Khi sự tử tế đi vắng

Thứ Hai, 01/08/2016, 15:43
Khi sự tử tế đi vắng điều gì đã xảy ra. Chúng ta đã nhìn thấy rất rõ trong câu chuyện này. Linh hồn em bé chín tháng chấp nhận sự thiệt thòi số phận nhưng chắc chắn không bao giờ dung thứ cho những kẻ lòng lạnh như đá tảng. Họ phải trả giá nhưng cái giá ấy xã hội sẽ phải gánh chịu.


Thưa độc giả yêu quý.

Câu chuyện ở Bệnh viện Nhi Trung ương xảy ra đã được không ít ngày nhưng dường như dư âm của nó chưa hề lắng lại. Điều gì đã khiến nhóm bảo vệ của bệnh viện ngăn cản, không cho chiếc xe cấp cứu chở một bệnh nhi 9 tháng tuổi đang hấp hối được ra khỏi cổng bệnh viện dù trước đấy nó được chính nhóm bảo vệ này cho vào? 

Cộng đồng mạng đã lên tiếng đầy bức xúc và những phân tích của họ vô hình trung lại mở ra nhiều vấn đề cho một sự việc tưởng rất nhỏ này. Trong đó có một điều rất quan trọng đó là sự tử tế.

Tôi đã xem các clip được tung lên mạng. Hình ảnh bà mẹ gào khóc thậm chí là chửi rủa trong căm phẫn. Có người mẹ nào còn có thể giữ được bình tĩnh khi đứa con bé bỏng của mình đang cần được những nâng đỡ tinh thần cuối cùng trước khi trở về với đất. Em bé này đã được bệnh viện trả về trong sự bất lực của cả nhân viên y tế lẫn gia đình. 

Nguyện vọng tâm linh cho em được chết ở nhà đã bị chặn lại. Những thanh niên bảo vệ bệnh viện với một sự cứng rắn sắt đá đầy cửa quyền và hỗn xược đã làm việc thất nhân tâm đó dù họ chỉ là những thành viên của một công ty bảo vệ hợp đồng công việc với bệnh viện. 

Ở Bệnh viện Nhi Trung ương là Công ty cổ phần Bảo vệ AZ. Tâm lý của những người ít học lại được giao quyền dù là quyền giữ trật tự và kiểm soát cổng ra vào không chỉ ở bệnh viện mà có ở rất nhiều cơ quan công quyền tự cho mình cái quyền ấy. 

Tôi không ít lần giật mình khi gặp những cử chỉ nhận giấy tờ và ngôn ngữ xếch mé từ những bảo vê,å nhất là ở những cơ quan quan trọng. Hình như sự hách dịch cửa quyền được lặp đi lặp lại đến một lúc nào đó họ cho rằng ở những cơ quan ấy thì vị thế của họ tất nhiên cũng quan trọng và họ được quyền hành xử như vậy.

Những hình ảnh đau lòng này nhắc chúng ta rằng tình yêu thương gữa con người, sự tử tế trong hành xử là điều ai cũng phải thấm nhuần trong thực thi nhiệm vụ.

“Bệnh viện luôn là một nơi có quá nhiều chuyện vui buồn. Nếu ai đã từng có người nhà nằm ở bất cứ bệnh viện nào, nhất là những viện lớn ở tuyến trên đều dễ dàng nhận ra sự quan trọng của lực lượng bảo vệ. Ngoài nhiệm vụ trông giữ xe, gác cổng, họ làm công tác ổn định trật tự, bảo vệ an ninh, kiểm soát duy trì các chế độ quy định như giờ giấc thăm bệnh nhân. 

Phải công nhận rằng ở trong bệnh viện là một thế giới rất phức tạp. Điều kiện cơ sở vật chất các bệnh viện ở ta chưa phải đã được có điều kiện tốt nhất. Thế nên người ốm có khi phải nằm ghép trong khi người nhà bệnh nhân chầu chực trong bệnh viện ở mọi ngóc ngách, hành lang, thậm chí là xó xỉnh. Nếu không có lực lượng bảo vệ thì chính những thành phần này đã làm hỗn loạn bệnh viện. 

