Hỏi hoài mệt quá

Thứ Năm, 01/10/2015, 07:00
Mới đây, một bạn đã chia sẻ trên mạng tấm ảnh chụp chiếc bảng bằng bìa carton gần trường đại học danh tiếng Hà Nội có ghi dòng chữ "Hỏi đường 10K/lượt" (10 nghìn đồng/lượt). Bức ảnh này đã làm bùng nổ một trận tranh cãi phải nói là sốc.
Bây giờ ta bàn một góc nhìn khác xem có kém phần sốc không nhé. Thiên hạ lý giải rằng có thể do quá nhiều người hỏi đường nên người ta mới phải treo biển như thế để tránh bị làm phiền. Cái biển đóng vai trò như một bộ lọc vậy.

Ôi dào! Cứ cho là treo giá "phiền phức phí" chỉ để hạn chế hỏi han đi. Keo kiệt tới một lời hết vài chục giây trong đời sao? Tại sao ở rất nhiều tỉnh thành, việc hỏi đường luôn được chỉ dẫn thân thiện không đòi hỏi gì? Tuy vậy cũng không phải ai, ở đâu  cũng đủ độ bền bỉ giúp đỡ. Khá nhiều người không chịu đọc chỉ dẫn, thậm chí số nhà cần tìm đến ngay trước mặt vẫn hỏi, hỏi nữa, hỏi mãi.

Vạn câu hỏi thách thức lòng kiên nhẫn. Có người dân ở TP Hồ Chí  Minh bèn sáng kiến tổng hợp hàng trăm câu trả lời trong ngày vào một "cẩm nang" ghi trên tấm biển gắn cột điện ghi tương ứng với 3 hướng mũi tên đỏ là "Cộng Hòa, An Sương, Bảy Hiền, Trường Sơn, sân bay, Phan Đình Giót, Gò Vấp… Cuối bảng cẩn thận đề thêm hai chữ "Đừng hỏi + Cảm ơn".

Minh họa của Tả Từ.

Một người dân khác đề trên biển đóng gốc cây: "Bà con nào đi photo thì qua bưu điện bên đường… Cảm ơn! Hỏi hoài mệt quá". Một biển khác trên gốc cây ghi "Bệnh viện 115, mũi tên, 300m quẹo trái. Mệt quá, hỏi hoài". Những tấm biển cho thấy người dân ở những vùng thân thiện cũng dễ phát điên với kiểu trả lời như robot.

Tâm lý chỉ đường ở Thủ đô lại có một đặc thù khác không phải là mệt mà là không thoải mái. Bởi vùng đất kỳ lạ này 10 người hỏi đường thì 9 người không nói lời cảm ơn. Lạ thế. Chống chân xe máy chõ vào cửa hàng người ta hỏi. Sau khi nghe chỉ dẫn xong rồ máy lao vút. Hạ kính ôtô xuống hỏi đường. Nghe xong câu trả lời của dân chưa cần đến cuối câu, vừa phóng đi vừa kéo kính lên.

Bây giờ điện thoại khai tử đồng hồ đeo tay chứ cách đây hai chục năm thì hỏi giờ nhau gần như là cả ngày. Vẫn vậy. 10 người hỏi giờ thì may ra có một người nói lời cảm ơn. 9 người thản nhiên như người kia sinh ra có chức phận báo giờ cho mình. Cứ như vậy thì việc chơi khăm ngược đương nhiên xảy ra.

Có một gã trai Hà thành thường đeo cái đồng hồ Seiko rất xịn. Hễ thấy ai hất hàm hỏi: "Mấy giờ rồi?" thì lời đáp của gã là "Đồng hồ chết”.

Gã bảo: Không đáp thì bảo khinh người. Đáp xong không được một lời cảm ơn, vậy thì kẻ kia không xứng đáng. Vậy thì "đồng hồ chết" là đảm bảo hai thứ: Một là có trả lời đầy đủ; hai là không có bất kỳ thông tin gì nhé. Cách chơi khăm kiểu Trạng Quỳnh này thời đó được không ít thanh niên ưa dùng.

Các cụ xưa dạy con người sinh ra không có người dưng nào có nghĩa vụ phải giúp mình dù nhỏ. Họ lo đời họ đã đủ mệt. Nếu được họ giúp một việc nhỏ đó là sự hào hiệp của người ta. Ta không cảm ơn là lạm dụng lòng tốt. Nếu coi lòng tốt là đương nhiên được hưởng, chắc chắn lòng tốt bị rẻ rúng. Khi coi sự hào hiệp là sự đặc biệt, người ta sẽ trân trọng lòng tốt. Sự cân bằng này lý giải cho việc chơi khăm nói trên. Lời cảm ơn không hề là hình thức "vẽ chuyện" mà là cử chỉ cân bằng trong xã hội biết trọng chữ "kính".

Nói vậy không phải đi ngược lại tinh thần tương thân tương ái. Đây chỉ là một góc nhìn chia sẻ về tâm lý xã hội. Một nghìn lần tôi không bênh "bộ lọc" trên, bởi xét cho cùng thì sự giúp đỡ thuần phác, vô tư, không mệt mỏi mới là bản chất của con người chúng ta.

Thưa bạn, bạn thật hào hiệp khi đọc tới dòng này. Xin cảm ơn!

Lê Tâm
.
.
.