Khi thế giới sử dụng tiền kỹ thuật số

Thứ Hai, 28/11/2016, 17:20
“Ngày càng có ít người sống ở Thụy Điển sử dụng tiền giấy và tiền xu, và dễ dàng thấy rằng, Riksbank (một trong những ngân hàng Thụy Điển lâu đời nhất thế giới) phải nghiên cứu xem liệu có nên phát hành tiền điện tử bổ sung hay không”, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thụy Điển, bà Cecilia Skingsley đã nói như vậy trong một tuyên bố mới đây.


Và điều này đồng nghĩa với việc, Thụy Điển đang tiến tới xã hội không tiền mặt, khi nghiên cứu để phát hành tiền kỹ thuật số. Dự kiến, Thụy Điển có thể phát hành tiền điện tử trong năm 2018.

Bởi một trong những điều kiện giúp Ngân hàng Trung ương Thụy Điển thực hiện kế hoạch này khi hầu hết người dân Thụy Điển đều có thể truy cập Internet thông qua máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng, và dễ dàng tiếp cận các hình thức thanh toán điện tử.

Người dân không có thói quen sử dụng tiền mặt là cơ sở để Riksbank phát hành tiền điện tử.

Theo tờ Daily Mail, Thụy Điển hiện đang có sự sụt giảm lớn trong việc sử dụng tiền giấy và tiền xu truyền thống, mở rộng thanh toán bằng thẻ tín dụng.

“So với những quầy đổi tiền truyền thống, đổi tiền điện tử sẽ dễ dàng và ít tốn phí hơn”, Giám đốc điều hành David Berger của Hội đồng ngoại tệ kỹ thuật số Digital Currency Council trao đổi với tờ Daily Mail.

Tuy nhiên, ông David Berger cũng cho rằng, tiền kỹ thuật số hiện chưa được chấp nhận thanh toán ở nhiều nơi tại Thụy Điển, nhưng con số này đang tăng lên.

Phó Thống đốc Cecilia Skingsley cho biết, Ngân hàng Trung ương đang nghiên cứu phát hành tiền kỹ thuật số (được Chính phủ quản lý với tên gọi e-krona) song song cùng đồng kroner đang lưu hành hiện nay.

Và đồng e-krona có thể là một chiếc thẻ, hoặc một ứng dụng các bạn sử dụng trên điện thoại, các ý tưởng vẫn đang rất linh hoạt. Đồng thời cho biết, việc phát hành tiền điện tử sẽ giúp người dân có thể thoải mái giao dịch mà không cần mở tài khoản ngân hàng hay dùng thẻ tín dụng như hiện nay.

Và đây là thời điểm ngành ngân hàng với lịch sử 300 năm của Thụy Điển phải thay đổi để chuẩn bị phát hành tiền điện tử e-krona. Tuy nhiên, vẫn có nhiều lo ngại trong việc phát hành tiền điện tử e-krona.

Ngoài lí do tiền ảo Bitcoin chưa được chấp nhận rộng rãi, giới chuyên gia còn cho rằng, tiền điện tử có thể bị lợi dụng trong hoạt động rửa tiền, buôn lậu và khủng bố.

Bên cạnh đó, người dân cũng cho thấy, tiền kỹ thuật số đồng nghĩa với việc họ sẽ có ít quyền kiểm soát đồng tiền của mình hơn, nguy cơ lộ thông tin lớn hơn...

Ngân hàng Trung ương Thụy Điển hi vọng, có thể giải quyết các vấn đề này, để chính thức đưa tiền điện tử vào sử dụng trong năm 2018.

Bởi trên thực tế, việc lưu hành tiền tệ ở Thụy Điển đã giảm 40% kể từ năm 2009. Theo thống kê, số tiền mặt lưu thông tại Thụy Điển giảm khoảng 1/3 trong 5 năm qua. Và các chi nhánh ngân hàng ở nước này đang ngừng tiếp nhận tiền mặt, trong khi máy rút tiền cũng không được thấy nhiều ở Thụy Điển.

Tiền giấy và tiền xu hiện hành của Thụy Điển.

Nhiều cửa hàng cũng không nhận thanh toán bằng tiền mặt và đó là lý do khiến Thụy Điển cân nhắc phát triển tiền kỹ thuật số e-krona.

Bởi ở Thụy Điển, 97% người dân có thẻ ngân hàng của riêng mình và tiền mặt ngày càng ít được ưa chuộng, và thanh toán thẻ tăng 50% trong 5 năm qua.

Có thống kê cho thấy, hiện chỉ có 1,5% GDP là giao dịch bằng tiền mặt. Và đó là những tín hiệu tích cực cho thấy, Thụy Điển có thể đã sẵn sàng cho một xã hội không tiền mặt.

Nhiều người còn nói rằng, đổi tiền là một trong những nguyên nhân gây phiền phức khi đi du lịch, và Thụy Điển, một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới, đang có kế hoạch giúp du khách giải quyết “vấn nạn” này.

Theo giới truyền thông, Thụy Điển chưa chắc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới không sử dụng tiền mặt. Và danh hiệu này có thể thuộc về Đan Mạch. Bởi hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ ở Đan Mạch hiện không thanh toán bằng tiền mặt.

Theo thống kê, 20 năm trước, tiền mặt chiếm 80% giao dịch mua bán ở Đan Mạch, nhưng tỷ lệ này hiện giảm còn dưới 25%. Bỉ, Pháp, Canada, Anh, Hà Lan, Mỹ, Hàn Quốc là những quốc gia có tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong tiêu dùng chiếm từ 70% đến 90%.

Được biết, Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) đang khuyến khích hình thức thanh toán điện tử. Và MAS sẽ sửa đổi những đạo luật về thanh toán hiện nay, để tiến tới sử dụng cả phương thức thanh toán truyền thống lẫn điện tử. Động thái này nhằm vực dậy nền kinh tế đang chững lại của Singapore, để đưa quốc gia này trở thành trung tâm công nghệ tài chính của châu Á.

Được biết, Singapore đang chuẩn bị dự án thử nghiệm một hình thức thanh toán mới, theo đó, tiền kỹ thuật số sẽ được lưu hành thử nghiệm với sự tham gia của thị trường chứng khoán và 8 ngân hàng tại nước này như Bank of America, Tokyo Mitsubishi, Credit Suisse, DBS, HSBC, JP Morgan, OCBC và UOB. Nền tảng kỹ thuật để Singapore nghiên cứu phát triển tiền kỹ thuật số là Blockchain.

Khắc Tuấn
.
.
.