Họ nấu nướng, giặt giũ, phơi phóng và nằm, ngồi rất mất mỹ quan và vệ sinh. Cũng chẳng ai muốn thế, cực chẳng đã vì hoàn cảnh họ mới sểnh nhà ra thất nghiệp như vậy. Và nữa nếu bệnh viện hiện đại đủ nhân viên chăm sóc bệnh nhân không cần người nhà, hoặc có những khu nhà dịch vụ dành riêng cho người nhà bệnh nhân thì đã chẳng nên chuyện. An ninh trật tự trong bệnh viện cũng là một vấn đề. Nạn trộm cắp không phải là ít. Cá biệt còn có vụ người nhà bệnh nhân tấn công nhân viên bệnh viện. 

Bất luận vì lý do gì thì việc làm này vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Những lúc như thế mới thấy sự quan trọng của bảo vệ. Họ bảo vệ trực tiếp sự an toàn cho không chỉ nhân viên mà cho cả bệnh nhân và người nhà của họ. Nói kỹ lưỡng thế này để thấy lực lượng bảo vệ luôn là cần thiết và chỗ dựa cho tất cả. 

Thực tế đa phần bảo vệ làm tốt công việc của họ. Sự việc xảy ra ở Bệnh viện Nhi Trung ương có lẽ là trường hợp hy hữu nên dư luận mới dậy sóng. Xin thưa không phải, chính cái chết của bé 9 tháng ngay tại cổng bệnh viện nhi mới làm tòi ra hiện trạng có sự dích dắc móc ngoặc nhau làm ăn ở chính bệnh viện. Đó là sự độc quyền đối với việc chuyên chở bệnh nhân. 

Việc chuyên chở thông thường là xe taxi còn những trường hợp cấp cứu hoặc bệnh nhân nặng thì phải dùng xe cứu thương để có sự hỗ trợ về y tế. Dễ giải thích vì sao bảo vệ không chấp nhận xe ngoài vào chuyên chở vì với sự độc quyền thì bổng lộc sẽ được nhiều hơn. Bệnh nhân không được thuê xe ngoài dẫn đến phải chấp nhận xe độc quyền hoặc của bệnh viện hoặc của hãng xe được chọn. 

Trong trường hợp Bệnh viện Nhi Trung ương là Hãng xe taxi ABC. Có sự móc ngoặc này nên khi bị đụng chạm quyền lợi nhóm bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương mới quyết liệt ngăn cản xe cứu thương chở em bé hấp hối đến thế. Gọi hành động này là gì nếu không phải là sự nhẫn tâm không còn tình người. Sự tử tế phận sự và lương tâm đã không được tính đến ở trường hợp này. 

Chính phản ứng của người lái xe cứu thương cùng gia đình cộng với thái độ bất bình của những người có mặt và đỉnh điểm là sự xuất hiện của Công an mới khiến các bảo vệ chùn tay và chấp nhận cho xe đi. Sự muộn mằn này đã dẫn đến hậu quả và trước hết những kẻ không có sự tử tế kia phải trả giá bằng quyết định sa thải.

Sẽ không có gì đáng bàn nữa ở sự việc này nếu chúng ta không nhìn nhận đến góc độ ứng xử của bệnh viện. Trong trường hợp này tuy vẫn có những mâu thuẫn trong trả lời báo chí của lãnh đạo bệnh viện nhưng phải công nhận Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Lê Thanh Hải đã không né tránh sự việc và nhanh chóng đưa ra quyết định xin lỗi và đền bù cho gia đình nạn nhân. Phải gọi trường hợp này là nạn nhân bởi hậu quả đã quá rõ ràng. 

