Kền kền quàng quạc

Thứ Năm, 25/04/2013, 10:18

Lại một Hội nghị nữa mở ra, tụ tập đông, rất đông các giáo sư tiến sỹ, nhà khoa học này lẫn đơn vị quản lý nọ và tất nhiên, cả cái Bộ vẫn được đương thời gọi tắt là Văn - Thể - Du, bàn chuyện phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú.

Cuộc họp lần thứ bao nhiêu, không ai nhớ. Chỉ biết ở diễn đàn này, bu Cầu lại được nhắc tên!

Mà, bu Cầu thì mất rồi. Người hát xẩm chân truyền cuối cùng của đất nước đã vĩnh biệt cõi trần, về với tổ nghiệp.

Ông trưởng thôn cũng đi rồi. Bác Văn Hiệp đã mang tiếng cười lành lành sảng khoái của mình rời xa dương thế, nhẹ tênh...

Rất tức thì, vô cùng nhiều ý kiến lại tấu lên trên các trang báo cả mạng lẫn in, sao đến giờ ông Văn Hiệp vẫn chưa có cho mình một danh hiệu làm của riêng.

Mà danh hiệu thì vốn sẵn như gà trọc đầu ngoài chợ, nên cả những người, dân ngơ ngác hỏi rằng ai, tên chưa biết mặt chưa quen, vẫn tự tin đĩnh đạc giới thiệu mình là nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú. Những người ấy, lại lên báo, com lê cà vạt đường hoàng than vãn cho bác trưởng thôn, như vài bữa trước đây đã mau mắn tiếc thương bu Cầu, tranh đấu đòi truy tặng bu danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân cho xứng tầm cống hiến.

Ở thế giới bên kia có nhìn về cõi tạm, chắc bu Cầu cười thầm đám cháu con luôn dề dà, quanh năm chỉ loay hoay nước trà bàn giấy, mỗi cái việc chăm cho mấy ông bà già vốn được suy tôn báu vật nhân văn sống cũng nâng lên đặt xuống, chậm trễ đúng một… kiếp người. Bác trưởng thôn, có lẽ cũng ha hả mà tấu hài: Sao trước đây "các chú" cứ lý do anh hưu sớm, viện cớ anh không tham dự liên hoan hội diễn nên chẳng có huy chương rồi gạch tên anh khỏi các danh sách trao tặng…

Người đương thời phải được tôn vinh ngay khi còn sống, còn dồi dào năng lực, chứ lúc "cáo phó" rồi thì mọi động thái sửa sai cũng chỉ là đãi bôi, an ủi điểm trang cho chính người sống mà thôi. Việc đó chả khác gì đám nghệ sỹ, hay tin đồng nghiệp mình qua đời, vội vàng phấn son tô sửa, tạo tư thế âu sầu ảm đạm rồi nhẩy lên báo xót xa.

Sự ra đi của bác Văn Hiệp (may thay) lại thành cơ hội cho nhiều nghệ sỹ lâu nay chả có lý do gì để được truyền thông ngó ngàng. Công chúng đã quên béng mất "danh hài" này, "gương mặt thân quen" kia, cho tới lúc anh (chị) ấy lên "phây" và báo chí tỏ tình với bác trưởng thôn.

Đời, đâu là thật đâu là hư, nước mắt cũng chỗ nào tình thâm chỗ nào cá sấu, ảo ảo thực thực, chỉ chắc chắn một điều, cái tin người nổi tiếng tạ thế, có sức hút cực kỳ mãnh liệt với đám kền kền quàng quạc ăn theo. Hấp dẫn đến nỗi, ngay trong lúc "tang gia bối rối", "núm ruột" của người vừa nằm xuống cũng bình tĩnh dông dài về cha, thống thiết nỗi đau tột cùng trên báo và… facebook. 

Bu Cầu đã mất. Bác trưởng thôn Văn Hiệp cũng yên phận mình. Giọng xẩm nhà nghèo thiên phú của nghệ nhân Hà Thị Cầu và duyên hài trời cho của trưởng thôn Văn Hiệp vĩnh viễn chỉ còn bảng lảng trong tâm tưởng bao người.

Họ, đã xong "một kiếp giời đày", đang phiêu du chốn bồng lai tiên cảnh, chỉ còn văng vẳng đâu đây điệu xẩm ai oán mà một bà già nhà quê đã khóc bu Cầu: "Lúc sống thì chẳng cho ăn, Đến khi chết lại làm văn tế ruồi"…

Cô nương Hoa Sen
.
.
.