Hương Ngải quê thơm

Thứ Hai, 22/12/2014, 13:00
Mong mãi rồi cổng làng Hương Ngải (Thạch Thất, Hà Nội) của tôi cũng được xây dựng, tạo nên một dấu ấn đúng với nghĩa của một miền hoa Ngái xưa mọc quanh thơm khắp làng, và ngập tràn những cổ tích về miền đất nghèo nhưng ham học và khéo tay. Xã mới làm lễ đón nhận danh hiệu làng nghề mộc, nức tiếng hàng trăm năm nay về những ngôi nhà cổ, mà người thợ của làng đã để lại trên khắp cái miệt Sơn Tây đỏ au màu đá ong này. Lần nào về làng trong lòng tôi cũng thổn thức với bao ký ức tràn về từ một cõi tâm linh nửa thực, nửa mơ...

Cổ tích tuổi thơ

Ở tuổi lên mười, khi cắp sách đến trường làng, tôi vẫn chưa hiểu hết mọi chuyện của làng. Nhớ vào cái đận ấy, tôi cứ đeo cái túi dết của anh trai chạy dọc con mương mà hát những câu ca về chiếc đèn cù. Còn đó là những gánh phân trĩu trịt trên vai tôi đi như chạy ra cánh đồng. Và nữa, chuyện bọn trẻ chúng tôi vừa gặt lúa vừa bắt chuột trên cánh đồng. Tất cả tung tăng với cánh sáo diều ngân nga trong những chiều vàng âm u mây trắng Ba Vì từ xa bay về. 

Nhưng ký ức tuổi thơ sâu đậm trong tôi còn là câu chuyện mà thày giáo Kính đã kể cách đây gần 60 năm. Giọng thày ấm áp và đầy cảm xúc khi kể lại cổ tích “Lưu Bình Dương Lễ”. Thày nói đây là chuyện xưa nói lên truyền thống hiếu học của làng. Nay không ai không biết tới chuyện Dương Lễ sau khi đỗ đạt làm quan, đã cho vợ đến giúp đỡ và nuôi cho Lưu Bình, người bạn thân của mình ăn học, suốt mấy năm trời. Khi thành tài và đỗ đạt, Lưu Bình vinh quy trở về thì người vợ đã bỏ đi biệt tích. Sau này Lưu Bình mới vỡ lẽ khi đến nhà Dương Lễ, người nuôi mình ăn học không ai khác chính là nàng Châu Ba, vợ của người bạn. Một nghĩa cử thật sâu sắc của tình bạn. Câu chuyện đề cao sự học hành mới là sự mở mang cho cuộc sống và còn ẩn chứa nỗi niềm nhân sinh cao cả của con người.

Thầy còn dẫn chúng tôi ra tận quán Nghinh ở đầu làng. Nơi đó chính là dấu tích được nhắc đến trong câu chuyện cổ xưa. Thày còn đọc những câu thơ trong câu chuyện và kể về những người đã từng đỗ Đại Khoa qua các triều vua. Niềm tự hào trong tôi trào dâng. Những cây đa lớn rung lên trong gió. Quán Nghinh trầm tĩnh với bốn cột đá xanh nhẵn bóng với thời gian ngàn năm. Chúng tôi tựa vào những chiếc cột gỗ phía trong và nghe thầy giảng vì sao quán biến thành chín gian. Con số 9 gọi là lão dương, tượng trưng cho sự bền chắc.

Sau đó thày chỉ về phía những cây đa cổ còn sót lại kể rằng, trước có 7 cây đa bao quanh quán Nghinh, tạo nên chòm sao Bắc Đẩu. Sau này khi lớn lên tôi mới hiểu quán Nghinh là trung tâm chòm sao đó. Tôi còn học lời Khổng Tử được thờ tại đây, dạy rằng: “Dùng đức điều hành chính sự ví như ngôi sao Bắc Đẩu tọa lạc đúng vị trí của mình thì các ngôi sao khác ắt phải chầu lại”. Ông cha xưa của làng Hương Ngải đã dựng quán Nghinh với ý nghĩa đó. Quán chính là nơi đưa, đón hiền tài của làng, với mong mỏi trong tâm linh của Thành Hoàng làng, rằng tài năng, đức độ của họ luôn luôn tỏa sáng như sao Bắc Đẩu. Tôi rất nhớ hai vế đối mà thày giáo Kính đọc ở tại quán, mỗi khi dân làng tiễn người lên kinh thi cử: “Chúc sĩ tử ứng thí tranh khôi / Nghênh tân khoa hồi hương bái tổ”.

