Kẻ cướp ngân hàng kỳ lạ nhất nước Mỹ

Thứ Năm, 14/05/2020, 08:32
Cho tới bây giờ, trong số những kẻ cướp ngân hàng ở Mỹ suốt 20 năm qua, Tom Justice là kẻ kỳ lạ nhất.


Bởi các vụ cướp ngân hàng thường do các băng nhóm tội phạm chuyên nghiệp thực hiện, trang bị súng ống, ôtô xịn để có thể chạy trốn và chống lại cảnh sát, Tom Justice chỉ hành sự đơn thương độc mã nhưng đã cướp tới 26 ngân hàng và phương tiện đi lại chỉ là một… chiếc xe đạp cũ.

Vận động viên đua xe đạp

Vào một buổi sáng nóng bức cuối tháng 5/2000, một người đàn ông đội mũ lưỡi trai, đeo kính râm liếc nhìn chiếc đồng hồ đeo tay và đẩy cửa bước vào ngân hàng LaSalle, ngoại ô Illinois. Hắn bước tới quầy giao dịch và rút ra một mảnh giấy nhỏ từ trong túi quần. Trên mảnh giấy ghi: "Đây là một vụ cướp. Mau bỏ hết tiền vào túi". 

Người đàn ông da trắng mảnh dẻ, mặc áo sơ mi xanh và quần kaki như một cậu sinh viên rút ra một chiếc túi nilon màu trắng của cửa hàng thể thao Sports Authority, miệng thì thầm với cô nhân viên ở quầy giao dịch: "Cứ từ từ bình tĩnh thôi". 

Sau khi xong xuôi, hắn còn gật đầu và  nói cảm ơn. Đường phố vắng tanh, và chỉ có đúng một chiếc xe cảnh sát đỗ ngoài ngân hàng LaSalle. Tên cướp thậm chí còn mỉm cười và gật đầu chào người cảnh sát ngồi trong xe tuần tra, như thể hắn chỉ vừa mới đi gửi tiền xong. 

Sau đó, hắn đi xuống bãi đỗ xe dưới tầng hầm và chỉ 60 giây sau đã đi lên, trên vai vác một chiếc xe đạp khung nhôm siêu nhẹ. Hắn thậm chí còn kịp thay quần áo; giờ hắn mặc một bộ đồ dành cho vận động viên đạp xe màu xanh, đầu đội mũ bảo hiểm màu bạc, đeo kính râm màu vàng. Hắn leo lên xe đạp và thong thả đạp đi - tất cả chỉ sau 3 phút kể từ khi tên cướp này rời ngân hàng. 

Không có chuông báo động nào vang lên từ ngân hàng LaSalle, ngoài chuyến tàu điện Chicago vào ga lúc 11 giờ 26 phút, và khi tàu rời ga thì kẻ cướp táo bạo này đã biến mất. Đây chỉ là một trong 26 vụ cướp của Tom Justice - kẻ cướp đi xe đạp nhanh vượt cả xe cảnh sát, từng sống cạnh nhà và rồi chung nhà với cảnh sát mà không hề bị lộ chân tướng, và không giữ lại "chiến lợi phẩm" mà đem tiền ném vào thùng rác, bụi rậm hoặc phát cho người vô gia cư. 

Lý do tên này có tốc độ kinh người như vậy là vì hắn từng là hạt giống cho đội tuyển đua xe đạp Olympic Mỹ, và đã duy trì vị trí tay đua hạng một suốt gần một thập kỉ.

Tom Justice thi đấu khi còn là vận động viên đua xe.

Trước mùa hè năm 1983, cậu bé 13 tuổi Tom Justice ở Libertyville, Illinois, thậm chí còn chưa bao giờ xem một cuộc đua xe đạp nào chứ đừng nói là nhìn thấy sân bay, một loại sân chuyên dùng để đua xe đạp. 

