Hữu Ước vẽ lòng mình

Thứ Bảy, 29/06/2013, 11:20

Hữu Ước chọn một ngày quá đặc biệt để khai mở một việc cũng quá đặc biệt. Ông khai mạc triển lãm tranh trưng bày 70 tác phẩm hội họa của mình và ra mắt tập thơ mới "Giọt thời gian" vào đúng ngày giỗ đầu người vợ yêu quý của ông.

Có lẽ trên trời cao xa xanh kia, vợ ông hẳn sẽ mỉm cười mãn nguyện bởi hiếm có một người chồng thành đạt nào chọn được cái cách tri ân với vợ đặc biệt hơn thế. Hơn cả mọi nén nhang, lời nguyện cầu, hay ngàn lời tri ân, cảm tạ của người chồng mang nặng ân tình đối với vợ. Hữu Ước chọn một không gian nghệ thuật, chọn một thành quả trong nhiều thành quả của đời mình mà ông trân quý để dâng người vợ nghìn trùng cách biệt.

1. 70 bức sơn dầu trên vải được Hữu Ước vẽ cấp tập trong chừng dăm năm qua. Sở dĩ tôi dùng từ cấp tập bởi đó là cá tính của Hữu Ước. Ông đã say mê công việc gì thì làm bằng được, làm không mệt mỏi, không ngơi tay, và rút đến kiệt cùng sức lực của mình ra để làm.

Trong những cuộc chơi cùng nghệ thuật của ông, thì vẽ là cuộc chơi dài nhất, nhiều đam mê, hứng thú nhất và cũng là một cuộc ghé chơi cơ cực nhất mà từ đó Hữu Ước không tài nào dứt ra được nữa. Nói một cách công bằng nhất thì hội họa và thơ, đó là hai bộ môn nghệ thuật đã "đày đọa" Hữu Ước bởi sự quyến rũ khổng lồ của nó. Còn hơn thế nữa, hội họa chính là bầu trời của Hữu Ước, trong bầu trời rộng không giới hạn ấy, ông thoả thê bày tỏ khát vọng không thỏa của mình.

70 bức sơn dầu trong triển lãm tranh được chia làm 4 chương. Hoa - Đàn bà - Chân dung - Tự sự phong cảnh. Mỗi một chương là nổi bật ý tưởng, tâm sự và nỗi lòng của tác giả.

Trong hội họa, ai cũng biết rằng đề tài vẽ không quan trọng bằng cách mà người hoạ sỹ thể hiện đề tài ấy như thế nào. Cái hay nhất của những họa sỹ không chuyên, hay nói cách khác những người vì đam mê mà tìm đến với hội họa như Hữu Ước, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Huy Thiệp, Võ Thị Hảo v.v.v... đó là những nhà văn, nhà thơ vẽ tranh.

Khi cầm cây cọ trước tấm toan trắng, họ không hề gặp phải những giới hạn, vướng bận, băn khoăn về đề tài, cách để thể hiện đề tài đó. Hay nói cách khác là họ không cần quan tâm tới hình thức của hội hoạ. Với họ vẽ gì thì cũng chính là sự thể hiện của cõi lòng mình, tâm hồn mình. Vẽ gì thì cũng là vẽ chính lòng mình, phơi trải hồn mình, tâm can mình ra đấy. Ở không gian nghệ thuật của màu sắc này, người họa sỹ mới có thể đi đến tận cùng của những gì mà ngôn ngữ hay thanh âm đều bất lực.

Thiên nhiên - Sơn dầu trên vải.

70 bức tranh với 70 cảnh sắc, nhân vật, và ý tưởng... Một không gian hội họa được bày chật kín từ sảnh tầng một cho đến tầng 2 căn biệt thự 100 Yết Kiêu - hiện đang là trụ sở của chuyên đề An ninh thế giới- Báo Công an nhân dân. Hữu Ước vẫn thường uống rượu với bạn hữu và cười ha hả khi cùng bạn bè thưởng tranh của mình trong một không gian bình yên nơi này với câu chuyện ngẫu nhiên.

Xưa kia họa sỹ Tô Ngọc Vân đã từng ở đây và thi thoảng ông vẫn thường hiện về trong giấc mơ của Hữu Ước để trò chuyện với ông qua từng bức tranh mà ông đang vẽ dở. Lắm khi, Hữu Ước thật thà cho rằng, linh hồn của bậc tiền nhân đã nhập vào ông, thúc giục ông cầm cọ vẽ, và hối thúc ông trước tấm toan trắng, trước dồn dập bao nhiêu ý tưởng, sáng tạo mà ông không thể dừng lại được.

