Khi đứng ở trên cao

Thứ Tư, 12/12/2012, 10:35
Mọi sự an phận, lười biếng đều làm ta tụt xuống dù sống ở tầng cao.

Đứng ở trên cao là một cảm giác thích thú với nhiều người nhưng với ai sợ độ cao thì đó sẽ là trạng thái căng thẳng đột độ. Sự căng thẳng tạo ra hàng loạt phản xạ thần kinh, nhất là thần kinh giao cảm bỗng hưng phấn làm tim đập nhanh, chân tay đổ mồ hôi mướt mát, làm co mạch máu, huyết áp tăng vọt. Dù đứng trước vẻ đẹp kì diệu thế nào, tuyệt diệu ra sao thì vẻ đẹp đó cũng vô giá trị, cảm giác chóng mặt sẽ lấy đi tất cả.

Lên cao không chỉ đối mặt với cảm giác chới với của độ cao mang lại mà lên cao chúng ta phải đối mặt với kích thích áp lực không khí và tiếng gió rít liên hồi bên tai. Cả mắt, cả tai bị áp lực làm cho mất thăng bằng, dễ dàng nôn nao, xây xẩm mặt mày như di chuyển trên cung đường núi bị tài xế nhấn phanh giật cục lục khục.

Nhưng đâu phải bất cứ độ cao nào cũng khắc nghiệt như vậy. Chỉ có những độ cao thẳng đứng, tạo ra độ tương phản độ cao rõ nét với cảnh vật xung quanh mới tạo ra kích thích mạnh mẽ cho mắt, cho tai khiến bất cứ ai đứng cạnh cũng có thể nhận ra sự đuối sức của bản thân. Thế là bao nhiêu hình ảnh đẹp đẽ hoàn hảo mà mọi người thu nhận trong suốt một thời gian dài giờ đây chỉ trong khoảnh khắc đã bớt đi phần lấp lánh.

Còn khi lên núi, dù độ cao nó có cao gấp nhiều lần một tòa nhà chọc trời chốn đô thị nhưng nhờ độ cao của nó thoai thoải, tăng dần, khác biệt với cảnh vật xung quanh không rõ rệt, đứng ở ngọn núi này vẫn thấy nhấp nhô ngọn núi khác nên không tạo ra kích thích mạnh mẽ và gây sốc đột ngột như ở độ cao phẳng thẳng đứng.

Rõ ràng việc lựa chọn cho mình một cách tiếp nhận độ cao rất quan trọng và giống như cách đi lên phía trước của mỗi cá nhân trong cuộc sống. Để đi đến được đỉnh cao nhất của sự nghiệp, của cuộc đời rất nhiều người đã chọn cách đi theo chiều thẳng đứng, nhanh và gấp gáp mà cái gì nhanh chóng thì kết quả đạt được cuối cùng của nó là gì hẳn trong chúng ta cũng đã ít nhiều gặp phải trong đời. Nếu thành công thì vẻ rực rỡ của hiện tại và quá khứ sẽ lấp đầy vết sẹo khó nhọc, còn nếu không phải là người may mắn thì mỗi lần đi tiếp một chặng trong độ cao thẳng đứng, cảm giác thất bại sẽ ít nhất ùa về một lần.

Nó cũng giống như cảm giác sợ độ cao. Không phải là bệnh lý, không phải thiếu nghị lực, thiếu tài năng mà chỉ là dám đấu tranh lại cảm giác thất bại và chịu sức ép nặng nề đó hay không. Vượt qua được nỗi sợ, cảm giác căng thẳng đó thì độ cao sẽ là một vẻ đẹp cấp số nhân hoặc chí ít cũng sẽ vững tâm bước từng tầng như leo núi.

Quá trình đô thị hóa cũng khiến độ cao xuất hiện nhiều hơn trước mắt. Đã qua lâu rồi cái thời nóc nhà không được cao hơn hơn nóc đình, phố phường giờ không còn mái ngói lúp xúp thâm trầm liêu xiêu. Cuộc sống hiện đại và quá trình hội nhập càng cho thấy sự tiện dụng tuyệt vời của những tòa nhà cao ốc chọc trời. Chúng tiết kiệm đất đai, tạo ra một không gian mới ngoài không gian mặt đất, thỏa ước ao của những ai đã từng ước thứ viển vông nhất là được sống trên không trung, giữa mây gió.

