Khám phá nhan sắc Sìn Hồ

Thứ Ba, 16/08/2016, 09:00
Cảm nhận Sìn Hồ (Lai Châu) trước hết bằng cái nhìn về đời sống người dân, với những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo, những điểm du lịch khám phá được ưa thích. Vâng, con đường trước đây dẫn vào Sìn Hồ vô cùng khó đi, nhiều người còn cho rằng nó cứ hun hút như đường lên trời.


Đường mới được làm. Đường bò vào xã, thôn, mang văn hóa đến. Đường sá cùng sự giao lưu đã tạo nên một gương mặt đậm sắc của Sìn Hồ, chứ không chỉ là nơi cuộc sống heo hút, buồn tẻ như xưa.

Đổi thay cuộc sống

Là huyện nghèo, nằm trong Chương trình 30 a của Chính phủ, Sìn Hồ đã được hỗ trợ rất nhiều cả vật chất lẫn con người. Đặc biệt, được sự quan tâm của UBND tỉnh Lai Châu, Sìn Hồ cũng được đầu tư xây dựng nông thôn mới, hướng tới rút ngắn dần khoảng cách về thu nhập của người Sìn Hồ với người dân miền xuôi. 

Tổng nguồn vốn huy động giai đoạn năm 2011 - 2015 đạt hơn 755 tỷ đồng. Thêm nữa, nhờ tuyên truyền tốt, người dân đã tình nguyện hiến 130.739 mét vuông đất, trên 18 tỷ đồng, gần 120.000 ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi công cộng; nhựa hóa và bê tông hóa được 210,1km tuyến đường trục xã, liên xã; 81,8km đường trục bản, ngõ bản; 81,6km đường trục nội đồng. Đến năm 2015, 100% xã có đường ôtô đến trung tâm xã đi lại được các mùa; 68,7% số bản có đường xe máy đi lại thuận lợi.

Cây lê từ lâu đã hiện diện trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào người Mông, Dao huyện Sìn Hồ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, xã Nậm Cuổi vài năm trước còn nghèo lắm. Cuộc sống của người dân còn vô cùng gian nan vất vả. Khi có dự án trồng cây cao su, bà con nhân dân có việc làm, lại được tạo điều kiện vay vốn trong chăn nuôi, sản xuất, bà con có thêm thu nhập, có của ăn của để, cho con cái được ăn học, cuộc sống đã được cải thiện rất nhiều. 

Hay như xã Noong Hẻo, đời sống bà con nhân dân từng ảnh hưởng rất nhiều bởi nạn đào vàng, di cư trái phép. Thì nhờ những nỗ lực của chính quyền các cấp, tình trạng nghiện hút đã giảm, bà con được định cư, được cải tạo đất để sản xuất, có lương thực ăn, cuộc sống dần đi vào ổn định. 

Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ, ông Đồng Văn Liệt, cho biết những năm qua là đẩy mạnh phát triển kinh tế, làm tiền đề thực hiện các tiêu chí khác.

Đổi thay trong du lịch và giao lưu văn hóa

Sìn Hồ cách thành phố Lai Châu chừng 60km. Nơi đây có nhiều bản làng còn giữ được những nét nguyên sơ. Chính vì địa bàn rộng, phức tạp, lại phân ra hai vùng rõ rệt, là vùng thấp và vùng cao Sìn Hồ, nên từ lâu nơi đây là địa điểm nhiều bạn trẻ muốn khám phá. 

Vẻ lãng mạn vùng dân tộc Thái.

Sìn Hồ tập trung nhiều cảnh đẹp hấp dẫn như cổng trời, núi Tiên Ông, núi Ô Đá… gắn liền bao truyền thuyết ly kỳ. Hay Sìn Hồ có xã Chăn Nưa quanh năm mây phủ, có con đèo Noong Hẻo hun hút và hùng vĩ. 

