Hứng nghĩ về chuyện xuất khẩu rác

Thứ Tư, 03/05/2017, 11:06
Chuyện như đùa, một số nước văn minh, sạch sẽ như ly như lau, bỗng quay sang nhập… rác. Có người bảo sướng quá hóa rồ. Nhưng hóa ra họ nhập rác để làm chất đốt, như ta nhập dầu hỏa về thổi cơm.


Vì họ có công nghệ biến rác thành củi. Nghe nói rác được máy lọc ra, cái gì tái chế được thì tái chế, luyện kim lại, hữu cơ nghiền làm phân bón, xơ đóng bánh thành than…

Thụy Điển chẳng hạn, đầy máy xử lý rác, nhưng không còn rác để chạy máy, đang phải nỗ lực… nhập rác để nhà máy khỏi bị đóng cửa, công nhân mất việc làm...

Sao thiếu rác vậy? Tại chẳng ai đổ rác, cứ như rác là của quý. Nhà nào nhà nấy om rác của mình lại và tự xử, từ năm 2011 chỉ còn 1% rác từ các gia đình, báo hại các công ty xử lý rác đỏ mắt kiếm nguyên liệu…

Khi có nhiều rác hơn, các trạm rác cấp phường, xã có máy to xử hết, khỏi tập trung vận chuyển đi đâu xa. 

Lý do, Thụy Điển có chính sách tái chế thống nhất toàn quốc, đồng bộ để các công ty tư nhân nhỏ cũng có thể “xử rác” ngang các trung tâm lớn, cung cấp cho hệ thống lò sưởi ấm.

Thu gom rác giờ phải có công nghệ tiên tiến, nào hệ thống hút chân không tự động, nào hệ thống chứa rác ngầm, nào máy phân loại, máy xử lý từng loại…

Gọi là đi thu gom, nhưng không mấy mất công. Từ những năm 1980, các hệ thống được làm để rác tự trượt theo đường ống xuống một bể ngầm. Các xe tải hút chân không sẽ hút rác, mang về trung tâm xử lý.

Rác ngày càng hiếm. Tại Nhật, nơi có đến 8 điều “quái dị” trong xử lý rác, mỗi người có ý thức tự làm một cái máy gom rác. Người Nhật ra đường, tay cầm cặp, xách giỏ, tay kia cầm cái bao đựng rác.

Tại nơi công cộng, thường có 7 thùng rác, cái chứa nhựa, nilon, cái thu thủy tinh, chai lọ, cái gom giấy, báo, bìa, cái đựng rau hoa quả… Người vứt rác tự phân loại khi vứt để giúp nhanh chóng tái chế, xử lý

Cái nào tái chế được thì chuyển tái chế. Hàng hóa sản xuất từ nguyên liệu tái chế được ghi rõ và bán rất rẻ. Người Nhật ai cũng muốn mua loại hàng này, có khi phải bắt thăm.

Rác hữu cơ được nghiền như bột, làm phân bón. Các dây chuyền đùn ra đóng gói như bao xi măng và đưa ra đồng ruộng. Các thứ còn lại đem vào lò đốt, tro quay lại làm phụ gia cho phân bón…

Vấn đề là công nghệ hiện đại khép kín, xử lý triệt để mầm bệnh, mùi… và rất nhanh chóng.

Không ít “vua rác” phất lên nhanh chóng nhờ đầu tư vào xử lý rác, công nghệ môi trường. Vua rác xưa chỉ làm một công đoạn gom rác, vua rác nay toàn máy làm thay người, khép kín mọi quy trình…

Công nghệ được phổ biến, trang bị tới tận cơ sở, gia đình… làm cho rác mỗi ngày một hiếm.

Chuyện nước giàu nhập rác làm không ít người nghèo hứng lên ý tưởng xuất khẩu rác. Chỉ cần thu gom, phân loại, đóng gói và xuất.

Chuyện làm ăn, người ta làm dây chuyền thì mình làm gia công. Và có thể, như mọi chuyện làm ăn, có lúc này lúc kia. Làm có lúc vất vả, bán có lúc rẻ, lúc đắt, nhưng chắc chắn được cái công đoạn thu gom làm sạch nhà, sạch phố phường…

Chưa biết giấc mơ tới đâu, nhưng lúc này vẫn hứng ta cùng đi lượm rác…

Thanh Lan
.
.
.