Những tòa nhà cao ốc rất tiện lợi là vậy nhưng do dịch vụ của nó hiện nay vẫn rất méo mó và chưa được quan tâm đúng mức nên với những người ở lứa tuổi bố mẹ tôi, thuyết phục họ lên ở một ngôi nhà trên cao không hề dễ dàng gì. Họ sẵn sàng chi ra một số tiền lớn để tậu ngôi nhà dưới mặt đất trong con ngõ nhỏ dài loằng ngoằng ở thành phố mà nguy cơ nếu có hỏa hoạn thì cũng chạy khó nhọc không kém gì ở tòa nhà cao chọc trời.

Với tuổi của bố mẹ thì mặt đất vẫn là nơi mà họ thấy tin tưởng và thoải mái. Còn với những người trẻ như tôi, được sống độc lập trên cao, trong một căn hộ nhiều kính, xa rời tiếng xe cộ ồn ào, nước ngập của con đường ngay lập tức khi mưa vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu. Tôi thích cảm giác sau một ngày làm việc mệt mỏi ở công sở được trở về nhà đứng ở ban công uống một tách trà nóng, phóng tầm mắt ra xung quanh nhìn những ngôi nhà phía dưới đang lần lượt sáng đèn và dòng người cũng đang hối hả chen lấn không kém phía trước để kịp về nhà ăn bữa cơm chiều.

Nhưng phần thú vị nhất khi sống ở trên cao là về đêm được nằm dài trên băng cửa sổ làm việc hay đọc sách luôn cảm thấy không bao giờ muộn khi cả thành phố vẫn lấp lánh ánh đèn phía dưới. Nếu sống dưới mặt đất thì phong cách nhà cao thấp khác nhau đã lấy đi những tầm mắt, ánh trăng vàng đêm ngày rằm. Sống ở trên cao, chúng ta gặp lại những vẻ đẹp thiên nhiên tưởng chừng đã đánh mất trong sự hối hả của thành phố.

Sống ở trên cao, làm việc cũng ở công sở trên cao khiến tôi có thêm một thói quen mới đó là nhìn ra xung quanh nhiều hơn. Sáng đi làm tôi cũng nhìn ra ngoài trời xem không khí hôm nay thế nào vì cảm nhận thời tiết ở trên cao chân thật hơn ở dưới mặt đường đông đúc có thể rất nóng khói xe dù giữa mùa đông lạnh giá.

Nhưng đứng ở trên cao không phải lúc nào cũng tràn ngập vẻ lóng lánh mà có cả những thứ xù xì người đời muốn che giấu lại hiện ra một cách trần trụi. Như khu nghĩa địa nằm cách tòa nhà nơi tôi đang làm việc một con đường là thứ trần trụi tiêu biểu nhất mà tôi thấy khi đứng ở tầng 27. Ngày đầu tiên chuyển đến công sở mới, các phòng, ban trong công ty xì xào việc nhóm chúng tôi được chia một căn phòng nhìn ra khu nghĩa địa phía dưới. Ban đầu thì cũng có vài e ngại, nhưng làm việc lâu dần không còn ai có hơi sức đâu mà để ý đến sự tồn tại của nó nữa ngoài tôi.

Tôi hay nhìn sang đó vào lúc nghỉ trưa khi đúng tầm giờ nhiều người có thời gian tranh thủ đi thăm mộ. Thành phần đến đây rất đa dạng và điều mà tôi bất ngờ nhất là có rất nhiều người trẻ – lứa tuổi chưa nhiều mối quan tâm đến việc thờ tự tìm đến. Có khi họ mang hoa đến đặt bên ngôi mộ là người thân của mình vào ngày tuần, ngày rằm. Có khi nhặt cỏ đang mọc thành lùm, lau bia bị bắn đất sau trận bão đổ ập vào thành phố... Kính cẩn và thành tâm.

Giữa không gian hiện đại của thành phố, việc tồn tại một biểu tượng cho những giá trị xưa cũ vẫn cần được lưu giữ dù trong con mắt của người làm kiến trúc thì nó chắc chắn sẽ phá vỡ cảnh quan của đô thị. Những nấm mồ và người nằm xuống chính là chứng nhân của thành phố. Họ đã xây dựng, cống hiến cho sự phát triển của nơi này đến hết đời và bây giờ chính là lúc họ xứng đáng được dành cho những khoảnh đất thảnh thơi để nhìn ngắm mạch ngầm thành phố. Lắng nghe câu chuyện của lớp cháu con, cho họ một niềm tin tuyệt đối giữa sự khốn khó của cuộc sống.

Những người trẻ không biết mình đang cần gì, làm gì, níu kéo vào ai nhưng chí ít khi nhìn vào tấm bia của cha ông, họ sẽ biết dù quyết định làm gì cũng phải làm sao có thể nối tiếp lòng tự hào ấy. Đó là lí do hằng ngày bận rộn nhưng tôi vẫn muốn đứng ở trên cao nhìn xuống những tượng đài văn hiến vẫn đang tiếp tục nối dài.

