Huyền thoại cá đường ở mũi Cà Mau

Thứ Năm, 24/05/2012, 17:01
Vùng Cà Mau từ xưa đã nổi tiếng với nhiều loại đặc sản: mật ong rừng, khô cá bổi (sặc rằn), mắm ba khía, “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tựa bánh canh”. Nhưng có một loài hải sản mà nay đã gần như tuyệt chủng, đó là con cá đường. Cá đường biến mất kéo theo hệ lụy là ngày hội cá đường độc đáo, lạ lùng chỉ riêng xứ Cà Mau mới có cũng biến mất.

Những lão ngư ở Cà Mau nói, từ lâu lắm rồi cứ đến đúng ngày mùng 10/3 âm lịch hàng năm thì từ đại dương bao la bầy cá đường kéo về quần tụ hàng trăm ngàn con trên bãi Khai Long gần chót mũi Cà Mau. Chỉ một ngày thôi rồi tất cả biến mất.

Trong ngày này ngư dân Cà Mau tha hồ bắt cá để mổ bụng lấy bong bóng bán cho Hoa kiều với giá kinh khủng: 1 cặp bong bóng cá nặng 1kg có giá 2 lượng vàng 24k, trong khi xác cá thả trôi kín một vùng biển rộng. Nhưng ngày hội cá đường cuối cùng trên biển Khai Long diễn ra vào ngày mùng 10/3/1983, đến nay không còn nữa.

Gặp người từng dự Hội cá đường

Hôm xuống Cà Mau ghé thăm anh Hai Biên Cương, một lão nhà báo chuyên sưu tầm những món đặc sản của miền đất cuối cùng của Tổ quốc, tôi hỏi cắc cớ: “Lâu nay có món ngon nào nhắm rượu nữa không anh Hai?”. Chẳng dè lão nhà báo già vỗ đùi cái bốp, cười ha hả: “Chú em mày trúng mánh rồi. Anh mới được người ta tặng cho một cặp trứng cá đường làm mắm, quý như vàng, bởi lẽ gần 30 năm rồi mới thấy lại món mắm trứng cá đường”.

Lão nhà báo Biên Cương lăng xăng chạy ra chợ mua miếng thịt ba chỉ, mấy trứng hột vịt, mớ rau thơm, khế chua, chuối chát về làm món mắm trứng cá đường đãi khách. Chỉ một loáng sau, tô mắm trứng cá đường chưng thịt ba chỉ và hột vịt thơm ngát được dọn lên kèm đĩa rau thơm xanh bắt mắt, thêm chai rượu đế trong veo. Tôi lấy muỗng múc một miếng mắm trứng cá đường chưng, kẹp với rau thơm, chuối chát, khế chua cho vào miệng nhai thật chậm rãi, xong tợp một ngụm rượu đế Cà Mau cay xé họng. Ngon tới tê người.

Tôi hỏi lão nhà báo Biên Cương, làm sao mua được món mắm trứng cá đường về làm quà cho bạn bè thân hữu, lão nhà báo già trề môi: “Còn khuya mới có mà mua. Con cá đường xứ Cà Mau gần như tuyệt chủng, lâu lâu các ngư phủ dày dạn mới bắt được một, hai con. Họ đem bong bóng bán đi đâu không rõ, lấy trứng làm mắm để dành ăn, chỉ tặng cho những người thuộc hàng bạn bè chí cốt, làm gì có bán ở chợ mà mua”.

Lão nhà báo Biên Cương nói, ngày xưa cá đường ở Cà Mau nhiều vô kể, mỗi năm kéo nhau vào bờ hội một lần, thật ra là chúng kéo nhau vào bãi bồi ven biển để giao hoan, sinh sản; nhưng do con người tận diệt nên nay rất quý hiếm. “Anh cũng không rành lắm về ngày hội cá đường, chú em mày muốn biết rõ phải chịu khó xuống vàm Kiến Vàng hỏi anh Tư Tua, một lão ngư dạn dày kinh nghiệm và là người từng tham dự nhiều kỳ hội cá đường, kể cả lần cuối cùng cá đường mở hội vào ngày mùng 10/3 âm lịch năm 1983”.

Từ thành phố Cà Mau ngồi đò gần suốt buổi sáng mới đến được vàm Kiến Vàng, thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Lão ngư Tư Tua là một người đàn ông vạm vỡ, quắc thước, nước da đen cháy màu nắng gió biển khơi. Nhắc đến chuyện cá đường hội, lão ngư Tư Tua buồn buồn nói: “Gần 30 năm rồi bãi Khai Long không còn hội cá đường, ngư dân ở đây mất một nguồn thu nhập đáng kể. Nhưng cũng phải thôi, biển cho ngư phủ cuộc sống nhưng ngư phủ tham lam tận diệt, lãng phí sản vật của biển thì biển lấy lại”. Lão ngư Tư Tua kể, không biết từ bao giờ cứ đến ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm là cá đường từ ngoài biển khơi kéo nhau về bãi biển Khai Long quần hội, đông đến hàng trăm ngàn con.

