Khi nơi ẩn náu cuối cùng mất an toàn

Thứ Hai, 28/09/2015, 13:20
Ở Hà Nội hay một số thành phố lớn, nếu phải kể tên những tòa nhà có kiến trúc đẹp, độc đáo, sang trọng, người ta sẽ nhắc tới những tòa nhà được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Nhỏ hơn là những biệt thự xinh xắn, có cổng sắt với khóm cây dây leo rủ xuống. Được sống trong những khu biệt thự như thế là mơ ước của tất cả mọi người.
Tôi còn nhớ, cách đây chục năm. Hồi đó trụ sở cơ quan cũ của tôi là một biệt thự Pháp cổ nằm trên một con phố vắng thuộc quận Đống Đa. Hôm đó, toàn cơ quan vừa họp giao ban xong, mọi người ra khỏi phòng được 2 phút thì một thanh xà gồ bằng gỗ lim dài gần nửa mét rơi từ trần nhà xuống khiến mọi người choáng váng. Nếu hôm đó, cuộc họp chưa tan và thanh xà gồ rơi xuống thì không biết hậu quả thế nào.

Và gần đây nhất, sau một đêm mưa tầm tã, Hà Nội không chỉ ngập úng nhiều nơi khiến việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn, mà một sự việc đau lòng đã xảy ra: Đó là việc sập một phần khu biệt thự Pháp cổ ở 107 phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội làm 2 người thiệt mạng và nhiều người bị thương.

Minh họa: Tả Từ.

Vâng, nếu ví các nhà biệt thự xây từ thời Pháp như những cô gái xinh đẹp thì chúng ta cũng phải chấp nhận một thực tế đau xót: Các cô gái xinh đẹp đó đã quá... già nua. Nếu không được bảo hành, tu sửa, tôn tạo định kỳ thì không chỉ nhà 107 Trần Hưng Đạo, mà nhiều nhà biệt thự Pháp cổ cũng có thể gây ra những tai họa tương tự.

Theo nhận định của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay, Hà Nội còn hơn 1.500 biệt thự Pháp cổ, hầu hết đã xuống cấp nghiêm trọng. Hàng trăm biệt thự bị cơi nới, lấn chiếm, thậm chí bị biến dạng, tình trạng tranh chấp tại đây rất phức tạp. Biệt thự thuộc sở hữu nhà nước cũng do hàng trăm cơ quan, doanh nghiệp quản lý, sử dụng. Việc sửa chữa, tôn tạo, khôi phục nguyên trạng với các biệt thự thuộc sở hữu nhà nước còn đơn giản chứ với sở hữu tư nhân thì quả là khó khăn, nan giải dù chủ nhân của nó thừa hiểu ở trong những nhà biệt thự đó nguy hiểm đến mức nào.

Hà Nội không chỉ có các biệt thự Pháp cổ, những khu tập thể cũ nát được xây dựng cách đây gần nửa thế kỷ vẫn tồn tại như Nguyễn  Công Trứ, Văn Chương, Kim Liên, Giảng  Võ... Thời đó, ai được cơ quan phân phối cho một căn hộ ở đây là một vinh dự lớn. Nắng mưa thời gian đã làm những khu tập thể này xập xệ đến thảm hại. Những hộ có điều kiện đã "hạ cánh" xuống mặt đất hoặc chuyển đến một chung cư khác khang trang hơn. Hơn chục năm trước, người ta đã có ý định đập hết những khu tập thể này để xây dựng lại, tất nhiên có chính sách ưu tiên cho những chủ hộ cũ. Bàn đi tính lại, cuối cùng vẫn giậm chân tại chỗ vì chưa có được phương án tối ưu.

Còn giờ đây, dư luận lại lên tiếng về sự xuống cấp của 166 tòa nhà tái định cư trên địa bàn thành phố Hà Nội. Những người dân sống ở đây cho biết chất lượng nhà tái định cư có rất nhiều vấn đề đáng bàn. Đặc biệt, công tác quản lý, vận hành và sử dụng quỹ bảo trì nhà này còn nhiều vướng mắc. Một số tòa nhà thang máy hỏng, máy phát điện, hạ tầng xuống cấp không được sửa chữa, bảo dưỡng kịp thời, khiến chất lượng cuộc sống của các hộ dân cũng "xuống cấp" theo. Dọn về lúc nhà còn thơm mùi sơn, nhưng chỉ một, hai năm sau, người dân đã thấy rõ nhiều vết rạn nứt, ngấm nước, tắc cống… Vẫn biết "tiền nào của nấy", nhưng sống trong những ngôi nhà thế này thì thật mệt mỏi.

Tất nhiên, các cơ quan hữu quan sẽ có trách nhiệm giải quyết việc này trên tinh thần nhà nước và nhân dân cùng làm. Song, điều quan trọng là phải tạo được sự đồng thuận giữa các bên.

Người Nhật coi ngôi nhà mình sống là "nơi ẩn náu cuối cùng". Đó là nơi lưu giữ nhiều bí mật cá nhân và cũng là an toàn nhất sau những giờ vắt kiệt sức bên ngoài. Họ ít có nhu cầu tiếp đón bạn bè, đồng nghiệp ở nhà, tất cả được giải quyết ở công sở, nhà hàng. Còn với cá nhân tôi, một khi "nơi ẩn náu cuối cùng" mà luôn canh cánh nỗi lo nhà sập, nhà đổ thì quả là bi kịch.

Tuấn Nguyễn
.
.
.