Huyền thoại vùng đất mỹ nữ

Thứ Năm, 05/01/2012, 19:27
Người già xứ này bảo, nếu so về gái đẹp, không thể không nhắc tới câu nói có từ thuở xa xưa: "Nhất Luông, nhì Cốc, tam Hiền". Một ngày đầu đông chớm lạnh, chúng tôi tìm về Văn Luông (Tân Sơn - Phú Thọ), vùng đất được mệnh danh là đệ nhất mỹ nữ vùng Đất Tổ…

Hoa của đất

Xã Văn Luông là tên mới, còn gọi cho đúng phải là Chiềng Luông - ông Hà Ngọc Lan, năm nay đã gần 80 tuổi và là người có nhiều năm liền làm chủ tịch xã nói với chúng tôi: "Trước đây, khi tôi còn bé đã được người già kể lại rằng, mấy trăm năm trước Chiềng Luông là quê hương của một vị quan rất to ở triều đình. Ông lấy nhiều vợ, sau một thời gian làm việc cho triều đình, vì chán thời cuộc nhiễu nhương, ông chuyển hết dinh thự vợ con về quê sống cuộc đời ẩn dật. Ngày đi săn, tối thưởng rượu.

Nghe đâu, vị quan đó đã chết trong một lần đi săn hổ. Vợ con cũng từ đấy mà tứ tán. Chuyện đó bây giờ ở Văn Luông, nhà báo hỏi một số người già chắc họ vẫn còn nhắc nhớ". Ông Lan cũng bảo thêm, trong thần tích của làng còn truyền lại, Chiềng Luông, cũng đã có thời gian được các thầy phù thủy chọn làm đất đế đô khi triều đình hạ lệnh cho bà con dân bản trong một đêm, nếu đào được một trăm chiếc giếng thì sẽ được chọn nơi ấy làm kinh thành.

Gà gáy sáng, dân làng cũng chỉ cố hoàn thành được 99 chiếc giếng sâu. Chuyện trở thành đất kinh kỳ không thành hiện thực nhưng cũng từ đấy, với những chiếc giếng đã đào được, dân làng vô tình có được một nguồn nước tinh khiết vô cùng. Ăn uống sinh hoạt tất thảy đều sử dụng nước giếng, quanh năm suốt tháng tịnh không gặp phải một thứ bệnh tật gì. Ông Lan bảo, bây giờ cuộc sống thay đổi, dấu tích xưa còn mất như thế nào ông không rõ nhưng cuộc đời ông, ông đã tận mắt chứng kiến và sử dụng nước ở một chiếc giếng đào mà độ sâu của nó, phải chín dây cày mới chạm mắt nước.

"Ở đâu có nhan sắc ở đó càng lắm chuyện buồn thôi" - nhấp một chén rượu ngâm từ rễ cây rừng, ông Lan ề à, nói một câu chiêm nghiệm của người già. Ông kể về lệ làng ngày trước, truyền từ ngàn năm, rằng cứ xuân thu nhị kỳ, dân Chiềng Luông đều phải tuyển các mỹ nữ để vào cung tiến cúng.

Lại có chuyện… rất bi hài rằng, gia đình nọ, có hai mẹ con nhan sắc đều diễm lệ, quan về tuyển, chẳng biết chọn ai đành chỉ điểm cả hai để vào cung. Tối hôm đó, hai mẹ con đã đóng giả nam, được sự giúp đỡ của dân làng đã chạy trốn lên Thu Cúc, cách đấy gần một trăm cây số đường rừng để nương náu. Chuyện huyền tích hư thực ông Lan cũng chỉ là người được nghe kể lại nhưng chuyện hàng ngàn năm trước, thời Đông Hán bên Tàu đã sang Chiềng Luông cướp vợ thì tôi đã được nhà nghiên cứu văn hóa Mường Nguyễn Hữu Nhàn kể lại.

Ông Nhàn là nhà văn hóa đã dành hết cả cuộc đời để nghiên cứu về đất và người Phú Thọ, đặc biệt là gốc tích và văn hóa của người Mường Phú Thọ. Trước khi lên Tân Sơn, ông Nhàn đã dặn đi dặn lại tôi nên cố gắng về Văn Luông và Xuân Đài, hai vùng đất rất gần nhau mà cách đây không lâu, những nhà nghiên cứu văn hóa đã tìm được những di chỉ khảo cổ chứng minh, thời Đông Hán bên Trung Quốc đã đặt chân đến đất này và để lại những dấu ấn vô cùng sâu đậm.

