Huyền bí ngọn lửa thiêng Tây Nguyên

Thứ Sáu, 13/03/2015, 07:00
Ngày cúng thần lửa để ra mắt Yang Bri, người làng Đạ Bin không làm lụng gì nhiều mà chủ yếu chỉ ăn uống và giao lưu; và đặc biệt đây là ngày để cho già làng căn dặn dân làng không được dùng cái xà gạt phát rẫy phạm vào “cái lề” của rừng, không được mang cái ná bắn vào bụng có chửa của con nai…

Chiều muộn dưới chân núi Langbian, con chim bling sải cánh vội vàng bay về tổ. Bữa nay, Cill Ha Đời, người dân tộc Chil, làm nhà mới “ra riêng”. Cill Quyn là bố đẻ của Cill Ha Đời và cũng là già làng có uy tín nhất trong buôn Bneur (thuộc xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) đang kiểm tra lại cái bếp lửa hình vuông đặt giữa ngôi nhà sàn của anh con trai sắp “ra riêng”.

Đến khi mọi người trong gia đình và cả khách mời đã tề tựu đông đủ cũng là lúc màn đêm vừa kéo về đủ để làm đen kịt đỉnh núi mẹ Langbian ở phía xa kia, già làng Cill Quyn với tay cầm lấy chiếc khèn sừng trâu trên vách và nâng lên cao quá đầu thổi một hơi thật dài…

Ngọn lửa quyết định cuộc sống buôn làng

Già làng Krajan Plin, một trong những già làng có uy tín của người Lạch dưới chân núi Langbian, quả quyết với khách rằng: “Bây giờ thì người Cơho (bao gồm các tộc người Chil, Lạch, Srê), người Mạ… ở Nam Tây Nguyên đã đơn giản hóa lễ cúng xin thần lửa rất nhiều rồi. Còn xưa kia, đây là một trong những lễ trọng của bà con. Có lễ xin lửa cho từng bếp gia đình, cũng có lễ xin lửa cho một dòng họ và cũng có lễ xin lửa cho một buôn làng…

Ngày trước, khi dựng làng nơi ở mới theo tập quán du canh, lễ xin lửa vô cùng quan trọng. Với bà con, cuộc sống của cả dân làng sau khi lập làng mới có no đủ hay không là nhờ một phần không nhỏ vào việc “xin lửa” này. Ngọn lửa vì thế đối với người thiểu số Nam Tây Nguyên là ngọn lửa thiêng”.

Cũng như nhiều buôn làng khác ở Nam Tây Nguyên - Lâm Đồng xưa kia, một số dòng họ người Mạ thuộc buôn Đạ Bin ở huyện Đạ Tẻh cứ vài chục năm lại một lần dời làng tìm nơi ở mới. Dời làng là sự kiện có quy mô rất lớn, gần như quyết định vận mệnh của cả cộng đồng. Già làng K’Sộp đã sống qua hơn 90 cái mùa rẫy và đã qua hơn ba lần dời làng với quy mô lớn như thế.

Ở lần dời làng thứ nhất, ông chỉ mới là cậu bé đen nhẻm lon ton nối gót theo người lớn băng qua hết cánh rừng này đến cánh rừng khác. Đến lần dời làng thứ hai cách ba mươi năm sau đó, ông đã là một trong những thành viên đứng ra cáng đáng công việc của buôn. Đến lần dời làng thứ ba, ông là người đứng ra đi tìm đất mới. Thế rồi, cách nay cũng đã khá lâu, cũng chính ông là người đứng ra vận động bà con một lần nữa dời làng về khu định canh định cư theo chủ trương của chính quyền huyện Đạ Tẻh.

Vòng xoong quanh bếp lửa.

