Hội chứng đám đông và tâm lý bầy đàn

Thứ Năm, 09/04/2015, 16:30
Rỗi rãi, giở đám đồ đạc cũ ra sắp xếp lại, phát hiện ra một cặp đồng hồ mua ở Nhật từ hơn chục năm trước vẫn để đó, chả biết làm gì. Số là lần đi công tác này mình đã dự định không mua sắm gì cả. Mấy anh chị trong đoàn cũng đã tuyên bố giống mình nhưng đến phút cuối cùng lại hành động ngược lại.
Hôm ấy, xong mọi việc rồi, cả bọn rủ nhau đến một trung tâm điện tử nổi tiếng, để chơi. Trước khi đi ai cũng bảo chả muốn mua gì, đi cho nó hết ngày để mai về cho... thoải mái. Đúng là đi ngó nghiêng đến 2 tiếng, vào hết gian này đến gian khác nhưng chả ai mua gì cả. Thời gian vẫn còn nên mọi người bảo nhau: Bây giờ đi tự do, một tiếng nữa hẹn gặp nhau ở sảnh cạnh lối vào rồi về đi ăn tối, nghỉ cho khoẻ, mai về.

Đến giờ hẹn, mọi người đến đủ, chỉ còn thiếu một người. Mãi mới thấy anh này xuống, tay xách, nách mang. Chưa ai kịp nói gì thì anh ấy bảo: "Đừng ai chửi tôi nhé! Đằng kia nó bán hạ giá nhiều đồ đẹp quá nên tôi mải mua đồ rẻ. Cả nhà nên ra đó mua đi". Thế là nhao nhao lên: "Họ bán gì? Những gì rẻ? Có máy quay phim không? Có nước hoa không? Có máy tính không?". Anh này vừa thở, vừa bảo: "Có hết. Nhiều mà rẻ lắm. Tôi nghĩ không mua thì cũng phí".

Một người bảo: "Bà con chờ tôi tí. Ông đưa tôi lên mua cái máy quay phim". Thế rồi, không ai ở lại cả. Tất cả lại hăm hở leo cầu thang đến gian hàng hạ giá. Đúng là nhiều hàng thật, có hạ giá nhưng có khác gì với những thứ chúng tôi đã xem qua đâu? Nhưng bây giờ ai cũng thấy khác hay sao ấy. Mọi người hỏi giá, xem hàng, đối chiếu giá cả với ở nhà. Mỗi thứ rẻ được vài trăm nghìn so với ở nhà.

Có anh còn móc điện thoại gọi về nhà hỏi giá cả. Rồi ai cũng tranh thủ nhặt vài thứ: máy ảnh, quay phim, máy tính, túi da... Tôi cũng nhặt một cặp đồng hồ vì nghĩ có khi một lúc nào đó cần. Ai cũng hỉ hả. Người mua nhiều nhất tiêu độ hai nghìn đô. Tôi mua vào loại ít nhất cũng mất trăm đô. Lạ nhất là mới đó còn dửng dưng mà giờ thì cứ nhặt hết cái này đến cái khác như bị ma ám vậy.

Tối, ăn cơm xong mọi người gói ghém đồ đạc. Lại nảy sinh vấn đề: cần mua thêm túi đựng vì đồ mua nhiều quá. Lại nhờ nhau cầm đồ về và lúc đó, một người nói, vẻ bần thần: "Thấy các ông mua, tôi cũng mua chứ chưa chắc về đã được hoan nghênh đâu. Lơ mơ lại bị vợ phê bình vì tốn tiền lại chẳng để làm gì". Người khác cũng bảo: "Tôi cũng chả biết sao mình lại mua máy quay. Trông nó đẹp đâm thích chứ tôi có biết quay kiếc gì đâu mà cũng không ham trò này lắm".

Anh bạn rủ rê mọi người phân trần: "Tôi tưởng các ông bà cần tôi mới rủ chứ biết thế, chả lôi kéo nữa, làm tốn tiền cả nhà". Một ai đó an ủi: "Chả phải tại ông. Tại chúng tôi thôi. Mà là tại lòng tham và tâm lý bầy đàn thôi. Thấy người ta làm, mình cũng bắt chước mà chả biết để làm gì". Ai đó bình: "Nói thế hơi nặng nề nhưng nó cứ như ma ám ấy. Đi cả buổi không sao. Thấy một người mua là ai cũng móc túi ra cứ như lây nhau vậy".

Quả vậy. Hai cái đồng hồ tôi nghĩ mua để tặng ai thân cưới vợ, cưới chồng. Nhưng rồi ngẫm nghĩ thấy không hợp, lại thôi. Hơn chục năm rồi, hai cái đồng hồ vẫn cứ bỏ đó, như bằng chứng về cái tâm lý hám lợi, làm theo bầy đàn của tôi.

Nhưng hình như đó cũng không chỉ là khuyết tật của riêng mình. Nhiều người khác cũng có tâm lý ấy. Những chuyện xây cái này, cái kia để lấy kỷ lục, để khác người... diễn ra trên mọi lĩnh vực, từ chuyện nghiêm chỉnh đến những trò tầm phào; những chuyện làm cũng được, không cũng chả chết ai đến những chuyện cần phải siêu nghiêm chỉnh, như chuyện liên quan đến đời sống nhiều người, chuyện đức tin, danh dự nhưng người ta vẫn cứ làm ào ào, làm theo tâm lý, hiệu ứng đám đông.

Hành động theo kiểu a dua, làm theo tâm lý bầy đàn chứ không phải từ nhu cầu và những lý lẽ của công việc vẫn cứ diễn ra, lặp đi lặp lại ở trong mọi quan hệ từ việc lớn đến việc nhỏ. Gần trăm năm trước, cụ Tản Đà đã phàn nàn "Dân 25 triệu ai người lớn/ Nước 4000 năm vẫn trẻ con" chả lẽ đến giờ vẫn cứ "nguyễn y vân" ư? Biết bao giờ căn bệnh mạn tính ấy trong tâm lý dân tộc mới khắc phục hết? Và đến bao giờ chúng ta mới thực sự trưởng thành?.

Phạm Quang Long
.
.
.