Khám phá xứ sở hoa ở miền Tây

Thứ Năm, 04/02/2016, 10:57
Cùng với làng hoa Tân Quy Đông ở Sa Đéc, Đồng Tháp, nông dân làng hoa Cái Mơn, huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre đang ráo riết chuẩn bị đưa hàng triệu cây kiểng đi TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận trong đợt thu hoạch lớn nhất năm dịp Tết 2016.


Nhà nhà trồng hoa

Cách trung tâm thành phố Bến Tre 45km dọc theo tuyến tỉnh lộ 747 xuôi về hướng Vĩnh Long, chỉ mất khoảng 40 phút chạy xe để đến được "thủ phủ" hoa và cây kiểng lớn nhất nhì của toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Địa danh Cái Mơn thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre được thiên nhiên biệt đãi không chỉ cây ăn trái đặc biệt tươi tốt hơn các vùng khác mà các giống hoa, cây kiểng cũng thi nhau phát triển nở rộ. Nếu như làng hoa Tân Quy Đông ở Sa Đéc, Đồng Tháp có thế mạnh về các loại hoa thì làng hoa Cái Mơn nổi tiếng nhất về cây kiểng và tạo dáng cây.

Ấp Cái Mơn có trên 2000 hộ dân trồng hoa. Nghề này nửa thế kỷ nay được coi như nghề truyền thống của địa phương, những nông dân được xem như các chuyên gia mát tay về cây cảnh, lai tạo giống. Những ngày đầu tháng Chạp, chạy xe rảo theo tỉnh lộ 747 khi vừa vào địa phận xã Vĩnh Thành du khách rất dễ nhận ra đã bước chân vào vựa hoa Cái Mơn. 

Nếu như các loại cây kiểng, cây lá được trồng bán quanh năm thì riêng các loại hoa chưng Tết những tháng cuối năm mới bắt tay vào trồng. Từ xa, màu xanh ngút mắt của hàng ngàn chậu cây giống xếp đều tăm tắp trải ra trước mắt như một cánh đồng khổng lồ. Từng ụ cúc mâm xôi đã lên giàn, hàng vạn thọ, hoa màu gà, hoa hồng bum búp nhụỵ sẵn sàng chờ đến ngày chở đi khắp nơi.

Người nông dân miền Tây đổi đời nhờ hoa cảnh.

Diện tích canh tác những năm gần đây không còn gói gọn trong địa phận xã Vĩnh Thành nữa mà còn lan ra các xã Vĩnh Bắc, Vĩnh Hiệp. Trên các trục lộ chính xuyên qua các xã, hai bên đường hầu như nhà nào cũng trồng hoa, không kể là nhà gạch hay nhà lá, nhà nào cũng chất đầy chậu sành, chậu đan, bình hoa, từ sân vào tới trong nhà, chất thành từng chồng cao. 

Mùa Tết, mỗi hộ dân ở đây nhà nào cũng huy động hết người nhà, con cháu và thuê mướn thêm nhân công để sửa soạn hết các khâu từ gieo giống, vô chậu, tưới cây, bắt sâu đến vận chuyển. Tới lui trong vườn hoa có thể thấy từ những bậc cao niên râu tóc bạc trắng, đến những em nhỏ cổ còn thắt khăn quàng phụ giúp gia đình sau buổi học.

Bà Ngọc Ánh (ngụ xã Vĩnh Bình, chủ vựa hoa Ngọc Ánh), người có thâm niên trên 30 năm theo nghề chia sẻ, hầu như các anh chị em trong gia đình đều mưu sinh dựa vào nghề này. "Tôi và các em ở Cái Mơn chuyên đi hàng, bỏ sỉ khắp cả nước. Riêng hai người em thứ tám và chín đang mở rộng kinh doanh bán lẻ tại quận Gò Vấp, TPHCM. Ở xứ này, những hộ có diện tích đất canh tác lớn thì vừa dành ra vài công đất (1000m2) trồng cây ăn trái vừa trồng cây kiểng, đến Tết thì trực tiếp mang đi bán hoặc bán lại cho các bạn hàng". 

Nhiều hộ kinh doanh không thể trồng hết nhiều loại cây nên mỗi nhà sẽ có một loại cây trồng chính, tuỳ theo loại hàng khách đặt mà bạn hàng sẽ đến từng vườn chọn cây.

