Khi ấy mẹ ghẻ mới thương con chồng

Chủ Nhật, 19/04/2020, 11:35
Tâm lý chung của con người, thường mong cầu sự vẹn toàn, hoàn hảo. Cuộc đời lại ngang trái ở chỗ, chẳng có nút "undo" để quay lại sửa sai, nên có những chuyện đã lỡ rồi thì chẳng thể nào vẹn toàn được nữa.

Hôn nhân vốn được coi là một trong những việc lớn của đời người, mối quan hệ chồng- vợ cũng là một trong ba mối quan hệ cơ bản, trọng yếu trong xã hội cũ (tam cương), bao gồm: quân - thần, phụ - tử, phu - thê. Thế nên, hôn nhân không toàn vẹn có thể trở thành một nỗi ám ảnh kéo dài đối với bất cứ ai, sống trong bất cứ xã hội nào. Có nhiều kiểu không vẹn toàn của hôn nhân, trong đó, chuyện xây lại từ đầu với đối tác đã có con riêng là một kiểu không vẹn toàn nhiều ẩn ức, có khả năng gây nên nhiều bi kịch.

Nhà văn An Hạ, anhavn85@gmail.com.

Hôn nhân bắt đầu bằng tình yêu, sự hiện diện của đứa con riêng - kết quả của một tình yêu cũ, một gia đình cũ, cầu nối kéo dài cả đời giữa chồng/vợ của mình với người cũ, hẳn không phải là một sự hiện diện dễ chịu. Con riêng, nhắc nhở người trong cuộc hôn nhân mới về một sự thiếu hoàn hảo của tình cảm, hôn nhân đang có, nhắc về quãng thời gian mặn nồng của chồng/vợ mình với người khác, nhắc về gương mặt, dáng hình của người khác, đánh thức cơn ghen phi lý, sự ích kỷ, châm ngòi cho những cãi vã, làm chính cuộc hôn nhân đang có rơi vào mệt mỏi, và kéo dài hơn cả một nỗi ám ảnh thông thường. 

Chẳng những phức tạp về mặt tình cảm, chuyện con anh con tôi còn là vấn đề trách nhiệm. Tình yêu và trách nhiệm đối với con cái là điều gắn kết với người làm cha làm mẹ cả đời, đấy là tình cảm thiêng liêng, và rất riêng biệt của tình máu mủ. Con cái là hiện sinh của chính bản thân mỗi người, ở một phiên bản khác, đong đầy cả tình yêu với chính bản ngã trong một hình hài khác, lẫn tình yêu thương sâu sắc của hành trình sinh thành, dưỡng dục. Người ta không chỉ gửi gắm yêu thương trọn vẹn, vô điều kiện, mà cả kỳ vọng lớn lao với hậu duệ của chính mình. 

Chẳng phải tự nhiên, mà việc ôm ấp chăm sóc chính đứa con mình ruột lại có thể sinh ra Oxytocin - loại hormone tình yêu gây nên cảm xúc an yên, viên mãn. Khi có tình yêu, trách nhiệm được sinh ra từ tình yêu, và tự nhiên như hơi thở. Nhưng chuyện với đứa con riêng của chồng/vợ lại là chuyện thuần trách nhiệm, hơn nữa, là loại trách nhiệm tương đương với con của chính mình, kéo dài tối thiểu cho tới khi cuộc hôn nhân còn tồn tại, tối đa tới hết cuộc đời. 

Đây là thử thách khó vượt qua, bước vào rồi mới có thể nhận ra gánh nặng của nó, sự bức bối của nó, làm con người ta so đo toan tính, từ miếng cơm manh áo, đến tài sản kế thừa, làm con người ta đối diện với sự ích kỷ chuyển dần thành độc ác lúc nào không hay. 

Tình mẫu tử, phụ tử cao quý bao nhiêu, sẵn lòng hy sinh bao nhiêu, thì mối quan hệ dì ghẻ/cha dượng với đứa con riêng càng khó khăn, nhiều tầng khó xử, ẩn ức, bi kịch bấy nhiêu.

Mẹ ghẻ, con chồng trong chuyện “Tấm Cám”.

Bi kịch từ đấy mà ra. Đã ngứa mắt trước minh chứng bằng xương thịt về tình cảm cũ, lại phải chứng kiến chồng/vợ mình trao đổi liên hệ chăm sóc dạy dỗ đứa con riêng với người cũ, lại phải chấp nhận chia sẻ tình yêu, sự quan tâm và cả tài chính cho đứa trẻ khác, lại còn cả rổ trách nhiệm, không ít dì ghẻ, cha dượng không giữ được sự tử tế tối thiểu với đứa con riêng, vốn vẫn còn là một đứa trẻ, rất cần đến tình yêu và quan tâm đủ đầy từ gia đình. Cơn ngứa mắt kéo dài có thể biến thành những đòn thù khủng khiếp.

