Jerusalem: Nơi thiêng liêng hội tụ

Thứ Tư, 03/01/2018, 11:22
Jerusalem là một thành phố cổ Trung Ðông nằm trên lưu vực sông giữa Ðịa Trung Hải và Biển Chết ở độ cao 650-840m so với mực nước biển, được xây dựng vào năm 2000 trước CN và đã trải qua nhiều cuộc xung đột suốt hàng nghìn năm tồn tại.


Jerusalem được coi là vùng đất Thánh của những người theo đạo Cơ Đốc, đạo Hồi và đạo Do Thái. Đây cũng là một trong những thành phố lâu đời nhất trên thế giới chứa đựng nhiều công trình linh thiêng của các tôn giáo.

Những địa danh nổi tiếng

Nói đến Jeruslem người ta thường nghĩ ngay đến những địa danh nổi tiếng trong khu vực thành cổ như: cổng Jaffa, đỉnh Olives, nhà thờ Holy Sepulchre, bức tường Than khóc…

Cổng Jaffa được xây dựng năm 1538 và là cổng chính dẫn vào thành cổ Jerusalem. Theo tiếng Ảrập “Jaffa” có nghĩa là “yêu quý” để bày tỏ lòng kính yêu đối với Abraham - một vị tổ phụ của dân Do Thái. Ấn tượng nhất là phải kể đến khách sạn đá 500 năm tuổi mang tên Citadel Youth nằm ngay cổng Jaffa.

Đỉnh Olives nằm ở phía đông Jerusalem. Từ đỉnh Olives, có thể ngắm nhìn toàn cảnh khu thành cổ Jerusalem và ngôi đền Vàng với mái vòm dát vàng lấp lánh trong ánh nắng. Tương truyền nơi đây Chúa Jesus bị bắt trong đêm định mệnh, rồi từ đó lên Thiên đường sau khi phục sinh.

Nhà thờ Holy Sepulchre nằm cách đỉnh Olives không xa, không khí linh thiêng và thành kính luôn hiện hữu nơi đây. Bởi người Thiên Chúa giáo, đặc biệt là các tín đồ Cơ Đốc và Chính thống Hy Lạp tin rằng đây chính là nơi Chúa Jesus đã bị đóng đinh trên cây thập tự và được chôn cất.

Bức tường than khóc nằm ở phía tây thành phố cổ Jerusalem, được xây dựng vào năm 19 trước CN, là một trong những địa điểm cầu nguyện thiêng liêng nhất của người Do Thái. Người Do Thái rất tôn sùng bức tường này vì đây là phần duy nhất còn lại của một công trình lịch sử và là niềm tự hào của họ. Tại đây, các tín đồ viết lời nguyện cầu trên một mảnh giấy và đặt mảnh giấy đó vào cá khe nhỏ trong bức tường.

Khoảng trống phía trước Bức tường được chia làm 3 phần: Một phần cho phép toàn bộ công chúng chiêm ngưỡng Bức tường từ xa; hai phần còn lại dành cho các tín đồ đến gần Bức tường hơn, trong đó phần phía bắc dành cho tín đồ nam giới và phần nhỏ hơn ở phía nam dành cho nữ giới.

Điều đặc biệt là những ngôi nhà ở Jerusalem đều được xây dựng bằng một loại đá đặc biệt gọi là “đá Jerusalem”. Điều này tạo sự hài hòa với kiến trúc trong nội thành, giúp bảo tồn và lưu giữ không gian đặc biệt linh thiêng và huyền bí của thành cổ. Bởi thế, Jerusalem luôn có sự khác biệt so với các thành phố khác ở Israel...

Lịch sử lâu đời

Jerusalem có lịch sử lâu dài, theo truyền thuyết Do Thái, Vua David hậu duệ của tổ phụ Abraham, đã chinh phục thành phố này từ người Jebusite. Theo những đồ vật khảo cổ học đã được tìm thấy, sự định cư tại Jerusalem bắt đầu tồn tại từ 3.000 năm trước CN.

Lịch sử cho thấy, thành phố được nhắc đến lần đầu tiên vào những năm 2.000 trước CN. Lúc đầu, thành phố được xây dựng và sáng lập nên bởi người Canaanite và trở thành thủ đô các vương quốc và thực thể: Vương quốc Israel thống nhất, Vương quốc Judah và Judea trong thời kỳ Đền thờ thứ nhất và thời kỳ Đền thờ thứ hai.

Nhà thờ Holy Sepulchre.

Thành phố tiếp tục giữ vai trò quan trọng là thủ phủ của đất Thánh trong thời kỳ thống trị của người Hồi giáo. Jerusalem là thành phố linh thiêng nhất của Do Thái giáo, và có ý nghĩa đặc biệt với Cơ Đốc giáo và Hồi giáo.

Từ năm 1948 đến 1967, phần phía tây của Jerusalem được quản lý bởi Israel như thủ đô của đất nước, trong khi phía đông Jerusalem được quản lý bởi Jordan. Thành phố hợp nhất lại bởi thắng lợi của Israel trong Chiến tranh 6 ngày, mặc dù địa vị của thành phố vẫn bị tranh chấp.

Luật của Israel từ năm 1980 tuyên bố Jerusalem như thủ đô vĩnh viễn, không bị chia cách của Israel, trong khi Đông Jerusalem lại được cho là thủ đô đang được chờ đợi của đất nước Palestine sau này. Địa vị của những nơi linh thiêng trong thành phố cũng đang bị tranh cãi.

Với số dân 704.900 (từ ngày 31-12-2004), Jerusalem là thành phố không đồng nhất, tiêu biểu cho nhiều loại dân tộc, tôn giáo và các nhóm kinh tế xã hội. Khu vực được gọi là "Thành phố cổ" được bao vây bởi bức tường thành và bao gồm 4 khu: Hồi giáo, Kitô giáo, Do Thái và Armenia. Thị trưởng hiện giờ của Jerusalem là Nir Barkat.

Năm 2016, các nhà khảo cổ Israel tuyên bố đã khai quật được một khu định cư 7.000 năm tuổi từ thời tiền Chalcolithic. Các nhà khảo cổ mô tả khám phá này là lâu đời nhất trong vùng. Cơ quan Khảo cổ của Israel khẳng định các ngôi nhà bằng đá và hiện vật xác nhận "sự tồn tại của một khu định cư đã được thiết lập tốt ở khu vực Jerusalem từ thiên niên kỷ thứ 5 trước CN". Bằng chứng bằng gốm cho thấy sự chiếm đóng của thành phố David, được coi là hạt nhân ban đầu của Jerusalem lịch sử, từ thời đại đồ đồng.

Trần Đức Tân
.
.
.