Hồn thiêng Đại tướng Trịnh Phong và chiếc đầu lâu bí ẩn trên cây dầu đôi

Thứ Tư, 12/12/2012, 13:47
Giữa lúc cả những cánh rừng đại ngàn xa xôi cũng bị tàn phá thì tại đồng bằng duyên hải miền Trung vẫn tồn tại một cây cổ thụ “một gốc hai thân” khổng lồ, toả bóng mát lên ngôi miếu linh thiêng thờ một vị đại tướng bị quân thù xử trảm. Đó là cây dầu đôi huyền thoại bên miếu Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong ở ngã ba Thành Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà với những câu chuyện kỳ lạ không dành cho người yếu bóng vía…

Như những cánh tay phật che chở người dân

Trên đường thiên lý Bắc Nam theo quốc lộ 1, dường như không du khách nào bỏ qua cơ hội ngắm nhìn cây dầu đôi, khi xe ngoặt qua ngã ba Thành thuộc huyện Diên Khánh tỉnh Khánh Hoà, nơi điểm rẽ cách Nha Trang chín cây số về hướng tây nam. Tôi cũng vậy. Những ngày còn học trung học năng khiếu ở thành phố biển, mỗi khi đạp xe về Thành thăm thầy cũ, nhà giáo Ngô Rỡ, tôi không bao giờ quên dừng lại gốc cây dầu hóng mát, nhìn đất nhìn trời nhìn xe nhìn cộ, và trên hết là ngắm nhìn cây cổ thụ “độc nhất vô nhị” với dáng vẻ thật ngộ nghĩnh.

Bôn ba khắp nẻo đường đất nước, giờ tôi lại được trở về vùng đất nhiều kỷ niệm này. Sau gần một đêm cà rịch cà tang trên chuyến xe đò từ bến xe miền đông của TP HCM, tôi lại có mặt ở ngã ba Thành Diên Khánh.

Trời tờ mờ sáng. Trước khi thăm gia đình thầy cũ, tôi cùng anh xe ôm tạt vào quán cóc bên lề đường, vừa nhâm nhi ly cà phê nóng vừa ngắm đại thụ vươn vai vẫy đón bình minh!

Cao gần ba mươi thước, nhìn từ xa cây dầu như gã khổng lồ sừng sững hiên ngang giữa một vùng trời, đầu hơi nghiêng nghiêng về phía đông bắc. Một gốc hai thân. Mỗi thân khoảng ba người ôm không hết. Cành lá xum xuê lớp lớp tầng tầng. Bóng trùm mát cả một đoạn đường dài, biến nơi đây thành nơi nghỉ mát lý tưởng cho khách bộ hành.

Anh xe đạp ôm bảo: “Cây dầu này linh lắm! Dân chạy xe ôm tụi tui hay ví những cái cành to lớn vươn vẫy không trung kia như những cánh tay Phật “nghìn mắt nghìn tay” che chở phù hộ an toàn làm ăn. Khách du lịch Nha Trang thường dừng nơi đây trước khi lên thành cổ, viếng mộ Yersin và dạo chơi suối Tiên... ”.

Thời gian như cơn lốc, làm đổi thay nhiều thứ. Thầy tôi cũng trông già hẳn đi. Mà tôi nào có còn trẻ nữa đâu. Ngày chủ nhật, đang tranh thủ thiến chú heo con mới mua, thấy tôi vào với dáng vẻ râu ria xồm xoàm sau một đêm trên xe mất ngủ, thầy nhìn trân trân tưởng khách lộn nhà. “Thưa thầy, thằng H. Rồm ở Hoà Đồng đây mà!”.

Hoà Đồng quê tôi là một xã ở đồng lúa Tuy Hoà của tỉnh Phú Yên, nơi mà thời trai trẻ thầy ra dạy học và sống những ngày ăn một phần cơm độn ba phần khoai lang khoai mì. “A...”, thầy đứng lên run run cầm chặt lấy tôi như cầm một kỷ vật bị đánh mất vừa gặp lại, mặc chú heo con dưới đất dãy dụa!

Thầy có già đi nhưng vóc dáng chắc nịch như cây dầu đôi!

