Khách sạn cho người vô gia cư

Chủ Nhật, 10/05/2015, 14:00
Với mục địch làm từ thiện, Khách sạn Ngọc Quý, nay đã được chủ nhân của nó xin đổi tên thành Cơ sở Bảo trợ xã hội từ thiện Ngọc Quý.
Năm 2002, một khách sạn rộng 1.000m2 với 50 phòng nghỉ đầy đủ tiện nghi mọc lên giữa phường Hiệp An, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Giữa lúc khách sạn đang ăn nên làm ra thì đùng một cái, ông bà chủ dừng kinh doanh, cho người nghèo và người vô gia cư ở trọ miễn phí. Đích thân ông bà hàng ngày cơm nước, chăm sóc các cụ già và các cháu nhỏ. Có người bảo vợ chồng ông "dở hơi", nhưng với ông bà, được làm việc thiện, được giúp đỡ trẻ em lang thang cơ nhỡ, những người già yếu neo đơn mới là điều ông bà tâm huyết.

Chuyện cổ tích giữa đời thường

Khách sạn Ngọc Quý, nay đã được chủ nhân của nó xin đổi tên thành Cơ sở Bảo trợ xã hội từ thiện Ngọc Quý, nằm ngay trên con đường Nguyễn Chí Thanh, được mệnh danh là nơi có nhiều khách sạn, nhà nghỉ dành cho khách du lịch khi tới tham quan thành phố với nhiều làng nghề truyền thống của miền Đông Nam Bộ. Trong khuôn viên với diện tích 3.000m², Khách sạn Ngọc Quý nhìn khá khang trang với 3 dãy phòng liền kề hình chữ U, cao 2 lầu, có sân rộng ở giữa.

Tất cả đều được thiết kế rất bài bản, thẩm mỹ. Nơi đây là mái ấm gia đình gần 30 trẻ em và người già neo đơn, trong đó có nhiều cháu bé trong độ tuổi sơ sinh, bị cha mẹ bỏ rơi, được ông bà chủ đưa về cưu mang, nuôi dưỡng. Chủ nhân của khách sạn, ông Nguyễn Quang Sức nay đã bước sang tuổi 71 và bà Đỗ Thị Quý cũng đã gần 70, nhưng ngày ngày, ông bà vẫn dậy từ sáng sớm dọn dẹp, chợ búa, cơm nước, chăm sóc các cháu nhỏ và các cụ già đến tận khuya mới đi nghỉ.

Câu chuyện ông bà biến cả một khách sạn rộng lớn, đầy đủ tiện nghi thành nơi ở miễn phí cho những người nghèo và người vô gia cư hơn 3 năm trước vẫn được người dân nơi đây nhắc đến như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Xuất thân từ một gia đình nghèo gốc Ba Tri (Bến Tre), lại mồ côi cha mẹ từ nhỏ, nên 10 tuổi, ông đã sống nương nhờ cửa Phật và trại trẻ mồ côi.

Cơ sở bảo trợ xã hội từ thiện Ngọc Quý.

Lớn lên, chàng thanh niên Nguyễn Quang Sức lang thang khắp đất Sài Gòn để kiếm sống. May mắn cho ông khi gặp được bà Đỗ Thị Quý, hai người sớm nên duyên vợ chồng, cùng nhau động viên vượt qua khốn khó. Sau một thời gian làm lụng, chắt chiu, năm 2002, hai vợ chồng ông quyết định dồn hết tài sản, vốn liếng, mua mảnh đất 3.000m2 và đầu tư tới gần 2 tỉ đồng, tương đương với 80 cây vàng để xây dựng một khách sạn rộng 1.000m2, với 50 phòng nghỉ đầy đủ tiện nghi.

Hơn chục năm đi vào hoạt động, Khách sạn Ngọc Quý mỗi tháng thu lợi về cho vợ chồng ông hàng chục triệu đồng. Đang kinh doanh có lãi, thì đùng một cái, năm 2012, ông Sức, bà Quý xin đổi tên khách sạn thành Cơ sở bảo trợ xã hội thiện nguyện, nuôi dưỡng, chăm sóc người tàn tật, người già và trẻ mồ côi.