Sống và làm việc ở trên cao nên mọi người cũng có xu thế độc lập tự chủ hơn trong cách giao tiếp của mình. Nhiều khi hàng xóm gặp nhau nhiều nhất là khi bước vội vã vào thang máy mỗi sáng đi làm chứ không thể quan tâm và sát sao “tối lửa, tắt đèn” như lối sống truyền thống. Tôi vẫn đùa với mẹ rằng người hàng xóm mà tôi quen và thân nhất là bác bảo vệ thường hay đứng ở chiếu đợi khu chung cư vào lúc đêm muộn khi tôi đi tập thể dục về. Ban đầu thì tôi cũng không để ý đến bác nhưng có lẽ một thói quen của hai người giống nhau đã khiến chúng tôi nhanh chóng trở thành bạn bè.

Cả hai chúng tôi đều thích đứng ở trên cao nhìn khắp thành phố về đêm. Tôi thì mê mải với ánh đèn xe nối đuôi nhau uốn lượn trên đường tạo thành từng vệt sáng không ngừng nghỉ nhưng “người bạn” của tôi thì không thế. Bác ấy ngắm thành phố từ trên cao không phải vì không gian mà độ cao là khát vọng mà bác không đạt được trong quá khứ nên luôn bị ám ảnh bởi nó.

Bác bảo ngày còn trẻ nếu bác nghe theo bậc sinh thành chú tâm vào học hành như đám bạn cùng thời trong ngôi trường có tiếng giữa phố thì cuộc đời bác có lẽ đã khác. Những người bạn cùng thời với bác, xuất phát điểm không bằng nhưng giờ đây họ đang và đã thành công. Người thì  làm chủ trong một công ty trên cao ốc đẹp đẽ, người thì sống an nhàn cùng cháu con trong căn hộ ngập tràn ánh sáng của gương kính. Đến chơi với họ, ngước mắt lên nhìn tòa nhà mà họ đang sống, bác đã tiếc quãng thời gian tuổi trẻ của mình.

Đó là lí do mà tại sao tôi biết bác đi làm bảo vệ trong tòa nhà xuất phát không phải vì lí do kinh tế mà chỉ đơn giản là khỏa lấp sự tiếc nuối của mình. Bác bảo cảm giác đứng trên cao rất say mê, nửa có chút gì đó như quyền lực, nửa có gì đó chông chênh mà ở tuổi của bác đáng ra không còn cần tới.

Thường trong nhiều cuộc nói chuyện, tôi hay góp ý cho bạn bè phải nên làm thế này, nên làm thế kia nhưng đứng cạnh người bạn đặc biệt này thì tôi chỉ biết đứng yên lắng nghe và dõi mắt cùng hướng mà thôi. Mỗi người đều có những sai lầm trong đời và họ chỉ có thể sửa sai khi chính bản thân mình tự nhận ra điều đó. Tôi tâm niệm vậy và hi vọng rằng người bạn của tôi sẽ tự biết cách phải làm như thế nào.

Trong một tối đi chơi về khuya gần đây, đi ngang qua bục bảo vệ, “người bạn” của tôi đang miệt mài đọc đọc, chép chép gì đó rất say sưa. Ồ! Thì ra bác đang bắt đầu tự học tiếng Anh. Một sự khởi đầu mới trên tầng cao – bác đùa ngượng ngùng nói với tôi như vậy. Tôi mừng cho bác và nhắc nhở mình cần làm cấp số nhân độ cao. Mọi sự an phận, lười biếng đều làm ta tụt xuống dù sống sang trọng ở tầng rất cao.

Khi ở trên cao ban đầu trong suy nghĩ của tôi chỉ đơn giản là một cảm giác nhưng khi đứng chênh vênh trên độ cao thì tôi thấy nó không đơn giản là cảm giác thần kinh và thị giác nữa mà đã trở thành những câu chuyện rất riêng mà khi ta ở dưới mặt đất không thể nào tiếp cận được hoặc tiếp cận không đầy đủ. Khi ở trên cao, mọi thứ đều toàn diện và bao quát cho chúng ta cái nhìn đúng đắn về sự việc, cảm nhận được vẻ đẹp từ những cái xù xì, thô ráp nhất.

Ở trên cao mọi thứ đều tuyệt vời. Mọi thứ vươn lên cao đều đẹp đẽ và đáng được khích lệ. Tất nhiên ngoại trừ việc ai đó luôn cho mình hoặc đặt lợi ích của mình cao hơn người khác

Trọng Huy
.
.
.