... “Xin lỗi, bạn ở đâu?”. Cô bạn gái học dưới tôi một lớp ở trường năng khiếu tỉnh nhỏ nhẹ: “Dạ, em ở Cây Dầu Đôi. Có dịp mời anh cùng các bạn về quê em chơi. Quê em có nhiều sự tích ly kỳ lắm. Nhất là chuyện miếu Cây Dầu Đôi và gò Chết Chém nơi các ông Trịnh Phong, Trần Đường, Trần Qúy Cáp bị giặc Pháp chém đầu”. “Cảm ơn, mình cũng có ông thầy hồi cấp một cấp hai  gốc người Cây Dầu Đôi”. Tôi bồi hồi ngồi nhớ lại kỷ niệm thời trung học, cái thời “cũng lãng mạn gió trăng giây phút xao lòng”!

Theo châu phả các làng thì nơi đây xưa vốn là rừng dầu chạy dài tới núi Chín Khúc, tức hàng mấy mươi cây số vuông. Địa danh Vườn Dầu thuộc thôn Võ Kiện, xã Diên An lân cận là một minh chứng. Cuối thế kỷ XVII, những cư dân Nam tiến đầu tiên đã đến đây khai hoang lập ấp.

Cây dầu đôi nằm ở ấp Phật Tĩnh thôn Phú Ân Nam này là dấu tích duy nhất còn sót lại của rừng. Và có lẽ nhờ dáng vẻ độc đáo “một gốc hai thân” tạo hóa ban tặng, đã làm “mát mắt” con người, mà cây dầu đôi may mắn thoát khỏi những nhát rìu nhát rựa “sát thủ” vô tình, sống ung dung tự tại gần hai thế kỷ nay. Sự nổi tiếng đã biến nó thành tên gọi chung cho cả vùng đất xung quanh: vùng Cây Dầu Đôi. Đồng thời, nó cũng còn là tên của ngôi miếu nằm ngay bên cạnh: miếu Cây Dầu Đôi.

Ba con “quái thử” gieo chết chóc tang thương

Miếu nằm trên dải đất hẹp. Một bên tựa vào gốc dầu đôi. Một bên tựa bờ duối già um tùm. Mặt hướng về phía tây, với đỉnh núi Hòn Dung xa xa làm thế che chắn. Miếu kiến trúc theo kiểu truyền thống miếu cổ người Việt, một gian hai chái, hơi thấp. Đầu mái uốn cong, lợp ngói âm dương. Nóc trang trí hình hỏa châu trên các dao lơn. Các trụ tam quan được đắp bông sen nổi. Cửa giữa xây kiểu cuốn thư. Ngôi miếu là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân vùng này… 

Tương truyền, dưới thời Pháp thuộc có lần cả vùng Cây Dầu Đôi bị dịch hạch hoành hành, người chết la liệt. Thần miếu “nhập đồng” mách rằng, ba con “quái thử” đang ẩn núp trong hang dưới bụi duối sau miếu là nguyên nhân gây nên chết chóc. Thần khuyên dùng vôi bột rắc lên nơi người chết để ngăn ngừa dịch bệnh lan tràn, còn người sống thì tạm thời xa lánh vùng này một thời gian. Thần cũng chỉ cách dùng vôi đổ vào hang, bao vây lưới xung quanh, mai phục “quái thử” ra mà diệt. Nhờ thế, dân làng xóa được nạn dịch hạch.

Sự thực về ba “quái thử” kia thế nào? Theo nhà thơ Quách Tấn trong Xứ trầm hương, đó chính là ba con chuột nuôi làm thí nghiệm điều trị bệnh dịch hạch của Viện Pasteur bị xổng chuồng. Khi phát hiện chúng mất, từ giám đốc đến nhân viên bảo vệ Viện Pasteur nhất tề vắt chân lên cổ truy tìm khắp hang cùng ngõ hẹp của thành phố Nha Trang. Nhưng biệt vô âm tín. Cứ ngỡ chúng đã bị sóng biển cuốn đi. Ai ngờ ba “chú thử” tinh ranh lại hú hí cùng nhau vượt hàng chục cây số lên lẩn trốn tận gốc cây dầu đôi, biến thành ba “quái thử” to bằng bắp vế gieo tai họa cả vùng!