Nhắc lại quyết định bất ngờ này, ông bà chỉ cười hiền từ. Trong một đêm mưa to gió lớn, vợ chồng ông bà bắt gặp một người phụ nữ ôm đứa nhỏ ngồi co ro ngay trước cổng Khách sạn Ngọc Quý. Thương tình, ông bà mời vào, dành cho mẹ con chị một phòng nhưng hai mẹ con cứ rụt rè không dám ở vì không có tiền. Ông bà phải thuyết phục mãi, rằng sẽ miễn phí hoàn toàn mọi thứ, tiền phòng, tiền ăn uống… thì lúc ấy, hai mẹ con chị mới yên tâm ở lại.

Ông Sức bên một cháu bé mồ côi của cơ sở.

Và rất nhiều lần sau đó, bắt gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn, tội nghiệp, vợ chồng ông đều đưa về khách sạn nghỉ ngơi và chuẩn bị cơm nước chu đáo. Tiếng tăm về hai vợ chồng chủ khách sạn giàu có nhưng thương người, sẵn sàng giúp người nghèo, người vô gia cư ở miễn phí cứ thế đồn xa, càng ngày càng nhiều trẻ em lang thang cơ nhỡ và người già neo đơn tìm đến. Lớn lên trong nghèo khó, lại mồ côi cha mẹ từ nhỏ, không nơi nương tựa, không người cưu mang, giúp đỡ nên ông bà càng thấu hiểu cho những mảnh đời bất hạnh, cuối cùng, hai vợ chồng ông Sức quyết định dừng việc kinh doanh để dành phòng ở cho những người vô gia cư.

Hết lòng vì người nghèo

Theo lời bà Quý, trước đây, Khách sạn Ngọc Quý có nhiều người già và trẻ em lang thang ở các tỉnh xa tìm đến ở. Nhưng từ khi có quy định, trẻ em, người già ở tỉnh nào thì về các Trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh ấy thì hiện nay, Cơ sở Bảo trợ xã hội từ thiện Ngọc Quý chỉ còn khoảng hơn chục bé sơ sinh, hơn chục bé đang trong độ tuổi ăn học và người già neo đơn đều là người Bình Dương. Hầu hết các bé sơ sinh đều bị bỏ lại ở cổng khách sạn và các bệnh viện được ông bà đưa về nuôi dưỡng. 

Ông Nguyễn Quang Sức đang bốc thuốc cho bệnh nhân.

Điều khiến chúng tôi cảm phục hơn cả là bên cạnh việc thuê 4 người giúp việc, trông nom, chăm sóc các cụ già và các cháu nhỏ, đích thân ông Sức và bà Quý đều tham gia vào công việc của cơ sở. Hàng ngày, bà Quý dậy từ 5h sáng, đi chợ mua đồ ăn thức uống về kịp nấu cháo cho các bé sơ sinh và nấu đồ ăn sáng cho các cháu lớn đi học và các cụ già. Sau đó lại lo giặt giũ, dọn dẹp, chuẩn bị cơm nước cho bữa trưa, không việc gì là bà không làm đến. Ông Sức ngoài việc bao quát công việc chung còn lo giúp bà trông nom và dạy dỗ các cháu học hành. Quần quật từ sáng sớm đến tối mịt mới được đi nghỉ, nom ông bà chẳng khác gì những bảo mẫu thực thụ.

Cách đây không lâu, ông Sức, bà Quý còn mở thêm một phòng khám đông y ngay tại cơ sở nên công việc càng bận rộn hơn. Đích thân ông bà mời bác sĩ Đông y có chuyên môn, trình độ cao đến bốc thuốc, khám chữa bệnh miễn phí không chỉ cho các cụ già và em nhỏ ở cơ sở mà cho cả những người nghèo trong tỉnh và các vùng lân cận.

