Khi lòng tốt bị lợi dụng

Thứ Sáu, 17/07/2015, 08:17
Ở xứ sương mù vốn có nhiều chuyện lạ, nhưng nhắc tới người đàn ông có tên Damien Preston Booth thì nhiều người chắc không khỏi bật cười bởi anh ta có biệt danh là "gã ăn mày thông minh và sành điệu nhất thế giới". Suốt 5 năm qua, cứ thứ tư hằng tuần, Booth đi từ căn hộ thuê của mình ở Preston tới London, nơi anh đóng giả là người vô gia cư và đi hành khất với dáng vẻ tiều tụy, khốn khổ để người khác mủi lòng.
Tiếp đó, anh cố tìm mọi cách tiếp cận với những nhà tài trợ tiềm năng và cầu xin sự rộng lượng của họ. Không có gì là khó khăn với những người giàu có và nếu họ đồng ý cho tiền, Booth nhanh chóng rút máy đọc thẻ ra để chuyển toàn bộ số tiền vào tài khoản PayPal của mình. Máy đọc thẻ liên kêtë với chiếc điện thoại thông minh của Booth qua Bluetooth và những người cho tiền sẽ lập tức nhận được hóa đơn cho số tiền họ vừa bố thí.

Ăn xin mà chuyên nghiệp đến thế là cùng. Sự đầu tư chất xám của Booth trong quá trình "tác nghiệp" đã thu được hiệu quả cao tất nhiên phải kể đến sự may mắn và cả những "kỹ năng mềm" khác, song rõ ràng Booth đã làm được điều mà nhiều người khác không làm được. Sau mấy năm ngửa tay ăn xin, giờ Booth đã mua được nhà riêng, tự thưởng cho mình 5-6 kỳ nghỉ trong một năm tại những bãi biển nổi tiếng, có thể mua sắm một số vật dụng xa xỉ…

Minh họa của Tả Từ.

Chúng ta vẫn thường gặp những người ăn mày mỗi ngày trên đường, tất nhiên số này càng ngày càng ít hơn trước. Đa số họ là những người có thân phận thiệt thòi hay người bị tổn thương trong xã hội như ốm đau, bệnh tật, thiên tai hỏa hoạn, không nơi nương tựa… và với ánh mắt cầu xin cùng vẻ ngoài tiều tụy, chúng ta sẵn sàng cho họ những đồng bạc lẻ. Ai cũng mong muốn xã hội ngày càng tốt đẹp, người ăn mày không còn xuất hiện trên đường phố bởi sẽ có những tổ chức xã hội thu gom họ, tạo điều kiện để họ có cuộc sống ổn định hơn.

Điều đáng buồn là những người giả ăn mày vẫn không phải ít. Họ diễn khá "tròn vai" bằng những nhiều thủ đoạn khác nhau khi lôi kéo người tàn tật, người già và trẻ em vào cuộc. Tất nhiên, số tiền họ xin được cũng nhiều hơn. Thật chua xót, chúng ta đã bị lừa dối vì họ không đáng thương đến mức như vậy, nhất là số tiền đó không được chi vào những nhu cầu tối thiểu để tồn tại.

Mấy ngày qua, dư luận lại ồn ào câu chuyện về cậu thanh niên tên là Hào Anh. Năm năm trước, Hào Anh là một cái tên quá nổi tiếng trên các trang báo khi cậu bé bị hành hạ dã man tại trại tôm giống Minh Đức ở Đầm Dơi, Cà Mau. Khi vụ án kết thúc, cậu được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau một thời gian rồi về ở với mẹ trong một căn nhà trọ.

Cùng thời gian, cậu được rất nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài nước tặng tiền với mong muốn Hào Anh sẽ có cuộc sống tốt hơn như để bù đắp những thiệt thòi quá khứ. Năm 2014, khi đủ 18 tuổi, cậu được Sở LĐ-TB&XH Cà Mau trao gần 900 triệu đồng cả gốc và lãi của các nhà hảo tâm.

Với số tiền mà nhiều người cả đời mơ ước, Hào Anh dễ dàng sa ngã vào những cám dỗ vật chất và chơi bời hư hỏng. Ngoài việc mua nhà riêng, cậu còn thay 4 đời xe máy và hàng chục chiếc điện thoại Iphone. Tính cách Hào Anh cũng thay đổi theo chiều hướng xấu.

Và mới đây nhất, Hào Anh cùng người em họ đã bị Công an huyện Lạc Dương, Lâm Đồng bắt tạm giam 2 tháng về hành vi trộm cắp tài sản. Nó như điểm kết thúc tất yếu sau tất cả những gì đã xảy ra với một người từng sang chấn tâm lý và ít học hành, rèn luyện như Hào Anh.

Các nhà hảo tâm không có lỗi mà lỗi thuộc về các cơ quan hữu quan. Với một người như Hào Anh, biện pháp giải quyết không phải là trao một cục tiền rồi bỏ mặc mà cần phải chữa trị các "vết thương" về mặt tâm lý, tạo một cuộc sống ổn định, hướng thiện và hòa nhập cộng đồng. Chỉ có cách đó, những người bị tổn thương nói chung và Hào Anh nói riêng mới có điều kiện quên dần quá khứ, tiếp cận với môi trường lành mạnh và có suy nghĩ tích cực.

Đâu đó trong dòng chảy cuộc sống, chúng ta vẫn gặp những người có thân phận thiệt thòi, nhưng họ đã không gục ngã. Với tinh thần tương thân tương ái của các nhà hảo tâm, sự chung tay giúp đỡ của chính quyền các cấp và ý thức vươn lên của những người đó, họ đã vượt lên số phận, có đóng góp cho xã hội và điều quan trọng hơn, họ vẫn hòa nhập với tư cách là một cá nhân không khuyết tật về tâm hồn.Điều này thật đáng quý và cần nhân rộng.

Tuấn Nguyễn
.
.
.