Những câu chuyện đau lòng về sự hành hạ tàn nhẫn, mù quáng, khó lường của dì ghẻ với con chồng có thể được tìm thấy ở nhiều nơi, mọi thời đại, mọi nền văn hoá. 

Từ vết dấu trong ca dao: "Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng", trong truyện cổ tích, ta thì có cô Tấm, tây thì có cô bé Lọ Lem, đều khốn khổ dưới đòn thù của dì ghẻ, đến thực tế phân biệt đối xử, ngược đãi tinh thần, thể xác vì "khác máu tanh lòng", mỗi câu chuyện trên mặt báo đều khiến người ta có thể rùng mình vì cái ác của kẻ làm mẹ kế. 

Cái ích kỷ làm nên cái ác của đàn bà với con riêng của chồng thì dai dẳng, nhưng cái ác của đàn ông với con riêng của vợ thì tàn nhẫn. Loại phổ biến nhất là chuyện cha dượng xâm hại con riêng của vợ, một dạng ác phi nhân tính mà vẫn còn tồn tại như một lời cảnh báo về sự hiểm ác tồn tại ngay trong gia đình.

Không ít người cha dượng biến thành yêu râu xanh mà nạn nhân chính là những đứa con gái của vợ (ảnh minh họa)

Lời dạy của các cụ có bao giờ sai, bánh đúc là loại bánh thế nào, đời nào mà lại có xương. Bánh đúc mà có xương thì là đại nghịch lý, chẳng khác nào dì ghẻ, nói rộng ra là cả bố dượng lại thương được con chồng. Nhưng có nghịch lý không, xin thưa là có. 

Để thương được con riêng, người làm mẹ kế, cha dượng phải có đủ nhận thức để phân biệt giữa quá khứ và hiện tại, phải hiểu được những trách nhiệm cần có trước khi bước vào cuộc hôn nhân mới, phải có nền tảng tư cách và đạo đức, phải có thời gian gần gũi thử sức với đứa trẻ - không - phải - con - mình, để có thể coi nó như con mình, vừa nuôi dưỡng một tình cảm mới, vừa tu dưỡng sự tử tế trong chính tâm hồn mình. 

Cuộc hôn nhân với người có con riêng không phải cứ mê nhau, thích nhau là có thể bước vào để tự hành hạ chính mình vì sự ích kỷ, huỷ hoại tuổi thơ, tâm hồn, thể xác của những đứa trẻ cần tình yêu thương. 

Trách nhiệm để con riêng của mình được thương còn nằm ở phía cha mẹ đơn thân. Việc tìm hiểu một đối tác mới gian nan hơn nhiều lần so với thời chưa có con. Hôn nhân mới không chỉ là hạnh phúc của bản thân, mà còn phải đảm bảo người mới có đủ tư cách làm cha, làm mẹ con của mình hay không, phải đảm bảo con mình được che chở, yêu thương, dạy dỗ trong một gia đình đúng nghĩa. Có được sự đảm bảo ấy, cần rất nhiều thời gian tìm kiếm, quan sát để nhận ra, và cả sự may mắn. 

Thế nên, có những cha mẹ đơn thân, vì chẳng tìm nổi, vì muốn bảo toàn hạnh phúc, quyền lợi của những đứa con vốn thiệt thòi của mình, mà sẵn sàng vừa làm cha vừa làm mẹ, quyết không lập gia đình thêm lần nào. Đáng buồn là nhiều cuộc hôn nhân, nói theo kiểu dân gian là "rổ rá cạp lại", được hình thành mà chẳng có sự chuẩn bị cẩn thận nào vì những đứa trẻ thuộc về quá khứ. 

Để bánh đúc "có xương" hoá ra lại là nhiệm vụ khó đến thế. Nhưng cũng là vấn đề lớn đặt ra với bất cứ ai định trở thành mẹ kế, cha dượng, với bất cứ kẻ làm cha, làm mẹ đơn thân nào muốn đi tìm hạnh phúc mới. Bài học về trách nhiệm, nhất là trách nhiệm với những đứa trẻ, với sự hình thành nhân cách, tương lai, cuộc đời của chúng, là bài học lớn, không phải kẻ làm cha làm mẹ nào cũng học được một cách tử tế. Câu ca dao cũ vì thế mà càng trở thành chân lý buồn như một lời ru.

Nhà văn An Hạ
.
.
.