Miếu thờ Đại tướng Trịnh Phong là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh người dân Diên Khánh, Khánh Hoà.

Vốn tin sự linh ứng của thần miếu Cây Dầu Đôi, qua nạn dịch hạch, dân quanh vùng càng tin hơn. Vị thần được thờ trong miếu là ai? Xứ trầm hương của Quách Tấn không thấy nói tới danh tánh vị thần này. Phải chăng đây chỉ là một vị thần từ trí tưởng tượng phong phú của dân gian thuở khai hoang mở đất? Thầy Ngô Rỡ khẳng định rằng, theo các bậc trưởng lão địa phương thì đây chính là miếu thờ Trịnh Phong, nên từ lâu miếu còn có tên miếu Trịnh Phong. Nhưng Trịnh Phong là ai?

Trịnh Phong hay còn gọi Đề Phong sinh trưởng ở làng Phú Vinh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, là một hào sĩ có uy tín trong vùng. Ông từng đỗ võ cử dưới triều Tự Đức nhà Nguyễn và làm quan đến chức Đề đốc.

Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của nhà vua yêu nước Hàm Nghi sau khi kinh đô Huế thất thủ, nhiều thân hào nhân sĩ Khánh Hoà đứng lên chống Pháp, tôn xưng Trịnh Phong làm Bình Tây Đại tướng hợp cũng hai bậc sĩ phu Trần Đường và Nguyễn Khanh lãnh đạo cuộc khởi nghĩa.

Các quan chức tỉnh Khánh Hòa cũng đều đồng lòng đứng dưới cờ nghĩa quân. Đại tướng Trịnh Phong trực tiếp trấn thủ và chỉ huy Quân khu Nam, đóng đại bản doanh tại thành Diên Khánh, rồi sau ra Hòn Khói hợp cùng Tổng trấn Trần Đường nghênh chiến với địch khi chúng tấn công bằng đường biển.

Nhưng cũng như những cuộc khởi nghĩa Cần Vương khác, cuối cùng trước thế áp đảo lớn của quân Pháp và lực lượng tên Việt gian khét tiếng Trần Bá Lộc, thủ lãnh Trịnh Phong buộc phải rút quân khỏi Hòn Khói để bảo toàn lực lượng, tìm kế sách khác, rồi chẳng bao lâu sau ông bị một tên phản bội chỉ điểm và sa vào tay giặc.

Không khuất phục được Trịnh Phong, thực dân Pháp bèn bí mật thủ tiêu vị lãnh tụ Cần Vương của xứ trầm hương. Hiện ở thị trấn Diên Khánh và thành phố Nha Trang đều có đường mang tên Trịnh Phong.

Chiếc đầu lâu bí ẩn và cơn “lên đồng” của người nông dân

Dân vùng Cây Dầu Đôi truyền tụng rằng, một buổi chiều cách đây hơn 100 năm, có một người đàn bà tên Trần Thị Đãi người vùng này khi đi ngang cây dầu đôi chợt ngửa cổ qùi gối kêu la thất thanh. “Ma… ma… ma…” - giọng bà khản đặc, mắt trợn ngược, nằm bất động!

Mọi người đua nhau chạy đến. Một chiếc đầu lâu đang treo lơ lửng trên cành cây dầu sà trước mặt bà Trần Thị Đãi! Thủ cấp của ai? Không còn nhận rõ mặt người chết, dân làng bèn đem chôn cất tử tế, rồi lập miếu thờ ngay dưới gốc cây dầu. Ngôi miếu dựng bằng tranh đơn sơ nhưng rất ấm cúng. Từ đó, bà Trần Thị Đãi tự nguyện đến miếu chăm sóc hương đèn bái vọng thường xuyên...

Thấm thoát hàng chục năm trôi qua, ngôi miếu vẫn khói hương mưa nắng ẩn mình dưới bóng cây dầu. Bỗng một buổi sáng đẹp trời nọ, có một anh nông dân bỏ mặc đôi trâu trên đám ruộng đang cày dang dở, băng đồng chạy như ma đuổi một mạch đến cây dầu đôi. Dân cày thấy vậy đuổi theo rất đông.

