Khách hàng thưa vắng, chợ thì vẫn xây

Thứ Năm, 26/11/2015, 08:30
Người Hà Nội có câu "bước ra đường là gặp chợ" để nói về việc có quá nhiều chợ mọc lên ở khắp nơi, từ ngoài đường đến ngõ ngách, bờ hồ, trên cầu...

Họ gọi đó là chợ cóc, chợ xanh, chợ tạm, hoạt động chủ yếu vào lúc sáng sớm và xế chiều. Ưu điểm của loại chợ này là giá cả bình dân phù hợp với túi tiền của số đông, tiện lợi, tiết kiệm thời gian cho các bà nội trợ. Còn hạn chế thì quá nhiều: Nhếch nhác, gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến trật tự đô thị và có trời mới biết nguồn gốc của các loại thực phẩm trôi nổi này.

Cùng với các loại chợ trên là hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại được xây dựng với quy mô hoành tráng sau khi đập bỏ những khu chợ cũ. Không thể phủ nhận sự văn minh của những siêu thị, trung tâm thương mại này vì nó vừa mang lại diện mạo khang trang cho thành phố, vừa góp phần thay đổi thói quen mua sắm theo hướng văn minh đô thị cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, có thể thấy ngay một điều, khi mua hàng tại các chợ kết hợp với siêu thị, trung tâm thương mại, người dân phải gửi xe, thậm chí phải gửi dưới hầm nên cảm thấy không tiện và chẳng muốn vào nữa. Mặt khác, vì giá thuê ki-ốt cao, điều hòa mát rượi, điện sáng trưng cả ngày… nên giá thành sản phẩm bị đội lên. Một khi giá hàng đội lên thì người tiêu dùng ngại vào đây mua bán cũng là lẽ đương nhiên.

Chục năm trở lại đây, khi hàng loạt siêu thị, trung tâm thương mại mọc lên ở các quận nội thành, nhiều người đã tỏ ra lo ngại trước thực trạng này. Thực tế cho thấy, khi chuyển đổi một mô hình kinh doanh cần phải xem xét, cân nhắc đến thói quen, truyền thống mua sắm của người dân, chứ không phải cứ bước chân vào siêu thị  mát lạnh, sạch sẽ, thơm tho, hàng hóa bày bắt mắt là hiệu quả kinh tế cao hơn. Rất nhiều trung tâm thương mại vắng hoe khách sau khi hoạt động.

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội mới đây cho biết: Theo Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, Hà Nội sẽ có khoảng 1.000 siêu thị lớn nhỏ và 64 trung tâm thương mại các loại. Những con số thật là ấn tượng nhưng người ta sẽ đặt câu hỏi: Siêu thị, trung tâm thương mại nhiều như thế thì lấy đâu người mua?

Vào chợ nào, mua thứ gì, đó là ý thích, nguyện vọng và quyền tối thiểu của mỗi người. Sở dĩ chúng tôi nêu vấn đề này nhân tiện bàn về các chợ bởi mới đây, nhiều người hết sức bất ngờ về một quy định… kỳ quặc của UBND huyện Di Linh, Lâm Đồng. Sau khi xây dựng lại chợ Di Linh mới, Phòng Nội vụ huyện đã có văn bản cấm cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên và người lao động làm việc trong các cơ quan nhà nước mua sắm tại chợ cũ Di Linh.

Văn bản yêu cầu, hằng ngày, mỗi cơ quan cử cán bộ kiểm tra tại khu vực chợ cũ Di Linh. "Nếu phát hiện cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan, đơn vị của huyện vi phạm thì tiến hành nắm bắt thông tin, ghi hình, lập biên bản báo cho thủ trưởng cơ quan, tổ trưởng thanh tra công vụ để tổ báo cáo UBND huyện", công văn nêu rõ. Các cán bộ được cử kiểm tra phải thực hiện báo cáo mỗi ngày, từ 16h đến 16h30. Thời gian kiểm tra đến hết ngày 27-11.

Chợ Di Linh mới với gần 600 ki-ốt đi vào hoạt động từ cuối tháng 9 vừa qua nhưng đến nay khá vắng vẻ khi chỉ có vài chục sạp buôn bán. Do không thống nhất được với chủ đầu tư về giá thuê sạp, ki-ốt ở chợ mới nên hàng trăm tiểu thương không chịu di dời, vẫn ở lại chợ cũ bán bất chấp lệnh cấm. Đến thời điểm này, gần 300 tiểu thương đã làm đơn khiếu nại đến UBND huyện để giải quyết những vướng mắc của mình.

Minh họa của Tả Từ.

Có thể nói, các chợ luôn chứa đựng những nét đẹp văn hóa, lịch sử, truyền thống nên không dễ dàng thay đổi hoặc từ bỏ được. Người ta đi chợ không chỉ mua hàng, mà còn để ngắm nhìn sự bán mua, được thấy mình hòa vào không khí ồn ào, tấp nập của một không gian rất đặc trưng là chợ.

Mỗi tuần, có thể người ta không làm một việc gì đó, nhưng có một việc buộc phải làm, đó là xách làn ra chợ. Ai cũng muốn được mua bán những hàng hóa tiêu dùng một cách nhanh gọn, tiện lợi; quan hệ giữa người mua với người bán văn minh, lịch sự với giá cả hợp lý. Nhiều siêu thị, trung tâm thương mại đã làm tốt điều này. 

Bên cạnh đó, cũng không ít siêu thị, trung tâm thương mại vừa khai trương rầm rộ, hoạt động một thời gian ngắn rồi đắp chiếu gây ra tình trạng vô cùng lãng phí. Nó là kết quả từ việc quy hoạch chợ không bám sát tình hình thực tế, chưa tạo ra sự hài hòa giữa các lợi ích đã và đang diễn ra phổ biến ở các thành phố lớn hiện nay.

Tuấn Nguyễn
.
.
.