Anh Hồ Đức Long, dân "phượt" chuyên nghiệp thích khám phá Lai Châu cho hay: "Đèo Noong Hẻo ngoằn ngoèo và cao như đường lên trời. Chân đèo là xã Noong Hẻo, đỉnh đèo là xã Pu Sam Cáp. Đứng dưới chân đèo có thể nghe tiếng người từ trên đỉnh vọng xuống. Có người ví, đường từ chân đèo lên đỉnh, giống như những con suối nhỏ dẫn nước từ núi về ruộng".

Xe ô tô loại nhỏ có thể đi vào đến tận trung tâm xã. Nhưng từ đây muốn leo lên đèo thì chỉ đi bằng… hai bánh, hai bánh còn lại phải có người nhấc bổng nếu không sẽ chạm gầm. 

Nhiều nhóm "phượt" đã phải vất vả đánh vật với cung đường khó khăn này để leo lên đỉnh đèo tham quan, thưởng ngoạn cảnh sắc tuyệt đẹp cùng với một sân mây không khác gì Sa Pa của tỉnh Lào Cai. 

Từ nhiều năm qua, không ít đoàn ca múa nhạc về giao lưu văn nghệ, biểu diễn phục vụ bà con đã phải bỏ dép leo bộ. Đó là sự trải nghiệm không bao giờ quên được.

Phong cảnh Sìn Hồ.

Người già kể lại rằng, xưa kia đi từ xã Ma Quai đến Pu Sam Cáp, chỉ dài chừng 20km nhưng đường vắng teo, toàn phải lách đá mà đi. Sau khi bộ đội về làm đường, dù ô tô, xe máy chưa đi được nhưng người cõng lúa, ngô đi buôn bán rất đông. 

Người Pu Sam Cáp không phải bỏ bản vào rừng tìm cái ăn nữa. Giờ thì việc mang hàng từ thị trấn Sìn Hồ, hay hàng hóa mang từ thành phố Lai Châu lên cũng không con khó khăn như xưa. Bà con có thể mua sắm được cả điện thoại di động và rất nhiều vật dụng khác trong sinh hoạt hàng ngày mà không phải đi cả mấy ngay đường.

Huyện Sìn Hồ có một phía giáp Trung Quốc, vốn được coi là nóc nhà của tỉnh Lai Châu, với khí hậu tương đồng thị trấn Sa Pa (Lào Cai) quanh năm mát mẻ và nhiều hoa quả. 

Hơn nữa, dân "phượt" đúng nghĩa cũng rất thích các cung đường của Sìn Hồ, đặc biệt là cua đèo Noong Hẻo. Mỗi khúc cua, mỗi cung đường, mỗi mép vực đều để lại nhiều ấn tượng về một vùng đất hàm chứa nhiều điều hấp dẫn. Mỗi khi vào những đoạn dốc cua tay áo trong cái không gian mù mù sương phủ càng làm tăng cảm giác ớn lạnh trên đường. 

Bên những vách đá cao sừng sững, sương giăng trùng trùng điệp điệp, người ta có cảm giác có thể vốc được từng nắm mây trắng lững lờ trước mặt. Xen lẫn giữa màu xanh ngút ngàn của rừng già là các loài hoa rừng đang khoe hương khoe sắc, dệt nên một bức tranh tuyệt đẹp giữa trùng điệp núi non.

Sìn Hồ đã xây dựng được nhiều làng văn hóa, là những điểm tham quan hấp dẫn. Khách cũng đặc biệt chú ý đến khu chợ tại thị trấn. Vào ngày chủ nhật, du khách có thể ra thăm khu chợ sầm uất nhất vùng. 

Bình thường, chợ bắt đầu họp vào sáng thứ bảy, chủ yếu thu hút người bản địa sống xung quanh thị trấn, sang ngày chủ nhật chợ sẽ đông, nhộn nhịp hơn với dòng người từ các bản làng xa xôi đổ về. Tất cả tạo nên buổi chợ phiên xôn xao, tràn ngập làn sóng hoa văn thổ cẩm muôn màu.

Sắc mây Sìn Hồ.

