Hy sinh không phải là bắt buộc

Thứ Ba, 20/10/2015, 12:00
Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, bàn về đức hy sinh của người phụ nữ, đọc bài của nhà báo Lê Hoàng và nghe ca sĩ Mỹ Linh trả lời phỏng vấn, thấy rút ra một điều, phàm cái gì đã đặt lên bàn cân là ít nhiều tính toán rồi. Liệu chúng ta có thể hành xử trong đời mình những câu chuyện thuộc về phạm trù này mà không bao giờ phải đặt phép tính trong đầu hay không?

Khái niệm hy sinh từ lâu đã gắn với hình ảnh của người phụ nữ Việt. Với đặc điểm một dân tộc hàng nghìn năm trải qua chiến tranh, giặc giã, người phụ nữ luôn là điểm tựa vững vàng của một gia đình, để người đàn ông đánh đông dẹp bắc, lo việc lớn quốc gia đại sự. Thế hệ bà tôi, mẹ tôi sống trong hoàn cảnh lịch sử đó, và họ thường phải gánh vác rất nhiều công việc thay người đàn ông. Hy sinh ít nhiều là bắt buộc, trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể của đất nước.

Phụ nữ hãy luôn là chính mình (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

Khi tôi bắt đầu trưởng thành, mẹ dạy tôi là phụ nữ thì phải hy sinh, nhưng thực chất tôi không hiểu hy sinh là phải như thế nào. Tôi quả thật là người ít đặt câu hỏi về hy sinh. Tôi nghĩ nhiều hơn đến bổn phận. Chẳng hạn làm một công dân thì yêu nước, làm một người con thì phụng dưỡng báo hiếu cha mẹ, làm một người vợ thì cùng chồng lo toan cho gia đình, làm một người mẹ thì chăm lo cho các con... Ai sinh ra ở đời mà chả phải mang những bổn phận đó, và mình thực hiện nó như một sự mặc nhiên, một sự hiển nhiên, không cần tính đếm. Hai chữ hy sinh nó giống với nghĩa vụ hơn là bổn phận. Trong nghĩa vụ nó có chữ "phải" rồi. Rằng bạn phải thế này phải thế kia. Ít nhiều nó có tính áp đặt. Bổn phận thì tự do hơn, hiển nhiên hơn. Ai cũng thực hiện mọi việc trong đời theo bổn phận thì tôi nghĩ áp lực ít đi, xì trét ít đi, trầm cảm ít đi, ganh tỵ đố kỵ, khó chịu cũng ít đi. Người ta sẽ thoải mái bao nhiêu nếu người ta làm một việc gì đó như một lẽ hiển nhiên sinh ra là thế.

Con người khôn ngoan bởi con người có ý thức. Ý thức là sản phẩm của lý trí. Nó cũng đồng thời là một cái khuôn mà mỗi người tự ép mình vào. Lý trí dạy một người đàn bà rằng cô phải làm thế này làm thế kia, hy sinh cái này cái kia thì mới là chuẩn mực. Làm theo lý trí, nhưng đôi khi về mặt tinh thần, tình cảm, mong muốn của người đàn bà đó chưa chắc đã tự nguyện. Đơn giản tôi hy sinh vì xã hội muốn như vậy. Đó là lý do vì sao đạo diễn Lê Hoàng gọi những người đàn bà đó là "những con bò".

Đức hy sinh có thể trở thành một truyền thống, điều này không ai phủ nhận. Truyền thống đó của phụ nữ Việt xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử. Nhưng với các dân tộc khác, không có truyền thống đó chẳng hạn, thì tôi nghĩ phụ nữ họ vẫn làm những việc như chúng ta đang làm (và được gọi là hy sinh) thôi. Chẳng hạn việc sinh con, lo toan bếp núc, đối nội đối ngoại, kiếm tiền nuôi gia đình... Còn việc gọi những người phụ nữ hy sinh theo kiểu mù quáng, bắt buộc mình phải hy sinh, không trên cơ sở tự nguyện là "những con bò" theo cách của Lê Hoàng, theo tôi là  nặng nề. Nhưng có lẽ cũng đã đến lúc người phụ nữ hiểu hơn vị thế của mình, giá trị của mình, thức tỉnh lại cái khái niệm hy sinh mà họ đang tâm niệm chưa đúng, thậm chí là sai lệch.

