Hà Nội:

Khan hiếm không gian công cộng cho giới trẻ

Thứ Hai, 25/05/2015, 10:00
Khi hình ảnh của bữa tiệc bikini tràn lan trên các mặt báo, cuộc "khẩu chiến" giữa hai thế hệ chưa đến hồi thắng bại thì câu chuyện không gian công cộng cho thanh thiếu niên tại Hà Nội nói riêng và những thành phố lớn nói chung lại được đặt ra. Nhất là đúng mùa nắng nóng đang cận kề, hơn lúc nào hết, các bạn trẻ đang thiếu một không gian sinh hoạt lành mạnh.

Không gian công cộng nhỏ giọt dành cho giới trẻ

Suốt mấy ngày vừa qua, nhiều tờ báo đi sâu vào mổ xẻ cuộc "khẩu chiến" giữa hai thế hệ già - trẻ trong câu chuyện giới trẻ Hà thành nô nức rủ nhau đi dự tiệc bikini (pool party) tại công viên nước dưới lòng đất. Đến thời điểm hiện tại, việc mổ xẻ ấy dường như chưa giải quyết được vấn đề gì. Già có lập trường của già. Trẻ có lập trường của trẻ. Bên nào cũng có cái lí của mình. Mà lí nào cũng có vẻ đúng. Cuộc "đụng độ" về quan điểm, lối sống xem ra rơi vào hố sâu ngăn cách của hai thế hệ. Và chắc là, cho dù có mổ xẻ thêm nữa, cũng chỉ là sự đưa đi đẩy lại dùng dằng về cách nghĩ mà thôi.

Ở phạm vi bài báo này, người viết không nói đến cái giới hạn mong manh giữa vui chơi, giải trí với phản cảm "hậu bikini" mà bữa tiệc du nhập từ văn hóa phương Tây này mang lại. Cũng không tiếp tục cái công việc vô nghĩa là mô xẻ cuộc khẩu chiến trên vì sẽ chẳng đi đến đâu cả. Vì sao giới trẻ lại tụ tập tại đây - trong một bữa tiệc bikini giữa một cái lòng hồ chật chội, đông đúc, tiếng nhạc xập xình và tiềm ẩn những nguy cơ về ô nhiễm, ảnh hưởng tới sức khỏe. Đó là chưa kể tới việc khi đến đây, trong trang phục "hai mảnh" và "thiếu vải", các bạn gái có thể bị sàm sỡ như vụ việc gần đây nhất diễn ra tại Công viên nước Hồ Tây? Tại sao các bạn trẻ lại lựa chọn cho mình một hình thức giải trí như thế? Có phải lí do duy nhất là các bạn muốn đến đây để thể hiện cá tính, tuổi trẻ của mình? Hay còn bởi họ chẳng còn nơi nào để đi nữa?

Rõ ràng Hà Nội đang khan hiếm những không gian công cộng phục vụ nhu cầu giải trí, vui chơi cho thanh thiếu niên nói riêng và giới trẻ nói chung. Quay đi quẩn lại cũng chỉ có những khu vui chơi tại các trung tâm thương mại hoặc những chương trình (họa hoằn lắm) một năm định kỳ 1 - 2 lần nhỏ giọt, nhàm chán. Giao lưu thường xuyên gần như không có.

Một số công viên lớn không có hạng mục cơ sở nào dành cho thanh niên.

Những công viên được xếp vào loại lớn của thủ đô như Bách Thảo, Thủ Lệ, Thống Nhất… lại nghèo nàn về bố cục không gian cảnh quan và nếu có tổ chức các hình thức vui chơi thì cũng chưa phù hợp với từng lứa tuổi. Dường như nhắc đến những địa danh này, người ta vẫn mặc định chỉ có người lớn tuổi và trẻ em là đến đó. Người lớn thì tập thể dục, dưỡng sinh. Còn trẻ em thì chơi mấy trò đu quay, xe lửa, đạp vịt… Những trò chơi giải trí dành cho thanh niên dường như không nằm trong hạng mục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tại đây. Chẳng lẽ thanh niên đến đó nhìn mấy con thú hoặc chơi đu quay rồi về?

Còn những không gian sinh hoạt được xem là khu vực công cộng khác của Thủ đô thì dường như bị ô nhiễm môi trường, ô nhiễm âm thanh bủa vây. Và một số công trình mới xây xong đã vội "mặc" lớp áo cũ, xuống cấp trầm trọng. Tiền bạc nhà nước trôi sông trôi bể. Chắc hẳn chúng ta vẫn chưa quên một trong những nơi được xem là "lá phổi xanh" của thành phố là Công viên Cầu Giấy với quy mô gần 40ha bị bỏ hoang và biến thành bãi rác phế thải. Mãi sau khi có phản ánh quyết liệt từ một số tờ báo, chính quyền thành phố mới vào cuộc và giải quyết dứt điểm vào cuối năm ngoái.

Ở những không gian công cộng nhỏ hơn như khu vui chơi cơ sở, các sân tập thể hoặc đơn giản khoảng ngõ trước nhà lại bị lấn chiếm và sử dụng sai mục đích vì lợi ích của một số người hoặc nhóm người nào đó. Dạo một vòng Thủ đô, chúng ta dễ dàng bắt gặp những cảnh dường như trái khoáy. đó là dưới sân một khu tập thể cũ xập xệ, ẩm thấp, nhếch nhác như các khu tập thể Kim Liên, Trung Tự, Văn Chương, Giảng Võ, Thành Công… là chợ cóc, hàng quán mọc lên như nấm, chắn hết cả lối đi. Riêng chuyện dắt xe để lên nhà mình thôi cũng phải vượt qua cả một tá chướng ngại vật mới vào được cửa. Trong khi đó, tại các dự án khu dân cư mới, khu đô thị mới, diện tích vườn hoa, sân bãi thể dục thể thao thường bị cắt giảm hoặc bị bỏ quên, thậm chí chỉ có trong bản vẽ thiết kế cho đẹp. Những người dân Thủ đô này sống và thực hiện đúng phương châm "mỗi tấc đất là một tấc vàng" nên thừa ra một tấc đất nào là "phải tội" tấc đó.