Hàng năm cứ hễ ăn tết xong là các hộ bắt tay vào trồng cây ngay cho vụ tết năm sau. "Các loại cây như mai, tắc, kiểng lá đã bắt đầu chăm ngay tại thời điểm này, còn cây hoa thì khoảng tháng 9 đã bắt đầu gieo hạt", chị Bảo Ngân (29 tuổi), cháu của bà Ngọc Ánh cho biết. Thời gian còn lại của năm, khi không phải mùa rộ của hoa thì hầu hết các hộ chủ yếu trồng cây công trình, cây kiểng lâu năm như Oai Hùng, Tỉ Phú, Phát Lộc, Trúc Bách Hợp,... theo nhu cầu của khách.

Đổi đời nhờ hoa kiểng

Ở Cái Mơn, đi khắp nơi hỏi đường đi đến vườn nào đặc biệt nhất, ai cũng chỉ nhà ông Nguyễn Văn Công, còn gọi là Năm Công (xã Hưng Khánh Trung B), được dân trong nghề gọi là "vua kiểng" Cái Mơn. Ông nhớ lại khoảng thời gian gần 20 năm trước, trong một mùa làm ăn thua lỗ khi hoa trúng mùa còn kiểng rớt giá thê thảm, ông Năm quyết tâm chuyển cách làm, đổi sang học cách tạo hình các loại cây lâu năm. "Cách làm này thời điểm đó chưa ai làm nên rất thu hút người chơi, cây để chơi được thời gian lâu mà lời cũng nhiều", ông nói.

Trong khoảng vườn rộng mênh mông, hàng loạt những cặp rồng, dê, voi, bình hoa, cao quá đầu người nằm đặc trong sân. Ông Năm chỉ vào đàn 12 con giáp cao 1,5m cho biết sắp sửa đem tiêu thụ trong dịp tết Bính Thân này. Tiếng tăm lan xa, vườn kiểng của nghệ nhân xứ dừa được nhiều người tới săn lùng, xuất ra hầu hết ở các khu du lịch, các sự kiện ở TPHCM, ra tận Đà Lạt, Đồng Nai. Hiện nay ông chủ yếu tạo hình thú theo năm của con giáp, mỗi cặp cây si hoặc me dao động từ 5-7 triệu, lên đến cả chục triệu, mang lại nguồn thu quanh năm cho gia đình ông.

Hoa miền Tây khoe sắc.

Các nhà vườn ở Cái Mơn chia sẻ, hầu hết thành quả vun trồng trong cả một năm sẽ được cung cấp cho thị trường lớn là Sài Gòn, Đà Lạt. Những nhà vườn đầu tư lớn thì có nhiều điểm bán ở khắp Sài Gòn, nếu một mùa "thắng kiểng" có thể lời đến hàng trăm triệu đồng. Vựa nhỏ thì sẽ lên thành phố Bến Tre cho gần, tiết kiệm chi phí hoặc sang các tỉnh lân cận. Nếu đi trong nội tỉnh hay lên Sài Gòn thì chủ yếu là thuê ghe, hoặc đi xa thì vận chuyển hoa bằng xe tải. 

Bà Ngọc Anh nói, hoa Tết cho Tết Bính Thân năm nay dự đoán sẽ đẹp hơn năm trước do thời tiết đẹp, vì vậy dự đoán sức mua sẽ tăng cao. Năm nay, các giống cây lạ được nhập từ Thái Lan, Nhật cũng sẽ có mặt nhiều hơn trên thị trường khi người mua đang có xu hướng thích sưu tầm những loại cây trái lạ.

Chị Ngọc, chủ một nhà vườn nằm cách nhà thờ Cái Mơn không xa, nói những năm gần đây chị tập trung chủ yếu vào mai vì loại cây này chiếm gần 40% các loại cây kiểng trong vùng, dễ chăm, nếu nhập cây con hai năm tuổi về thì có thể thu hoạch được trong năm đầu, chi phí lời gấp đôi vốn bỏ ra. 

Chia sẻ hàng năm đều có mặt tại chợ hoa Tết thành phố Bến Tre, chị Ngọc tâm sự: "Nhờ vào nghề này mà tôi nuôi được gia đình, đứa con gái lớn vừa tốt nghiệp đại học có thể phụ giúp gia đình nhưng vì yêu cây kiểng, đã lỡ gắn với nghiệp mấy chục năm rồi nên vẫn cố gắng hàng năm dong ghe lên thành phố. Tối 30 Tết tôi vừa về đến nhà thì cũng giao thừa rồi".