Khi cô bạn Kristin rủ cậu đi, Tom chỉ đồng ý vì mình đang để ý Kristin. Nhưng vào khoảnh khắc Tom bước vào trường đấu, cậu đã bị hút hồn bởi những chiếc xe đạp lao đi vun vút và vô số những cú va đập khiếp người, khác hẳn với hành trình đều đều của giải Tour de France trên truyền hình. 

Chỉ một tuần sau đó, cậu bé quay trở lại trường đua trên chiếc xe đạp Schwinn màu đỏ đun mới cáu, trên người mặc đầy đủ quần áo đua xe chuyên nghiệp từ mũ bảo hiểm, áo đua, găng tay đến miếng bảo vệ đầu gối. Tất cả thứ đó được bố của Tom là ông Jay Justice, cựu lính hải quân và một người hâm mộ thể thao cuồng nhiệt, mua cho.

Ở tuổi 16, Tom hầu như dành trọn vẹn thời gian cho việc đạp xe. Cậu luyện tập ở sân bay vào thứ Hai và thứ Tư, tham gia đua mỗi thứ Năm và hầu như ngày nào cũng tự luyện tập hàng tiếng đồng hồ trên những con đường khúc khuỷu ở Libertyville. 

Năm 1987, Tom được chọn tham dự trại huấn luyện cho đội tuyển Olympic Mỹ, và ngay cả khi cạnh tranh với những thiếu niên tài năng nhất đất nước, Tom vẫn là một gương mặt nổi bật. Cậu được trời phú một hình thể tuyệt vời: cao, mảnh dẻ, chân cơ bắp. Tom cũng rất biết gây chú ý khi đua xe: cậu chỉ vượt lên dẫn đầu trong 45 giây cuối cùng của mỗi chặng đua 1.000 mét. 

Mùa thu năm 1987, Tom trở lại trường, được bầu làm hội trưởng hội học sinh, và được các cô bạn bâu quanh. Tuy nhiên, theo như Erika Zavaleta, đồng đội của Tom tại trại tập huấn Olympic và là người về sau đã giành được cơ hội góp mặt vào đội tuyển quốc gia, thì sức hấp dẫn của cậu bạn không chỉ nằm ở vẻ ngoài đẹp trai: "Tom là người hiền lành, khiêm tốn, nhẹ nhàng, tốt bụng. Cậu ấy rất tự tin, nhưng lại không khiến người khác thấy ngại ngần".

Khi tốt nghiệp trung học, cuộc đời của Tom có vẻ như đã được định sẵn: nhập học trường Đại học Southern Illinois, chăm chỉ tập luyện để có thể tham gia đội tuyển Olympic. 

Tuy nhiên, sau khi thành lập câu lạc bộ đua xe của trường đại học, ngày ngày đua với đám bạn "gà mờ", Tom dần trở nên tự cao và lười biếng và thay vì chăm chỉ đến trường đua, Tom chỉ đi xem phim hoặc uống bia cùng các bạn. 

Tom dần trở nên mất phương hướng đến mức cậu đổi ngành học 3 lần liền, tập paino và học điêu khắc với tham vọng trở thành một nghệ sĩ đẳng cấp thế giới, nhưng chẳng có gì khiến anh phấn khích như khi đua xe.

Năm 1994, sau khi tốt nghiệp đại học, Tom khăn gói đến Los Angeles, một lần nữa tham gia luyện tập để tham dự đội tuyển Olympic Mỹ. Nhưng Tom không còn đủ sức cạnh tranh với những tay đua trẻ tuổi và anh sớm bị loại. 

Sau đó, Tom lập ra một danh sách những nghề nghiệp thật "oách" như làm phi công lái trực thăng, lính thuỷ đánh bộ… và anh trở thành một nhân viên công tác xã hội, rồi một mục sư, một thợ lặn… nhưng vẫn không có công việc nào mang lại cảm giác như khi anh bứt tốc trên đường đua.

Chiếc xe đạp Tom Justice dùng để đi cướp ngân hàng.