Đất thày 

Sau này có dịp gặp lại thày giáo Kiều Xuân Cù, người đã dạy học ở ngôi trường đầu tiên ở Hương Ngải, những ký ức tuổi thơ lại dội về trong tôi. Ông về nghỉ hưu tại xã Cần Kiệm. Biết tôi là dân Hương Ngải, ông ôm chầm lấy và vỗ liên tục trên vai tôi tựa như gặp lại người thân trong gia đình. Ông lại kể chuyện về sự học hành của người Hương Ngải và thuộc vanh vách danh sách những ai đã từng đỗ đạt cao ở các triều vua xưa. Ông còn nhớ năm 1874, vua Tự Đức đã ban tặng sắc phong cho Hương Ngải với bốn chữ: “Mỹ tục khả phong” để khen thưởng truyền thống hiếu học và khát vọng không ngừng tiến bộ của dân làng.

Ông nói, Hương Ngải không chỉ là “Kẻ Ngái ông nghè như lá tre”, với dòng họ Đỗ nổi tiếng, 8 đời kế tiếp nhau là Tiến sĩ và cử nhân, mà còn là đất của những thầy giáo học ở huyện Thạch Thất. Trong làng có nhiều gia đình theo nghề giáo đến mấy đời. Riêng gia đình bà Đỗ Thị Từ Tâm có truyền thống 5 đời dạy học, từ đời ông nội đến cháu của bà. Hiện có 8 người trong nhà bà đang làm nghề giáo viên. Đúng như ông nói, theo tổng kết mới đây, trên địa bàn Thạch Thất có khoảng 86 ngôi trường, thì có tới 80% số trường đều có giáo viên người làng Hương Ngải. Thậm chí có một số trường có tới một phần ba là giáo viên của làng Hương Ngải đứng trên bục giảng. Hiện xã Hương Ngải có khoảng 300 thày cô đang dạy học ở các trường rải khắp huyện Thạch Thất.

Nhưng có lẽ người thầy giáo nổi tiếng của làng phải kể đến nhà văn Nguyễn Tử Siêu (1887-1965). Ngoài là một thày giáo trong làng, ông còn là một lương y nổi tiếng và là một nhà văn có khí phách, thể hiện tinh thần yêu nước và tự tôn dân tộc. Nguyễn Tử Siêu là nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử đầu tiên ở nước ta như “Hai bà đánh giặc”, “Vua Bà Triệu”, “Vua Bố Cái”, “Đinh Tiên Hoàng”, “Trần Nguyên chiến ký”, “Tiếng sấm đêm đông”… Một số tác phẩm của ông đã bị thực dân Pháp cấm lưu hành. Đồng thời chúng còn quản thúc ông ở ngay tại làng như một phần tử chống đối. Chính trong giai đoạn bị giam lỏng này, ông đã vừa dạy học chữ Nho, vừa viết sách thuốc để lưu lại cho thế hệ mai sau. Đến cuối đời, ông có tới 43 tác phẩm, gồm 77 cuốn sách với nhiều thể loại. Đặc biệt bộ sách nổi tiếng về y học, gồm hàng chục cuốn về thuốc và hành nghề đông y có giá trị thực tiễn, và được coi là cẩm nang thực hành cho nhiều thày thuốc đời sau. Ông được giới chuyên môn đánh giá cao và được Nhà nước công nhận đưa vào “Tự điển những nhân vật lịch sử Việt Nam”, do NXB Khoa học Xã hội phát hành năm 1992.

Theo lịch sử cách mạng của tỉnh Sơn Tây cũ ghi lại, nhà giáo kiêm nhà văn Nguyễn Tử Siêu còn tham gia hoạt động cách mạng vào đầu những năm kháng chiến. Ông đã từng là Chủ tịch mặt trận Liên Việt tỉnh Sơn Tây; Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh Sơn Tây. Sau này ông còn là  Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Đông y Việt Nam khóa I và II (1957-1965) cho đến lúc mất. Tiếp nối gương sáng của cha, người con trai lớn của Lương Tử Siêu là lương y Nguyễn Thiên Quyến, đã trở thành một danh y với 30 đầu sách nghiên cứu, dịch thuật về đông y. Năm 2012, lương y Nguyễn Thiên Quyến được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú. Ông từng là Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội cho đến khi về hưu.

