Thư gửi chiều thứ Năm:

Khi người giống… chuột

Thứ Ba, 05/06/2012, 10:33

Em là chuột. Không phải chuột cống, chuột chù, hay chuột nhắt, mà là chuột bạch. Nếu chuột cống, chuột chù và chuột nhắt là kẻ thù của loài người thì em lại là công cụ cho những nghiên cứu y tế của loài người. Không biết từ bao giờ mà xưa nay cứ hễ cần nghiên cứu, cần thí nghiệm, cần mổ xẻ là loài người lại lôi chuột bạch nhà em ra.

Trong thư này, em không có ý than vãn về "cuộc đời thí nghiệm" của chúng em, dù nói thật, nếu có kiếp sau, chắc chắn em sẽ không chấp nhận trở thành một "cuộc đời thí nghiệm". Bởi, sống ở trên đời chỉ để cho người ta dùng làm… thí nghiệm thì chán lắm. Chán đến cùng cực. 

Nghĩ thế nên cả họ chuột nhà em không khỏi bàng hoàng, sửng sốt khi biết rằng những ngày này, hàng trăm, hàng ngàn ông bố bà mẹ ở Thủ đô Hà Nội lại phải tranh nhau, đánh nhau, cắn xé nhau để cho con cái của mình được trở thành… vật thí nghiệm.

Vẫn là chuyện các ông bố bà mẹ chen chúc nhau  xin học cho con ở cái trường thực nghiệm trên phố Liễu Giai ấy mà. Thử nghĩ mà xem: đã gọi là "trường thực nghiệm" thì có nghĩa người ta đang thử nghiệm một cách dạy và học khác với bình thường. Và cũng có nghĩa tất cả những em học sinh ở trường này chính là những đối tượng để… thí nghiệm. Theo một thứ logic bình thường nhất thì giữa việc cho con cái mình theo học ở một trường thực nghiệm (qua đó, biến con cái mình thành những "vật thí nghiệm") với việc cho chúng theo học ở những trường chính quy, chính tắc, những trường không thực nghiệm, người ta tất yếu phải chọn phương án thứ hai.

Ấy thế mà các ông bố, bà mẹ  không chọn phương án thứ hai, mà lại đổ xô chọn phương án thứ nhất. Vì sao? Vì họ không nhận thức được sự đúng - sai? Đại vô lý, bởi đến tụi chuột chúng em còn nhận thức được thì con người không có lý do gì không nhận thức được. Vậy thì vì họ là những người yêu khoa học, yêu nghiên cứu, nên sẵn sàng biến con em mình thành công cụ nghiên cứu? Tiếp tục vô lý, vì tình yêu khoa học dù có lớn đến mấy cũng không thể đè lên tình mẫu tử.

Xem ra chỉ còn duy nhất cách giải thích này thôi: Với những gì đã sống, đã thấy, và đã hiểu thì họ - những ông bố, bà mẹ ấy chẳng thà đặt niềm tin vào những thứ giá trị đang được nghiên cứu, đang được thực nghiệm còn hơn đặt niềm tin vào những thứ chính tắc, những thứ mà về lý đã được thực nghiệm xong xuôi?

À, em còn nghe nói, bây giờ thì không riêng gì một cái trường thực nghiệm, mà mọi thứ giá trị đều nằm trong môi trường thực nghiệm, từ đồ ăn thực nghiệm, bác sĩ thực nghiệm, luật sư thực nghiệm, tòa án thực nghiệm đến cả tình yêu thực nghiệm, tất cả đều đang lên cơn sốt như nhau.

Em tự hỏi: Ở một xã hội mà người ta đua nhau tìm đến những thứ giá trị thực nghiệm, đua nhau biến mình và con em mình thành những vật thực nghiệm, mà cứ thế chạy xa, cứ thế ruồng bỏ những thứ giá trị chính tắc, đã được định hình thì phải chăng xã hội ấy đang chứa đựng trong nó một sự bất ổn, thậm chí, một cuộc khủng hoảng niềm tin?

Nhưng thôi, chuyện bất ổn hay niềm tin này nọ là chuyện riêng của con người. Với chuột bạch nhà em, thực sự tụi em có cảm giác vui vui khi thấy con người hóa ra lại có lúc tranh nhau biến mình thành những vật thí nghiệm y như… chuột.

Vui chứ, vì chưa bao giờ tụi em dám nghĩ có lúc con người lại giống… con chuột như bây giờ!

Phan Đăng
Ngày chuột bạch, tháng nổi hạch, năm đứt mạch tin yêu

.
.
.