Người ta đến chợ không chỉ để mua hàng mà còn giao lưu văn hóa. Vào các ngày chợ phiên, phụ nữ dân tộc Dao, người Mông, người Phù Lá, người Sila, Lào, người Cống xuống chợ xúng xính trong bộ váy thổ cẩm sặc sỡ. Những anh thanh niên và đàn ông trung niên vây chặt hàng quán dê hấp, lợn bản, cá suối, xôi nếp nương, nhất là quanh chảo thắng cố… Giữa không gian mênh mông của miền sơn cước, đâu đó lại vang lên bài dân ca Mông dập dìu khiến ai cũng thấy say lòng.

Cảnh sắc từ những con suối

Thiếu nữ dân tộc Thái da trắng tóc dài, hay lam hay làm. Thiếu nữ dân tộc Lự có nụ cười hoang dại của núi rừng, đôi mắt đen láy, đôi môi đỏ tươi. Và đặc biệt, người con gái Lự ở vùng này ngoài nổi tiếng xinh đẹp ra, lại rất mắn đẻ, vòm ngực cao, mông nở, khéo chiều chồng. Thiếu nữ dân tộc Dao đầy nữ tính. Hay thiếu nữ dân tộc Mông giỏi việc nhà, đảm việc nương rẫy. Tất cả đã tạo nên "vùng nhan sắc" Sìn Hồ đầy hấp dẫn.

Ngay cả người đi "phượt" nhiều nhất là bạn Nguyễn Cao Cường - cựu sinh viên Đại học Kiến trúc cũng không thể biết hết Lai Châu, dù bạn đã chụp ảnh cả nghìn con suối lớn nhỏ trong những chuyến ăn rừng, ở bản. Nơi dòng suối chảy qua, cư dân tụ tập đông đúc. 

Các cụ già ở các bản làng tỉnh Lai Châu khẳng định, từ xa xưa, người dân đã biết sử dụng lợi thế của những con suối. Đó là nơi người dân tắm rửa, giặt giũ, vận hành cọn nước, dùng sức nước để giã gạo. Nơi đây còn diễn ra các sinh hoạt văn hóa, các buổi hát giao duyên vào mỗi mùa xuân. Khi gái bản tắm suối thì da trắng, tóc dài, lúa nương uống nước suối thì hạt thóc no tròn, con nai, con hoẵng uống nước suối thì nhanh nhẹn, béo tốt.

Dọc hai bên đường lên Sìn Hồ, thỉnh thoảng du khách lại bắt gặp những thác nước nhỏ chảy về từ một vách đá nơi biên thùy. Giữa không gian mênh mông của miền sơn cước, ta nghe rõ từng tiếng chim hót, tiếng suối chảy róc rách dưới vực sâu. 

Những ngôi nhà gỗ của người Dao, nhà đất của người Mông mọc lên giữa triền núi. Xa xa, trên những con đèo dài tít tắp, du khách sẽ bắt gặp những người dân tộc cõng những sản vật bên đường như hoa trái, thực phẩm cho những khách đi đường hay cho dân bản quanh vùng. Những cái chợ xinh xinh với vài ba người bán như thế giữa núi rừng làm cho phong cảnh bao la hùng vĩ bỗng trở lên ấm áp và đầy sức sống.

Khám phá Sìn Hồ, Noong Hẻo bằng xe máy, theo kiểu "phượt" đúng nghĩa có lẽ là điều thú vị thu hút ngày càng nhiều du khách. Chỉ cần họ biết chuẩn bị tâm thế, sức khỏe. Hành trình khám phá vùng cao bao giờ cũng ấn tượng, nhưng đó là với những người ưa mạo hiểm. 

Mỗi chuyến đi như thế, dù vất vả, tôi thấy mình nhận được nhiều thứ. Tôi sẽ nhận ra cuộc đời này còn nhiều điều thú vị mà không ai có thể khám phá hết. Không tin, bạn cứ lên Sìn Hồ, vượt các con đèo và thưởng ngoạn cảnh sắc nơi đây mà xem!

Ghi chép của Ngô Thục Miên
.
.
.