Theo ông bà xưa kể lại, từ xa xưa ở khu vực cửa biển Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng chạy dài đến phần biển vịnh Thái Lan ven bờ Tây của mũi Cà Mau có rất nhiều địa điểm cá đường tụ về mở hội sinh sản, nhưng tập trung thường xuyên và có mật độ cá hội đông đảo nhất là vùng biển ngay chót mũi Cà Mau, bên ngoài bãi biển Khai Long.

Ở vùng biển này có hẳn một nơi được gọi là sân hội. Sân hội chỉ rộng chừng sáu cây số vuông, biển ở đây gò cạn, giữa sân có lòng chảo rộng khoảng 5km2, độ sâu của lòng chảo khu vực sân khoảng 3-4 sải nước.

Nước biển nơi đây rất kỳ lạ: nước xanh màu lá mạ vào những ngày nước chết (thủy triều thấp), đục màu phù sa vào những ngày nước săng (triều cường). Chính vào ngày nước chết của tháng 3 âm lịch là ngày cá đường về hội. Trong ngày này tất cả ngư phủ trong vùng đều sử dụng các ghe lưới từ lưới năm, lưới chim, lưới quét, cào mé, lưới tôm, cả xuồng chèo từ các cửa biển Kinh Năm, Rạch Gốc, Kiến Vàng, Ông Trang, Bồ Đề, Hố Gùi… đều đổ xô ra sân hội Khai Long để tranh nhau bắt cá. Cá đường có thân hình ốm và dài, vảy tròn màu vàng nhỏ cỡ đồng xu, mỏng manh như lá lúa, con nhỏ nặng 5kg-7kg, con lớn nhất có thể hơn chục ký.

Các lão ngư ở vàm Kiến Vàng nhớ lại, hình dáng con cá đường thoạt nhìn không khác gì con cá lù đù người ta vẫn hay bày bán ở các chợ, nhưng lớn hơn và dài hơn. Không ai biết cá đường sinh sống ở khu vực nào ngoài biển khơi, nhưng ngày cá hội chính là lúc chúng vào bờ để sinh sản.

Hàng trăm chiếc ghe lớn nhỏ tụ tập về đây neo kết từng chùm để đón ngày hội cá. Ðêm xuống, các ghe lưới mở đèn sáng choang như một thành phố nổi trên biển. Đàn ông, đàn bà, thanh niên trai tráng, con gái, ai có ghe cũng đều đưa ra bãi Khai Long chờ ngày hội cá. Mỗi buổi sáng đám ngư phủ đều lo cơm nước no nê để sẵn sàng “chiến đấu” với bầy cá đường từ sáng tới trưa.

Thông thường vào ngày cá hội, mặt nước biển khu vực lòng chảo của bãi Khai Long đang im phăng phắc bỗng xuất hiện một đợt sóng dài hàng trăm thước nhô lên như một mô đất cao, nắng chiếu vào lấp lánh màu vàng. Đợt sóng vàng đó thật ra là bầy cá đường đông đúc đang quấn lấy nhau vùng vẫy, từ xa hàng cây số các ngư phủ vẫn nghe tiếng kêu “cục cục” của hàng trăm ngàn con cá đường vang động khắp mặt biển. Lúc đó cả mặt biển vang dậy tiếng hò reo “cá đường hội, cá đường hội” của các ngư phủ. Những chiếc ghe bủa vây theo vòng tròn xung quanh bầy cá đường, thi nhau bủa lưới rồi mạnh ai nấy dùng câu, móc để bắt cá khiến bầy cá  khổng lồ tranh nhau tìm đường thoát thân. “Khi đã bao vây được bầy cá đường, mạnh ai nấy nhào xuống bắt cá. Tiếng la hét vang động cả một vùng biển rộng. Con trai con gái lúc đó đứa nào cũng khỏe như lực sĩ, một con cá đường tệ lắm cũng bốn năm ký lô mà tụi nó kéo lên liên tục không biết mệt.

Cá bị sa lưới nổi lên trên mặt nước biển một dải vàng lườm như sân lúa ngày mùa. Ngư phủ nhào xuống biển giữ lưới nhà, bất chấp nguy hiểm, sặc nước, nhiều bà nhiều cô bị nước táp, cá quẩy tuột cả quần áo ngoài mà vẫn bất kể, nhào vô ôm bắt cho bằng được những con cá lớn sa lưới, kề lại be ghe cho mấy anh ngư phủ trên ghe dùng câu móc giựt lên. Những lúc như vậy vui nổ trời nhưng ai cũng mê bắt cả chẳng chú ý đến chuyện gì, chỉ khi xong việc mới biết anh thì mất quần, chị thì mất áo, lúc đó mới vội vàng chui vô mui ghe để lấy quần áo khác mặc lại”, ông Tư Tua nhớ lại.

