Jakarta trắc trở chống ngập

Thứ Năm, 03/11/2016, 15:54
“Tường Biển Lớn” là một dự án tham vọng của chính quyền Indonesia: xây một bức tường chắn biển lớn dài 24 km để chống ngập cho thủ đô Jakarta. Nhưng dự án này chỉ có thể tiến hành nếu giải quyết được vấn đề an toàn của một nhà máy nhiệt điện cách bức tường chắn này chỉ 500 mét.

Theo báo The Straits Times đấy là yêu cầu của một nghiên cứu cấp chính phủ, cho thấy vị trí xây “Tường Biển Lớn” có thể chặn nước biển dâng - gây ngập Jakarta cần phải bảo đảm an toàn cho Nhà máy nhiệt điện Muara Karang, nơi nằm ở miệng sông Kali Kendrang vốn kết thúc ở ngay vị trí xây tường. 

Đánh giá tác động môi trường chỉ trong một tháng

Nhà thầu tư nhân trúng dự án “Tường Biển Lớn” là Wisesa Samudra (MWS) một công ty con của Tập đoàn bất động sản Agung Podomoro (Indonesia). MWS sẽ phải trình chính phủ một kế hoạch chi tiết xử lý vấn đề an toàn của nhà máy nhiệt điện. Hồi tháng 4, Bộ trưởng Môi trường - rừng Siti Nurbaya Bakar từng quyết chưa cho triển khai dự án. 

Đến giữa tháng 9, ông nói dự án của MWS chỉ có thể nối lại trong vài tuần, nếu công ty này thực hiện được các điều kiện của chính phủ, gồm đánh giá tác động môi trường của dự án “mà theo ước tính thì họ sẽ làm xong trong một tháng”.

Tổng giám đốc Cosmas Batubara của Tập đoàn Agung Podomoro, nói MWS đã có giải pháp cho Nhà máy nhiệt điện Muara Karang sẽ đề nghị cho sửa lại hệ thống làm mát, nhằm bảo đảm chỉ có nước biển làm mát được bơm vào nhà máy điện để hạ thấp nhiệt độ.  Kế hoạch dự phòng là xây một kênh chuyên dùng ngay cạnh hòn đảo nhỏ, để ngăn nước lạnh và nước ấm hòa vào nhau.

Xây đảo chắn biển, ngư dân mất ăn

“Tường Biển Lớn” từng được đề xuất hồi năm 1995. Các nghiên cứu sau đó cho thấy thủ đô Jakarta nằm ở một vùng chậu phẳng, thấp hơn mực nước biển. Mỗi năm nó bị nước biển nhấn chìm khoảng 20 cm, nhất là ở vùng phía bắc thành phố. 

Từ ngày 13-9, Chính phủ Indonesia đã quyết định nối lại dự án cải tạo đất ở Vịnh Jakarta, nhằm không cho nước biển nhấn chìm Jakarta; đồng thời chuyển hóa thủ đô Indonesia thành một thành phố biển như Singapore. Dự án này gồm xây 17 đảo nhân tạo nhỏ và trên đó, Tập đoàn bất động sản Agung Podomoro xây siêu thị, khu giải trí hệt như khu du lịch Đảo Sentosa của Singapore.

Dự án cải tạo đất từng bị hoãn hồi tháng 4-2016 vì cư dân Jarkata phản đối. Nó còn liên quan vụ cựu Tổng giám đốc Tập đoàn Agung Podomoro, ông Ariesman Widjaja bị tuyên án 3 năm tù vì đút lót một nghị sĩ, để ông nghị này “tác động” giúp tiến hành công trình cải tạo đất. Bên cạnh đó là sự bất đồng giữa chính phủ với Thị trưởng Basuki Tjahaja Purnama về việc ai có quyền cấp giấy phép phát triển xây dựng.

Ngư dân địa phương cũng phàn nàn chuyện cải tạo đất ở Vịnh Jakarta  đã khiến sản lượng đánh bắt hải sản của họ bị giảm. Có tin một nhóm ngư dân đã nộp đơn kiện quyết định cho phép tiếp tục cải tạo đất ở khu vực xây “Tường Biển Lớn”. 

Nhưng Bộ trưởng Điều phối hải sự Luhut Pandjaitan là người chính thức tái khởi động dự án này, nói: “Nếu không xây tường chắn biển, nó sẽ gây tác động lớn đến thủ đô, liên quan việc nước mặn xâm nhập. Chính phủ Tổng thống Joko Widodo cũng kết luận “không có lý do nào để không tiến hành việc cải tạo đất”, và đã có những kế hoạch giúp ngư dân địa phương tiếp tục hoạt động ở các nơi khác, như ở vùng biển quần đảo Natuna. Ông nói: “Tổng thống đã chỉ đạo phải tạo ưu tiên cho 12.000 ngư dân phải được sống khá hơn so với bây giờ”.

Việc ngưng cải tạo đất đe dọa làm chậm tiến độ xây dựng khu nhà Pluit City trên một đảo nhân tạo (được kỳ vọng xây xong năm 2018). Dự án bất động sản này  gồm các căn hộ, văn phòng, siêu thị,  trị giá hàng tỉ đô-la của Tập đoàn Agung Podomoro.

