"Hốt bạc" nghề gia sư online

Thứ Bảy, 02/06/2018, 16:57
"Gia sư" đã từ lâu trở thành nghề phụ cứu cánh trong những tháng ngày xa nhà đi học của các bạn sinh viên. Hiện nay ngoài hình thức gia sư truyền thống, dịch vụ gia sư qua mạng đang bùng nổ mạnh mẽ và được xem là nghề "hốt bạc" của nhiều sinh viên.


Chỉ cần một vài dụng cụ, phụ huynh đặt lịch học là con em mình có thể được bổ túc những kiến thức cần thiết. Tuy nhiên việc tương tác giữa thầy và trò hạn chế, các em học sinh tiếp cận quá sớm với mạng Internet, nhiều người cho rằng chấp nhận việc cho con học online là thả lỏng việc học của con cái.

Nghề mới mẻ

Nhiều năm nay, tại Hà Nội và các thành phố lớn, nhu cầu tìm gia sư kèm cặp cho con em mình ngày càng tăng. Sinh viên là đối tượng được họ tìm kiếm nhiều nhất, đơn giản vì giá cả hợp lý, chất lượng được đảm bảo.

Tuy nhiên thời gian học ở trường đã ngốn gần như hết thời gian của các em. Điều này khiến việc sắp xếp lịch gia sư là vấn đề khá đau đầu của các bậc phụ huynh.

Một đội ngũ gia sư online do các bạn sinh viên tập hợp lại.

Trước thực tế đó, nhiều sinh viên đã nhanh chóng thay đổi theo xu thế, họ đã sử dụng Internet như một phương tiện kiếm tiền hữu ích. Chính vì thế, nghề gia sư online đã ra đời và phát triển rất mạnh trong thời gian qua.

Các sinh viên đã tập hợp lại với nhau thành một nhóm, lập Fanpage thậm chí cả trang web để quảng bá hình thức đặc biệt này. Bạn Nguyễn Văn Minh (sinh viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) hiện là một thành viên của một Fanpage chuyên gia sư qua mạng, đối tượng là học sinh cấp 2 cho hay: "Bọn em ở quê lên Hà Nội học nên đứa nào cũng muốn làm thêm để phụ giúp bố mẹ tiền ăn học. Nghề gia sư sinh viên có từ lâu rồi nhưng bây giờ nhiều gia đình không thể sắp xếp thời gian cho con em mình học gia sư tại nhà.

Chính vì thế, mấy đứa bọn em đã tập hợp lại chuyển sang hình thức gia sư online. Sau một thời gian bọn em phát triển khá ổn định, các bạn đều có thu nhập. Gia sư qua mạng có nhiều ưu điểm lắm, không mất thời gian đi lại nên có thể dạy được nhiều ca/ngày.

Tính ra thì rẻ hơn nhiều so với gia sư tại nhà nhưng hiệu quả cao hơn hẳn. Giá chung cho mỗi ca gia sư tại nhà khoảng 100.000 - 200.000 đồng, còn gia sư qua mạng chỉ khoảng 70.000 đến 12.000 đồng tùy vào từng học sinh cụ thể. Giá rẻ hơn là vì chúng em tiết kiệm được thời gian đi lại, xăng xe rồi cả chờ đợi nữa.

Khi dạy hết ca, chúng em có thể chuyển sang làm việc khác rất nhanh chóng. Trung bình mỗi bạn một tháng cũng kiếm được 5 -7 triệu, thậm chí nhiều bạn chịu khó được đến 10 triệu".

Rõ ràng việc học gia sư online có rất nhiều lợi ích, các bậc phụ huynh có thể phân bổ thời gian cho con em. Bất cứ thời gian nào các em cũng có thể học được, nếu ốm đau thì vẫn có thể học bù, nếu như bài vở đã qua thì các em vẫn có thể tham khảo trên mạng, hoặc có thể xem trước bài giải, cách giảng ngày hôm sau.

Chị Nguyễn Thu Trang (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: "Gần đây tôi được người quen giới thiệu dịch vụ gia sư qua mạng, tôi đã đăng ký cho con học. Vì mới cho cháu theo học nên chưa thể đánh giá chất lượng đến đâu nhưng được cái rất tiện ích.

Gia sư tại gia dần được thay thế bằng hình thức gia sư online.

Trước đây, thuê gia sư tại nhà vợ chồng tôi phải rất vất vả để đặt lịch sao cho vừa phù hợp với nhu cầu của con trẻ, vừa phù hợp nhu cầu của người dạy và cả vợ chồng tôi nữa.

Gia sư qua mạng đơn giản hơn, các con có thể học vào thời gian mình mong muốn và bố mẹ có thể trực tiếp ngồi kèm thêm cho chúng. Còn gia sư tại gia thì chỉ có thầy và trò, bố mẹ khó có thể tham gia cùng các con được".

Em Ngô Việt Thắng (học sinh lớp 9, quận Long Biên, Hà Nội) đang theo học một lớp gia sư online chia sẻ: "Cháu rất hào hứng với cách học qua mạng này, khi học chúng cháu không bị căng thẳng, áp lực của việc học. Hơn nữa em có thể thoải mái đặt câu hỏi mà không bị tâm lý ngại ngùng. Thầy và trò sẽ không còn khoảng cách nữa. Mới học được 3 tháng nhưng kiến thức của em vững hơn rất nhiều, rất tự với những bài giảng ở lớp".

Thả lỏng việc học của con cái?

