Khách hay thích khách?

Thứ Tư, 13/12/2017, 17:36
Gần đây có vụ kẻ đột nhập hiệu tạp hóa bị chủ nhà chém, gây thương tích 61%. Chủ tạp hóa đã bị khởi tố với tội danh "Giết người" theo điều 93 Bộ luật Hình sự. Ông chủ hiệu tạp hóa đã vượt quá quyền tự vệ chính đáng.

Tuy nhiên, việc này gây tâm tư trong cộng đồng, nhất là khi những hiện tượng phức tạp trong an ninh trật tự hiện nay gia tăng. Vấn đề là ranh giới phòng vệ cần hiểu sao cho đúng. Thế nào là tự vệ, thế nào là tấn công. Người ta không bàn về việc xử lý đúng luật hay chưa mà bàn về những bất cập cần sửa đổi để theo sát thực tiễn, bảo vệ tính mạng người lương thiện một cách thực chất.

Chủ nhà muốn không vướng vòng lao lý mà vẫn bảo vệ được người và tài sản buộc phải có bản lĩnh cao cường, phải mạnh hơn kẻ đột nhập mọi mặt, từ hiểu biết pháp luật và kỹ năng sống sót và võ nghệ tầm “Đặc công”. Đối với người bình thường, việc khống chế được kẻ đột nhập và làm đúng trình tự quy định là một việc không hề dễ dàng.

Nếu góc nhìn quen thuộc, mặc định ai vào nhà bí mật cũng là kẻ trộm thì e rằng điều này phiến diện, đánh giá thấp sự nguy hiểm với dạng tội phạm đầu trộm đuôi cướp. Nhiều câu hỏi liên hệ với những kẻ đột nhập nguy hiểm giết người hàng loạt như Lê Văn Luyện, Nguyễn Hải Dương. Không nên đơn giản hóa việc coi việc này chỉ là trộm cắp. Chỉ cần xét trên hành vi đột nhập mà thôi. Đột nhập rồi thì mọi tình huống nguy hiểm có thể xảy ra. Kẻ đột nhập nói chung đều mang theo hung khí để nếu bị lộ, sẽ sử dụng đến một cách không kiểm soát.

Minh họa của Tả Từ.

Năm 2014, Tại xã Tân Thạnh Đông, Củ Chi, một nhóm thanh niên gồm 3 người 19 tuổi là Bảo, Hữu và Phương phóng xe máy truy đuổi một nhóm bắt trộm chó. Cuộc truy đuổi qua nhiều ngõ ngách kéo dài hơn 1km, đến đoạn đường Nguyễn Kim Cương thì nhóm trộm chó bất ngờ dừng lại rút súng chĩa thẳng vào xe Bảo đang cầm lái, bóp cò. Ba thanh niên ngã xuống đất. Bảo tử vong tại chỗ. Hữu và Phương chết tại bệnh viện.

Cuối năm 2017, tại Cà Mau lại có chuyện đạo chích tự vệ đánh chết chủ đầm tôm. Rạng sáng, Đỗ Văn Chín (35 tuổi, hàng xóm của Việt) bơi xuồng ra kiểm tra vuông tôm, cách nhà khoảng 500m, bắt quả tang Đặng Quốc Việt đang trộm tôm của mình. Chín đánh Việt bằng khúc gỗ. Việt giật được khúc gỗ đánh trả làm chủ đầm tôm bất tỉnh ngã xuống nước, tử vong. Vậy tên trộm tôm có quyền phòng vệ chính đáng không?

Phải làm gì khi có kẻ đột nhập không rõ động cơ trong nhà mình? Tấn công phủ đầu ngăn chặn mọi hành vi kiểu “tiên hạ thủ vi cường” hay chờ khi kẻ đột nhập ra tay mới phản ứng? Hay mời kẻ đột nhập chén trà?

Chuyện nước ngoài: Cụ Don Lutz, 84 tuổi, sống tại Ellport, nằm cách thành phố Pittsburgh, Pennsylvania, Hoa Kỳ 50km, thức giấc phát hiện có hai kẻ đột nhập vào nhà. Chỉ với 1 phát đạn, cụ Don Lutz  hạ gục một trong hai kẻ đột nhập. Tên thứ hai chạy thoát.

Như vậy cũng là quyền bảo vệ tư gia nhưng với mỗi cách áp dụng trong luật có khác nhau về giới hạn. Qua các vụ việc nghiêm trọng gần đây, các giới hạn phòng vệ nên chăng cần bàn bạc trao đổi để phù hợp với thực tiễn.

Chúng ta không bao giờ đồng ý với hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ, nhưng chúng ta có thể bàn để luật pháp và cuộc sống không có khoảng cách.

Còn bạn. Nếu có kẻ đột nhập, bạn nghĩ đó là khách hay thích khách?

Lê Tâm
.
.
.