Ông cũng thừa nhận đã ký kết hợp đồng độc quyền chuyên chở bệnh nhân với Hãng taxi ABC với lý do sân bệnh viện quá chật hẹp không đủ chỗ cho nhiều loại xe. Sự độc quyền nguy hiểm như thế đấy. Nó tạo ra móc ngoặc, tạo ra chèn ép với đủ mọi cung bậc. Hẳn chúng ta còn nhớ vụ giám đốc một bệnh viện Hà Nội bị chém cũng vì lình xình chuyện sử dụng xe riêng xe chung chuyên chở bệnh nhân. 

Nhân nói chuyện độc quyền, có một hiện trạng là do kinh phí thiếu nên ngành y cho các bệnh viện được phần nào đấy "xã hội hóa" để nhân viên cải thiện đời sống. Thế là bệnh viện có những chiếc xe "xã hội hóa" như cứu thương chuyên chở bệnh nhân của chính người bệnh viện đóng góp. Ngoài xe còn là máy móc xét nghiệm trong bệnh viện được "cổ phần hóa". 

Cách làm chẳng đáng chê trách nhưng nó tội tội làm sao ấy. Nó manh mún khiến bệnh viện như một cái hợp tác xã sơ khai thuở nào. Một bệnh viện hiện đại thì chẳng nên có những kiểu làm ăn hợp tác như vậy. Tôi nghĩ thế.

Thưa độc giả yêu quý.

Dạo này tất cả các bệnh viện ở khu vực Hà Nội đều thuê công ty bảo vệ. Có thể sự biên chế lực lượng bảo vệ ở bệnh viện tốn kém hơn và không tiện lợi bằng thuê nên mô hình thuê công ty bảo vệ được ngành Y áp dụng triệt để. Hà Nội cũng là nơi có nhiều cơ sở đào tạo và thu nhận lao động theo nghề bảo vệ. 

Họ được đào tạo chuyên môn bài bản, được huấn luyện các kỹ năng xử lý tình huống. Lẽ ra họ phải là những người chuyên nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ thì vụ cản xe ở Bệnh viện Nhi Trung ương lại nói lên điều ngược lại. Không biết trong giáo trình đào tạo những bảo vệ viên kia có được dạy về đạo đức nghề nghiệp? Tình thương yêu con người, sự tử tế trong hành xử phải là những điều mà bất cứ ai cũng phải thấm nhuần trong khi thực thi công vụ. 

Việc xảy ra ở Bệnh viện Nhi Trung ương là một bằng chứng cho thấy lãnh đạo bệnh viện đã buông lỏng quản lý, khoán trắng cho bộ phận quản trị hành chính nên sự độc quyền và nhũng nhiễu đã trở thành căn bệnh kinh niên. Ngay cả việc ký kết hợp đồng với công ty bảo vệ với hãng xe taxi độc quyền, dư luận cũng có quyền đòi hỏi sự minh bạch. 

Nghi ngờ là một điều rất buồn và chẳng nên với những người thày thuốc nhưng biết làm sao khi sự tử tế đang đi vắng ở nơi mà con người hành xử tàn độc với con người như vụ chặn xe tai tiếng kia.

Khi sự tử tế đi vắng điều gì đã xảy ra. Chúng ta đã nhìn thấy rất rõ trong câu chuyện này. Linh hồn em bé chín tháng chấp nhận sự thiệt thòi số phận nhưng chắc chắn không bao giờ dung thứ cho những kẻ lòng lạnh như đá tảng. Họ phải trả giá nhưng cái giá ấy xã hội sẽ phải gánh chịu. 

Một sự việc rất nhỏ không liên quan đến y đức nhưng lại làm tổn thương nghiêm trọng y đức của một bệnh viện. Sự tử tế là thế, nó chính là nền tảng của cuộc sống này. Nó đi vắng, cuộc sống sẽ chênh chao và muôn vàn bất hạnh sẽ đến. Buồn thay.

Huế 18-7-2016

Phạm Ngọc Tiến
.
.
.