Sân chơi của khu tập thể trở thành bãi trông xe.

Còn chính quyền cơ sở, dường như với tâm lý "cha chung không ai khóc", đất đó là đất "chùa" nên cũng buông lỏng quản lý. Chưa có những giải pháp hữu hiệu để giải quyết câu chuyện không gian công cộng bị "xẻ thịt" này. Không có một tổ chức nào đứng ra bảo vệ không gian chung này. Thành ra cả không gian công cộng lớn và nhỏ ở Hà Nội đều không phải là địa điểm hấp dẫn, sôi động và thu hút đối với giới trẻ. Và khi không gian công cộng không còn là nơi tìm đến của các bạn trẻ thì việc họ tìm đến tiệc bikini, thậm chí cả những thú vui nguy hại như ma túy, sex tập thể… không phải là chuyện khó lý giải.

Không gian công cộng dành cho giới trẻ trước hết phải là một không gian "sống", nghĩa là có hoạt động và những hoạt động ấy phải là hoạt động thường xuyên, tạo ra sân chơi và trải nghiệm thú vị thì giới trẻ mới tìm đến sân chơi truyền thống của mình. Nếu không như vậy, những quy hoạch của thành phố vẫn chỉ là những phác thảo họa đồ trên giấy. Và các bạn trẻ vẫn chỉ là đối tượng hướng đến mà không phải là đối tượng sử dụng không gian ấy.

Phải trả lại không gian công cộng cho giới trẻ

Trong một phóng sự gần đây nhất mà Chuyên đề CSTC thực hiện, khi được hỏi về việc tại sao giới trẻ ngày nay quan tâm tới tình dục và hoạt động tình dục nhiều hơn trước, TS Khuất Thu Hồng - Viện Nghiên cứu phát triển xã hội có nhấn mạnh, ngoài quan điểm về vấn đề tình dục của toàn xã hội càng ngày càng cởi mở thì còn do chúng ta thiếu hẳn những không gian công cộng, những công trình cơ sở vật chất, những chương trình dành cho thanh thiếu niên.

Bà nói: "Mức sống của người dân chúng ta ngày càng tốt hơn. Các em có điều kiện để ăn ngon, mặc đẹp, chế độ dinh dưỡng được cải thiện đáng kể. Nhưng về đời sống tinh thần của các em, dường như vẫn chưa được quan tâm đúng mực. Chúng ta thiếu những công trình, dịch vụ vui chơi giải trí lành mạnh, thiếu các câu lạc bộ âm nhạc - nghệ thuật thú vị thu hút thanh niên tham gia tập thể, để các em sử dụng thời gian rảnh rỗi của mình vào những hoạt động bổ ích. Và một khi, chúng ta chỉ ra sức phát triển kinh tế, chăm chăm đầu tư xây dựng những trung tâm thương mại, những tòa nhà cao chọc trời bán để lấy tiền mà không quan tâm tới những công trình dành cho thanh thiếu niên thì việc giới trẻ có những hoạt động giải trí không lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi, văn hóa và thuần phong mỹ tục của dân tộc là điều không tránh khỏi. Lúc đó những người lớn chúng ta chỉ có thể tự trách mình mà thôi".

KTS Nguyễn Quốc Thông: "Trước mắt, nên để cho cộng đồng sử dụng khoảng đất trống đó".

KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc Việt Nam cho biết thêm. Trong quy hoạch đô thị, bao giờ người ta cũng tính đến các không gian công cộng, không gian xanh dành cho các hoạt động của cộng đồng, trong đó có các bạn trẻ. Đó là những tính toán dưới dạng các công viên, vườn hoa, những quảng trường, kể cả những trung tâm văn hóa, các thiết chế văn hóa khác. Đó là một phần tất yếu của hạ tầng xã hội.

Tuy nhiên, trong thực tế, nhu cầu kinh tế thị trường, nhu cầu sinh lợi trước mắt nhiều khi làm cho người ta quên đi những cái lâu dài. Bởi vì quy hoạch này phải huy động một nguồn đầu tư xã hội lớn, không phải nói một sớm một chiều là làm được. Cho nên trong lúc chờ những không gian quy hoạch dành cho tiện ích công cộng chưa được xây dựng, nhiều người đã tận dụng những khoảng trống để kinh doanh, kiếm lời. Và đôi khi, dịch vụ sinh lợi đó đã xâm chiếm không gian công cộng, vui chơi giải trí cho cộng đồng. Đó là một thực trạng khá phổ biến.

Theo tôi, khi mà chính quyền đồng ý cho người ta kinh doanh tạm thời trên quỹ đất phục vụ cộng đồng đó, nếu để lâu, chính quyền lại quản lý lỏng lẻo thì đất đó trở thành đất sử dụng sai mục đích ban đầu. Còn việc thực hiện quy hoạch dài hạn kia, chúng ta phải huy động nguồn vốn mới thực hiện được các công trình tiện ích ấy. Còn trước mắt, nên để cho cộng đồng sử dụng khoảng đất trống đó, chứ không để cho nhóm người nào đó hoạt động để sinh lợi. Đừng có tranh thủ, đừng cắt xén và cũng đừng sử dụng sai mục đích dù là tạm thời".

Đậu Dung
.
.
.