Nhưng Tổng giám đốc Tập đoàn Agung Podomoro, ông Cosmas cũng nói tập đoàn của ông rất quan tâm đến ngư dân địa phương: “Chúng tôi nghĩ đến cuộc sống của họ, sẽ không làm bất cứ điều gì chúng tôi muốn, nhưng mặt khác, ngư dân cũng chớ nên nghĩ họ độc quyền vùng biển, nhất là trong 200 mét tính từ ven biển, nơi biển bị ô nhiễm, nên các ngư dân cần ra khơi xa hơn để đánh cá”.

Con kênh ta đào, nước không chảy qua

Thủ đô Indonesia bị ngập lụt, không chỉ vì nước biển dâng, mà còn vì người dân xả rác xuống các dòng kênh và sông Ciliwung, trước khi chúng trôi ra Vịnh Jakarta, một trong những thành phố lớn nhất châu Á, có khoảng hơn 20 triệu dân. Chừng 20% lượng nước thải chảy vào các sông-kênh, mang theo đủ loại rác tự nhiên và nhân tạo. 

Đội vớt rác thường phải trực ca, dùng máy xúc vớt lên cây chuối, tủ lạnh hỏng, TV hư, nếm gối và đồ nội thất cũ, chai nhựa, nón bảo hiểm của người đi xe máy, quả bóng rách, khung xe đạp và cả xác chuột chết do người dân sống ven kênh-sông vứt bỏ. Đôi khi đội vớt được cả xác người, là nạn nhân mất tích sau những cơn lũ quét. Đội trưởng Bejo Santoso nói với báo New York Times: đôi lúc vớt lên 2, 3 xác người.

Tờ báo Mỹ nêu tình trạng rác làm tắc nghẽn sông-kênh còn vì nhân công sở quản lý rác và công nhân vệ sinh tranh thủ kiếm thêm bằng cách đặt lưới, lồng xuống các sông-kênh để thu gom chai nhựa và hộp kim loại để bán cho vựa ve chai. Đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á ở Indonesia nói không dễ khuyến khích người dân thay đổi quan niệm sông-kênh là thùng rác.

Sông-kênh Jakarta bị tắc nghẽn không chỉ gây xốn mắt, mà còn là một vấn nạn môi trường đô thị nghiêm trọng, làm chết hàng chục người trong những vụ ngập lụt những năm gần đây, gây ra vô số ca bệnh, làm hơn 1 triệu người phải di dời và gây thất thoát hàng tỉ USD trong công quỹ. 

Xuyên suốt lịch sử, Jakarta luôn có vấn đề về nước. Thành phố nằm ở cuối một vùng châu thổ, nên theo địa hình này thì Jakarta dễ bị lụt vào mùa mưa vốn bắt đầu từ tháng 9. Bên cạnh đó, triều cường theo chu kỳ “mài mòn” vùng ven biển và làm ngập các khu ngoại ô giàu có và ổ chuột, buộc chính phủ phải xây tường chắn biển. Còn phải nêu chuyện khu phía bắc Jakarta bị sụt đất do tình trạng khai thác đất ngầm quá đáng suốt 30 năm qua.  

Hậu quả của quản lý bất lực

Hiện có sự giúp đỡ của Chính phủ Indonesia và các Mạnh thường quân quốc tế, lần đầu tiên (kể từ những năm 1970), chính quyền Jakarta đang cho nạo vét 17 con sông và kênh bị rác thải tắc nghẽn vốn góp phần khiến thủ đô ngập kinh niên. Vấn nạn ngập lụt này trở nên trầm trọng hơn vì hai lý do. 

Thứ nhất là chính phủ và chính quyền Jakarta không cho nạo vét hoặc chỉnh sửa-bảo tồn các con kênh từ những năm 1970 đến năm 2010, dù đã liên tục có những đề xuất phải làm việc này. Thứ hai là sự phát triển phần lớn khu vực Jakarta mà không có sự quản lý kỹ lưỡng, nên khu vực này hiện có hơn 30 triệu dân. Điều này có nghĩa những hồ chứa nước mưa bị lấp để xây các khu căn hộ, siêu thị. 

Kiểu quản lý yếu kém, bất lực này dẫn đến việc từ giữa thập niên 1990 đến nay, cứ mỗi 5 năm Jakarta bị ngập nặng, kèm theo mỗi năm có những cơn ngập nhỏ hơn. Năm 2002, hơn 60 cư dân bị chết, 350.000 người phải rời bỏ nhà cửa vì ngập nặng. Năm 2007, gần 70% thành phố chìm trong nước lụt và có 52 người chết, hơn 540.000 người phải rời khỏi nhà cửa. Năm 2013, mưa to như trút khiến một đoạn đê dài ở Kênh chống lụt phía tây bị sập, khiến toàn bộ khu trung tâm thành phố bị ngập nặng. Các nơi khác cũng bị ngập, chết ít nhất 45 người.

Lãnh đạo Sở Công trình công cộng Jakarta ước tính chỉ có 20% hệ thống cống của thành phố đạt hiệu quả rút nước. Phần còn lại bị rác thải, cáp ngầm làm tắc nghẽn. Mãi đến năm 2012, mới có chương trình nạo vét kênh ở Jakarta, do cả chính quyền và Bộ Công ích đồng tiến hành và Ngân hàng Thế giới  giúp số tiền 189 triệu USD, sau nhiều năm thương lượng. Theo Ngân hàng Thế giới, dự án này đang tiến hành, bảo vệ được khoảng 1 triệu cư dân khỏi bị ngập.

Vĩnh Thụy (theo The Straits Times)
.
.
.