thường. Cả châu Âu vay mượn ký tự từ nguồn La Mã và Hy Lạp. La Mã, Hy Lạp lại vay mượn từ nguồn Ả Rập, Ba Tư, Hebrew... Họ chẳng có gì phải ngượng nghịu và tìm cách thoát. Dãy số thập phân ta du nhập từ người Âu thì người Âu gọi đó là số Ả Rập. Sự vay mượn đó không làm người Âu sụp đổ mà họ trở nên phát triển mạnh mẽ.

Giữ gìn sự trong sáng là tốt nhưng phải bằng lý trí. Nếu không biết trong tiếng Việt có tới 70% từ gốc Hán thì sẽ chẳng hiểu thế nào là thuần Việt. Muốn biết thế nào là thuần Việt thì không thể tự ngộ được mà phải học.

Muốn trắc nghiệm bạn thử thách những đồng nghiệp giải nghĩa 2 từ "cứu cánh" và "bao biện" (đáp án ở từ điển Tiếng Việt) thì sẽ biết ngay khả năng từ vựng họ tới đâu. Dám chắc bạn sẽ tìm được người không chịu tra từ điển chiếm tới 90%.

Hiểu được Hán tự chắc chắn hiểu được sâu sắc tâm và tầm của cha ông. Không hiểu nguồn cội thì chúng ta lấy đâu ra sức mạnh. Tự xem ta trưởng thành tới đâu, hãy thay đổi cách học. Nhiều “tinh hoa viên” luôn nhìn ngôn ngữ qua thời vang bóng là vô dụng. Loại tư duy xu thời đang kéo lùi sự tự do phát triển. “Nhân bất học bất chi lý”. Học Hán tự chứ có gì mà ầm ĩ. Cha ông ta học hàng ngàn năm mà không hề bị đồng hóa. Có gì mà phải tự ti.  Tất nhiên việc đưa vào dạy bắt buộc hay không lại là chuyện khác.

Theo bạn, "ấu trĩ" có phải là từ thuần Việt không?

Lê Tâm
.
.
.