Thế nên Hữu Ước vẽ như lên đồng, vẽ như ma nhập, vẽ nhanh, hối hả, dứt khoát và sung sức trên từng bức tranh. Vẽ như giời đày, như thể nếu không trút vào tranh tất cả những tâm sự, những ý tưởng, những thông điệp và cả những khát vọng ngay lúc ấy, cảm xúc sẽ rời bỏ ông đi mất. Hữu Ước hơn ai hết, là người vô cùng trân quý, nâng niu những tầng cảm xúc sáng tạo của mình.

2. Có một điều tôi tin chắc khi bước vào phòng tranh của Hữu Ước, miên man sải bước chân từ tầng một lên tầng hai, lặng ngắm từng bức ảnh của ông, lạc vào không gian bộn bề đa chiều của những bức tranh, tôi đồ rằng, những họa sỹ tên tuổi, có nghề và nổi tiếng hôm nay nhìn những bức tranh này chắc chắn sẽ có cái cảm giác THÈM VẼ được như thế.

Đó là thèm một tinh thần vẽ đam mê kiệt mình, thèm một tâm hồn vẽ trinh bạch tươi nguyên, thèm một sự bay bổng, TỰ DO, bản năng và thoát xác hoàn toàn của người vẽ, thèm sự TỰ TIN, bản lĩnh, sự mạnh mẽ trong bút pháp. Thèm một sự CHÂN THỰC ĐẾN ĐÁY của Hữu Ước khi trút bỏ vào tranh tất cả những chất chứa của cung bậc cảm xúc trong cuộc sống mà chỉ có hội họa mới có thể chuyển tải được. Có những thứ mà ngôn ngữ, thanh âm đều trở nên bất lực mà chỉ có thể thể hiện bằng hội họa.

Hữu Ước quá tự tin như ông vốn tự tin trong cuộc đời này khi bước vào bầu trời của mình. Cảm tưởng hội họa cho ông khí trời, cho ông cảm xúc, cho ông những hơi thở tự do của cuộc sống. Khi vẽ, ông không ngần ngại và nổi loạn ngay từ giây phút đầu tiên cầm cọ vẽ. Không bao giờ biết sợ hãi bất cứ thứ gì khi ông quyết định cuộc chơi với toan và màu.

Trong nghệ thuật cái hồn nhiên của Hữu Ước ở chỗ, ông làm gì cũng vậy, ông không cần phải đặt mình cạnh ai, phía dưới ai… Ông tự tin, ngạo nghễ và say mê vẽ bằng tất cả những đam mê và trải nghiệm. Hiếm có một vị tướng nào mà quần áo dính đầy sơn vẽ, điện thoại và mọi thứ trong căn phòng làm việc riêng của ông đều dính sơn.

Người đàn bà yêu - Sơn dầu trên vải.

Họa sỹ Lê Tâm đã có lúc lo ngại cho sức khoẻ của ông vì ông vẽ nhiều quá. Cởi bỏ bộ quân phục, vãn mọi công việc cơ quan, Hữu Ước trở về căn phòng của mình, buông bỏ hết mọi thứ và lao vào cơn vẽ. Mà Hữu Ước khi đã cầm bay để vẽ (bay là dụng cụ vẽ mà ông lựa chọn cho việc sáng tạo các bức tranh của mình), ông vẽ như lên đồng, ông vẽ bằng ngón tay, bằng cả khuỷu tay, bằng các dụng cụ lạ lùng không ai nghĩ đến như vẽ bằng bao bố phết sơn dầu lên và cứ thế chấm vào toan, hết lớp này đến lớp khác cho đến khi ông khoái trá thoả mãn đến tận cùng ý tưởng của mình… Cứ như thế, ào ạt, say sưa, cuồng nộ… mọi cung bậc cảm xúc được ông trút hết vào bầu trời vẽ, ông thường xuyên vẽ đến thâu đêm suốt sáng…

Cái đặc biệt ở Hữu Ước còn ở chỗ nếu như phần lớn các họa sỹ không mấy quan tâm đến chủ đề của mỗi bức tranh thì với ông, mỗi một bức vẽ là một chủ đề, là một ý tưởng. Tranh của Hữu Ước có cả cuộc đời trong đó, nó chứa đựng nỗi suy tư, trăn trở, là thân phận của con người. Có lẽ mang cái tâm hồn của một người làm thơ, viết nhạc, Hữu Ước đã vẽ tranh bằng một tinh thần HỮU ƯỚC, đó là một tinh thần mạnh mẽ và bạo liệt vô cùng. Vẽ chính là bầu trời của ông.