Công việc giảng dạy trực tuyến của các gia sư là không quá nặng nhọc. Trước tiên học viên và gia sư cần có một màn hình máy tính với một webcam, một chiếc microphone và cài đặt phần mềm chuyên dụng vào máy tính.

Hai bên sẽ thỏa thuận với nhau, đặt lịch dạy, gia sư sẽ lên mạng theo đúng giờ đã hẹn và gửi bài giảng cho học viên, sau đó sẽ là dạy trực tiếp thông qua màn hình và microphone.

Nếu như học viên không hiểu có thể gửi tin nhắn chát trong phần mềm dạy học. Bài tập thì học viên và gia sư sẽ trao đổi với nhau qua micro. Riêng phần bài tập về nhà hoặc những thắc mắc học viên sẽ trao đổi qua email.

Người dạy sẽ trả lời ngay sau buổi học tiếp theo. Nếu học viên cần gấp thì có thể trao đổi trực tiếp qua điện thoại. Rõ ràng đây là một hình thức có nhiều ưu điểm, không bị giới hạn về không gian. Việc đặt lịch, liên hệ cũng khá đơn giản, đặc biệt phụ huynh có thể chọn những gia sư tốt nhất cho con cái mình.

Với những ưu điểm đó, gia sư qua mạng đã và đang trở thành một trào lưu mới, đem lại thu nhập không nhỏ đối với các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên. Thế nhưng hình thức gia sư này không phải ai cũng có khả năng làm được.

Khi mà các học sinh có nhu cầu đến gia sư thì đều là những bạn có học lực trung bình, tiếp thu bài khá chậm. Vì thế việc tiếp thu trực tiếp đã là vấn đề không nhỏ, nay lại phải ngồi máy tính tiếp thu qua mạng thì càng trở nên khó khăn hơn.

Không những vậy quá trình học còn phụ thuộc vào tốc độ truyền mạng và nhiều yếu tố khác nữa. Chính vì những lý do này những học viên phải là các em học sinh khá, tiếp thu bài nhanh.

Bạn Lê Thanh Thắng (Đại học Khoa học Tự nhiên - đại học Quốc gia Hà Nội), một sinh viên làm nghề gia sư online chia sẻ: "Em làm gia sư online cũng được hai năm rồi. Cứ tưởng thế thôi chứ cũng gặp nhiều khó khăn lắm, nhiều hôm hai thầy trò đánh vật với một đề toán cả buổi không xong.

Thầy càng nói thì trò càng không hiểu. Điều này khiến tâm lý của em khá hoang mang, sợ mang tiếng là dạy câu giờ. Nếu không giải thích, bỏ qua vấn đề đó lại sợ bị phản ánh là dạy không hết sức. Chính vì vậy áp lực bị phụ huynh cho nghỉ việc là lớn hơn đi gia sư truyền thống".

Còn đối với những gia sư nữ thì khó khăn họ gặp phải cũng không phải là nhỏ. Vì đây là phương pháp trao đổi gián tiếp nên nhiều học sinh học rất lơ là. Nhiều trường hợp bị cãi láo, thậm chí nhiều học sinh còn trêu ghẹo chính giáo viên của mình. Nếu các học viên phật lòng chúng sẵn sàng báo với gia đình rằng thầy dạy không tốt, việc cắt hợp đồng chỉ còn là vấn đề thời gian.

Bạn Lê Thu Phương (Đại học Giao thông Vận tải) tâm sự: "Cách đây không lâu, em gặp phải một bạn học sinh có nhiều trò nghịch tinh quái. Bạn ấy luôn tỏ ra không tha thiết gì việc học, rồi còn buông lời tán tỉnh, thậm chí tục tĩu.

Chính vì điều này em đã phải chủ động xin nghỉ dạy vì không thể chịu được áp lực. Nghỉ rồi em học sinh đó cũng không buông tha, thỉnh thoảng vẫn nhắn tin, gọi điện trêu ghẹo".

Một trang web chuyên về gia sư trực tuyến

Cùng với đó là tâm lý chuộng giáo viên truyền thông nên không ít những bậc phụ huynh còn e dè với hình thức còn mới mẻ này. Họ cho rằng việc dạy và học online sẽ giảm sự tương tác giữa giáo viên và học sinh. Bên cạnh đó không phải học sinh nào cũng có thể tiếp thu bài giảng qua mạng Internet.

Hình thức này chỉ phù hợp với những gia đình quá bận rộn, không có thời gian dành cho việc học của con cái. Chị Hà Thu (quận Hà Đông, Hà Nội) cho rằng: "Khi giáo viên và học sinh trực tiếp học và dạy sẽ truyền dạy kiến thức tốt hơn, tạo áp lực khiến trẻ học tốt hơn nhiều. Nếu để con em mình học trên mạng đồng nghĩa với việc thả lỏng việc học của con cái.

Rồi còn việc trả công cũng không phải đơn giản, bởi phụ huynh không phải lúc nào cũng kiểm soát được việc dạy học của những "gia sư ảo". Việc đánh giá chất lượng là rất khó khăn. Nếu dựa trên kết quả học tập để đánh giá chất lượng gia sư thì phải có thời gian, trong khi đó kiểm soát quá trình dạy và học lại cần làm ngay".

Một khía cạnh nữa mà các bậc cha mẹ lo ngại là bỏ thả con em mình với chiếc máy tính và mạng Internet. Các em nhỏ sẽ rất dễ sa đà vào những trang web đen, những hình ảnh bạo lực. Chị Thu nhấn mạnh: "Tôi sẽ không cho các con học online, đơn giản vì nó có nhiều mặt trái".

Phong Anh
.
.
.