Đi cướp ngân hàng để… trải nghiệm

Vào một đêm năm 1998, Tom lật giở lại danh sách năm xưa và nhận ra còn một việc anh ta chưa thử, đó là… cướp ngân hàng. Từ đó trở đi, cuộc đời cựu vận động viên xe đạp này diễn tiến hệt như một bộ phim.

Ngày 23/10/1998, Tom mặc lên người bộ đồ thi đấu, sau đó mặc thêm một lớp quần áo bình thường, đeo kính râm, và bắt đầu vụ đầu tiên trong 26 vụ cướp của mình. FBI vẫn chưa chú ý đến Tom sau vài vụ cướp đầu, một phần vì "thành tích" của Tom chưa hẳn nổi bật khi mới chỉ cướp vài nghìn USD, và cũng vì vào năm 1998, Chicago có đến 171 vụ cướp ngân hàng. Tom lấy lại được cảm giác phấn khích năm nào khi đối đầu và vượt mặt cảnh sát, và dần dần tìm lại được phương hướng.

Năm 2000, Tom quyết định chuyển đến California, và lại tham gia luyện tập cho đội tuyển Olympic. Nhờ "tập luyện" với cảnh sát, hắn nhanh chóng vươn lên dẫn đầu đoàn đua nhưng chỉ vài tháng sau, Tom bị thương ở lưng, chấn thương này đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của Tom. 

Thất vọng vô cùng, Tom lại quay về Illinois, học lấy bằng Thạc sĩ ở trường Đại học DePaul. Tuy nhiên, cơn chán nản của Tom không hề biến mất và anh ta bắt đầu sử dụng cocain - một thứ ma tuý mạnh và rất đắt. 

Để có tiền sử dụng ma tuý, Tom lại đi cướp ngân hàng và phạm một sai lầm chí tử: đặt làm riêng một chiếc xe đạp từ một người thợ chỉ làm 50 bộ khung mỗi năm, sau đó vứt lại chiếc xe để bỏ chạy. Trong hai năm tiếp theo, Tom tiến hành tới hàng chục vụ cướp.

Tom Justice lúc nhỏ.

Tháng 3-2002, sĩ quan Greg Thompson thấy nghi ngờ một người đạp xe từ ngân hàng, tay cầm túi nilon. Anh yêu cầu chiếc xe dừng lại để kiểm tra túi và sau khi Thompson nhận ra chiếc túi chứa đầy tiền, người đàn ông đã phóng xe đạp vọt đi mất, vượt qua tốc độ của một chiếc xe cảnh sát. 

Tuy Tom đã kịp bỏ chạy thoát thân và ném chiếc xe xuống gầm cầu, nhưng đàn chó nghiệp vụ nhanh chóng tìm ra chiếc xe, cùng quần áo mà hắn vứt lại. Chỉ vài ngày sau, FBI đã tìm ra nơi sản xuất và danh sách những người từng mua chiếc xe đạp đua và chỉ vài tháng sau, FBI đã tóm gọn Tom tại nhà của cha mẹ tên cướp này.

Vốn không phải là một tên tội phạm nhà nghề, Tom đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, kể cả những vụ án mà cảnh sát không liệt hắn vào diện tình nghi. Điều này, cộng với việc Tom không sử dụng vũ khí, không gây thiệt hại về người đã giúp hắn tránh được bản án 120 năm tù. Cuối cùng, Tom chỉ phải chịu bản án 11 năm.

Tom Justice ra tù năm 2011.

Hiện Tom đang sống một cuộc đời bình lặng, làm việc tại một hiệu bánh nhỏ ở Illinois, và hàng ngày vẫn đạp xe trên những con đường mòn tại thị trấn quên hương nhưng không phải là để trốn chạy khỏi bất kì xe cảnh sát nào. Cảnh sát ở Chicago vẫn nhớ đến Tom như "một trong những tên cướp thông minh nhất chúng tôi từng chạm trán".

Huyền Thi
.
.
.