Đất nghề

Những người thợ mộc làm nhà của đất “Kẻ Ngái” (tên cổ của làng Hương Ngải) đã nổi tiếng từ xa xưa. Cổ chuyện kể rằng, cách đây mấy trăm năm, triều đình mở cuộc thi dựng nhà 5 gian bằng cây chuối. Thợ nào làm nhanh nhất và đẹp nhất sẽ có thưởng và đem lại tiếng thơm cho làng xã. Khi ấy Hương Ngải có cụ Chánh mục họ Nguyễn tình nguyện tỉ thí tay nghề làm nhà với thiên hạ. Trong một ngày, cụ vừa đi chặt chuối và tre để làm con xỏ kết nối, vừa dựng từng phần. Cụ làm nhanh và gọn gàng từng phần chỉnh đẹp. Thân cây chuối dựng tường nhà, còn mái lợp bằng lá chuối tước trên vườn. Ngôi nhà của cụ Chánh được chấm nhanh nhất, đẹp nhất, có thể ở luôn. Nhà vua thấy thế ban sắc phong cho cụ, khen thưởng tài dựng nhà đẹp. Đó là chuyện kể về truyền thống làm nghề thợ mộc của làng đã có tiếng khắp lục tỉnh miền Bắc.

Tính đến nay, xã Hương Ngải có khoảng gần 900 hộ dân tập trung ở 9 thôn, thì có tới 35% hộ làm nghề mộc. Riêng làm những ngôi nhà gỗ theo truyền thống, với kiểu dáng xưa, cùng những họa tiết điêu khắc nghệ thuật cổ, nay xã có khoảng hàng trăm thợ giỏi. Nhiều nhóm thợ của làng đã được ký hợp đồng làm những công trinh văn hóa cổ và làm dựng nhiều đình chùa, miếu mạo ở khắp nơi trên toàn quốc. Đáng chú ý, trong đó có các đình chùa nổi tiếng như chùa Hòe Nhai ở Hà Nội, hoặc phục hồi Nhà Thái Học ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám, cùng với đó là công trình các ngôi nhà cổ trong khu du lịch Thiên Đường Bảo Sơn…

Và giờ đây trên con đường về xã từ phía Đông là một dãy phố gỗ và các nhóm thợ Hương Ngải làm việc suốt ngày đêm. Một số công ty đã được mở và nhiều xưởng mộc hối hả với những đơn đặt hàng. Đáng chú ý cơ sở sản xuất nhà cổ của gia đình ông Hòe, thường có hàng chục người liên tục đục đẽo, tạc hoa văn truyền thống. Tôi có dịp vào ngôi nhà mới theo mẫu cổ của ông Thạch ở xóm Trại, mới hay giờ đây không ít người trong vùng lân cận có thú chơi nhà cổ do những tay thợ giỏi của làng Hương Ngải làm. Ông Thạch cho biết với thời giá hiện nay, để làm ngôi nhà cổ 5 gian, với những loại gỗ tốt, thì cũng phải mất từ 1,5 đến 2,0 tỉ đồng. Ôi xem ra nghề chơi cũng lắm công phu. Đất làng nghề mà.

Cung đường mới

Về xã Hương Ngải giờ đây có đến mấy con đường đi qua. Ngoài ba con đường cũ, hiện có hai con đường rải nhựa nữa từ Bún Thượng và từ ngay đầu con đường huyện chạy về. Đường nào giờ cũng qua cổng làng mới xây. Mỗi lần về quê tôi lại thử đi qua một con đường mới với những nỗi niềm thương nhớ trong lòng. Đây là một khu công nghiệp mọc lên. Kia là một cánh đồng rau sạch hình thành. Và nữa hình ảnh quán Nghinh tuổi thơ tôi, với lễ hội tưng bừng trong ngày rước kiệu hiện lên. Khi đó tôi thường dừng lại trước cổng làng và tâm hồn chợt rung lên theo nhịp khúc “Lưu thủy-Kim tiền” rộn ràng, trên cung đàn bầu xưa mà ông tôi đã dạy. Nhìn ra cánh đồng và những con đường mới chạy qua, trái tim tôi bỗng như trẻ lại; run rảy với những chú cá vàng quẫy dưới đầm trăng trước cổng làng, mà thầy tôi đã vớt từ chiếc lưới nhỏ xíu ngày nào…

Chung Tử
.
.
.