Internet khiến người đồng tính dễ bị đe dọa

Thứ Hai, 16/12/2019, 07:54
Các nhà hoạt động nhân quyền khắp khu vực châu Á nêu quan điểm rằng các công ty truyền thông xã hội phải nỗ lực nhiều hơn để mang lại sự an toàn trên mạng cho cộng đồng LGBT+.


Internet và các nền tảng mạng xã hội ngày càng phổ biến, mở ra một kỷ nguyên mới cho sự đấu tranh quyền lợi của cộng đồng LGBT + (người đồng tính, người giới tính thứ 3)  trên khắp thế giới nói chung và tại châu Á nói riêng - nơi có nhiều quốc gia còn có cái nhìn bảo thủ về vấn đề này. Không thể phủ nhận nhờ các nền tảng này, những người thuộc giới tính thứ 3 có thể dễ dàng trao đổi, kết nối với nhau.

Bị sát hại, hắt hủi

Tushar Kanti Baidya, nhà hoạt động LGBT+ có trụ sở tại Bangladesh cho rằng Internet thực sự quan trọng đối với cộng đồng của mình. Tuy nhiên, cùng với sức mạnh tích cực, mạng xã hội cũng đẩy cộng đồng LGBT+ đến gần hơn với thực trạng tiêu cực khi họ dễ dàng bị bắt nạt, đe dọa hay tấn công bằng lời nói qua nền tảng này. Tuy nhiên, dù có nhiều nguy cơ tiềm ẩn, họ vẫn không ngừng nỗ lực dùng nền tảng này như một công cụ đấu tranh cho quyền lợi của cộng đồng mình. 

Cuối tháng 3 năm nay, Hiệu trưởng Đại học North Sumatra University (Indonesia) ra quyết định đuổi 18 sinh viên khỏi ban biên tập trang web Suara USU của trường này vì đã xuất bản truyện ngắn về tình yêu của một cô gái đồng tính. Theo AsiaOne, quyết định sa thải này được nhà trường dựa trên Nghị định số 13.19.2019 của xứ vạn đảo, cho rằng trang web đã phân phối nội dung khiêu dâm.

Hành động trên lập tức vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Một số sinh viên đã tổ chức biểu tình, cho rằng quyết định của hiệu trưởng đi ngược quyền tự do ngôn luận và yêu cầu tái bổ nhiệm các thành viên của ban biên tập. 

Yael Stefany Sinaga - Giám đốc điều hành của Suara USU - cùng các cộng sự của mình đã đệ đơn kiện hiệu trưởng để đòi lại quyền lợi, mong muốn tiếp tục được điều hành trang web. 

Tuy nhiên, tại phiên điều trần hôm 14-11, Tòa án Hành chính Nhà nước Medan đã bác bỏ đơn kiện của các sinh viên. Thẩm phán chủ tọa Budiman Rodding cho biết truyện ngắn có tựa đề Semua Menolak Kehadiran Diriku di Dekatnya (tạm dịch: Mọi người không chấp nhận sự hiện diện của tôi gần cô ấy) gây tranh cãi vì có chứa nội dung khiêu dâm và LGBT. 

Theo đó, quyết định sa thải ban biên tập Suara USU là hợp lý bởi hiệu trưởng có thẩm quyền về giáo dục, nghiên cứu và dịch vụ công cộng. "Dựa trên những cân nhắc này, hội đồng xét xử bác bỏ toàn bộ vụ kiện và yêu cầu các nguyên đơn phải trả 317.000 rupiah án phí", Budiman nói. Các nguyên đơn có 14 ngày để kháng cáo phán quyết của tòa án. 

Đáp lại, Yael Stefany Sinaga cho rằng quyết định của các thẩm phán là "sai", bởi họ chỉ nhìn vào các quy tắc và giá trị xã hội hiện hành mà không đề cao tự do ngôn luận. Yael cho biết cô và những người bạn của mình vẫn đang thảo luận với luật sư về hành động pháp lý tiếp theo. 

Quan hệ tình dục đồng tính vẫn bị xem là bất hợp pháp ở Bangladesh và những người thuộc giới tính thứ ba thường phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, bị bạo hành ở quốc gia Hồi giáo bảo thủ này. Năm 2016, hai nhà vận động vì người đồng tính nổi tiếng ở Bangladesh bị sát hại trong một cuộc tấn công được cho là do tổ chức khủng bố al Qaeda. 

Một trong số nạn nhân là Xulhaz Mannan - biên tập viên của tạp chí LGBT+ đầu tiên ở quốc gia này. Tushar Kanti Baidya, cho biết kể từ sau vụ tấn công, các nhà hoạt động phải hạn chế sự đấu tranh, nhiều người dè dặt hơn khi xuất bản bất kỳ bài viết nào về LGBT+ trên mạng.

Các sinh viên là thành viên ban biên tập web Suara USU tiếp tục đấu tranh chống lại quyết định của hiệu trưởng.

Bạo hành bằng ngôn ngữ

Thực tế, nhiều câu chuyện đang diễn ra trên thế giới ảo có sức ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, sức khỏe tinh thần của những người LGBT+.  Morados (một người thuộc cộng đồng LGBT+ tại Philippines) kể rằng anh từng nhận được một tin nhắn có nội dung: "Hãy tự chuẩn bị đi". 

Sự sát thương bằng lời nói cũng thực sự khủng khiếp”, Ryan Figueiredo, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Equal Asia Foundation, một tổ chức của LGBT+, nói. Figueiredo đưa ví dụ về một quảng cáo được tài trợ bởi nhà thờ gần đây trên Facebook về liệu pháp giúp thay đổi xu hướng tính dục hoặc bản dạng giới của một người thông qua các phương tiện tâm lý hoặc tâm linh. 

Mẩu quảng cáo tưởng chừng bình thường trên đã gây ảnh hưởng tâm lý nặng nề, tạo nên sự bất an đối với những người LGBT+. “Tính mạng bị đe dọa, liên tục bị quấy rối trực tuyến là những nguy cơ thành viên trong cộng đồng của chúng tôi phải đối mặt”, Rhadem Morados - một nhà làm phim Hồi giáo đồng tính đến từ Mindanao ở Philippines - nói với Reuters Foundation. 

Những nhà vận động cho rằng trước những rủi ro, các công ty công nghệ nên làm nhiều hơn để trấn áp ngôn từ kích động thù địch và cải thiện an toàn cho những người dễ bị tổn thương. 

Các nhà hoạt động nhân quyền khắp khu vực cũng nêu quan điểm tại Hội nghị ủy thác thường niên của Quỹ Thomson Reuters ở London rằng các công ty truyền thông xã hội phải nỗ lực nhiều hơn để mang lại sự an toàn trên mạng cho cộng đồng LGBT+.

Lai Nguyễn
.
.
.