Anh nông dân chạy thẳng vào miếu, ngơ ngác thắp hương van vái bốn phương tám hướng, rồi ứ hự trừng mắt... “lên đồng”! Anh ta tự xưng mình là Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong đã bị kẻ thù bắt và lén lút sát hại ở gò Chết Chém rồi bêu đầu trên cây dầu đôi, may được dân làng chôn cất thờ phượng chu đáo, nay hiện về xin tỏ lòng biết ơn tấm lòng của bà con...

Nói xong, anh ngất xỉu, nằm bất động hồi lâu. Sau khi “bắt gió” tỉnh lại, mọi người theo hỏi han, anh nông dân lơ ngơ láo ngáo chẳng biết chuyện gì vừa xảy ra.

Câu chuyện có tính hoang đường, nhưng lại là chìa khóa hé mở cánh cửa bí mật về cái chết bi thảm vì nghĩa lớn của người anh hùng Cần Vương, đã gây xúc động mạnh những nghĩa sĩ dưới quyền còn sót lại và nhân dân địa phương. Họ tin rằng cái thủ cấp mà bà Trần Thị Đãi tình cờ phát hiện năm xưa chính là của Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong, nên từ đó còn gọi miếu này là miếu Trịnh Phong.

Trong miếu hiện có các bài vị và câu đối ca ngợi công lao Đại tướng Trịnh Phong cùng những nhà yêu nước hy sinh trong phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa. Đầu thế kỷ XX, khi kinh lý phương Nam, hai ông vua nhà Nguyễn là Thành Thái và Khải Định từng dừng chân vào miếu chiêm bái và sắc phong ngôi miếu là “Đại đức khôi tinh”.

Gần một thế kỷ qua, cây dầu đôi cùng chiếc miếu thiêng chứng kiến bao cảnh máu lửa tang thương do chiến tranh gây ra trên đất này. Thành Diên Khánh chính là sở chỉ huy đầu não trực tiếp của mặt trận Nha Trang mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Trung Bộ. Có lúc cây dầu đôi tưởng chừng bị xóa dấu vết, do đạn bom, do con người lấn chiếm đào xới. Nhưng may mắn thay nó vẫn hiên ngang tồn tại, tiếp tục vươn lên trong sự giữ gìn, bảo vệ của người Diên Khánh và cả tỉnh Khánh Hoà.

Càng ngày quang cảnh vùng Cây Dầu Đôi càng nhộn nhịp. Kẻ mua người bán tấp nập. Nhà cửa với nhiều kiểu dáng hiện đại thi nhau mọc lên. Dẫu thế, cây dầu đôi và ngôi miếu cổ vẫn luôn có một vị thế riêng biệt. Chẳng những mang vẻ đẹp tự nhiên “độc nhất vô nhị” của tạo hóa mà cây dầu đôi cùng miếu Trịnh Phong còn là chứng tích một thời khai hoang giữ đất, là niềm tự hào của người dân xứ này trong công cuộc đấu tranh sinh tồn trước thiên nhiên khắc nghiệt lẫn các thế lực ngoại xâm hung hãn.

Với tôi, nơi đây cũng đã trở thành một phần sống động của ký ức. “Có dịp mời anh cùng các bạn về quê em chơi...”. Mỗi lần có dịp về thăm vùng đất có cây dầu đôi và ngôi miếu linh thiêng bí ẩn thờ vị đại tướng hy sinh vì nghĩa lớn, thắp nén hương tưởng nhớ người xưa mà lòng dậy lên bao nỗi xót xa về một thời đớn đau của dân tộc.

Và từ vùng đất này, những kỷ niệm của một thời “lắm khi bí cũng quay cũng cóp; cũng lãng mạn gió trăng giây phút xao lòng” sống lại trong tôi, đẹp như sự kỳ bí của cây dầu đôi, thi vị như nụ hôn rụt rè của mối tình đầu lên môi cô bạn chung trường trung học...

Phan Phú Yên
.
.
.