Nhà văn hóa Nguyễn Hữu Nhàn cũng kể thêm rằng, sự tích 99 chiếc giếng ông đã từng nghe, thậm chí thời đó, vì phát hiện ra đây là vùng đất linh, những thầy bùa phương Bắc còn cất công lặn lội sang xứ rừng xanh núi đỏ của nước Việt phương Nam để "phán" rằng, sự xuất hiện của những chiếc giếng là có hại, nếu lấp đi những chiếc giếng đó thì con gái vùng này càng xinh đẹp và tuổi thọ của người dân sẽ còn cao hơn nữa.

Lời của thầy phù thủy bán tín bán nghi nhưng nghe vậy, cũng có một số người đã chủ động đi lấp những chiếc giếng mà thời trước các bậc tiền nhân đã làm ra, điều đó cho đến nay, không chỉ với ông Nhàn, ông Hà Ngọc Lan mà thậm chí đến vị Phó Chủ tịch xã Văn Luông Tân Khải Hồng, người đã không ngại khó khăn, đội mưa phùn gió bấc thập thững cùng tôi suốt mấy ngày ở Văn Luông cũng cảm thấy nuối tiếc…

Giải mã vùng đất mỹ nhân

Cũng phải xin nói thêm một chút về người bạn vong niên đã cùng tôi đội mưa phùn gió bấc mấy ngày liền ở vùng đất bán sơn địa này là Phó Chủ tịch xã Tân Khải Hồng. Người đàn ông có cái tên rất lạ này hóa ra là… người Hà Nội. Nói đúng hơn, trong giấy khai sinh của ông, phần nguyên quán có ghi, nơi sinh: Hà Nội. Ông Hồng bảo những người có liên quan đến Hà Nội, hoặc đại loại liên quan đến phố phường, hay… người thành phố thì ở Văn Luông đếm cả ngày cũng chưa hết. Sau này tìm hiểu, chính ông cũng cho rằng đó cũng là một trong nhiều lí do để có thể "giải mã" sự xinh đẹp của con gái Văn Luông.

Ông cho rằng, nét tài hoa thanh lịch của người thành phố đã có dịp phối ngẫu rất tự nhiên với sự hoang sơ hồn nhiên của các sơn nữ vùng bán sơn địa cách đây mấy chục năm khi Văn Luông trở thành một địa chỉ sơ tán của người Hà Nội thời kỳ chiến tranh. Ngồi nói chuyện với Phó Chủ tịch xã Tân Khải Hồng mới vỡ lẽ ra, ông chính là con đẻ của nhà văn Sao Mai.

Chuyện nhà văn đã có hai bà vợ (sống rất hạnh phúc hòa thuận) dưới Hà Nội, trong một lần lên Văn Luông, xiêu lòng trước vẻ đẹp của người đất này đã… cưới thêm người vợ thứ ba rồi ở miết luôn không về phố nữa của cố nhà văn Sao Mai đã có quá nhiều người nói đến, thiết nghĩ chẳng cần kể lại. Nhưng khi tôi có dịp ngồi với Chủ tịch UBND xã Văn Luông Đỗ Thị Liên, chính nữ Chủ tịch xã này cũng đã "bật mí" rằng, cho đến bây giờ vợ của Phó Chủ tịch xã Tân Khải Hồng vẫn nổi tiếng bởi một thời hương sắc.

Cũng rất bất ngờ,Chủ tịch xã Đỗ Thị Liên cũng lại là một người… Hà Nội gốc. Chị vẫn nhớ như in nhà chị ở quận Hoàn Kiếm và chị được bố mẹ sinh ra ở Bệnh viện Hàng Rươi. Mãi đến 5 tuổi, theo cha mẹ sơ tán, lên Văn Luông, hợp đất hợp người rồi dính chặt luôn cả một đời.