Hội cá đường, khi tất cả mang màu kí ức

Ở Cà Mau hiện nay nhiều người lớn tuổi vẫn còn thuộc lòng câu ca dao thời chiến tranh chống Pháp ở vùng rừng ngập mặn Năm Căn “Bao giờ hết đước Năm Căn, Ông Trang hết cá Viên An hết rừng. Khai Long hết xác cá đường, mũi Cà Mau đó tao nhường cho bay”. Trong câu ca dao này, người ta còn nhắc đến ngày hội cá đường ở bãi Khai Long. Việc nói Khai Long hết xác cá đường, bắt nguồn từ chuyện từ xưa người ta mổ bụng lấy xong bong bóng cá (thứ quý giá nhất trong con cá) thì quăng toàn bộ xác cá xuống biển.

Bắt cá đường lấy bong bóng trong ngày hội cá đường cuối cùng trên bãi biển Khai Long năm 1983.

Ông Tư Tua kể, có những năm trúng hội cá đường, vài ba ngày sau xác cá vẫn còn nổi dày đặc lập lờ suốt một diện tích vài trăm mét vuông trên mặt biển. Chính vì vậy mà từ xa xưa, bãi Khai Long đã được ví von như một “nghĩa trang cá đường”. “Hồi đó vùng này tôm cá nhiều vô kể, đâu có ai thèm ngó ngàng gì đến thịt cá đường, nên sau khi lấy bong bóng xong là quăng bỏ xác cá xuống biển, bây giờ nghĩ lại thấy thật là lãng phí.

Thật ra thịt cá đường cũng ngon không thua kém cá bớp hay cá gún, làm khô cũng ngon. Đặc biệt thịt cá đường tươi, nhất là phần đầu cá, đem nấu canh chua với trái bần thì không gì sánh bằng. Còn trứng cá đường mà làm mắm thì chẳng có thứ mắm nào ngon bằng, kể cả món mắm đặc sắc nhất Cà Mau là mắm ruột cá lóc. Nhưng bây giờ kiếm được một con cá đường để ăn đỏ con mắt”, ông Tư Tua rầu rầu nói.

Anh Tuấn, một ngư phủ ở Hòn Khoai, cho biết, năm 1999, tại Hòn Chuối diễn ra một ngày hội cá đường náo nhiệt chưa từng có vì từ trước đến nay cá đường không bao giờ về hội ở nơi này. Chỉ trong vòng một ngày, hàng trăm ngư dân đã đánh bắt được trên 350 tấn cá đường. “Lúc đó trên thị trường món khô cá đường rất có giá vì ăn rất ngon nhưng vì bong bóng cá bán có giá quá cao nên các ngư phủ ai nấy cứ tranh nhau mổ bụng lấy bong bóng, quăng bỏ xác xuống biển, dù từ năm 1984, chính quyền địa phương và ngành thủy sản Cà Mau đã ra thông báo cấm khai thác cá đường kiểu tận diệt. Sau ngày hội đó, cá đường không về Hòn Chuối nữa”, anh Tuấn cho biết.

Những lão ngư ở Cà Mau nói, từ sau năm 1983, hàng năm ngư dân Cà Mau dong ghe ra các bãi hay có cá đường hội chờ đợi từ mùng bảy cho tới mười ba mười bốn âm lịch mới chịu đi. Đến con nước cuối tháng, ngày hăm ba hăm bốn con nước yếu dần người ta mới trở lại chờ đợi cho tới 28-29 âm lịch mới trở về. Có nhiều người kiên nhẫn cơm ghe bè bạn túc trực trên sân hội từ đầu tháng ba đến cuối tháng tư, đến chừng gió nam thổi mạnh, mây giông nghịch trời họ mới chịu chạy ghe về, nhưng bóng dáng con cá đường biệt dạng.

Ở cửa biển Sông Đốc, Cà Mau, có một xóm lưới gộc lâu đời chuyên nghề bắt cá đường hội, nổi tiếng là xóm nhà giàu nhờ bán bong bóng cá đường mà xây được nhà lầu mái bằng, sắm tàu đánh cá công suất lớn thời cả nước còn khốn khó. Những năm trước vào mùa hội cá đường, cả xóm đổ xô hết về mũi Cà Mau để bắt cá, nhưng nay thì những ngư phủ ở đây nói lâu lâu họ mới bắt được một vài con cá đường hiếm hoi ở ngoài khơi xa.

Lễ hội cá đường không còn nữa, nhưng trong tâm thức của những người từng dự lễ hội cá đường hoặc những người lần đầu được nghe chuyện kể về lễ hội cá đường ở mảnh đất cực Nam Tổ quốc, vẹn nguyên cảm giác bồi hồi, mê mải. Trong giấc mơ nào đó, thấp thoáng màu của kí ức trong những năm tháng hồn nhiên, háo hức nhanh tay, nhanh mắt ra bến Khai Long “nhặt” cá về ghe

Thường dân
.
.
.