3. Hữu Ước chọn một ngày quá đặc biệt để khai mở một việc cũng quá đặc biệt. Ông khai mạc triển lãm tranh trưng bày 70 tác phẩm hội họa của mình và ra mắt tập thơ mới "Giọt thời gian" vào đúng ngày giỗ đầu người vợ yêu quý của ông. Có lẽ trên trời cao xa xanh kia, vợ ông hẳn đang mỉm cười mãn nguyện bởi hiếm có một người chồng thành đạt nào chọn cách tri ân với vợ đặc biệt hơn thế.

Hơn cả mọi nén nhang, lời nguyện cầu, hay ngàn lời tri ân, cảm tạ của người chồng mang nặng ân tình đối với vợ. Hữu Ước chọn một không gian nghệ thuật, chọn một thành quả trong nhiều thành quả của đời mình mà ông trân quý để dâng người vợ nghìn trùng cách biệt.

Họa sĩ Thành Chương

Mọi triết lý cuộc sống,
Mọi trải nghiệm cuộc đời,
Mọi cung bậc tình cảm của con người được Hữu Ước ào ạt tuôn ra trên mặt toan một cách thật giản dị, hồn nhiên, trong sáng và xúc động đến khó hiểu.
Hội họa của Hữu Ước chính là sự xúc động đẹp đẽ đến khó hiểu ấy.

Trường lưu thủy - Sơn dầu trên vải.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Có những điều mà chúng ta chưa biết thêm về nhà văn Hữu Ước và có những điều ông không bao giờ ngồi xuống nói cho chúng ta nghe. Nhưng ông không hề giấu chúng ta mà chỉ là kể cho chúng ta bằng một cách khác với một ngôn ngữ khác: MÀU SẮC.

Lê Thiết Cương

Sống và vẽ

Đôi ba lần tôi định hỏi anh, lý do anh cầm bút vẽ? Nhưng rồi lại thôi. Bởi lẽ tôi đã tìm được câu trả lời thay anh rồi. Có những người thì luôn đứng trước câu hỏi vẽ là gì, vẽ để làm gì nhưng với Hữu Ước, vẽ tức là sự trở về với tự nhiên, với tự do. Chất tự do của hội họa đã quyến rũ anh.

Chẳng ai vẽ bằng bút, bằng mầu cả. Vẽ tức là vẽ bằng sự trải đời, bằng văn hóa, bằng năng lực cảm thụ thẩm mỹ, bằng mơ mộng, bằng liều lĩnh, bằng phù phiếm, bằng vụng dại, bằng ngây thơ, bằng vô chiêu, bằng thăng trầm, được mất, bằng sống.

Sống rồi mới vẽ, mới làm nghệ thuật. Sống khó hơn vẽ. Sống khó thì mới dễ đến được với hội họa. Nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng đều giống nhau ở điểm này. Cái gốc là ở sống, sống thế nào thôi chứ không phải là thâm niên, là bắt đầu vào nghề sớm hay muộn, chuyên nghiệp hay không, nhiều hay ít. Suy cho cùng thì nghệ thuật có dạy được không? Có học được không nhỉ???

Với anh vẽ lại là được sống thêm một đời sống khác.

Họa sĩ Đinh Quân

Những vệt màu ngang tàng, càn dỡ

Một lần đến chơi với Hữu Ước ở phố Yết Kiêu - Toà soạn Báo CAND, thấy tranh của anh treo kín cả bức tường tòa nhà. Từ ngỡ ngàng đến kinh ngạc, sao anh có nhiều năng lượng mà tham gia sáng tạo ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật đến thế.

Lần lượt đi xem, tôi thấy toàn bộ các bức tranh của Hữu Ước là những câu chuyện tâm sự về cuộc thăng trầm đặc biệt của anh. Những nét vẽ ngây ngô mà ngông nghênh. Những vệt màu ngang tàng, càn dỡ, ngỗ ngược, không tuân thủ bất cứ niêm luật, quy tắc nào của nghệ thuật tạo hình, nhưng mang đến cho tôi những cảm giác ám thị, chập chờn. Như cánh chim lượn lờ phía chân trời xa, bất chợt bay vút lên đỉnh cao rồi lại lao vào vực sâu của dòng thác phận người. Vừa xót xa vừa ngọt ngào, cô đơn và hoang mang.

Hữu Ước trải lòng mình vào tranh bằng tình yêu hồ hởi và nồng nàn.

Như Bình
.
.
.