Thế giới đang làm nhiều việc để hướng đến bình đẳng giới. Và hy sinh, vẫn là từ đó, nhưng nội hàm cần phải hiểu khác đi. Một khi mọi ứng xử của người phụ nữ từ gia đình đến xã hội đều bắt đầu từ sự tự nguyện, đều mang cho họ cảm xúc tích cực, khiến họ vui, khiến họ hạnh phúc, thì chữ hy sinh to đùng kia sẽ tự nhiên biến mất. Tôi nghĩ đời sống này vẫn vô cùng tốt đẹp, thậm chí tốt đẹp hơn, nếu không còn hai chữ hy sinh hiện diện nữa. Khi đó một người làm một việc gì cho ai đó là bởi họ hạnh phúc khi làm. Họ thỏa mãn với hành động của mình, không có sự ép buộc nào (dù rất vô hình) thẳm sâu trong tâm trí họ.

Tôi tin chắc rằng một người không có khái niệm hy sinh trong đầu óc họ, thì họ cũng sẽ không có khái niệm đòi hỏi. Hy sinh vốn thường đi kèm đòi hỏi, kiểu như tôi cho đi cái này thì tôi phải được cái kia. Người đón nhận sự hy sinh của người khác, đến một lúc sẽ phải hy sinh một cái gì khác cho sự đòi hỏi của người kia. Như thế, xét về mặt bản chất, nó là một phép toán, một sự vụ lợi qua lại lẫn nhau.

Khi không hy sinh không đòi hỏi, hành động của bạn giống như một sự nở hoa. Đó thực sự là một sự dâng tặng, một sự trao nhận không tính toán. Nó không chứa mầm mống của sự tiêu cực. Những việc dù thoạt nhìn như một sự chịu đựng, hy sinh, nhưng thực ra đơn giản chỉ là hiển nhiên người ta muốn làm như vậy, cho người mình thương yêu, trân quý. Giống như bông hoa không bao giờ đòi hỏi cuộc sống phải trả lại nó những gì. Nó đơn giản là tỏa hương.

Nếu tỉnh táo, chúng ta có thể nhìn thấy xung quanh mình, và cả chính mình nữa, thường tự gánh lấy những việc mình chưa hẳn đã thích, núp dưới cái vỏ ngữ nghĩa là hy sinh. Nhiều khi chúng ta làm cho ai đó việc gì, nhưng trong thâm tâm chúng ta đầy bắt buộc. Chúng ta tưởng là chúng ta tự nguyện nhưng thực chất là chúng ta đang cố gắng, và chúng ta không tìm thấy niềm vui trong đó. Đấy là một sai lầm. Hãy làm những việc mà ở đó bạn tìm thấy niềm vui sâu sắc nhất. Bạn vui thì hành động của bạn là hành động của yêu thương. Mà yêu thương thì không tính toán, và khái niệm hy sinh cũng không hiện diện. Lựa chọn cách đó, bạn đang sống cho mình. Và những việc bạn làm vì niềm vui của bạn, nhưng lại tốt đẹp cho người khác, thì ý nghĩa đó sẽ nhân lên gấp nhiều lần.

Tôi mong muốn những người phụ nữ vẫn làm những việc như họ đang làm từ trước đến nay, với gia đình, chồng con, với bản thân họ, mà không treo lửng lơ hai chữ hy sinh trên đầu. Là khi họ tìm thấy mình ở đó, niềm vui từ đó, không đắn đo ràng buộc. Khi đó, câu chuyện bình đẳng giới cũng không còn lý do để nhắc đến nhiều nữa.

Hội Quân
.
.
.