Chủ một vựa hoa lớn khác trong vùng, bà Tám Hà vừa quan sát các nhân công bón phân vừa luôn tay tưới hoa. "Để có mấy chậu hoa bán ngày Tết là nhà nông chúng tôi phải làm quần quật từ nửa năm trước. Một chậu hoa là cả một bài toán, nào là tiền giống, tiền nhân công, tiền phân bón, tiền chậu, tiền bán ra mà phải canh thời tiết coi hoa nở thế nào, coi thị hiếu của khách nữa", bà nói. Tết vừa rồi, theo bà chia sẻ, hoa vạn thọ vẫn chiếm lượng tiêu thụ nhiều nhất.

Nhọc nhằn nghề hoa

Với thâm niên hàng chục năm theo nghề, bà Ngọc Ánh chia sẻ, nghề này lời lỗ tuỳ năm mà nhiều lúc phải cay đắng nói là "hên xui". Gặp trời mưa bất thường, hoa không nở kịp mùng hay giá vật tư lên cao là điều luôn khiến các nhà nông đau đầu tính toán. Vì vậy những năm gần đây, vựa hoa của bà chủ yếu lấy đi bán lại từ các nhà vườn khác chứ không trồng chuyên nữa. "Thêm bài toán nhân công, vựa nhà tôi thường thuê khoảng 3-4 người theo tháng ngày thường, chủ yếu là phụ trách lên hàng cho 3 xe mỗi ngày, ngoài ra còn đi giao sỉ toàn quốc. Ngày Tết thì phải mướn nhân công gấp đôi để kịp giờ giao hàng".

Chị Bảo Ngân tiếp lời: "Trồng kiểng lá nắm được thuộc tính của nó thì còn dễ thở, chứ trồng hoa thì cực khổ vô cùng. Nhiều lúc chăm hoa như chăm con, phải ngủ giữa trời để canh hoa, canh bắt sâu nữa. Mà có năm hoa không bán được phải bán đổ bán tháo 10.000-15.000 đồng một giỏ, vốn còn chẳng đủ nói chi lời". "Mua bán từ đầu năm tới giờ chậm lắm, hi vọng mùa chót sẽ tốt", chị Ngân nói.

Nghề trồng hoa cũng lắm rủi ro, năm nay khi giá chậu nhựa lên gần 10.000 một chậu, giá phân bón cũng tăng, bà Tám Hà chép miệng, "vậy mà giá hoa chẳng tăng bao nhiêu, có khi lại còn phải sụt giá". Bà Hai Tân, ngụ ở ấp Vĩnh Thành dù hơn 60 tuổi nhưng hàng năm vẫn phụ con cháu bán ở chợ hoa thành phố Bến Tre. Bà nói, "cả nhà vợ chồng con cái tập trung hết cho vụ làm ăn lớn nhất năm, có lời thì ăn tết lớn còn lỡ thua lỗ thì coi như năm đó không ăn tết. Mấy đứa cháu tôi đều phải gởi nhà người quen dưới quê, ông bà cha mẹ thì buôn bán xa, ăn ở vạ vật, nằm ngoài sương gió, ngủ ghe ngủ bờ trên này chỉ mong kiếm chút tiền về lo cho tụi nhỏ".

Không riêng gì gia đình bà, hầu hết các gia đình bán hoa đều trong tình cảnh hồi hộp chờ sức mua. "Có năm, giá một cặp cúc mâm xôi từ đầu tháng Chạp bán tới hơn 120.000 một cặp, gần 30 Tết chưa nở là tụi tôi bắt đầu lo, đêm 30 giá chỉ còn xuống một phần ba, có khi phải quăng hết để còn về nhà cho kịp giao thừa. Những người tốn kém nhất phải kể đến những nhà đầu tư mai cổ, khi kinh tế xuống dốc không còn nhiều người quan tâm. Tệ hơn nữa là phải canh cho hoa nở đúng mùng, nếu đúng ngày mà nhụỵ chưa bung là tụi tôi rầu lắm. Hai năm trước nhà tôi thua trắng gần một công cúc, hi vọng năm nay sẽ khấm khá hơn", anh Nguyễn Văn Út, một nhà vườn bán tại chợ hoa Bến Tre, nói.

Huỳnh Duyên
.
.
.