Ai có bệnh đến phòng khám đều được khám xét tỉ mỉ và được bốc thuốc miễn phí mang về. Mỗi tháng, chi phí để chăm sóc, nuôi dưỡng, khám chữa bệnh cho các cháu nhỏ và các cụ già, chi phí ăn học cho các cháu đều một tay ông Sức, bà Quý lo liệu. Kể từ khi chuyển thành Cơ sở bảo trợ xã hội, ông bà cũng dừng hẳn việc kinh doanh để tập trung toàn bộ thời gian, công sức chăm sóc, nuôi dạy các cháu khôn lớn.

Khuôn viên sạch sẽ khang trang của Cơ sở bảo trợ xã hội từ thiện Ngọc Quý.

Hiện ông bà có một căn nhà cho thuê ở Sài Gòn, số tiền thu được, hai vợ chồng ông đều dồn cả vào hoạt động của cơ sở. Ông Sức có ba người con, một người đang ở nước ngoài, hai người đang kinh doanh ở Bình Dương, nhưng cả ba đều rất ủng hộ việc làm thiện nguyện của cha mẹ mình. Có điều kiện, các anh chị lại phụ thêm cho ông bà lo tiền ăn học, chăm sóc các cháu và các cụ già. 

Cách đây vài năm, có nhiều người đến hỏi mua khu đất 3.000m2 của gia đình với giá rất cao, nhưng vợ chồng ông dứt khoát không bán. Bà Quý tâm sự: "Sau này nếu vợ chồng tôi mất đi, sẽ hiến toàn bộ mảnh đất cho Giáo hội Phật giáo. Một phần để xây điện Tam Bảo cho bà con cô bác đến tụng kinh niệm Phật, một phần để nuôi dưỡng trẻ mồ côi và các cụ già neo đơn, phần còn lại duy trì phòng khám Đông y để khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Còn sống ngày nào, chúng tôi sẽ cố gắng lo cho các cụ già và các cháu nhỏ có được điều kiện sống tốt nhất".

Mặc dù chỉ mới mở cửa đón những vị khách "đặc biệt" gần 3 năm nay nhưng Cơ sở Bảo trợ xã hội từ thiện Ngọc Quý đã cưu mang vô số những trường hợp đáng thương. Có những người đến rồi đi theo kiểu tạm trú trong một thời gian ngắn để vượt qua giai đoạn gian khó, có người ở lại luôn nơi đây vì không còn nơi nào để đi...

Như trường hợp chị Phạm Thị Ng. (41 tuổi, quê Bình Thuận) vốn bị dị tật ở chân, mấy năm trước, chị cùng cô con gái rời quê lưu lạc vào Bình Dương kiếm sống. Con gái chị, ban ngày làm công nhân, tối về phụ mẹ làm thêm nghề may cũng đủ sống qua ngày nhưng chẳng may bị lừa đưa sang bên Trung Quốc làm vợ lẽ người ta. Một mình chị Ng. với cơ thể bị tật nguyền cộng với nỗi đau mất con khiến chị như gục ngã và không thể tự mưu sinh.

Tưởng đã cùng đường, chị Ng. được một số người khuyên nên tìm đến Khách sạn Ngọc Quý nương nhờ, vượt qua tháng ngày gian khó để chờ con gái trở về đoàn tụ. Một hoàn cảnh khác là trường hợp của bà Huỳnh Thị H. (86 tuổi, ngụ quận 8, TP Hồ CHí Minh) cũng được đưa đến Cơ sở Bảo trợ xã hội từ thiện  Ngọc Quý dưỡng già. Vẫn còn con cháu, nhưng các con đều rất nghèo, không đủ sức chăm sóc, phụng dưỡng cụ nên đã gửi mẹ vào cơ sở. Ở đây, bà H. được chăm lo đầy đủ, chu đáo còn hơn ở nhà.

Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, nhưng khi đến với Cơ sở bảo trợ xã hội thiện nguyện Ngọc Quý, những người già neo đơn, trẻ em lang thang, cơ nhỡ cũng nhận được tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc, như một người cha, người mẹ, người con thật sự của vợ chồng ông bà Nguyễn Quang Sức và Đỗ Thị Quý.

Phong Trâm
.
.
.