Làng định canh định cư của dân Mạ Đạ Bin bây giờ đã trở thành một thị tứ sầm uất của vùng sâu huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng. Ngày dời làng từ Đạ Bin (xã Triệu Hải) về thị trấn Đạ Tẻh, già làng K’Sộp không quên mang theo mấy đóm than hồng. Đến nơi ở mới, già làng đặt mấy đóm than hồng xuống nền đất giữa buôn định canh định cư rồi ủ kín trong tro.

Lũ trai tráng ngay từ chiều đã mang về buôn những súc củi khô rất to và chắc. Mấy thứ lá cây rừng có mùi rất thơm cũng được các cô gái hái mang từ rẫy về. Đêm nay dẫu là đêm đầu tiên ở làng mới theo chủ trương của huyện nhưng lễ cúng xin ngọn lửa thiêng cho buôn làng thì già làng K’Sộp vẫn không thể nào quên được.

Đợi lúc mặt trời vừa khuất phía sau đỉnh núi đằng tây, dân làng Đạ Bin không ai bảo ai, cứ thế mang những đồ ăn thức uống có được của nhà mình ra khoảnh đất rộng giữa làng, nơi có già làng K’Sộp đang chuẩn bị thắp lên ngọn lửa thiêng mang về từ buôn Đạ Bin cũ. Núi rừng tĩnh phắc. Dòng suối Đạ Nha chảy qua đất Đạ Tẻh lặng như tờ. Bóng đêm phủ tràn qua buôn Con Ó, qua buôn Đạ Nha, qua làng Đạ Bin… Những súc cây khô chất thành đống to giữa khoảnh đất rộng. Về giúp dân làng định canh định cư mới theo chủ trương của cấp trên, huyện Đạ Tẻh cho hẳn người dân Đạ Bin một con trâu để làm “sar pur” (lễ ăn trâu).

Lửa cho Yang Bri sưởi ấm đêm rừng lạnh

Sau mấy ngày ăn mừng làng mới, hôm nay là ngày đầu tiên dân làng Đạ Bin lên khu rẫy mới theo quy hoạch của huyện để cúng thần núi, thần suối, thần sông… và đặc biệt là cúng xin Yang Bri (thần rừng) cho dân làng có cái ăn, cái mặc.

Nương rẫy mới của làng Đạ Bin theo quy hoạch của huyện Đạ Tẻh nằm cách điểm định canh định cư không xa lắm. Tuy nhiên, để có đủ thời gian cúng thần rừng, già làng K’Sộp đánh thức chàng trai K’Min cháu nội của ông dậy ngay từ lúc con gà “hót tiếng thứ ba” (khoảng 3 giờ sáng). Già K’Sộp nhắc thằng cháu trai tráng K’Min không quên bỏ vào gùi một chóe rượu cần nhỏ cho gia đình và một chóe rượu cần lớn cho dòng họ (vì ông cũng là trưởng một họ tộc).

Rồi nữa, điều quan trọng nhất: Gói mấy cục than hồng mang lên rẫy! Việc xin lửa từ làng cũ về làng định canh định cư hôm trước do già K’Sộp đảm nhận vì ông là già làng. Còn nay, xin lửa từ nhà lên nương rẫy phải do thằng K’Min đảm trách vì tương lai nó sẽ là trưởng tộc.

Chàng trai trẻ mười bảy cái mùa rẫy K’Min vừa huýt sáo vừa làm những công việc do ông nội sai bảo một cách vui vẻ. Nó nghe chuyện người lớn nói rằng, cái rẫy của nhà nó và cả khu vực đó nay mai sẽ được cán bộ huyện cấp cây công nghiệp cà phê để trồng nên mừng lắm. Trong bụng nó nghĩ, để có trái cà phê trìu trĩu trên cành như mấy cái rẫy của bà con ở trên Bảo Lộc, Di Linh thì trước hết phải làm vui lòng thần Bri đã. Mà, muốn thần Bri vui lòng thì phải có ngọn lửa ấm để thần sưởi trong đêm rừng lạnh.