"Bây giờ để tìm cho nhà báo một cô gái để chụp ảnh e cũng khó, bởi đến tuổi trưởng thành các cháu đã sớm về làm dâu dưới phố lắm. Chúng tôi chưa thống kê nhưng chuyện con gái Văn Luông làm dâu về Hà Nội, làm vợ của các doanh nghiệp chè trên địa bàn hay chí ít là về các thị trấn của tỉnh Phú Thọ thì nhiều lắm, nhiều đến mức không nhớ hết nổi. Con gái Văn Luông đẹp, tôi cũng thừa nhận nhưng nhà báo về xuôi viết phải cho đúng đấy nhé. Trước đây cũng có một người viết bài nhưng không đúng chất của người Văn Luông đâu, người Mường Văn Luông chúng tôi không có những trang phục như vậy đâu, nhà báo muốn biết, bật cái mạng internet lên là biết ngay mà". Chị than phiền, trước đây cũng có một tác giả đã ngồi ở nhà và viết bài về Văn Luông với những bức ảnh minh họa mà trang phục và con người lại của một dân tộc khác, làm các chị chẳng biết ăn nói như thế nào với các bác trên huyện.

Quay trở lại với buổi tối bên bếp lửa nhà sàn của gia đình ông Hà Ngọc Lan, người đàn ông gắn cả đời với mảnh đất Chiềng Luông này bảo, sở dĩ những người con gái quê ông có được nước da tươi mát, dung nhan xinh đẹp cũng bởi hiếm có nơi nào như vùng đất này, thiên nhiên lại ưu đãi với con người như vậy.

Tân Sơn là một huyện miền núi nhưng Văn Luông, trời lại phú cho một địa thế của một mảnh đất bán sơn địa. Những đồi núi không quá cao chảy dài thoai thoải với những nương chè xanh ngút tầm mắt. Phía trước là núi Chài núi Thiếc, phía dưới là dòng sông Bứa (dân làng vẫn gọi tên gọi khác là sông Tam Cờ) quanh năm nước trong xanh chạy mãi tự thượng nguồn của rừng quốc gia Xuân Sơn, Phú Thượng chảy về tóa nước làm xanh tươi tất thảy bờ xôi ruộng mật. Người Chiềng Luông đã có thơ rằng: "Làng Luông ấp ánh bờ sông/Trên núi Thượng Cảng dưới sông Tam Cờ...". Trên dòng sông Bứa có một thứ rêu đá, theo như lời ông Hà Ngọc Lan, người con gái đến tuổi trưởng thành hay khi mang bầu, ăn thứ rêu đá ấy vào sẽ rất có lợi cho sức khỏe và da thịt. Người ta gọi rêu đá là thứ rau kì dược cho phái đẹp và chỉ duy nhất có ở dòng sông Bứa.

Đó là một ân huệ mà trời đất đã rất công bằng khi ban tặng cho con người ở vùng núi cao phía Bắc như sâu chít chỉ có ở Điện Biên hay cá anh vũ, cá tiến vua có ở sông Lô, sông Đà. Lại nữa, ở vùng đất này từ thời xa xưa, con người đã gắn bó máu thịt với thiên nhiên nên các nguồn sống cũng nhờ vào thiên nhiên ban tặng.

Tạo hóa đã sản sinh cho vùng đất này muôn vàn loài kỳ hoa dị thảo, ông Lan kể, thời của ông, mỗi khi sinh con, người phụ nữ xứ này đã phải uống không dưới mười loại nước thảo mộc. Từ lá chè xanh, lá gối, lá ngọn cơm, lá mát, rễ cây… Sau khi sinh, người phụ nữ lại phải ngồi cạnh bếp lửa để… thay da mới. Dù nóng mấy cũng phải cố chịu. Hơ từ từ để lớp da cũ khô và bong đi, lớp da non sẽ được tái tạo mới, sau đó cả mẹ và con đều được tắm bằng thứ thuốc gia truyền nấu từ rễ cây dâu rừng, mận ma… được mang về từ tận những thung sâu. Người Chiềng Luông quan niệm, những thói quen đó sẽ đem lại sức khỏe và một dung nhan đẹp đẽ cho cả mẹ và con.

Người già xứ này bảo: cơm lam, nước vác, nhà gác, lợn thui là những thước đo chỉ sự sung sướng. Và để làm một người con gái Chiềng Luông, từ khi sinh ra và lớn lên, ngoài hình thức trời ban, cũng phải cố gắng biết làm và làm giỏi những thước đo đó. Lúc ấy mới thực sự là những đóa hoa của đất…

Hương Khê
.
.
.