Kenya:

Trẻ lưỡng tính bị xem là "vận đen" nên bị bỏ rơi hoặc sát hại

Thứ Hai, 04/09/2017, 19:48
Dù không có thống kê chính xác ở Kenya, các bác sĩ tin rằng tỷ lệ trẻ lưỡng tính ở mức 1,7% dân số. "Đứa trẻ có hai bộ phận sinh dục bị xem là tai ương và không được sống tiếp. Bà đỡ thường là người giết đứa trẻ và báo với người mẹ rằng đứa bé chết non", Seline Okiki, Chủ tịch Ten Beloved Sisters, hội các bà đỡ Tây Kenya, nói tới "quy tắc ngầm" của họ khi gặp một đứa trẻ lưỡng tính.


Trong tiếng địa phương, các bà đỡ gọi hành động tàn nhẫn này là "đập khoai lang". Họ dùng những củ khoai lang cứng đập vào đầu để giết đứa trẻ, theo Okiki. "Cha mẹ đứa trẻ thường không có ý kiến. Họ cũng mong nó chết trước khi cất tiếng khóc chào đời", Anjeline Naloh, thư ký Ten Beloved Sister, cho biết.

Bị xem là tai ương giáng xuống gia đình, những đứa trẻ lưỡng tính ở Kenya phải đối mặt với án tử khi mới ra đời. Hai năm sau khi nhận nuôi trẻ lưỡng tính đầu tiên, Zainab, một bà đỡ ở vùng nông thôn phía tây Kenya vô tình đỡ đẻ cho một em bé lưỡng tính khác. 

Một trẻ lưỡng tính được cứu sống, giờ trưởng thành.

"Lần này, cha mẹ đứa bé không yêu cầu tôi giết nó. Người mẹ chỉ có một mình, cô ta hoảng sợ và bỏ trốn", Zainab nói. Đứa bé trở thành con nuôi thứ hai của Zainab, bất chấp sự phản đối của chồng.

 Trước đó, bà từng tự tay đón hàng chục đứa trẻ chào đời, song ca sinh đặc biệt năm 2012 là trải nghiệm bà không bao giờ quên. "Kiểm tra giới tính, tôi nhận thấy đứa bé có cả bộ phận sinh dục nam và nữ", Zainab nói. Đứa trẻ "dị thường" nhận án tử do chính người cha đẻ đưa ra.

"Ông ta nói không thể mang đứa bé về nhà và muốn nó chết. Tôi nói đứa bé là món quà Chúa trời trao tặng và không ai có quyền sát hại nhưng ông ta không đổi ý. Cuối cùng, tôi phải thuyết phục ông ta để lại đứa nhỏ và hứa giúp ông ta giết nó", Zainab nhớ lại. Bà giấu đứa bé và mang về nhà săn sóc, nhưng bí mật cuối cùng bị phát hiện.

"Một năm sau, bố mẹ đứa bé không hiểu bằng cách nào biết đứa bé vẫn còn sống. Họ tới yêu cầu tôi không được tiết lộ danh tính cha mẹ ruột. Tôi đồng ý và nuôi đứa trẻ như con từ đó", bà nói.

Tuy nhiên, việc làm nhân đức của bà gặp sự phản đối gay gắt từ chồng. "Khi mẻ lưới ở Hồ Victoria không như mong đợi, ông ấy đổ lỗi cho hai đứa nhỏ, cho rằng chúng khiến gia đình tôi bị nguyền rủa và nói tôi đưa chúng ra hồ để dìm chết. Nhưng tôi không bao giờ để điều đó xảy ra. Ông ta bạo lực hơn và chúng tôi cãi nhau liên tục", Zainab kể. Sợ chồng, Zainab bỏ nhà ra đi cùng hai đứa con đặc biệt.

Theo BBC, quyết định của Zainab khá liều lĩnh, đi ngược với niềm tin truyền thống. Ở nơi Zainab đang sống và nhiều nơi khác tại Kenya, đứa trẻ lưỡng tính bị xem là điềm gở, gieo tai họa cho gia đình và hàng xóm. Việc sinh nở đang thay đổi theo hướng tích cực hơn ở Kenya.

Thai phụ thường tìm đến bệnh viện để vượt cạn thay vì tự sinh như trước. Dù vậy, tại các vùng hẻo lánh và xa cơ sở y tế, các bà đỡ vẫn làm nghề theo cách thức lạc hậu và tục giết trẻ sơ sinh vẫn diễn ra.

"Hành động này giờ bí mật, không công khai như trước", Naloh nhận xét. Georgina Adhiambo, Giám đốc Quỹ từ thiện Voices of Women, cho biết người lưỡng tính vẫn là đề tài nhạy cảm ở Kenya. "Chúng tôi gặp nhiều cha mẹ cố gắng giấu và thậm chí nhốt đứa con lưỡng tính do xấu hổ hoặc lo sợ có người sát hại đứa trẻ. Là cộng đồng đề cao tín ngưỡng, chúng tôi giải thích rằng người lưỡng tính cũng là tác phẩm của Chúa trời", Adhiambo nói.

Rời bỏ chồng, Zainab kiếm sống bằng nghề bán quần áo và giày dép, thỉnh thoảng cũng đi đỡ đẻ nếu được nhờ vả. Không giấu vẻ hạnh phúc khi kể về những đứa con, Zainab tự hào về chọn lựa của mình. "Chúng ngoan ngoãn và hoàn toàn bình thường", bà nói. "Đứa lớn giúp tôi việc nhà, con trai tôi cũng đối xử với chúng như em ruột. Chúng tôi là một gia đình và đây là một phép màu".

Những chuyển biến trong nhận thức về người lưỡng tính đang được ghi nhận tại Kenya, theo chuyên gia nội tiết nhi Joyce Mbogo, một trong những bác sĩ thế hệ mới được đào tạo đặc biệt để giúp đỡ các trường hợp rối loạn phát triển giới tính.

"Nhiều phụ huynh tìm sự giúp đỡ. Nhờ sự phổ cập của internet tới vùng nông thôn, họ có thể tự tìm hiểu khi nhận thấy điều bất thường", Mbogo nói. Các lựa chọn điều trị khá đa dạng, như thuốc men, liệu pháp hormone, phẫu thuật can thiệp, song thường được trì hoãn tới tuổi dậy thì, khi đứa trẻ có thể tự chọn giới tính cho mình.

Nguyễn Lai
.
.
.