Hôm qua, K’Min nghe mấy chú cán bộ huyện nói chuyện với ông nội K’Sộp rằng khu rừng ấy đã được huyện quy hoạch, sẽ cấp cây giống cho bà con làm cà phê, mai mốt sẽ xin chuyển từ đất lâm nghiệp thành đất nông nghiệp và cấp cho bà con sản xuất lâu dài. Vậy, ngọn lửa cho cái rẫy mới của nhà nó, rẫy mới của cả làng Đạ Bin này quan trọng lắm lắm.

Nên, vừa ủ mấy cục than hồng vào bọc rễ cây không bén lửa, bụng thằng K’Min vừa vui lắm thay, vui như được vào hội làng vậy! Nó để ý thấy, bên ngoài, bà con ở mấy ngôi nhà bên cạnh cũng đã thức dậy cả rồi. Cả mấy đứa trẻ con cũng đã thức. Và dĩ nhiên, không gia đình nào lại quên mang theo lên rẫy mấy cục than hồng từ bếp lửa của chính ngôi nhà của mình.

Việc rước thần lửa từ nhà lên rẫy được người thiểu số Mạ, Cơho ở Lâm Đồng xem là một trong những nghi thức rất quan trọng trong đời sống xã hội, có tính quyết định đến cái ăn của gia đình, của dòng họ và của cả buôn làng.

Cả nhà già làng K’Sộp lên đến rẫy khi ông mặt trời còn chưa làm nổi vừng hồng trên đỉnh núi đằng Đông. Mấy khoảnh rẫy của các gia đình khác cũng đã có người. Trời chưa sáng tỏ mặt người, chỉ có tiếng người gọi nhau í ới vang vọng cả một cánh rừng. Chàng trai K’Min nhặt mấy hòn đá to kê lên một tấm tôn để làm “bếp rừng” phía đầu khu rẫy mới.

Ông nội K’Sộp của nó bày cho nó cách làm “bếp rừng” sao cho ủ được than nhưng không bén lửa sang mấy bụi cây dại. Khi K’Min “thiết kế” xong cái bếp cũng là lúc ông mặt trời làm thành một quầng sáng phía núi đằng xa. K’Min đặt mấy cục than hồng vào giữa cái “bếp rừng” và thổi. Khi ngọn lửa vừa bén đỏ thì cũng là lúc mặt trời vừa nhú lên trên đỉnh núi.

Lửa thiêng Nam Tây Nguyên.

Già làng K’Sộp giang rộng hai tay và khấn: “Ơ… ơ… i… thần đất, thần nước, thần núi, thần suối…! Lửa nhà thắp sáng rẫy… Lửa rẫy thắp sáng rừng… Lửa ăn vào cái bụng thần đất, thần nước, thần núi, thần suối… Lửa ăn trong cái bụng của Yang Bri trọn một mùa rẫy, hết một mùa rừng… Lửa đi qua một mùa trăng làm ấm cái bụng Yang Bri… Lửa đi qua một mùa mặt trời làm sáng cái bụng Yang Bri… Yang Bri cho nhà chúng tôi cái hạt thóc, cái hạt ngô, cái trái, cái lá… Ơ… ơ… i… Yang Bri, tôi xin thần phù trợ…!”.

Ngày cúng thần lửa để ra mắt Yang Bri, người làng Đạ Bin không làm lụng gì nhiều mà chủ yếu chỉ ăn uống và giao lưu; và đặc biệt đây là ngày để cho già làng căn dặn dân làng không được dùng cái xà gạt phát rẫy phạm vào “cái lề” của rừng, không được mang cái ná bắn vào bụng có chửa của con nai…

Quả là không quá lời khi nói rằng ngọn lửa luôn hiện hữu trong đời sống của các tộc người thiểu số Nam Tây Nguyên; và hơn thế, với họ, đó còn là ngọn lửa thiêng – ngọn lửa thiêng thắp sáng những cánh rừng Nam Tây Nguyên!

Khắc Dũng - Hà Đạo
.
.
.